COP28 trong nhãn quan giáo hoàng Phanxicô : Các tôn giáo cùng bảo vệ mái nhà chung

Đăng ngày: 23/11/2023

Tối 01/11/2023, Đức giáo hoàng Phanxicô đã trả lời phỏng vấn trực tiếp trên kênh truyền hình TG24 của Ý, nói đến việc ngài sẽ đi dự Hội nghị Khí hậu toàn cầu COP28 ở Dubai. Phòng báo chí Tòa Thánh Vatican đã xác nhận và trình bày chương trình của chuyến đi của Đức Phanxicô đến thủ đô Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất từ 30/11 – 02/12. Tại đây, ngài sẽ có bài phát biểutrước hội nghị quy tụ các nguyên thủ quốc gia nhằm bàn đến những vấn đề môi trường của thế giới.

Ảnh tư liệu: Giáo hoàng Phanxicô phát biểu tại thượng đỉnh Phát triển Bền vững 25-27/09/2015, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ.
Ảnh tư liệu: Giáo hoàng Phanxicô phát biểu tại thượng đỉnh Phát triển Bền vững 25-27/09/2015, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ. REUTERS/Adrees Latif

Tại sao Đức giáo hoàng Phanxicô, người đứng đầu một trong những tôn giáo lớn nhất trên thế giới, với giáo lý đặt con người làm trung tâm và làm chủ vũ trụ, lại quan tâm đến vấn đề môi trường như vậy ? Linh mục Phạm Hoàng Dũng nhận định từ Liège, Bỉ.

Mối tương quan giữa con người và vũ trụ

Giáo lý Công giáo nói gì về mối tương quan giữa con người và vũ trụ ? Trước tiên, giáo lý này đặt nền tảng trên việc hiểu thế nào về đoạn trích từ sách Sáng Thế, cuốn sách đầu tiên trong bộ Kinh Thánh. Đoạn trích nói về việc Thiên Chúa tạo dựng nên và chúc phúc lành cho con người: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất”.

Vậy ta hiểu thế nào về câu kinh thánh này? Trong giáo lý của Công giáo, Sách Thánh được viết ra dưới sự linh hứng của Thiên Chúa, chứ không phải do sự sáng tác của con người. Mặt khác, các sách thánh lại được viết ra bằng ngôn ngữ và trong bối cảnh của một địa phương, ở đây là Israel. Chưa kể sau đó lại được dịch ra các thứ tiếng khác, như đây là bản dịch tiếng Việt và có bao nhiêu bản dịch tiếng Việt lại là vấn đề.

Nhưng chúng ta không bàn về vấn đề dịch thuật ở đây. Đối với việc hiểu một bản văn Kinh thánh, phải có sự soi xét theo quan điểm của Giáo hội Công giáo, chứ không theo tự do cá nhân người đọc. Và việc đào sâu ba tầng ý nghĩa của bản văn, từ nghĩa theo mặt chữ tới nghĩa đen và nghĩa luân lý của bản văn.

Đề cập dài dòng về mặt kỹ thuật ở đây nhằm mục đích cho thấy từ lâu trong Giáo hội đã có sự hiểu chưa sâu với việc đặt con người làm trung tâm hay lên trên công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Điều này được Đức Phanxicô xác nhận và đặt lại trong tông huấn Laudate Deum (Chúng ta hãy ngợi ca Thiên Chúa), trong đó ngài tái khẳng định sự cấp bách trong vấn đề môi trường.

Phải chăng Đức Phanxicô quan tâm đến vấn đề môi trường hơn các vấn đề về đạo lý khác ?

Từ ngày lên kế vị Đức Benedict XVI, Đức Phanxicô đã viết hai tông huấn (Laudato Si’, 2016 và Laudato Deum 2023) và triệu tập một Thượng hội Đồng các giám mục vùng Amazon 2019, mà chủ đề chính xoay quanh các vấn đề về môi trường. Trước đó, chưa có vị giáo hoàng nào làm như vậy.

Đức Phanxicô là người đến từ vùng đất mà các vấn đề về đất đai, rừng cây, sông suối đụng chạm trực tiếp đến con người. Nhất là những người nghèo, những người phải bỏ sức và chính mạng sống để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như chặt phá rừng Amazon hay khai thác quặng mỏ, nhưng chính họ lại phải sống bên lề xã hội trong những khu ổ chuột, những khu bình dân bên cạnh những trung tâm công nghiệp gây ô nhiễm. Hay những người dân sinh ra và lớn lên trên những vùng đất mà những chính sách được hoạch định bởi các nhà chính trị và các chủ doanh nghiệp khiến họ bị bứt rễ hay xua đuổi khỏi chính mảnh đất nơi họ được sinh ra và lớn lên.

Cứu thế giới từ dưới lên

Vào ngày 4 tháng 10 năm 2023, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ban hành Tông huấn Laudate Deum (Chúng ta hãy ngợi ca Thiên Chúa ). Đây là phần tiếp theo của tông huấn Laudato si’ năm 2015, Đức Phanxicô một lần nữa kêu gọi tất cả những người có thiện chí cùng nhau hợp tác và gây áp lực lên các nhà lãnh đạo toàn cầu để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Tông huấn này nhắc lại những lập luận đã được đưa ra trong tông huấn cách nay gần mười năm nhằm chứng minh rằng những lời tiên đoán được đưa ra gần một thập kỷ trước – theo nhiều cách khác nhau – đã được ứng nghiệm.

Trong Laudato si’, Đức Phanxicô nêu lên khái niệm “sinh thái toàn diện”. Để chúng ta, với tư cách cá nhân, có thể đánh giá đầy đủ mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng khí hậu. Ngài nói rằng trước tiên chúng ta phải trải qua một “sự hoán cải sinh thái” và nhận ra mối liên hệ qua lại giữa sự hưng thịnh của chính chúng ta và sự hưng thịnh của người khác : Cả con người và sinh vật. Như ngài viết trong Laudate Deum, không gì có thể chứng minh mức độ nghiêm trọng của sự thật này một cách mạnh mẽ hơn đại dịch Covid-19. Nó “khẳng định rằng những gì xảy ra ở một nơi trên thế giới sẽ gây ra hậu quả cho toàn bộ hành tinh”.

Trong Laudato si’, Đức Phanxicô đã đặt ra khái niệm “mô hình kỹ trị”, một thuật ngữ gói gọn một thế giới quan tưởng tượng ra rằng “trong thực tế, sự tốt lành và sự thật tự động phát sinh từ sức mạnh của công nghệ và kinh tế”. Thế giới quan này là nguồn gốc của mọi vấn đề khiến chúng ta đau đầu.

Đức Phanxicô cảnh báo rằng mô hình này sẽ tạo điều kiện cho sự tàn phá dã man hơn bao giờ hết đối với sự sống con người và thế giới, nhằm theo đuổi ảo tưởng về tiến bộ công nghệ và kinh tế. Tám năm sau, ngài viết, “chúng tôi có thể xác nhận chẩn đoán này”. Ngài coi các cuộc chiến tranh mới về tài nguyên thiên nhiên và sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo là những biểu hiện của mong muốn ngoan cố hy sinh bản thân vì sự tiến bộ công nghệ và kinh tế.

Vào năm 2015, Đức Phanxicô đã đề cập đến sự kém hiệu quả của các cơ cấu quyền lực địa chính trị. Sau đó, ngài đã cảnh báo rằng “sự thất bại của các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về môi trường cho thấy rõ ràng rằng nền chính trị của chúng ta phụ thuộc vào công nghệ và tài chính”. Việc không đảm bảo được các cam kết về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại COP27 năm ngoái chỉ là ví dụ mới nhất cho điều này.

Tuy nhiên, trong tông huấn Laudate Deum, Đức Phanxicô viết, COP28 sắp tới ở Dubai có tiềm năng trở thành “một sự kiện lịch sử tôn vinh và tôn vinh chúng ta với tư cách là con người”, nơi mà các tôn giáo cùng chung tay hợp tác trong vấn đề này.

Hợp tác giữa các tôn giáo trong việc chống biến đổi khí hậu

Theo chương trình của Đức Phanxicô tại Hội Nghị COP28, vào Chủ Nhật, ngày 03/12, lúc 9 giờ sáng, Đức Thánh cha sẽ tham dự buổi khánh thành, “Nhà Tín Ngưỡng – Faith Pavillon”, trong Trung tâm Hội nghị. Khu nhà này có sáu mục đích chính yếu đối với COP28 :

  • Thứ nhất, nói lên sức mạnh của các tôn giáo và các vị lãnh đạo tôn giáo như những nhân tố thay đổi đối với các hoạt động về khí hậu.
  • Thứ hai, nêu bật những hoạt động cụ thể từ phía các tổ chức và các cộng đoàn tôn giáo nhằm kìm hãm sự thay đổi khí hậu.
  • Thứ ba, thúc đẩy sự liên kết ở cấp độ toàn cầu giữa các vị lãnh đạo tôn giáo nhằm cộng tác với nhau để hoạt động về khí hậu.
  • Thứ tư, khuyến khích các vị lãnh đạo tôn giáo dấn thân đối thoại chính trị và gợi hứng về những mong ước về sự biến đổi khí hậu nơi các phái đoàn chính phủ.
  • Thứ năm, để đạt được sự liên kết lịch sử đằng sau lời kêu gọi hành động về khí hậu, thống nhất.
  • Và cuối cùng, tối đa hóa hoạt động tập thể của các tác nhân tôn giáo hiện diện tại Hội nghị COP28.

Đây là kết quả của cuộc họp giữa đại diện của 30 vị đứng đầu các cộng đoàn tôn giáo lớn họp tại Dubai trong hai ngày 6 và 7 tháng 11, mà đại diện cho Đức Phanxicô là đức hồng y Pietro Paroli, Đức Imam của Đền thờ Hồi giáo Al-Azhar ở Cairo, Ai Cập và Đức Tổng giám mục Justin Welby của Liên hiệp Anh giáo cùng với các vị đại diện cho Chính thống giáo, Phật giáo, Do thái giáo, Hindu.

Các vị này đã ký vào một tuyên bố chung tái khẳng định quyết tâm của các tôn giáo góp phần chống lại sự thay đổi khí hậu, qua sự động viên các cộng đoàn tôn giáo liên hệ, đương đầu với cuộc khủng hoảng khí hậu và thỉnh cầu các nhà lãnh đạo chính trị đề ra các hoạt động cụ thể trong Hội nghị COP28. Tuyên ngôn được trao cho vị Chủ tịch Hội nghị COP28 là hoàng thân Ahmed Al Jaber, bộ trưởng Công nghệ và Kỹ thuật tân tiến của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Hồng y Parolin khẳng định  biến đổi khí hậu là một vấn đề thuộc lãnh vực trách nhiệm của các nhà chính trị, cũng như các nhà khoa học cùng những người khác. Nhưng sở dĩ có sự dấn thân của các vị lãnh đạo tôn giáo trong lãnh vực này là vì ở đây cũng có một chiều kích luân lý đạo đức, điều mà Tòa Thánh rất nhấn mạnh. Vì thế, đây là một đề tài mà một vị lãnh đạo tôn giáo cũng có tiếng nói và có thể thêm sự thúc đẩy cho quyết tâm hiện nay của thế giới đương đầu với vấn đề này.

Môi trường như điểm chung khởi đầu cho cuộc đối thoại liên tôn

Theo Đức cha Aldo Martinelli, đại diện tông tòa tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Oman và Yemen, Tuyên bố chung của các vị đứng đầu tôn giáo này là một “tuyên bố mạnh mẽ về ý định mà cả thế giới cần phải lắng nghe“. Ngài nói tiếp, ở góc độ này, các nhà lãnh đạo tôn giáo trở thành “những người bảo vệ niềm tin và nguyện vọng của đại đa số những người sống trên hành tinh” và “tiếng nói” cho nhiều cộng đồng “không được lắng nghe”.

Một sự kiện cũng được thế giới Hồi giáo chờ đợi, như được nhắc lại bởi Tổng thư ký Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo, Mohamed Abdelsalam người Ai Cập, theo đó sự hợp tác giữa đức tin và khoa học là nền tảng, cũng như sự hiện diện của các nhà lãnh đạo tôn giáo như Đức Giáo hoàng Phanxicô, như một minh chứng nữa cho tính “khẩn cấp” của cuộc khủng hoảng.

Yếu tố liên tôn” trong việc giải quyết các vấn đề khí hậu là “điểm trung tâm” và các tín ngưỡng “có nhiệm vụ chung là bảo vệ và thúc đẩy công trình sáng tạo”, vị đại diện Tông Tòa tiếp tục. “Đó là một khía cạnh thú vị – ông nói thêm – rằng các tôn giáo có thể hội tụ về các chủ đề sinh thái, tìm ra mảnh đất màu mỡ để gặp gỡ, so sánh, đối thoại và hiểu biết”, vốn đang mở rộng để bao trùm cả “di sản tinh thần và giáo lý”.

Để xác nhận tầm quan trọng, vị đại diện tông toà nhắc lại việc đã dành nhiều hơn một đoạn trong bức thư mục vụ đầu tiên gửi các tín hữu của giáo phận mà ngài đại diện được xuất bản gần đây: “Thiên Chúa kêu gọi chúng ta – Ngài viết – và thu hút chúng ta đến với Ngài qua vẻ đẹp của sinh vật và sự sống. Chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với vẻ đẹp, sự tốt lành và tình yêu. Cuộc sống là một ơn gọi, bởi vì thực tế là một sự khích lệ.” Ngài kết luận, khi chăm sóc thiên nhiên, ngôi nhà chung, người Kitô hữu tìm thấy mảnh đất màu mỡ để thực hiện sứ mệnh của mình và thiết lập mối quan hệ đối thoại với Hồi giáo và các tín đồ của các tôn giáo khác.

Con người trong mối tương quan bình đẳng với thế giới

Đức Phanxicô đã nói về việc tham gia COP28 tại Dubai trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 12/11, trong đó ngài kêu gọi các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô hãy cầu nguyện cho hội nghị đạt được các mục tiêu của mình. Một mục tiêu thiết yếu là mang lại sự sống – trong một thế giới ngày càng bị chia rẽ, xung đột và bạo lực – cho các chính sách chung và sự hợp tác hiệu quả nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và kiểm chứng tác động của biến đổi khí hậu.

Diễn từ về khí hậu và môi trường của Đức Phanxicô ta có thể tìm thấy qua văn bản hay hành động cụ thể trong các chuyến viếng thăm đến Canada (2022) nơi ngài xin lỗi về việc làm đối với thổ dân bản địa hay qua chuyến viếng thăm Mông Cổ (9/2023), nơi ngài đã mời gọi các tôn giáo cùng gìn giữ vẻ đẹp cho thảo nguyên đang bị nạn ô nhiễm và khai thác tài nguyên khoáng sản xâm chiếm.

Vì nói cho cùng, chống ô nhiễm và biến đổi khí hậu chính là vì con người, như ngài đã lên tiếng cảnh báo trước nạn di dân đang trở thành vấn nạn cho vùng Địa Trung Hải trong chuyến viếng thăm Marseille, miền nam nước Pháp vừa qua. Tại đây, ngài đã gặp gỡ với các giám mục đang dự hội nghị về vùng Địa Trung Hải.

Ta cũng thấy sự phát triển trong suy tư của Đức Giáo Hoàng về tình trạng sự sống của toàn thể sinh vật. Trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã tìm cách thúc đẩy Giáo hội thoát khỏi chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm đã ăn sâu vào truyền thống Kitô giáo. Mà Tông Huấn Laudate Deum cho thấy điều này. Đức Phanxicô nói với chúng ta: “Cuộc sống của con người sẽ không thể hiểu được và không thể bền vững nếu không có các sinh vật khác. Là một phần của vũ trụ, tất cả chúng ta được liên kết với nhau bằng những mối liên kết vô hình và cùng nhau tạo thành một loại gia đình phổ quát.”

Không bền vững” chúng ta có thể đọc qua lăng kính lấy con người làm trung tâm – nhưng “không thể hiểu được”? Có lẽ sự lựa chọn từ ngữ này là sự thừa nhận của các học giả làm việc trong lĩnh vực đối thoại giữa thần học và khoa học tự nhiên, những người đã tìm cách chứng minh các động lực xã hội và thậm chí cả đạo đức phức tạp đã tồn tại giữa con người và sinh vật trong nhiều thiên niên kỷ. Theo họ, chỉ thông qua sự tương tác của chúng ta với những sinh vật không phải con người mà chúng ta mới trở thành con người thành toàn.

Bà Ségolène Royal, nguyên bộ trưởng Môi Trường Pháp và Chủ tịch của COP21 (2015) tại Paris, khi đón nhận tin về chuyến đi Dubai dự Hội Nghị COP28, đã ca ngợi khả năng của Đức giáo hoàng Phanxicô trong việc  “đánh động lương tâm” và diễn từ của ngài về một “hệ sinh thái toàn diện”.

RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment