Tương lai của năng lượng hóa thạch là trọng tâm, cũng là vấn đề gai góc nhất tại hội nghị COP28 của LHQ, đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Tuần đàm phán ở cấp chuyên gia của hội nghị khép lại hôm qua, 06/12/2023. Nếu như chưa có dấu hiệu gì cho thấy cộng đồng quốc tế có thể đạt được thỏa hiệp về vấn đề này, giã từ năng lượng hoá thạch ‘‘một cách có tổ chức và công bằng’’ đang nổi lên như một kịch bản có nhiều cơ may.
Đăng ngày: 07/12/2023
Tương lai của các năng lượng hóa thạch đang để ngỏ. Dự thảo tuyên bố chung mới nhất trong hiện tại của COP28 giữ lại tất cả các kịch bản, từ kịch bản khẳng định mục tiêu ‘‘từ bỏ năng lượng hóa thạch’’ nói chung đến kịch bản trái ngược, hoàn toàn không nhắc đến vấn đề năng lượng hóa thạch. Cho đến nay, Trung Quốc, Ấn Độ và khối các nước Ả Rập, đặc biệt là cường quốc dầu mỏ Ả Rập Xê Út chống lại kịch bản này. Nước Nga thậm chí còn yêu cầu đưa khí đốt vào danh sách các năng lượng của ‘‘giai đoạn chuyển tiếp’’ sang nền kinh tế xanh. Cho đến hiện tại, Ả Rập Xê Út vẫn cực lực phản đối tất cả nội dung nào nhắc đến năng lượng hóa thạch.
Hai ngày làm việc cuối cùng của tuần lễ đầu tiên dường như dậm chân tại chỗ về chủ đề các năng lượng hóa thạch. Tối muộn hôm qua, các nhà thương lượng của 195 quốc gia – ký kết Thỏa thuận Paris 2015 – ghi nhận tình trạng tạm thời bế tắc, sau nhiều thảo luận căng thẳng. Tuy nhiên, tình hình không phải hoàn toàn lâm vào ngõ cụt. Theo ghi nhận của nhiều nhà quan sát, tại các hành lang của khu vực hội nghị, khu triển lãm khổng lồ Dubai, đã không nghe thấy những tiếng sập cửa, hay các thái độ cảnh báo gay gắt.
Theo AFP, trong số các kịch bản đang được đặt trên bàn thảo luận, giã từ năng lượng hoá thạch ‘‘một cách có tổ chức và công bằng’’ đang nổi lên như một kịch bản hứa hẹn thu hút được sự đồng thuận của đông đảo các nước. Sự xuất hiện của giải pháp này báo trước khả năng đạt được thỏa hiệp tại COP28, bởi đây là một diễn đạt hướng đến mục tiêu mang tính phổ quát, bảo đảm bao hàm được cả hoàn cảnh thực tế của nhiều quốc gia, vốn đang phụ thuộc nặng nề vào năng lượng hóa thạch hiện tại. Đại đa số các quốc gia ủng hộ việc giã từ năng lượng hóa thạch, với quan điểm khác biệt đôi chút.
Việc ‘‘giã từ năng lượng hóa thạch một cách có tổ chức và công bằng’’ chính là nội dung hợp tác thí điểm từ hai năm nay của khối các nước phát triển với một số quốc gia đang phát triển. Tại hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP26 ở Glasgow, để hỗ trợ mục tiêu của Việt Nam, đạt trung hòa cac-bon vào năm 2050, nhóm G7, Liên Hiệp Châu Âu, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP). Ngoài Việt Nam, Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng cũng đang được bắt đầu với Nam Phi, Senegal và Indonesia.
Thêm một dấu hiệu cho thấy áp lực hướng đến một thỏa hiệp về năng lượng hóa thạch tại hội nghị COP28 : Trong đêm hôm qua, rạng sáng nay, chủ tịch COP28, Sultan al-Jaber, kêu gọi các nước nỗ lực để đạt được một thỏa thuận đầy tham vọng trước ngày thứ Ba tới. Ông nhấn mạnh là COP28 phải kết thúc ‘‘đúng theo kế hoạch’’, chậm nhất là vào lúc 11 giờ, ngày 12/12 (COP27 chỉ đạt được đồng thuận sau thời gian kéo dài hai đêm đàm phán). Nói cách khác, các nước phải nỗ lực vượt bậc trong những ngày tới. Chủ tịch COP28 nhấn mạnh là các nhà thương thuyết phải ‘‘đưa ra các đề xuất cho phép đạt được các thỏa hiệp về năng lượng hóa thạch, về năng lượng tái tạo, về sử dụng năng lượng tiết kiệm, dựa trên cơ sở khoa học’’.
Mà, cơ sở khoa học chủ yếu của vấn đề khí hậu chính là nhân loại phải cắt giảm mạnh năng lượng hóa thạch từ đây đến năm 2030, để bảo đảm giữ được mục tiêu nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C, mục tiêu đã được công đồng quốc tế đồng thuận với Hiệp định Paris 2015. Không đưa năng lượng hóa thạch, thủ phạm chính của tình trạng khí hậu bị hâm nóng vào thỏa thuận của COP28, bị coi là đi ngược lại mục tiêu nói trên.