Đăng ngày: 07/12/2023
Với diện tích 550 ngàn km², Pháp – quốc gia rộng lớn nhất trong Liên Hiệp Châu Âu – là nền kinh tế thứ ba tại châu lục và đứng hàng thứ 7 trên thế giới. Nhờ vào một nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, Pháp được xếp là cường quốc quân sự thứ 8 trên toàn cầu. Dù vậy, cũng giống như cảm nhận của hai phần ba người dân Pháp, giới quan sát có chung nhận xét : Pháp không còn là một đại cường và tầm ảnh hưởng của Pháp trên trường quốc tế đang đà suy giảm.
Pháp: Cường quốc được lắng nghe nhưng không được trông đợi
Từ những năm 2000, có một câu hỏi luôn được đặt ra : Pháp có còn là một cường quốc hay không ? Câu trả lời vẫn là « Có », nước Pháp vẫn là một cường quốc quan trọng nhờ ít nhất vào ba lá chủ bài : Một ghế thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, một vị trí trong câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân và một mạng lưới ngoại giao rộng lớn được cho là đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra, nước Pháp có thể trông cậy vào ngôn ngữ Pháp, sắp tới sẽ được hơn 300 triệu người sử dụng ; sự hiện diện đông đảo của Pháp tại nhiều định chế quốc tế ; một vai trò quan trọng trong khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO và Liên Hiệp Châu Âu cũng như là một hình ảnh tích cực để thu hút đầu tư và du lịch bất chấp một số bất ổn xã hội gần đây.
Tuy nhiên, nhà báo và cũng là tác giả, Richard Werly, thông tín viên báo « Blick » tại Paris trên kênh truyền hình RTS của Thụy Sĩ ngày 10/11/2023 đánh giá những lợi thế này cũng chưa đủ để nước Pháp ngày nay được « lắng nghe và trông đợi » như dưới thời tướng De Gaulle, thời tổng thống François Mitterand hay Jacques Chirac.
Bởi vì, những lá chủ bài đó của Pháp đâu phải là những điều « bất di bất dịch », như lưu ý của chuyên gia Frédéric Charillon, giáo sư ngành Khoa học Chính trị trường đại học Clermont – Auvergne trên tạp chí Diplomatie số ra tháng 8-9/2023.
Bản thân các định chế Liên Hiệp Quốc cũng đang bị chỉ trích là lỗi thời và ngày càng có nhiều lời kêu gọi cải tổ. Vũ khí hạt nhân thì khó sử dụng tại các nền dân chủ. Thế mạnh kinh tế của Pháp, tuy vẫn nằm trong tốp hàng đầu nhưng đã bị nhiều nước phương Nam khác qua mặt.
Ngôn ngữ Pháp dù được sử dụng rộng rãi nhưng bị rút xuống như là một thứ ngôn ngữ làm việc trong các định chế quốc tế, trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu cũng như ở một số nước Bắc Phi, trong khi các hệ thống giáo dục nổi tiếng của Pháp ở nước ngoài bị cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước châu Âu khác.
Trong lòng khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu, Pháp phải quan tâm đến việc có nhiều đối tác không chấp nhận thế trội và sẵn sàng đối đầu trực diện, chống đối tầm nhìn chính trị của Paris.
Châu Phi: « Sân sau » đã mất !
Cũng theo ông Frédéric Charillon, bất chấp các nỗ lực không ngừng từ thời tướng De Gaulle, Pháp vẫn luôn gặp khó khăn trong việc mở rộng ảnh hưởng tại nhiều vùng giờ được cho là những vùng « tâm điểm chiến lược tương lai » như Nam Mỹ, Đông Nam Á, Trung Á và Nam Á…
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là tại châu Phi. Ở những nước thuộc địa cũ, tầm ảnh hưởng của Pháp đã bị giảm mạnh đến thê thảm. Mười năm sau chiến dịch quân sự ở Mali và nước Pháp được chào đón như là một anh hùng năm 2013, Paris giờ phải lần lượt thoái lui ra khỏi sáu nước, từng được xem như là « sân sau » của Pháp sau một loạt các cuộc đảo chính quân sự và làn sóng « bài Pháp » : Mali (2020), Tchad (2021), Guinea (2021) ; Burkina Faso (2022), Niger (2023) và Gabon (2023).
Trong bối cảnh này, Paris buộc phải điều chỉnh chính sách đối với châu Phi. Tại Rwanda, sau nhiều năm căng thẳng bang giao do có liên quan đến nạn diệt chủng năm 1994, nguyên thủ Pháp có lời xin lỗi. Trên bình diện văn hóa, Paris thông qua đạo luật trao trả lại nhiều cổ vật nghệ thuật. Về kinh tế, tổng thống Macron thông báo chấm dứt đồng franc CFA – vết tích sau cùng thời thuộc địa của Pháp trong khu vực.
Làm thế nào giải thích cho sự suy giảm mạnh mẽ ảnh hưởng của Pháp tại châu lục ? Ngoài yếu tố quá khứ thực dân, nhà địa chính trị Niagalé Bagayoko, chủ tịch African Security Sector Network, trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) đưa ra một số nguyên nhân khác :
« Trước hết có một sự tự phụ, một tham vọng quá lớn trong việc tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố mà người dân thực sự tin tưởng. Pháp tuyên bố sẽ loại bỏ, vô hiệu hóa và tiêu diệt hoàn toàn những kẻ khủng bố, và dư luận đã không nghi ngờ gì về khả năng thực hiện của Pháp. Tuy nhiên, sau hai mươi năm, chúng ta thấy rõ là các đối tác quốc tế đã không thể vượt qua cuộc xung đột này ở bất kỳ chiến trường nào.
Do vậy, sự tín nhiệm dành cho Pháp lúc ban đầu cũng vì thế đã gây ra hoài nghi và nỗi tức giận ngày càng lớn trước sự hiện diện được cho là vô ích. Và theo công luận châu Phi, yếu tố thứ hai đi kèm theo, là thái độ ngạo mạn, lối gia trưởng khinh thường của Pháp khi đối diện với các nhà lãnh đạo và công luận tại chỗ (…)
Rồi cách thức xử lý khủng hoảng khi không đếm xỉa đến sự khác biệt trong phân tích chiến lược, nhất là với các nước trong vùng Sahel đã giải thích phần nào thất bại của Pháp mà chúng ta thấy rõ trong thực tế bất chấp những phủ nhận.
Chẳng hạn việc ngoại trưởng Pháp thời đó là ông Jean Yves Le Drian phản đối thủ tướng Mali phủ quyết mọi cuộc đàm phán với các nhóm khủng bố cho thấy các sai lầm trong việc chọn lựa các giải pháp của Paris. Hay như trong cuộc xung đột giữa Bamako và phe ly khai ở miền Bắc Mali, cách thức Pháp hậu thuẫn cho nhóm vũ trang Touareg đã bị dư luận Mali coi như là một hành động phản bội ».
Trung Đông: Hình ảnh bị lu mờ
Ở Trung Đông, tại những nước có các mối liên hệ truyền thống, địa lý, và văn hóa sâu rộng bắt nguồn từ những mối liên minh xưa cũ như Syria, Libya hay Liban, Pháp cũng đã bị mất ảnh hưởng, trong khi dưới thời tổng thống Jacques Chirac, Paris lại là một đối tác không thể thiếu ở khu vực.
Triển vọng mở rộng ảnh hưởng trong vùng giờ dịch chuyển về phía các cường quốc trong Vùng Vịnh. Tổng thống Emmanuel Macron là nguyên thủ đầu tiên tiếp đón hoàng thái tử Mohammed Ben Salmane của Ả Rập xê Út sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Với Qatar, Paris ký kết một nghị định thư hợp tác, nhưng chính tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Pháp có một căn cứ quân sự từ năm 2009.
Nhà báo Richard Werly, trên kênh truyền hình RTS nhắc lại dưới thời tổng thống Jacques Chirac, nước Pháp đã để lại hai hình ảnh, hai quyết định ấn tượng : Thứ nhất là nói « KHÔNG » với cuộc can thiệp quân sự của Mỹ ở Irak qua bài phát biểu của ông Dominique Villepin tại Liên Hiệp Quốc năm 2003 và thứ hai là hình ảnh ông J. Chirac gạt đoàn hộ tống của Israel để nói chuyện với người dân Palestine ở vùng Đông Jerusalem.
« Ở ông Chirac có một dạng bất đồng chính kiến theo kiểu tướng De Gaulle. Giờ hình thức này còn lại rất ít, đã bị ông Nicolas Sarkozy xóa nhòa đi rất nhiều. Quyết định gia nhập NATO đã đồng nghĩa với việc từ bỏ một phần học thuyết của tướng De Gaulle. Còn tổng thống François Hollande thì vất vả tồn tại trên trường quốc tế. Giờ đến lượt Emmanuel Macron đang nỗ lực “chèo lái” để khôi phục sức mạnh này.
Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi. Khối phương Nam toàn cầu đòi hỏi khắt khe hơn trước và cuộc chiến tranh tại Ukraina đang tạo ra trước mặt chúng ta một “trục” khác bao gồm Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác nữa ».
Khủng hoảng “AUKUS”: Vố đau cho công nghiệp quốc phòng
Lãnh vực công nghiệp quốc phòng – chiếc đòn bẩy quan trọng không thể thiếu của Pháp trong đối ngoại – cũng « năm chìm bảy nổi » trong cuộc tranh giành ảnh hưởng khốc liệt, trước một thế giới đã bị phân mảnh và xuất hiện nhiều cường quốc bậc trung, cũng đang đòi hỏi một vị trí trong bàn cờ địa chính trị.
Dù vậy, theo thống kê, Pháp là nước xuất khẩu vũ khí thứ ba trên thế giới (chiếm 11% thị phần toàn cầu), chỉ sau Nga (16%) và thua xa Mỹ (40%). Những khách hàng lớn của Paris trong năm 2022 là Ấn Độ, Qatar, Brazil, Ai Cập và Hy Lạp.
Tuy nhiên, trong năm 2021, chỉ trong vòng có vài tháng, nước Pháp liên tiếp đón nhận hai vố đau : Thụy Sĩ quyết định chọn mua F-35 của Mỹ trong khi các cuộc thương lượng về Rafale của Pháp được cho là có những tiến triển tốt và nhất là, Úc bất ngờ thông báo hủy hợp đồng mua 12 chiếc tầu ngầm của tập đoàn Naval Group của Pháp và thay vào đó là tầu ngầm hạt nhân của Anh – Mỹ.
Cuộc khủng hoảng này xảy ra vào thời điểm tế nhị, Pháp đặt các vùng lãnh thổ hải ngoại vào trọng tâm chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mà Ấn Độ là một đối tác quan trọng hàng đầu đối với Pháp. Theo đánh giá từ nhà báo Richard Werly, cuộc khủng hoảng này đã để lại một tác động không nhỏ cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp, một mặt cho phép nước này tự chủ về an ninh quốc phòng, nhưng mặt khác lại là một công cụ ngoại giao hữu ích.
« Đây là một sự sỉ nhục. Về mặt hợp đồng kinh doanh, quý vị đã ký cam kết bán 12 chiếc tàu ngầm, và hơn nữa, đó là một hợp đồng rất lớn, và đột nhiên, không hề báo trước, hợp đồng này bị một quốc gia là Úc từ bỏ khi cùng lúc ký một hợp đồng khác với Mỹ, đồng minh của quý vị. Vì vậy, đó là một sự sỉ nhục. Pháp hoàn toàn đúng khi bày tỏ bất bình với Joe Biden. Và ngay sau đó Emmanuel Macron có chuyến thăm cấp nhà nước trên thảm đỏ ở Washington.
Về mặt đánh giá chiến lược, Úc cho rằng thế phòng thủ hải quân thủ tốt nhất trước Trung Quốc là các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Điều đó có thể hiểu được, việc xem xét lại chiến lược của Úc là có thể hiểu được. Tôi nghĩ người Pháp cũng hiểu điều đó. Do vậy, họ đã thương lượng mức bồi thường 500 triệu euro, con số này không hề nhỏ.
Nhưng thực sự, nó giống như một sự sỉ nhục cho thế mạnh của Pháp, đó là một tín hiệu rất xấu. Kể từ đó, E. Macron đã cố gắng lấy lại vị thế này. »
Nhìn từ toàn cảnh này, giới quan sát nhận định việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn có một nước Pháp hùng mạnh và được lắng nghe sẽ là một nhiệm vụ đầy khó khăn. Để trở thành một cường quốc, không chỉ có thế mạnh quân sự mà còn phải có cả các phương tiện kinh tế để thúc đẩy những hồ sơ mà Pháp muốn mở rộng ảnh hưởng. Nhưng rủi thay những công cụ kinh tế này Pháp không còn nữa trong khi mà món nợ khổng lồ hơn 3.000 tỷ euro đang treo lơ lửng đe dọa đến nền kinh tế – xã hội tại xứ sở có hình lục lăng này !