- Tác giả,Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
- Vai trò,Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ California, Hoa Kỳ
Henry Kissinger, kiến trúc sư số 1 chính sách đối ngoại của Mỹ, đã qua đời ở tuổi 100 vào hôm 29/11/2023 tại nhà riêng ở bang Connecticut, Hoa Kỳ.
Kissinger, có tên khai sinh Heinz Alfred Kissinger, sinh ra trong một gia đình Do Thái trung lưu ở Bavaria, Đức ngày 27/5/1923. Gia đình ông sau đó phải di cư tới Mỹ để chạy trốn Đức Quốc xã và gia nhập cộng đồng người Do Thái gốc Đức ở New York vào tháng 8/1938.
Ông là cố vấn của 12 tổng thống Mỹ, từ John F. Kennedy đến Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Ông lần đầu đảm nhiệm Cố vấn An ninh Quốc gia vào tháng 1/1969 khi Richard Nixon vào Nhà Trắng. Đến năm 1973 ông kiêm luôn Ngoại trưởng. Khi Nixon từ chức do vụ Watergate, Kissinger tiếp tục hai chức vụ hàng đầu này trong chính quyền của Tổng thống Gerald Ford.
Ngày 7/4/2014, tôi đến Mỹ từ Trại giam số 5 ở Thanh Hóa, Việt Nam, nơi tôi phải thụ án 7 năm tù về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.
Ngay sau đó, tôi được Chính phủ Mỹ bố trí làm việc tại Quỹ quốc gia yểm trợ Dân chủ (National Endownment for Democracy – NED), một tổ chức do Quốc Hội Mỹ lập ra với Chủ tịch do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm. Đây là một môi trường học thuật rất phong phú bởi cộng đồng nghiên cứu ở đây chủ yếu là các nhà hoạt động dân chủ trên khắp thế giới, gồm cả các cựu chính khách như cựu tổng thống… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với tôi là được tự do trình bày chính kiến của mình và được mọi người lắng nghe với sự tôn trọng.
Một hôm, Tiến sĩ Sally Blair, phụ trách khối nghiên cứu viên, nói với tôi: “Tiến sĩ Vũ có một tư duy rất logic, giống như Tiến sĩ Henry Kissinger của chúng tôi.”
Thú thực, lúc đó tôi không có cảm hứng với sự so sánh ấy. Trong mắt tôi, Kissinger là hiện thân của những trận bom rải thảm bởi B52 xuống Hà Nội, nơi tôi đã trở lại sinh sống với bố mẹ tôi và người thân sau 4 năm “sơ tán” về nông thôn để tránh bom đạn từ không quân Mỹ.
Để gây sức ép Hà Nội ký Hiệp định Paris với điều kiện rút quân đội miền Bắc khỏi miền Nam, Tổng thống Nixon được Kissinger cố vấn đã ra lệnh tiến hành Chiến dịch Linebacker II ném bom Hà Nội và các thành phố khác để “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.”
Thế nhưng để có thể thăng tiến trong học thuật cũng như trong kỹ năng thiết lập chính sách, tôi buộc phải tìm hiểu Kissinger, hay nói đúng hơn, “Realpolitik” đã làm nên một Kissinger đại thụ của chính sách đối ngoại hiện đại của Mỹ.
Realpolitick của Kissinger
Realpolitik là một nguyên tắc định hình chính sách ngoại giao và quốc tế, nổi bật với sự thực dụng (pragmatism), và việc tối ưu hóa lợi ích quốc gia mà không nhất thiết phải tuân thủ các giá trị đạo đức tuyệt đối. Nói cách khác, Realpolitik không nhìn nhận thế giới dựa trên những nguyên tắc lý thuyết hay quy chuẩn đạo đức mà tập trung vào hiện thực và tình hình cụ thể.
Thuật ngữ này xuất phát từ tiếng Đức, trong đó “Real” có nghĩa là “thực tiễn” và “Politik” có nghĩa là “chính trị.” Nguyên tắc này nổi lên vào giữa thế kỷ 19, thời kỳ Otto von Bismarck làm Thủ tướng Vương quốc Phổ. Ông sử dụng các biện pháp thực tiễn và thực dụng để thống nhất nước Đức dưới quyền của Phổ, bao gồm sử dụng quân đội, liên minh linh hoạt và các chiến lược ngoại giao thông minh.
Kissinger tin rằng Mỹ nên có quyết sách đối ngoại dựa trên sự đánh giá rõ ràng và có hệ thống cán cân quyền lực trên thế giới do các cường quốc nắm giữ. Cụ thể là để bảo đảm ưu thế thống trị của mình, Mỹ nên tích cực hợp tác với các cường quốc khác cho dù khác biệt về ý thức hệ hay hệ thống chính trị. Thế nhưng, theo tôi, chính sự sa lầy của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam mới là yếu tố chủ chốt đưa ông đến một niềm tin như vậy.
Rút khỏi cuộc chiến ở Việt Nam là chuyện không còn phải bàn cãi ở Mỹ, nhất là sau cuộc Tổng Tấn công Tết Mậu Thân 1968 của các lực lượng cộng sản Việt Nam. Thế nhưng vấn đề đối với Nhà Trắng và bản thân Kissinger với tư cách Cố vấn an ninh quốc gia là làm sao để Liên Xô và Trung Quốc không lợi dụng sự rút lui này để làm suy yếu hơn nữa vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
Lo ngại chiến lược này đã đưa Kissinger đến quyết định tái định hình quan hệ Mỹ – Xô và Mỹ – Trung trên cơ sở hòa dịu, giảm căng thẳng. Với Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân SALT I ký với Liên Xô năm 1972 và quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc được thiết lập cùng năm, mà cố vấn Nhà Trắng gốc Do Thái là người thiết kế và triển khai, Chiến tranh Lạnh đã được tháo ngòi nổ.
Không dừng lại đó, Kissinger khai thác ngay bình thường hóa quan hệ và hợp tác với Trung Quốc để làm suy yếu đối thủ chính là Liên Xô, dẫn tới sự sụp đổ của siêu cường cộng sản này hai thập kỷ sau đó. Nói cách khác, ông đã dùng kế sách “chia để trị” để không chỉ giúp Mỹ thoát khỏi Chiến tranh Việt Nam một cách ít tổn hại nhất mà còn để giành thắng lợi cốt lõi trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản vốn là lý do của việc Mỹ nhảy vào Việt Nam.
Tóm lại, Kissinger đã biết chuyển bại thành thắng nhờ Realpolitick. Đến năm 2018, khi ấy 95 tuổi, ông lại thi thố sự thực dụng chính trị này khi cố vấn Tổng thống Donald Trump xích lại với Nga để đối phó với Trung Quốc đã không còn giấu giếm tham vọng thống trị toàn cầu.
Sử dụng các biện pháp quân sự như một phương tiện chính trị để đạt được những thỏa thuận có lợi cho Mỹ bất chấp các quy chuẩn đạo đức là một khía cạnh khác của Realpolitik của Kissinger. Chiến dịch Linebacker II ném bom rải thảm Bắc Việt Nam suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác là một trong những ví dụ.
Cách tiếp cận thực dụng của Kissinger còn được phản ánh trong nhìn nhận của ông về Trung Quốc ngày nay. Theo ông, “đây không còn là một quốc gia cộng sản theo định nghĩa cũ: nhà nước quyết định tất cả. Nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia cộng sản theo nghĩa Đảng Cộng sản Trung Quốc độc quyền lãnh đạo.”
Realpolitik thế nào cho Việt Nam?
Tôi gọi người theo triết lý Realpolitick là “realpolitikist”.
Cũng như Kissinger, tôi là một “realpolitikist”, chủ trương mọi chính sách đối nội và đối ngoại phải lấy lợi ích quốc gia làm mục tiêu. Tuy nhiên, tôi có quan điểm ngược hẳn với ông về sự trỗi dậy của Trung Quốc ở thế kỷ 21.
Trên Washington Post ngày 12/6/2005, Kissinger viết:
“Nhiều viên chức chính phủ (Mỹ), thành viên Quốc hội và giới truyền thông đang tấn công các chính sách Trung Quốc, từ tỉ giá đến phát triển quân sự… Với nhiều người, sự lớn mạnh Trung Quốc đã trở thành thách thức quan trọng nhất đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ… Tư tưởng bành trướng đế quốc bằng quân sự không phải là phong cách Trung Quốc… Chính sách Mỹ tại châu Á không thể để bị thôi miên bởi xu hướng phát triển quân sự Trung Quốc. Trung Quốc, với lợi ích riêng, đang tìm kiếm hợp tác với Mỹ vì nhiều lý do… Lợi ích Mỹ trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc phải đặt trên tinh thần theo đuổi một hệ thống quốc tế ổn định…”
Tóm lại, đối với cựu Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc mang tính hòa bình.
Tôi, Cù Huy Hà Vũ, thì xác quyết rằng chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc “hậu Đông Âu” đang biến tướng thành chủ nghĩa đế quốc cổ điển hay Tân Đại Hán với đặc trưng là bành trướng lãnh thổ bằng sức mạnh quân sự. Lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt trên biển Đông, là mục tiêu số 1 của tham vọng đế quốc này.
Do đó, ngay từ năm 2007, tôi đã đề xuất với Chính phủ Việt Nam lập liên minh quân sự với Mỹ để chống xâm lược từ Trung Quốc một cách hiệu quả và bền vững. Cụ thể là ngày 23/12/2007, tôi và vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, đến thăm Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, tại nhà riêng của ông ở số 5A phố Hoàng Diệu, Hà Nội. Trong buổi gặp đó, tôi đã trao tận tay Tướng Anh một bức thư dài 5 trang chứa đựng đề xuất chiến lược này và đề nghị ông chuyển nó tới Chính phủ Việt Nam. Tướng Anh đồng ý với đề nghị của tôi.
Trong thư này, sau khi phân tích tình thế mất nước của Việt Nam trước dã tâm xâm lược của Trung Quốc, tôi kết luận:
“Chính phủ phải khẩn trương xây dựng chiến lược trung hạn, thậm chí dài hạn để có thể hoá giải một cách có hiệu quả ý đồ và hành vi bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Cụ thể là Việt Nam phải liên minh với một cường quốc quân sự mà ở đây là Mỹ.
Thực vậy, sau khi Liên Xô tan rã thì Mỹ trở thành cường quốc quân sự duy nhất có chính sách kiềm chế Trung Quốc và cũng là cường quốc quân sự duy nhất có mặt ở biển Đông.
Tất nhiên đây không phải là một sự lựa chọn dễ dàng xét dưới góc độ lịch sử và chính trị và vì vậy một lần nữa chúng ta hãy trở lại Hồ Chí Minh để có được sự tự tin và bản lĩnh cần thiết để làm điều cần phải làm: năm 1946 khi Tổ quốc ở tỉnh thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Bác đã chủ động ký Hiệp định sơ bộ 6/3 chấp nhận quân Pháp trở lại miền Bắc để đuổi 20 vạn quân Tưởng về nước!”
Quan điểm liên minh quân sự với quốc gia kẻ thù trong Chiến tranh Việt Nam và có ý thức hệ đối kháng để chống Trung Quốc xâm lược tiếp tục được tôi mài sắc trong hai bài trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), “Tham vọng của TQ trong cuộc tranh chấp biển Đông quá rõ ràng”, 9/4/2010 và “Ðồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại”, 24/7/2010.
Trong bài trả lời phỏng vấn sau, tôi nhấn mạnh:
“Để cứu nước thì dù có phải liên minh với quỷ dữ cũng vẫn phải làm. Với Hiệp định 6/3/ 1946 Hồ Chí Minh chẳng đã ‘rước’ quân Pháp lăm le tái chiếm Đông Dương từ miền Nam ra miền Bắc Việt Nam để thay thế 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc chẳng phải là bài học lớn đó sao?
“Thành thử liên minh quân sự với cựu thù trong quá khứ để bảo vệ Độc lập và Chủ quyền lãnh thổ quốc gia đâu có phải là vấn đề!”
Vẫn với Realpolitik đó, trong “Kiến nghị về chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam” mới đây gửi Lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, ngày 6/10/2023, tôi viết:
“Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chính sách quốc phòng “Bốn Không”. Đó là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế (Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019).
“Như vậy, trong bối cảnh Trung Quốc đang liên tiếp xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ và rình rập xâm chiếm tiếp lãnh thổ của Việt Nam, quần đảo Trường Sa trước hết, chính sách quốc phòng “Bốn Không” là đi ngược lại tư tưởng về liên minh quân sự của Hồ Chí Minh.
“Cũng cần nói thêm rằng, Trung Quốc là một cường quốc quân sự, và hơn thế, một cường quốc hạt nhân. Do đó, trong một cuộc chiến rất có thể là tổng lực do Trung Quốc phát động, Việt Nam chỉ có thể sống sót nếu là đồng minh quân sự của ít nhất một cường quốc hạt nhân.
“Cho dù là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Việt Nam, Nga sẽ không bao giờ trở thành đồng minh quân sự của Việt Nam trong đối đầu với Trung Quốc. Đơn giản là hiện giờ Nga đang rất cần được Trung Quốc hỗ trợ để đối phó với phương Tây trong cuộc chiến tranh ở Ukraine. Do đó, liên minh quân sự với Hoa Kỳ không những là chuyện chẳng đừng mà còn cấp thiết đối với Việt Nam.’’
Nay nhìn lại bài học từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, tôi thấy nếu có được quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ ngay sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975 thì Việt Nam đã không bị Trung Quốc tấn công. Điều này có nghĩa Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ sớm ngày nào thì nguy cơ lãnh thổ và quyền chủ quyền quốc gia, đặc biệt trên Biển Đông, rơi vào tay Trung Quốc cũng như nguy cơ hứng chịu một cuộc chiến tranh tổng lực cả trên biển lẫn đất liền từ nước bành trướng này bị đẩy lùi ngày ấy.
Trên tinh thần đó, tôi chỉ có thể tuyệt đối hài lòng trước việc Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày 10 và 11/9/2023 của Tổng thống Joe Biden như là bước chuẩn bị cần thiết cho một quan hệ đồng minh quân sự.
Lẽ dĩ nhiên, để có thể thực hiện được tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà”, Trung Quốc sẽ phải ngăn cản cho bằng được một phát triển quan hệ như vậy giữa hai cựu thù trong Chiến tranh Việt Nam. Chuyến thăm Hà Nội sắp tới của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là nằm trong nỗ lực đó.
Thế nhưng, dường như ông Tập sẽ không có con át chủ bài nào khác ngoài việc thổi phồng cái gọi là “vận mệnh chung” của hai nước, điều mà Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thể hiện trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày 1/12 vừa qua tại Hà Nội.
Đó là Trung Quốc và Việt Nam phải bằng mọi giá bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo trước áp lực ngày càng gia tăng từ các “thế lực thù địch” trong nước và ngoài nước. Nghĩa là để sống sót, Đảng cộng sản Việt Nam không có cách nào khác là phải dựa vào Trung Quốc như một “hậu phương lớn”. Đổi lại, Việt Nam sẽ không được trở thành một đồng minh quân sự của Mỹ.
Mặc dầu vậy, với tư cách là một realpolitikist, tôi tin rằng một liên minh quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là bất khả kháng, là “mệnh lệnh của thời đại”. Cũng như vậy, tôi tin rằng nó sẽ hình thành trong một tương lai không xa. Bởi quốc gia Việt Nam còn, cụ thể là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được bảo đảm tuyệt đối, thì Đảng Cộng sản Việt Nam mới có cơ tiếp tục tồn tại.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Cù Huy Hà Vũ. Ông là luật gia, học giả, nguyên cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện là nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị, sống tại Hoa Kỳ.