November 23, 2023
Một người tên Tiệp từng giúp Trương Mỹ Lan giao cho ông Dũng 20 tỷ để ông Dũng chuyển cho ông Ngọ. Trước tòa, ông Dũng khai rất rõ ràng rằng lúc đó, nhân vật tên Tiệp bảo ông Dũng: “Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang.”
Năm 2012 – thời điểm công an Việt Nam khởi tố vụ án “tham ô tài sản” xảy ra ở Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines (mua ụ nổi đã hết hạn sử dụng với giá 2,3 triệu Mỹ kim rồi nâng lên thành… 19 triệu Mỹ kim, chưa kể còn áp dụng phương thức này trong nhiều dự án đầu tư khác để nâng khống giá trị, chiếm đoạt số tiền tính bằng ngàn tỷ đồng), Dương Chí Dũng, cựu Tổng Giám đốc, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, đột nhiên biến mất ngay trước ngày công an thực hiện lệnh bắt.
Sau khi bị dẫn độ về Việt Nam, phải ra tòa, trước tòa, ông Dũng khai chính ông Phạm Quý Ngọ – Thượng tướng, Thứ trưởng Công an, Trưởng Ban chuyên án Vinalines gọi điện thoại để khuyên ông bỏ trốn… Ông Dũng còn khai thêm nhiều chuyện động trời khác…
Chẳng hạn một người tên Tiệp từng giúp Trương Mỹ Lan giao cho ông Dũng 20 tỷ để ông Dũng chuyển cho ông Ngọ. Trước tòa, ông Dũng khai rất rõ ràng rằng lúc đó, nhân vật tên Tiệp bảo ông Dũng: “Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an – để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa…”
Cũng theo lời ông Dũng: Sau đó ít ngày, tôi có đến thăm gia đình anh Quang. Ngồi ở phòng khách có hai anh em, anh Quang tự nói ra những chuyện đó. Chính anh Quang Bộ trưởng nói ra và tôi cũng báo cáo lại với anh Quang là anh Ngọ có giới thiệu công ty như thế… Anh Quang bảo chú cứ làm đúng nguyên tắc, đúng luật. Chọn đơn vị nào có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín tham gia. Không phải ngại ai can thiệp cả. Ông Dũng còn khai thêm ông từng đưa 30.000 Mỹ kim cho hai sĩ quan của C48…
Không rõ có phải vì thành khẩn như đã tường thuật hay không mà kết quả chung thẩm vẫn là Dương Chí Dũng bị phạt tử hình. Tháng sau, 2/2014, Phạm Quý Ngọ đột tử. Cả đơn tố cáo mà Dương Chí Dũng gửi nhiều lãnh đạo đảng, nhà nước sau phiên xử sơ thẩm lẫn lời khai của ông tại phiên xử phúc thẩm chỉ khuấy động dư luận được một thời gian ngắn rồi rơi tõm vào quên lãng. Toàn bộ hệ thống tư pháp, từ Tòa án, Viện Kiểm sát tới Bộ Công an không làm gì cả ngoài chuyện Bộ Công an công bố quyết định khởi tố phóng viên Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt vì trong tường thuật về phiên phúc thẩm ông Dũng đã ám chỉ Thiếu tướng Trần Quang Tiệp, trợ lý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trong khi Dũng khai tên người đưa tiền là ‘Tiệc’…
Tháng 4/2016, Trần Đại Quang thôi làm Bộ trưởng Công an để đảm nhận vai trò Chủ tịch nước. Tháng 8/2017 giới hữu trách ở Việt Nam quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của SCB từ 30/6/2014. Xin lưu ý bà Trương Mỹ Lan và VTP Group đã nổi tiếng về khả năng “chọc Trời, khuấy nước” từ lâu và từ lâu, công chúng đã thắc mắc tại sao bà Trương Mỹ Lan cũng như VTP Group có thể làm được những chuyện khó tưởng như đã biết.
SCB hình thành từ ba ngân hàng là Sài Gòn, Tín Nghĩa, Đệ Nhất. Bà Lan chỉ có thể sử dụng SCB như công cụ kể từ 2012. Vì sao đề cao “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật” nhưng hệ thống tư pháp lại bỏ qua những lời khai của ông Dương Chí Dũng, không “mở rộng điều tra” như vẫn làm thế?
Nếu công an Việt Nam thật sự “chí công vô tư”, thật sự có trách nhiệm trong việc bảo vệ, thực thi pháp luật thì bà Lan có thể lũng đoạn hoạt động của SCB trong mười năm và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như công an vừa công bố hay không?
Đồng Phụng Việt