Virgin Atlantic lần đầu tiên có chuyến bay xuyên Đại Tây Dương chỉ dùng nhiên liệu xanh.
Tuy là phi cơ dân dụng, chiếc máy bay của công ty Anh không chở hành khách, và cất cánh từ phi trường Heathrow, London để bay tới sân bay JKF của New York trong ngày 28/11.
Nhiên liệu hàng không bền vững (sustainable aviation fuels – SAF) là chất đốt pha trộn từ nhiều nguồn, gồm cả nguồn thực vật, chất thải, dầu ăn.
Trong chuyến bay hôm nay, chiếc Boeing 787 của công ty tư nhân Anh đã mang đầy 50 tấn SAF.
Đây là kết quả của một dự án với nhiều công ty cùng tham gia, gồm cả nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce và tập đoàn năng lượng BP.
Mục tiêu đặt ra là chứng minh khả năng bay xuyên Đại Tây Dương bằng phi cơ hành khách, sử dụng nguồn nhiên liệu không có gốc hóa thạch (dầu lửa).
Tuy vẫn thải ra CO2, động cơ máy bay dùng SAF mà có tên gọi khác là ‘nhiên liệu xanh’ (green fuel), số lượng khí thải có thể thấp hơn xăng máy bay tới 70%.
Ở châu Á, hồi tháng 6/2022 hãng hàng không Malaysia lần đầu tiên đã khai thác chuyến bay chở khách dùng nhiên liệu xanh và đến tháng 10/2023, Indonesia có chuyến bay tương tự.
Các chuyến bay này dùng phần nhiên liệu xanh pha trộn với phần trăm lớn dầu cọ, loại chất đốt có sẵn trong vùng. Tuy thế đây là các chuyến bay ngắn, trong vùng Đông Nam Á.
Còn tuần này, chuyến bay của Virgin Atlantic sẽ vượt qua trên 5.500 km, từ Anh sang Mỹ, dùng chất đốt trộn 88% chất mỡ phế thải và phần còn lại là thứ phẩm từ ngô của Mỹ.
Theo số liệu của IATA năm 2019, ngành hàng không tiêu thụ gần 8% sản phẩm xăng, dầu toàn cầu, trong đó phi cơ chở khách chiếm hơn 90%.
Các chuyến bay thải ra môi trường trung bình 1 tỷ tấn CO2/ năm và việc tìm nguồn nhiên liệu xanh, sạch thay thế cho xăng dầu đã là một thách thức lớn để ngành hàng không đạt Net Zero.