Sau nhiều ngày thương lượng chậm chạp và khó khăn, bản dự thảo thỏa thuận đầu tiên đã được công bố vào sáng sớm hôm qua, 05/12/2023. Các nước trên toàn thế giới nỗ lực tìm kiếm một đồng thuận để chống lại tốt hơn hiện tượng biến đổi khí hậu theo khuôn khổ thỏa thuận Paris 2015.
Đăng ngày: 06/12/2023
Tuy nhiên, trung tâm của mọi sự chú ý là vấn đề các loại năng lượng hóa thạch gây nhiều ô nhiễm. Nhiều giải pháp đã được đặt trên bàn đàm phán, theo như ghi nhận Jeanne Richard, thông tín viên đài RFI tại Dubai.
« Giải pháp thứ nhất : Chấm dứt vô điều kiện năng lượng hóa thạch. Giải pháp thứ hai là chỉ ngưng loại năng lượng nào chưa có các thiết bị lọc khí CO2. Và giải pháp thứ ba là không đề cập bất kỳ năng lượng hóa thạch nào trong quyết định sau cùng của COP lần này. Có thể nói rằng phạm vi các khả năng là khá lớn, theo như tóm tắt từ Tom Evans, thuộc nhóm cố vấn về ngoại giao khí hậu E3G.
Ông giải thích : “Tất cả các phe đều thấy trong văn bản một phần nào đó trong đề xuất của mình. Một cách nghiêm túc hơn, có tất cả các yếu tố để đạt được một kết quả đầy tham vọng. Mặt khác, cũng có khả năng là sự việc chẳng đi đến đâu. Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của thách thức đang đặt ra và không ai chấp nhận từ bỏ các nội dung đề xuất của mình.
Còn theo Linda Kalcher, thành viên một nhóm cố vấn khác về khí hậu, một điểm tích cực khác là các nước dường như đang đi đúng hướng để tăng tốc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Cô nói : “Một điểm tốt được thấy rõ là việc tăng gấp ba lần nguồn năng lượng tái tạo và tăng gấp hai lần hiệu quả sử dụng năng lượng này từ đây đến 2030 đã được ghi trong văn bản. Phần này dường như là một sự đồng thuận và đây là một bước tiến lớn đã đạt được nhờ vào sự can dự của Liên Hiệp Châu Âu và đã được vị chủ tịch COP28 của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tuân thủ tốt.”
Ngay khi vừa được công bố, các cuộc thảo luận về bản dự thảo đầu tiên này đã được nối lại. Mục tiêu là tìm kiếm một đồng thuận trước khi COP28 kết thúc. »
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg được đăng một ngày trước khi công bố bản dự thảo tuyên bố chung, bộ trưởng Năng Lượng Ả Rập Xê Út cảnh báo nước này sẽ phản đối một văn bản kêu gọi từ bỏ năng lượng hóa thạch.