Câu chuyện cả nhà liều chết trốn khỏi Bắc Hàn bằng thuyền

escape

  • Tác giả,Jean Mackenzie
  • Vai trò,Phóng viên BBC tại Seoul
  • 6 tháng 12 2023

Đầu năm nay, anh Kim đã thực hiện một cuộc đào thoát tưởng chừng như không thể khỏi Bắc Hàn. Anh bỏ trốn bằng đường biển cùng cả gia đình – người vợ đang mang thai, mẹ anh, gia đình anh trai và một hũ đựng tro cốt của cha anh.

Họ là những người đầu tiên trốn khỏi Bắc Hàn trong năm nay và đến được miền Nam. Khi Covid ập đến, chính phủ Bắc Hàn hoảng sợ và phong tỏa đất nước này với phần còn lại của thế giới, đóng cửa biên giới đồng thời cắt đứt thương mại. Chuyện đào tẩu, từng khá phổ biến ở nước này, gần như đã chấm dứt.

Anh Kim nói với BBC về việc anh đã lên kế hoạch cho câu chuyện đáng chú ý này như thế nào, trong cuộc phỏng vấn với người đào tẩu thành công đầu tiên kể từ sau đại dịch. Anh tiết lộ những chi tiết mới về cuộc sống ở Bắc Hàn, bao gồm cả những trường hợp người dân chết đói và đàn áp ngày càng gia tăng. Anh yêu cầu chúng tôi không sử dụng tên đầy đủ để giúp bảo vệ gia đình ở cả Hàn Quốc và Bắc Hàn.

BBC không thể xác minh độc lập tất cả lời kể của anh Kim, nhưng phần lớn chi tiết khớp với những gì chúng tôi được các nguồn tin khác cho biết.

Đêm đào tẩu là một đêm đầy sóng gió. Những cơn gió dữ dội thổi tới từ phía nam, mang theo một cơn bão. Đây hoàn toàn là một phần trong kế hoạch của Kim. Anh hy vọng biển động sẽ buộc bất kỳ tàu giám sát nào phải rút lui.

Anh đã mơ về đêm này trong nhiều năm, lên kế hoạch tỉ mỉ trong nhiều tháng, nhưng tất cả chẳng làm dịu đi nỗi sợ hãi của anh chút nào.

Các con của anh trai anh đang ngủ say, nhờ những viên thuốc ngủ mà anh cho bọn trẻ dùng. Anh và anh trai giờ phải chở gia đình qua một bãi mìn trong bóng tối, đến nơi chiếc thuyền của họ bí mật neo đậu. Họ nhích từng bước một, cẩn thận tránh những tia sáng từ đèn rọi của lính gác.

Chiếc thuyền mà gia đình Kim sử dụng để đào tẩu
Chụp lại hình ảnh,Chiếc thuyền mà nhà Kim sử dụng để đào tẩu

Khi đến được chỗ con thuyền, họ giấu trẻ con trong bao tải ngũ cốc cũ, ngụy trang thành túi đựng dụng cụ. Sau đó, cả gia đình lên đường đến Hàn Quốc: đàn ông mang theo đao kiếm, phụ nữ mang chất độc. Mỗi người nắm chặt một vỏ trứng rỗng, chứa đầy bột ớt và cát đen, để đập vào mặt lực lượng bảo vệ bờ biển nếu xảy ra đối đầu.

Động cơ con thuyền gầm lên, nhưng tất cả những gì Kim có thể nghe thấy là trái tim đang đập thình thịch. Bây giờ chỉ cần một sai lầm là tất cả bọn họ đều có thể bị xử tử.

Khi tôi gặp Kim ở ngoại ô Seoul vào tháng trước, anh đi cùng với một sĩ quan cảnh sát mặc thường phục – một biện pháp an toàn điển hình đối với những người đào tẩu gần đây. Chỉ mới vài tuần kể từ khi anh và gia đình được ra khỏi trung tâm tái định cư nơi người Bắc Hàn được đưa đến sau khi đến Hàn Quốc.

“Chúng tôi từng chịu đựng rất nhiều,” anh nói khi bắt đầu kể lại bốn năm qua.

Anh cho biết người dân “vô cùng sợ hãi” vào những ngày đầu của dịch Covid-19. Nhà nước phát sóng hình ảnh người chết trên khắp thế giới và cảnh báo rằng nếu không tuân thủ các quy định, cả đất nước có thể bị xóa sổ. Anh nói, một số người thậm chí còn bị đưa đến các trại lao động vì vi phạm các quy định giới hạn Covid.

Anh kể rằng khi có trường hợp nghi ngờ mắc Covid được báo cáo, lính canh sẽ cách ly toàn bộ ngôi làng. Mọi người sẽ bị nhốt và khu vực bị phong tỏa, khiến những người bên trong có rất ít hoặc không có gì để ăn.

“Sau khi họ bỏ đói người dân một thời gian, chính phủ sẽ mang đến những xe tải chở thực phẩm. Họ tuyên bố bán thực phẩm với giá rẻ nên mọi người sẽ ca ngợi họ – giống như bỏ đói đứa con của bạn rồi cho chúng một lượng nhỏ đồ ăn, rồi nó sẽ cảm ơn bạn vậy.”

Anh Kim cho biết mọi người bắt đầu nghi vấn liệu đây có phải là một phần trong chiến lược của nhà nước nhằm thu lợi từ đại dịch hay không.

Anh nói, khi có nhiều người sống sót sau Covid, họ bắt đầu nghĩ rằng chính phủ đã phóng đại sự nguy hiểm. “Bây giờ nhiều người tin rằng đó chỉ là cái cớ để đàn áp chúng tôi.”

Anh nói rằng việc đóng cửa biên giới đã gây ra thiệt hại nặng nề nhất.

Theo anh Kim, nguồn cung cấp thực phẩm ở Bắc Hàn từ lâu đã bấp bênh, nhưng do lượng hàng nhập vào nước này ít hơn nên giá cả tăng vọt, khiến cuộc sống của mọi người “khó khăn hơn rất nhiều”. Mùa xuân năm 2022, anh nhận thấy tình hình ngày càng xấu đi.

“Trong bảy hoặc tám năm, người ta không nói nhiều về nạn đói, nhưng sau đó chúng tôi thường xuyên bắt đầu nghe về các trường hợp này”, anh nói. “Một buổi sáng bạn thức dậy và nghe thấy: ‘ồ, có người ở quận này chết đói’. Sáng hôm sau, chúng tôi lại nhận được một thông báo khác.”

Tấm áp phích của đài truyền hình nhà nước KCNA yêu cầu mọi người tuân thủ nghiêm ngặt các quy định Covid
Chụp lại hình ảnh,Tấm áp phích của đài truyền hình nhà nước KCNA yêu cầu mọi người tuân thủ nghiêm ngặt các quy định Covid

Tháng 2 năm nay, Kim cho biết một người khách từ quận kế bên đã đến cuộc hẹn muộn. Người đó nói với Kim rằng cảnh sát đã vây bắt mọi người trong làng anh ta vì nghi ngờ sát hại một cặp vợ chồng già. Nhưng sau khi khám nghiệm tử thi, họ thông báo rằng cặp đôi đã chết đói và chắn đã bị chuột ăn ngón tay, ngón chân khi họ sắp chết. Cảnh tượng khủng khiếp đã khiến các nhà điều tra nghi ngờ có hành vi phạm tội xảy ra.

Sau đó, vào tháng 4, ông cho biết hai nông dân mà ông quen biết đã chết đói. Ông nói, những người nông dân gặp khó khăn nhất vì nếu mùa màng thất bát, nhà nước sẽ buộc họ phải bù đắp bằng cách giao thêm nguồn cung cấp thực phẩm cá nhân cho họ.

Chúng tôi không thể xác nhận độc lập những cái chết này. Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực năm 2023 cho biết kể từ khi biên giới Bắc Hàn đóng cửa, nước này “gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin chính xác về tình trạng mất an ninh lương thực” nhưng có “dấu hiệu cho thấy tình hình đang trở nên tồi tệ hơn”. Vào tháng 3/2023, Bắc hàn đã yêu cầu Chương trình Lương thực Thế giới giúp đỡ.

Chuyên gia về Bắc Hàn của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Choi Jae-hoon, cho biết ông đã nghe nói về những trường hợp chết đói từ những người trốn thoát ở Seoul đã tìm cách liên lạch với gia đình ở quê nhà. “Chúng tôi được biết rằng tình hình lương thực trở nên tồi tệ hơn trong thời kỳ Covid và ở một số khu vực, nông dân có xu hướng phải chịu thiệt hại nặng nề nhất”, ông nói. Nhưng ông Choi lưu ý rằng tình hình gần như không thảm khốc như nạn đói những năm 1990: “Chúng tôi nghe nói rằng người dân đã tìm ra cách để tồn tại trong khả năng của họ”.

Bản thân anh Kim đã tìm ra mọi cách không chỉ để tồn tại mà còn để phát triển. Giống như hầu hết người dân ở Bắc Hàn trước Covid, anh kiếm tiền từ việc bán hàng ở chợ đen – cụ thể là xe máy và tivi nhập lậu từ Trung Quốc. Nhưng khi biên giới đóng cửa, hầu như mọi hoạt động buôn bán đều bị đình trệ, anh chuyển sang mua bán rau quả. Anh nghĩ mọi người đều cần thức ăn.

Anh tự nhận mình là “người bán châu chấu”, nhưng lén lút rao bán hàng hóa ở các nhà hoặc trong các ngõ hẻm. “Nếu ai đó tố cáo chúng tôi, chúng tôi sẽ nhặt thức ăn lên và bỏ chạy, giống như một con châu chấu,” anh nói.

“Mọi người đến gặp tôi và cầu xin tôi bán thức ăn cho họ. Tôi có thể yêu cầu bất cứ mức giá nào tôi muốn”, anh nói. Kim thấy mình giàu có hơn bao giờ hết. Vợ chồng anh có đủ khả năng để có món thịt hầm cho bữa tối, với bất kỳ loại thịt nào họ chọn.

“Việc đó được coi là ăn uống sung sướng ở Bắc Hàn”.

Cuộc sống mà Kim mô tả đã vẽ nên bức tranh về một thương nhân cực kỳ hiểu biết và đôi khi là vô đạo đức. Bây giờ ở độ tuổi 30, anh đã tiết kiệm trong hơn một thập niên, tìm cách thoát khỏi hệ thống của Bắc Hàn.

Điều này một phần là do anh đã vỡ mộng với hệ thống của nước này khi còn trẻ. Anh còn nhớ từ rất sớm, anh và bố đã bí mật ngồi xem truyền hình Hàn Quốc. Họ sống gần biên giới đến mức có thể bắt được các kênh trên TV của họ. Kim bị thu hút bởi một đất nước nơi người dân được tự do.

Khi lớn lên, nạn tham nhũng và bất công mà anh chứng kiến ở miền Bắc bắt đầu bào mòn anh. Kim nhớ lại một sự việc khi các quan chức an ninh đột kích vào nhà anh. Họ nói: “Mọi thứ anh có đều thuộc về nhà nước”. “Bạn nghĩ lượng oxy này là của bạn?” một sĩ quan chế nhạo. “Ừ, không phải đâu, đồ khốn.”

Sau đó, vào năm 2021, Kim cho biết các lực lượng hùng mạnh đã được thành lập để cố gắng trấn áp những gì mà nhà nước cho là “hành vi chống đối xã hội”. Họ tùy tiện chặn người dân trên đường và đe dọa họ. “Mọi người bắt đầu gọi những quan chức đàn áp này là muỗi, giống như ma cà rồng hút máu chúng tôi.”

Hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất là tiếp thụ và chia sẻ thông tin bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Hàn Quốc. Kim cho biết, cuộc trấn áp vấn đề này đã trở nên “dữ dội hơn nhiều. Một khi bạn bị bắt, họ sẽ bắn bạn, giết bạn hoặc đưa bạn vào trại lao động”.

Vào tháng 4 năm ngoái, Kim nói đã bị buộc phải chứng kiến một chàng trai 22 tuổi mà anh quen biết bị bắn chết trong một cuộc hành quyết công khai. “Anh ấy bị giết vì đã nghe 70 bài hát Hàn Quốc và xem khoảng 3 bộ phim rồi chia sẻ với bạn bè”.

Chính quyền nói với những người chứng kiến rằng họ muốn trừng phạt nghiêm khắc chàng trai này để tạo tiền lệ “đúng đắn”. Kim nói: “Họ thật tàn nhẫn, mọi người đều sợ hãi”.

north korea

Chúng tôi không thể xác minh độc lập cuộc hành quyết này, nhưng vào tháng 12/2020, Bắc Hàn đã thông qua luật mới, quy định rằng những người chia sẻ nội dung của Hàn Quốc có thể bị xử tử.

Joanna Hosaniak từ Liên minh Công dân vì Nhân quyền Bắc Hàn cho biết lời kể của anh Kim về vụ hành quyết là “hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên”. Bà Hosaniak đã phỏng vấn hàng trăm người đào thoát trong hơn hai thập niên. Bà nói: “Bắc Hàn luôn sử dụng các vụ hành quyết công khai như một biện pháp để kiểm soát dân chúng”. “Bất cứ khi nào thực thi luật mới, họ sẽ tạo ra một làn sóng hành quyết.”

Khi Kim kể lại những ký ức này, anh trở nên đau khổ. Anh nói rằng vụ tự tử của một người bạn vào năm ngoái cuối cùng đã khiến anh ấy suy sụp.

Tuyệt vọng vì muốn ly hôn với một người phụ nữ mà anh ta không còn yêu và cưới một người khác – người bạn này đã bị các quan chức nói rằng cách duy nhất anh ta có thể ly hôn là phải ngồi trong trại lao động. Anh chìm trong nợ nần khi cố gắng tìm lối thoát khác trước khi kết thúc cuộc đời. Kim đến thăm phòng ngủ của người bạn khi anh qua đời. Cảnh tượng cho thấy cái kết từ từ và đau đớn mà anh ta phải chịu đựng. Anh ta đã cào vào tường cho đến bật móng tay.

Mặc dù Kim đã mơ ước trốn thoát hàng trăm lần nhưng anh không bao giờ có thể chịu đựng được việc phải bỏ lại gia đình. Đến năm 2022, cuộc sống trở nên tuyệt vọng đến mức anh cảm thấy cuối cùng mình cũng có thể thuyết phục được cả nhà tham gia cùng mình.

Kim nhắm vào anh trai mình trước tiên. Anh ấy và vợ điều hành một cơ sở kinh doanh hải sản trái phép, nhưng gần đây chính phủ đã trấn áp những người bán hàng không chính thức. Dù có thuyền nhưng họ không thể đánh bắt cá được nữa. Với số tiền eo hẹp, người anh dễ dàng bị thuyết phục.

Trong bảy tháng tiếp theo, hai anh em đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho cuộc đào thoát.

Trong thời gian xảy ra đại dịch, nhiều lối thoát được thiết lập vững chắc qua biên giới phía bắc với Trung Quốc đã bị phong tỏa. Nhưng hai anh em sống ở một thị trấn đánh cá nhỏ ở cực tây nam, gần biên giới Hàn Quốc. Điều này mang đến cho họ một lối thoát khác nhưng đầy rủi ro – bằng đường biển.

map

Đầu tiên, họ cần được phép tiếp cận bờ biển. Họ đã nghe nói về một căn cứ quân sự gần đó, nơi dân thường được phái đi đánh cá rồi bán lấy tiền mua thiết bị quân sự. Anh trai của Kim cũng tham gia vào chương trình này.

Trong khi đó, Kim bắt đầu kết bạn với lực lượng bảo vệ bờ biển và nhân viên an ninh tuần tra trong khu vực, lén lút khai thác thông tin về hoạt động di chuyển, giao thức và cách thức thay ca của họ, cho đến khi Kim tin rằng mình và anh trai có thể đi thuyền ra ngoài vào ban đêm mà không bị bắt.

Sau đó là nhiệm vụ khó khăn nhất của anh: thuyết phục mẹ già và vợ tham gia cùng mình. Cả hai đều phản đối việc rời đi. Cuối cùng, hai anh em đã hét lên để mẹ họ nghe theo, đe dọa sẽ hủy chuyến đi nếu bà không tham gia cùng họ và buộc bà phải chịu trách nhiệm về sự khốn khổ của họ cho đến sau này.

“Mẹ tôi đau khổ và khóc rất nhiều nhưng cuối cùng cũng đồng ý”, Kim nói.

Tuy nhiên, vợ anh vẫn không đồng ý cho đến một ngày hai vợ chồng biết rằng họ sắp có một đứa con. “Cơ thể không chỉ là của riêng em nữa,” anh tranh luận với vợ. “Là cha mẹ, em có muốn con chúng ta sống trong cái địa ngục này không?” Những lí lẽ này đã thuyết phục được vợ anh.

Sau khi trò chuyện vài giờ, Kim và tôi đi ăn tối, ở nơi anh chuẩn bị kể về những bước chuẩn bị cuối cùng cho cuộc trốn thoát của mình. Lo sợ chính quyền sẽ xúc phạm đến mộ của cha anh sau khi họ rời đi, hai anh em đã đi đào xác ông lên. Sau khi nén mặt đất lại để ngôi mộ trông có vẻ nguyên vẹn, họ mang xác ra vùng hẻo lánh lân cận và hoả táng.

Họ tiếp tục khảo sát bãi mìn ở xa mà sau này họ sẽ phải vượt qua trong bóng tối. Họ giả vờ hái dược liệu, đồng thời vạch ra một con đường rõ ràng xuyên qua bãi đất. Kim cho biết, bờ biển gần đây đã được rải mìn để ngăn người dân rời đi, nhưng với ít lính canh túc trực ở đó, đây là lối thoát an toàn nhất.

Sau đó, vấn đề là chờ đợi thời tiết và thủy triều thay đổi.

Vào lúc 10 giờ tối ngày 6/5, họ ra khơi, đi xa nhất có thể, sau đó tiếp tục đi tiếp. Thủy triều xuống đã làm lộ ra các rạn san hô và đá cuội, khiến họ di chuyển rất chậm với hy vọng ngụy trang thành rác trôi nổi trên sóng radar. Trong lúc đó, tim của Kim đập thình thịch, quần áo anh ướt đẫm mồ hôi.

Ngay khi cảm thấy an toàn, họ phóng hết tốc lực theo dòng nước. Kim nhìn lại thì thấy một con tàu đang đuổi theo nhưng không đuổi kịp. Trong vòng vài phút họ đã vượt qua biên giới trên biển.

Phần biển mà gia đình Kim phải vượt qua để tới đảo Yeonpyong
Chụp lại hình ảnh,Phần biển mà gia đình Kim phải vượt qua để tới đảo Yeonpyong

“Giây phút đó, mọi căng thẳng của tôi được giải tỏa. Tôi cảm thấy như mình sắp sụp đổ”, anh nói. Họ nháy đèn pin khi đến gần đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc và được hải quân giải cứu sau gần hai giờ lênh đênh trên biển.

Mọi chuyện đã diễn ra đúng như kế hoạch. “Giống như ông trời đã giúp đỡ chúng tôi vậy,” anh nói.

Ông Sokeel Park từ Tự do ở Bắc Hàn, một tổ chức giúp người tị nạn từ miền Bắc tái định cư ở miền Nam, cho biết cuộc trốn thoát của Kim là đặc biệt vì nhiều lý do. Ông giải thích, không chỉ vì việc đào tẩu trên biển luôn cực kỳ hiếm mà kể từ khi xảy ra đại dịch, việc người dân đào tẩu gần như không thể xảy ra.

“Những cuộc vượt biển này đòi hỏi phải lập kế hoạch tỉ mỉ, sự dũng cảm đáng kinh ngạc và mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp một cách kỳ diệu”, ông nói. “Chắc chắn còn rất nhiều người Bắc Hàn đã cố gắng nhưng không thành công”.

“Những người duy nhất có thể đào tẩu hiện nay là những người giàu có và có quan hệ tốt”, Mục sư Stephen Kim của JM Missionary, người giúp người Bắc Hàn đào thoát qua Trung Quốc, nói thêm. “Khoảng 1.000 người từng vượt biên giới Trung Quốc mỗi năm, nhưng theo ông biết, chỉ có 20 người vượt biên trong 4 năm qua và chỉ 4 người trong số đó đã đến Hàn Quốc. Vào tháng 10, ông và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cáo buộc Trung Quốc đã gửi một số người đào thoát trở lại miền Bắc.

Bình Nhưỡng hiện đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga, đồng thời quay lưng với chính sách ngoại giao với Phương Tây. Điều này khiến cộng đồng quốc tế ngày càng gặp khó khăn trong việc giải quyết những vi phạm nhân quyền được báo cáo này.

Chính phủ Hàn Quốc đã coi nhân quyền của Bắc Hàn là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhưng Thứ trưởng Bộ Thống nhất Moon Seong-hyun cho biết nước này có “các công cụ để sử dụng hạn chế”.

“Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là nâng cao nhận thức của mọi người bằng cách liên tục nêu ra những vấn đề này thông qua Liên Hợp Quốc và các nơi khác”, ông nói. “Bắc Hàn có xu hướng lắng nghe các nước ở châu Âu”, lấy Anh và Đức làm ví dụ. Nhưng vai trò của Seoul phần lớn đã giảm xuống chỉ còn giúp đỡ số lượng người tị nạn đến miền nam đang ngày càng giảm, hỗ trợ họ về tư vấn, nhà ở và giáo dục.

Người đào tẩu có thể cảm thấy miền nam khó thích nghi vì cuộc sống quá khác biệt
Chụp lại hình ảnh,Người đào tẩu có thể cảm thấy khó thích nghi với cuộc sống ở miền Nam vì cường độ sinh hoạt quá nhanh

Sau khi được giải cứu, Kim và gia đình trước tiên phải được cơ quan tình báo Hàn Quốc thẩm vấn để kiểm tra xem họ có phải là gián điệp của Bắc Hàn hay không. Sau đó họ được giáo dục về cuộc sống ở miền nam tại một trung tâm tái định cư. Mặc dù rất gần nhau về mặt địa lý, nhưng ngôi nhà cũ và mới của họ cách xa nhau và những người đào thoát thường gặp khó khăn với quá trình chuyển đổi.

Gia đình chuyển từ khu tái định cư đến một căn hộ vào tháng 10, đúng lúc vợ Kim sinh em bé. Anh nói chị khỏe mạnh nhưng cảm thấy khó thích nghi, trong khi mẹ anh đang trải qua khoảng thời gian khó khăn nhất. Không ai trong số họ từng sử dụng tàu điện ngầm trước đây và bà liên tục bị lạc. Mỗi lần sai càng đánh gục sự tự tin của bà. “Bà đang hối hận vì đã đến đây,” anh thừa nhận.

Nhưng đối với Kim, người vốn đã quá quen thuộc với văn hóa Hàn Quốc, cho biết anh thích nghi một cách dễ dàng. “Thế giới mà tôi tưởng tượng và thế giới mà tôi đang điều hướng về mặt vật lý có cảm giác rất giống nhau.”

Khi chúng tôi đang trao đổi, Kim tò mò nhặt hộp đựng AirPods của tôi từ bàn bên cạnh lên, lật qua lật lại trên tay. Tôi mở hộp đựng ra để lộ chiếc tai nghe không dây, nhưng anh vẫn có vẻ bối rối. Mãi cho đến khi tôi nhét chiếc tai nghe vào tai, một nét hiểu ra mới lóe lên trên khuôn mặt anh và anh đã cười.

Sẽ còn nhiều điều bất ngờ và thách thức nữa ở phía trước. Đây chỉ là khởi đầu của cuộc hành trình của anh anh.

Hosu Lee đưa tin bổ sung.

Minh họa: Lilly Huỳnh.

Bài Liên Quan

Leave a Comment