Biển Đông: Pháp can dự mạnh mẽ hơn bên cạnh Philippines?

Sau Mỹ, Úc và Nhật Bản, phải chăng Pháp sẽ là nước đầu tiên tại châu Âu can dự mạnh mẽ hơn vào vấn đề Biển Đông, đáp ứng lời kêu gọi của Philippines muốn được giúp đỡ để đối phó với các động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc? Câu hỏi này đang được đặt ra trong những ngày cuối năm 2023 này, sau một loạt tuyên bố của hai lãnh đạo ngành ngoại giao và quốc phòng Pháp trong khuôn khổ vòng công du tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đăng ngày: 05/12/2023

Bộ trưởng Quân Lực Pháp Sebastien Lecornu (T) phát biểu bên cạnh bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro trong cuộc họp báo chung tại một khách sạn ở Manila, Philippines, ngày 02 /12/2023.
Bộ trưởng Quân Lực Pháp Sebastien Lecornu (T) phát biểu bên cạnh bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro trong cuộc họp báo chung tại một khách sạn ở Manila, Philippines, ngày 02 /12/2023. AP – Ted Aljibe

Trọng Nghĩa

Thái độ quan tâm đến Biển Đông của Paris đã được chính bộ trưởng bộ Quân Lực (tức bộ Quốc Phòng) Pháp Sébastien Lecornu nêu bật hôm 02/12/2023 khi ông cùng với đồng nhiệm Philippines Gilberto Teodoro Jr. nhất trí siết chặt hơn nữa quan hệ quân sự và quốc phòng song phương, đặc biệt là khởi động tiến trình đàm phán về một thỏa thuận an ninh chung cho phép quân đội hai nước hiện diện trên lãnh thổ của nhau.

Theo hãng tin Mỹ AP, bộ trưởng Pháp xác định rằng mục tiêu đầu tiên của việc tăng cường quan hệ quốc phòng Pháp-Philippines là tạo nên mối quan hệ gần gũi chiến lược hay khả năng phối hợp tác chiến giữa lực lượng vũ trang của hai bên, nhất là giữa Hải Quân và Không Quân hai nước.

Trong khi chờ đợi thỏa thuận an ninh chung được hình thành, Paris và Manila đã nhất trí tăng cường trao đổi thông tin và tin tức tình báo nhằm đối phó với những mối đe dọa an ninh, gia tăng các chuyến ghé cảng của nhau của chiến hạm hai nước.

Trong một thông điệp được cho là nhắm tới Trung Quốc, hai bên đã nhấn mạnh trên tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Manila muốn chống Bắc Kinh, Paris muốn tăng ảnh hưởng

Theo nhận định của các nhà quan sát, việc Philippines muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Pháp nằm trong chiến lược của Manila muốn tìm thêm hậu thuẫn quốc tế để chống lại sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Yêu cầu của Philippines đã được Pháp đáp ứng vì điều đó phù hợp với tham vọng của Paris, muốn tăng gia ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Khi phân tích về các diễn biến mới trong quan hệ giữa Pháp và Philippines, nhật báo Pháp Ouest-France ngày 04/12/2023 đã nhận xét rằng: “Đối mặt với Trung Quốc, Philippines đang tìm kiếm hậu thuẫn, và nước Pháp đã đáp ứng”.

Theo tờ báo, Philippines rất lo ngại trước các hành vi lấn lướt liên tục của Bắc Kinh tại Biển Đông, mà gần đây nhất là vụ hơn 100 chiếc tàu thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc “tràn ngập” vùng biển gần Đá Ba Đầu thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.  Trong các hình ảnh do lực lượng Tuần Duyên Philippines công bố hôm 03/12 người ta thấy hàng chục chiếc tàu Trung Quốc gắn kết lại với nhau theo đội hình, với rất nhiều chiếc tàu khác phân tán quanh khu vực.

Do năng lực quân sự hạn chế, Philippines đã đẩy mạnh công cuộc tìm kiếm hậu thuẫn, trước mắt là từ phía các đồng minh truyền thống. Thỏa thuận quốc phòng bắt đầu đàm phán với Paris được cho là tương tự như thỏa thuận mà Philippines đã có với Mỹ và Úc, và sắp tới đây sẽ ký với Nhật.

Trong cuộc họp báo ngày 02/12 vừa qua tại Manila, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines đã khẳng định rằng hai nước Pháp và Philippines đã nhất trí hợp tác “không chỉ ở Biển Đông, mà còn ở khu vực Thái Bình Dương rộng lớn hơn, nơi Pháp cũng có sự hiện diện”.

Về phía Pháp, bộ trưởng Lecornu nhắc lại rằng Hải quân Pháp đã thực hiện nhiều hoạt động và chiến dịch huấn luyện trong khu vực, đồng thời công nhận rằng Pháp “đang làm việc trên một chương trình nghị sự nhằm tăng cường hiện diện tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

“Thế giới không cần một cuộc khủng hoảng mới”

Chủ trương dấn thân mạnh mẽ hơn của Pháp vào vùng châu Á-Thái Bình Dương, cũng được lãnh đạo ngành ngoại giao Pháp cho thấy rõ nhân chuyến công du Úc trong hai ngày 04-05/12.

Phát biểu tại Canberra ngày 04/12 ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna lưu ý rằng: “Thế giới hiện không cần đến một cuộc khủng hoảng mới” vào lúc đang diễn ra hai cuộc chiến tranh tại Ukraina và tại vùng Cận Đông. Người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp không ngần ngại gợi lên trách nhiệm của Trung Quốc trong việc làm cho tình hình mất ổn định khi kêu gọi Trung Quốc kềm chế các hành động của mình trong vùng châu Á.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, khi phát biểu tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Úc ở thủ đô Canberra,  bà Colonna không che giấu thái độ quan ngại, khẳng định rằng: “Tất nhiên là chúng tôi – tức là nước Pháp – lo ngại về những gì đã xảy ra vài ngày trước với Hải Quân Úc, cũng như những gì đã xảy ra với Philippines vài tuần trước”.

Tháng 11 vừa qua, Canberra đã lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh về những hành vi “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” trên biển sau vụ một người nhái của Hải Quân Úc bị thương do xung siêu âm do một chiến hạm Trung Quốc gần đó bắn ra. Bên cạnh đó, Manila cũng đã liên tiếp tố cáo tàu Trung Quốc có các hành vi sách nhiễu tàu công vụ cũng như tàu đánh cá Philipines trong vùng biển của Philippines mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền.

Ngoại trưởng Pháp đã đích danh kêu gọi Trung Quốc giảm bớt việc gây căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng Bắc Kinh có quyền tự do tiếp tục “đà trỗi dậy kinh tế” của mình, nhưng bên cạnh đó cũng phải đáp ứng những kỳ vọng của quốc tế về các vấn đề như nhân quyền.

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là dù có tham vọng hậu thuẫn Philippines về mặt quốc phòng và an ninh, nhưng liệu Pháp có đủ nguồn lực quân sự hay không. Một ví dụ cụ thể. Cho đến nay, Pháp cũng đã cử chiến hạm đi tuần tra ở Biển Đông, nhưng với tần suất rất thấp so với các cường quốc khác, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment