Cảnh sát Thái Lan bắt giữ 11 người Thượng tị nạn, hàng nghìn người khác sống trong lo lắng

RFA
2023.11.27

sharethis sharing button

Cảnh sát Thái Lan bắt giữ 11 người Thượng tị nạn, hàng nghìn người khác sống trong lo lắng

Cảnh sát Thái Lan bắt giữ 11 người Thượng tị nạn ngày 24/11/2023

 MSFJ

Cảnh sát Thái Lan bắt giữ 11 người Thượng tị nạn, hàng nghìn người khác sống trong lo lắng

Vào thứ sáu tuần trước (24/11), Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và cơ quan di trú đã bắt giữ 11 người Thượng đang sống tị nạn ở gần thủ đô Bangkok. Biện pháp này khiến hàng nghìn người khác cùng tình cảnh sống trong lo lắng vì sợ trở thành nạn nhân tiếp theo.

Trong thời gian gần đây, Cảnh sát Thái Lan tăng cường kiểm tra các khu nhà cho người tị nạn thuê, theo ông Y Quynh Buondap, thành viên của tổ chức Người Thượng Vì Công lý (MSFJ) và cũng là một người tị nạn ở Thái Lan trong nhiều năm qua.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào sáng ngày 27/11 về tình cảnh của khoảng 2.000 người Thượng đang sống tị nạn ở khu vực xung quanh Bangkok:

Người Thượng sống trong lo lắng và sợ hãi, bị những cái người lạ bám theo theo dõi mỗi khi ra ngoài, thường xuyên có người đến chụp hình khu nhà trọ của người Thượng tị nạn.”

Về vụ bắt giữ cách đây ba ngày, ông cho biết:

Sáng ngày 24/11, rất là nhiều xe Cảnh sát và Quản lý Xuất Nhập Cảnh Thái Lan tới khu của người Thượng tị nạn và gõ cửa và nói bằng tiếng Việt yêu cầu mở cửa. Cộng đồng người tị nạn đang ngủ và không biết chuyện gì xảy ra. Một số người không mở cửa thì cảnh sát đã cạy cửa và phá cửa để xông vào tìm người, thấy đàn ông là bắt hết.

Họ tuyên bố là có thẻ UN (thẻ công nhận quy chế tị nạn cấp bởi Liên Hiệp quốc- PV) hay không đều là sống bất hợp pháp và Thái Lan không chứa chấp người bất hợp pháp. Những người này bị đưa đi giam giữ ở đồn cảnh sát Bangyai.”

Ông cho biết tình hình hiện nay rất là căng thẳng, và theo một số nguồn tin thì phụ nữ cũng có thể bị bắt nếu không có trẻ em.

Nhà hoạt động nhân quyền này cho biết phía Cảnh sát chưa đưa ra đề nghị gì nên Văn phòng Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR) ở Thái Lan và các văn phòng luật sư cũng chưa có biện pháp nào cứu giúp những người này.

Ông cho biết người tị nạn bên ngoài rất lo lắng. Để tránh bị bắt, đàn ông tị nạn phải rời khỏi nhà để đi lánh. Người thì chạy vào chùa, người thì lánh vào bụi cây để ngủ. Cảnh sát Thái Lan vào các khu nhà trọ của người tị nạn cả ngày lẫn đêm để kiểm tra khiến nhiều người tị nạn không về được nhà trọ của mình.

Ông Thoan Siu là người cùng gia đình sang tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018, và cả nhà đã được cấp quy chế tị nạn bởi UNHCR. Ông có con trai tên Nay-Luyn bị bắt tuần trước. Ông thuật lại:

11 người Tây Nguyên đang ở nhà đang nằm ở nhà đang ngủ ở khu Kèo Tha wom Bangyai bị bắt lúc 6 giờ sáng ngày 24/11. Cảnh sát Thái Lan truy quét, họ bắt cả những người đã đậu quy chế (tị nạn- PV) rồi.”

Là một người phải trốn chạy khỏi Việt Nam vì bị cướp đất và ngăn cản thực hành tự do tôn giáo, ông Thoan Siu nói về tâm trạng của ông và những người tị nạn khác:

Rất hoang mang tại vì ở Việt Nam người ta cũng đuổi bắt bây giờ ở Thái người ta cũng đuổi bắt. Rất nhiều người tị nạn lo lắng cho cuộc sống từng ngày, không biết tương lai sẽ về đâu.”

Cô Hleo Nie là mẹ của hai đứa trẻ còn đang học tiểu học. Gia đình cô sang Thái Lan lánh nạn từ hai năm trước đây nhưng mới được UNHCR phỏng vấn tháng trước. Chồng của cô, anh Y Khuong Eban nằm trong số những người bị bắt tuần trước. 

Việc chồng bị bắt giữ khiến cuộc sống của gia đình cô rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Cô nói với RFA:

Tôi rất lo lắng và sợ hãi không biết đi đâu nữa. Với lại gia đình tôi chưa có quy chế tị nạn. Chúng tôi vừa mới phỏng vấn cách đây một tháng. Chúng tôi ở đây lo đủ điều,  không có tiền phòng , không tiền sinh hoạt hàng ngày, và bệnh tật đâu triền miên. Hiện tại cảnh sát Thái vẫn đang truy quét. Họ nói có thể bắt cả phụ nữ.” 

Phóng viên có gọi điện cho Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và Cảnh sát khu vực Bangyai để hỏi thông tin về những người bị bắt nhưng không ai nghe máy.

Phóng viên cũng gọi điện cho Văn phòng UNHCR ở Bangkok nhưng đường dây luôn báo bận.

Một luật sư của một văn phòng chuyên hỗ trợ cho người tị nạn ở Bangkok, người không muốn xưng danh và tên tổ chức của mình, xác nhận với RFA về việc bắt giữ 11 người Việt Nam.

Vị luật sư này cho biết vào sáng Chủ nhật, tất cả những người bị bắt đã đưa ra toà và bị kết tội nhập cảnh bất hợp pháp vào Thái Lan và sống bất hợp pháp tại nước này.

Ông cho biết mỗi người bị buộc nộp số tiền phí ra toà là 5.000 bạt, và sẽ bị đưa vào Trung tâm gia giữ người nhập cảnh bất hợp pháp (IDC) ở Bangkok trong tuần này.

Ông cũng cho biết để được rời khỏi IDC, một trong những điều kiện là người bị giam giữ ở nơi này phải trả số tiền thế chân là 50.000 bạt, một số tiền rất lớn đối với một người tị nạn không có công việc hợp pháp và ổn định.

Tổ chức của ông đang tìm kiếm nguồn tài chính và xem xét khả năng trợ giúp những người bị bắt và gia đình của họ, ông nói thêm.

Theo ông Y Quynh Buondap, số người Thượng bị bắt trong thời gian mấy tháng gần đây là 17 người, chín người trong số họ đã được cấp quy chế tị nạn của UNHCR.

Hai trong số họ bị bắt giữ vào tháng 8, bốn người bị bắt trong ngày 20/11. Tất cả họ hiện nay đang bị giam giữ ở IDC.

Số người Thượng đang tị nạn ở Thái Lan đông nhất, khoảng 2.000 người. Bên cạnh đó còn có cộng đồng tị nạn của hàng trăm người Hmong, Khmer, và hàng chục người hoạt động người Việt.

Số người tị nạn Việt Nam được bố trí đi định cư ở nước thứ ba không nhiều, và hàng nghìn người còn bị kẹt lại Thái Lan đang phải sống một cách rất vất vả vì Thái Lan chưa ký Công ước quốc tế về người tị nạn (1951) nên họ không được lao động. Một số đi làm chui nhưng bị chủ lao động trả công thấp, số còn lại buôn bán lặt vặt hoặc đi thu lượm rau và rác.

Bài Liên Quan

Leave a Comment