28 tháng 11 2023
Cô Yekaterina Duntsova, một người muốn ra tranh cử tổng thống Nga, nói rằng Điện Kremlin nên chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, thả các tù nhân chính trị và tiến hành cải cách mạnh mẽ để chống lại việc trượt vào một kỷ nguyên mới “dựng hàng rào kẽm gai” chia rẽ giữa Nga và Phương Tây, trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.
Gần 32 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nước Nga đã được kỳ vọng sẽ trở thành một nền dân chủ mang tính cởi mở.
Duntsova, 40 tuổi, nói bản thân cô lo sợ, khi trả lời phỏng vấn của Reuters từ Moscow.
“Nỗi lo sợ là thường trực nhưng có thể ý thức được,” Duntsova nói, người hồi tháng này tuyên bố muốn ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 3/2024.
“Bất kỳ một người tỉnh táo nào đi bước này đều cảm thấy sợ hãi – nhưng không thể để nỗi sợ thống trị.”
Cô cho biết thêm bản thân phải cẩn trọng trong lựa chọn từ ngữ bởi vì luật pháp Nga được phép sử dụng để truy tố những người chỉ trích điều mà Điện Kremlin gọi là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, và cô đã được cảnh báo vì nói chuyện quá nhiều với cánh phóng viên nước ngoài.
Cựu nhà báo truyền hình trong vùng, người có ba con, đã từ chối dùng từ “chiến tranh” để mô tả cuộc xung đột chết chóc nhất tại châu Âu, kể từ Thế chiến lần hai, viện dẫn luật pháp Nga.
“Sớm hay muộn, mọi cuộc xung đột vũ trang phải kết thúc, và tôi hy vọng cuộc xung đột này sẽ kết thúc sớm nhất có thể,” cô Duntsova nói.
“Mọi người đã quá mỏi mệt về chuyện đang xảy ra. Nhưng sự mỏi mệt đó không được lên tiếng.”
Cô từ chối mô tả một nền hòa bình khả thi có thể là thế nào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng Ba tới, và chắc chắn sẽ giành chiến thắng nếu quyết định vậy.
Cô Duntsova nói cần thu thập 300.000 chữ ký để ra tranh cử. Truyền thông nhà nước Nga đã bỏ mặc cô ấy.
Nước Nga của Putin
Các chính trị gia đối lập cho rằng cuộc bầu cử là một sự che đậy nền dân chủ được tô vẽ từ điều mà họ xem là nền độc tài tha hóa trong nước Nga của Putin.
Các cuộc bầu cử như vậy, họ cho rằng, thường chỉ có những ứng viên yếu kém để tạo một vỏ bọc là có những ứng viên cạnh tranh.
Giới ủng hộ Putin bác bỏ phân tích như vậy, chỉ ra những cuộc thăm dò độc lập cho thấy vị tổng thống Nga vẫn nhận được tỷ lệ ủng hộ hơn 80%. Họ nói Putin đã phục hồi trật tự và một trong số các sự ảnh hưởng mà Nga đã đánh mất trong thời gian hỗn loạn khi Liên Xô sụp đổ.
Khi được hỏi cô nghĩ gì về Putin, Duntsova mỉm cười một cách lo lắng.
“Tôi không nghĩ về Putin,” cô nói. “Khi châu Âu và Mỹ nói nước Nga và người Nga là Putin – điều này không đúng. Tôi không phải là người ủng hộ về dạng tội lỗi tập thể này,” cô đề cập đến cuộc chiến tranh Ukraine.
“Quyết định đang không được đưa ra từ tất cả người dân sống tại quốc gia này.”
Duntsova nói cô không phải là một con tốt thí được sử dụng để chính danh hóa cuộc bầu cử và hy vọng sẽ có vòng hai. Cô bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào với Điện Kremlin.
“Không phải Kremlin, giới tài phiệt hay tập đoàn lớn nào – họ không hậu thuẫn tôi,” cô khẳng định.
Khi được hỏi về lời chỉ trích theo chủ nghĩa dân tộc, theo đó, cho rằng nhiều người ủng hộ nền dân chủ tự do tại Nga là điệp viên cài cắm của tình báo Phương Tây nhằm phá hủy nước Nga, cô nói: “Tôi không phải là điệp viên của CIA.”
Cô đưa ra một bình luận mỉa mai, rằng thật là tin tốt khi cô không bị Bộ Tư pháp Nga xếp loại là “điệp viên nước ngoài”.
“Tôi yêu đất nước tôi,” Duntsova nói, người sinh ra ở thành phố Krasnoyarsk, vùng Siberia, và sống tại thị trấn Rzhev, vùng Tver cho biết.
Một cuộc chiến tranh Lạnh mới?
Các công tố viên Nga đã triệu tập cô ấy hồi tuần rồi, để thảo luận về các quan điểm chính trị, bao gồm về “chiến tranh và hòa bình”.
Duntsova cười nhẹ khi được hỏi về một bài báo trên mạng của Nga khi cô bị gọi là “nữ hoàng Yekaterina đệ Tam”, và cho biết những người anh hùng của cô là lãnh đạo Ấn Độ, Indira Gandhi và cố Thủ tướng Nelson Mandela của Nam Phi.
Cô nói Nga nên thả các tù nhân chính trị, bao gồm Alexandra Skochilenko, Andrei Pivovarov, Ilya Yashin, Vladimir Kara-Murza và thậm chí Alexei Navalny.
Đề xuất của Duntsova về việc phân bổ “quyền lực theo phương dọc” (power vertical), một chủ nghĩa yêu nước trống rỗng và trao quyền lực cho quốc hội quyền lực sẽ dẫn đến một cuộc cải cách chấn động tại Nga.
Cô cho biết những người theo đường lối cứng rắn ở Phương Tây và Nga sẽ vui mừng khi thấy nước Nga cô lập mình với thế giới.
“Mỗi ngày, càng trở nên rõ ràng là luật pháp sẽ trở nên hà khắc hơn và có ít quyền và sự tự do hơn,” cô Duntsova nói.
“Tôi cũng thật sự có cảm giác chúng tôi đã hoàn toàn đóng cửa rồi và sẵn sàng dựng nên một hàng rào kẽm gai.”