- Lê Tây Sơn – 30 tháng 11, 2023
Những công dân Thái bị Hamas bắt cóc được thả về; Bangkok ngày 30 Tháng Mười Một 2023 (ảnh: Lauren DeCicca/Getty Images)
Những người nông dân Thái Lan sợ bị Hamas giết đã được trả về với gia đình, trong khi hàng chục quốc gia khác tiến hành các chiến dịch ngoại giao cấp tập để giải thoát cho công dân của họ. Cuộc khủng hoảng con tin ở Gaza ở Thái Lan đã chuyển sang bước ngoặt đáng kinh ngạc, gói gọn trong ba từ: “Tôi còn sống!”
Cú sốc từ miền đất hứa
Wall Street Journal thuật: Bốn ngày sau khi các tay súng Hamas băm nát miền Nam Israel, các quan chức địa phương ở khu vực miền Đông Thái Lan đã đến báo với gia đình Wichai Kalapat, người nông dân trồng trái cây 28 tuổi này nằm trong số những người thiệt mạng. Bạn gái anh, Kittiya Thuengsaeng, treo ảnh anh bên ngoài cửa nhà cô. Nhưng đến Thứ Bảy tuần qua, Wichai bất ngờ xuất hiện trong đoạn phim trao đổi con tin lấy tù nhân.
Không lâu trước nửa đêm, các anh chị em ngơ ngác của Wichai nhìn thấy anh mỉm cười từ phía sau chiếc xe Landcruiser màu trắng của Hội Chữ thập đỏ trong một bức ảnh trên Facebook. Họ không muốn tin đó là Wichai cho đến khi khuôn mặt anh xuất hiện trong một cuộc gọi điện video vài giờ sau đó. “Tôi chưa chết!” – anh trấn an Kittiya từ phòng bệnh nhân nội trú vô trùng tại Trung tâm Y tế Shamir bên ngoài Tel Aviv (Israel) với nụ cười rạng rỡ.
Sự sống sót của Wichai là một trong những điều kỳ lạ nhất của cuộc khủng hoảng con tin liên quan đến khoảng 30 chính phủ từ Argentina đến Nepal. Trong các con tin, ngoài những người Israel mang hai quốc tịch đang về thăm họ hàng, còn những công nhân đến từ Đông Nam Á làm việc tại các vườn cây ăn trái ở những nông trang (kibbutz) và các nhân viên làm việc tại các viện dưỡng lão người Philippines. Wichai là một trong bốn nông dân Thái Lan tưởng đã chết.
Sự kiện giải thoát con tin này được xem là một thành công của Thái Lan, khi họ tìm cách giải thoát 19 công dân khỏi sự giam giữ của Hamas, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nước ngoài nào khác. Để đạt được điều đó, chính phủ Thái Lan đã khai thác nhiều kênh ngoại giao hậu trường, kể cả ở Iran và Malaysia, chính phủ Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và các chính trị gia thuộc cộng đồng thiểu số Hồi giáo trong nước.
Chính phủ Thái Lan biết khoảng 13 công dân nước mình bị giam ở Gaza nhưng không hy vọng họ sẽ được thả sớm và cũng chưa hoàn toàn chắc chắn ai đang bị giam và ai đang giam giữ họ. Một trung tâm chỉ huy đặc biệt được thành lập để theo dõi vấn đề này. Thứ Sáu tuần trước, Thái Lan thông báo 12 công dân của họ sẽ được trả tự do, nhưng cuối cùng chỉ có 10 người, cùng với một lao động Philippines (có vẻ bị Hamas nhầm là người Thái). Những con tin được thả không thể xác nhận ai giam giữ họ, vì họ thường bị bịt mắt, đưa qua các đường hầm trong nhiều tuần và không thể biết ngày hay đêm cho đến khi được trao trả.
Những nông dân Thái Lan trồng trái cây và nuôi bò sữa bị bắt làm con tin thuộc số không may mắn trong hơn 30,000 công nhân Thái Lan đang làm việc ở Israel. Họ là nguồn nhân lực quan trọng trong nông nghiệp, chăm sóc người già và giúp việc nhà (những công việc mà người Palestine từng đảm nhiệm cho đến khi Hamas lên nắm quyền ở Gaza vào năm 2006). Công nhân Thái Lan kiếm được gấp năm lần số tiền kiếm được ở quê nhà, chuyển tiền về nước và biến những ngôi làng nghèo dọc biên giới nông thôn với Campuchia thành trù phú với những ngôi nhà mới xây và xe SUV chạy nhiều trên đường.
Cuộc đua marathon tưởng chừng vô vọng
Ngoài những người chắc chắn còn sống, cha mẹ và thân nhân các công dân Thái mất tích phải đoán xem người thân của họ đã chết hay bị bắt làm con tin, dựa vào thông tin rời rạc của những người sống sót, dựa vào các cuộc gọi không thành công hoặc tin nhắn văn bản được đánh dấu là đã gửi nhưng không đến hay không có phản hồi từ người nhận. Trong bốn ngày, Wilart Tanna, 65 tuổi, lái xe máy quanh các ngôi làng gần biên giới Campuchia, tìm kiếm bất kỳ ai có người thân ở Israel để biết thêm thông tin về đứa con trai Pongsak Tanna làm việc tại một trang trại cà chua để lo tiền học cho cô con gái 14 tuổi.
Không có bằng chứng rõ ràng về việc những người mất tích nào đang là con tin và ai đã thiệt mạng. Mỗi ngày sau cuộc đột kích, điện thoại của Đại sứ quán Thái Lan tại Tel Aviv đều nhận được cuộc gọi từ chị gái của Nattapong Pinta. Câu trả lời từ sáu nhân viên của đại sứ quán luôn giống nhau: “Chúng tôi vẫn chưa có thông tin chi tiết, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức”.
Những cuộc gọi khác đổ về bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Israel ở Bangkok cũng chỉ nhận được lời trấn an tương tự: “Chúng tôi sẽ cố gắng trả lời, nhưng thật sự, chúng tôi có rất ít thông tin!”. Thái Lan phải thử các giải pháp khác. Tại tất cả 76 tỉnh, chính phủ ra lệnh cho các quan chức Bộ Lao động địa phương rà soát gia đình của hàng chục ngàn công nhân Thái Lan làm việc ở Israel để xem có ai mất liên lạc với người thân không.
Con số thống kê ban đầu gây sốc, với hơn 120 người mất tích chỉ riêng ở một tỉnh vùng hạ Đông Bắc Thái! Chính phủ chuyển thông tin này cho Hội Chữ Thập Đỏ. Nhưng sau đó, các quan chức rà soát lại số liệu nhận ra 109 người mất tích đến từ một nhóm thu thập dữ liệu làm ăn tắc trách. Chính quyền phải thống kê lại. Tại trung tâm chỉ huy đặc biệt, các quan chức từ Văn phòng Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, lao động và tình báo phối hợp thực hiện nhiều cuộc gọi mỗi ngày để tìm cách giải quyết bí ẩn về những công dân mất tích với trách nhiệm là đưa những người sống sót về nhà.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin bắt đầu tiến hành màn ngoại giao con thoi giữa các quốc gia mà ông tin có thể tiếp cận Hamas; bắt đầu từ Malaysia (nước láng giềng có đa số người Hồi giáo), nơi có Đại sứ quán Palestine và không công nhận Israel. Ngày 20 Tháng Mười, ông gặp Thái tử Ả-rập Saudi Mohammed Bin Salman tại khách sạn Ritz Carlton ở Riyadh. Thái tử hứa ông sẽ “làm hết sức mình”.
Tuần sau đó, Ngoại trưởng Thái Parnpree Bahiddha-Nukara bay tới Qatar để xem liệu chính phủ Trung Đông có mối liên hệ tốt nhất với Hamas này có thể giúp giải thoát các công dân Thái. Qatar khuyên Hamas nên thả tất cả thường dân từ mọi quốc gia nhưng Hamas sẽ không thả con tin cho đến khi Israel ngừng chiến dịch quân sự, điều mà Thủ tướng Israel Netanyahu sẽ không làm cho đến khi nào Hamas chưa trả tự do cho các con tin. Suốt thời gian dài, Hamas không cung cấp danh sách rõ ràng về các con tin đang bị giam giữ.
Ngoại trưởng Thái tiếp tục đến Cairo. Thất vọng trước việc chính phủ không đạt được kết quả, một trong những nhà lãnh đạo thiểu số Hồi giáo Thái Lan, cựu Bộ trưởng Giáo dục Areepen Uttarasin bay tới Iran.
Được chào đón bằng bữa trưa thịt cừu nướng với các quan chức Hamas, cựu Đại sứ Syria Mohammad Hassan Akhtari và Chủ tịch Committee for the Support of Islamic Revolution of the Palestinian People của Iran, nước chủ nhà bảo đảm Hamas hứa sẽ thả người Thái nếu Israel ngừng các cuộc không kích. “Tôi tin chúng tôi sẽ sớm nhận được tin tốt” – Areepen nói khi trở về nước. Cuối cùng những lời cầu xin kiên trì của Thái Lan với Hamas bắt đầu có hiệu lực. Tuần đầu tiên của Tháng Mười Một, trung tâm điều phối đặc biệt triệu tập một cuộc họp video khẩn cấp với các quan chức được giao nhiệm vụ giải cứu con tin.
Tình báo Thái Lan có một bức ảnh chụp khoảng 10 con tin Thái Lan ngồi trong hầm trú ẩn ở Gaza, bắt chéo chân. Đây là bằng chứng đầu tiên các con tin ở Gaza còn sống. Nghiên cứu bức ảnh, tình báo Thái Lan cố gắng kết nối những khuôn mặt hốc hác và già nua với những cái tên mà họ đang tìm. Ở vùng nông thôn phía Đông Thái Lan, chính quyền đến tận nhà thông báo cho các gia đình có con và chồng đã được xác nhận bị bắt cóc. Họ yêu cầu gia đình cung cấp mẫu sinh trắc học tại các trung tâm y tế địa phương để giúp xác minh các thi thể và con tin.
Nhưng nhiều tuần trôi qua, Thủ tướng Netanyahu vẫn không chấp thuận lệnh ngừng bắn khiến vấn đề con tin rơi vào bế tắc. Ngày 20 Tháng Mười Một, một vài giây nhấp nháy của hình ảnh CCTV mang đến một tia hy vọng. Quân đội Israel công bố đoạn phim từ bệnh viện Al-Shifa ở Gaza cho thấy hai con tin bị trói được những kẻ có vũ trang đưa qua hành lang. Một người ngồi trên xe lăn có thể nhận dạng được qua hình xăm là Phonsawan. “Tôi biết đó là con mình. Ánh sáng tưởng tắt giờ lại bừng sáng trở lại” – người cha Khongpana Sudlamai vui mừng nói.
Khi cuộc trao đổi con tin đầu tiên được thông báo (13 người Israel đổi lấy một nhóm 39 tù nhân Palestine), chính Thái Lan cũng bị bất ngờ vì con số nhiều hơn thế. Được bổ sung vào phút cuối không có trong thỏa thuận là 10 con tin Thái Lan. Ngày hôm sau có thêm ba con tin Thái Lan nữa.