Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình “sẽ thăm Việt Nam từ 12 đến 13/12”, theo Tân Hoa Xã.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước của người lãnh đạo Đảng Cộng sản và chủ tịch nước Trung Quốc sang Việt Nam, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói hôm thứ Năm.
Ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam theo lời mời của hai nhà lãnh đạo nước này, TBT Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Bản tin của Tân Hoa Xã, hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Năm chỉ có hai đoạn về sự kiện này mà chưa có các chi tiết rằng chuyến thăm được bố trí ra sao.
Nhìn trên bình diện quan hệ quốc tế của Việt Nam thì sự kiện này sẽ diễn ra đúng ba tháng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Hà Nội.
Trước đó, hãng tin Bloomberg đưa tin tương tự, trích nguồn ẩn danh ở Việt Nam, nói rằng Chủ tịch Tập “có thể sẽ thăm Hà Nội từ 12 -đến 13 tháng 12 này”.
Thế nhưng cho đến chiều 07/12, một số báo Việt Nam ban đầu chỉ thấy hiện tựa đề về chuyến thăm trên mạng Internet nhưng khi bạn đọc bấm vào thì không hiện ra tin cụ thể.
Chừng vài chục phút sau, vào khoảng 15:30 giờ HN, các trang Tiền Phong, VOV, VnExpress đã hiện tin bài về nội dung này.
Bloomberg hôm trước nói quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang thảo luận chi tiết chuyến thăm của ông Tập kể từ thứ Sáu tuần trước, khi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của TQ thăm Việt Nam.
BRI, Biển Đông và ‘cộng đồng chung vận mệnh’
Các hãng thông tấn Phương Tây và một số báo khu vực, như ở Ấn Độ tin rằng một kết quả trực tiếp của chuyến thăm hai ngày tuần qua tới Việt Nam của ông Vương Nghị là “hai bên đồng ý nâng cấp tuyến đường sắt đi từ vùng khai thác đất hiếm ở miền Bắc Việt Nam ra cảng biển cũng ở phía Bắc nước này”.
Riêng về Vành đai & Con đường (BRI) phía Trung Quốc nói trước đây về một số công trình ở Việt Nam nằm trong dự án này, nhưng báo chí do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam lại không nói rõ như vậy.
Tương tự, hiện không rõ công trình xe lửa được nâng cấp nói trên có được hai bên gọi là một phần của BRI hay không.
Chuyến thăm của Chủ tịch Tập sang Việt Nam diễn ra sau khi Hà Nội và Washington nâng cấp quan hệ ngoại giao lên “đối tác chiến lược toàn diện”.
Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có chuyến thăm tới Hà Nội, theo lời mời của TBT Đảng CS VN Nguyễn Phú Trọng.
Thông cáo báo chí nhà các báo VN đăng tải hôm 11/09/2023 có đoạn trích lời hai ông Nguyễn Phú Trọng và Joe Biden về tình hình khu vực và Biển Đông:
“Hai nhà Lãnh đạo khẳng định ủng hộ nhất quán việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cũng như tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi quốc gia, phù hợp với luật biển quốc tế được thể hiện trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).”
Ngoài ra, quan điểm chung Mỹ-Việt về an ninh khu vực được ghi rõ:
“Hai nhà lãnh đạo nhất trí tất cả các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.”
Mới đây nhất, căng thẳng Trung Quốc-Philippines trên Biển Đông tiếp tục lên cao và bất cứ động thái gì của Việt Nam, nước tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này, cũng được các bên chú ý.
Tuần qua, trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt về câu chuyện liệu Việt Nam có tham gia “cộng đồng có vận mệnh chung” mà Trung Quốc đề xuất hay không, Giáo sư Steve Tsang từ Học viện nghiên cứu Á-Phi (SOAS), ĐH London nêu ý kiến:
“Việt Nam đang là nước xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản lãnh đạo giống như Trung Quốc. Mà VN cũng lại là quốc gia có tranh chấp lãnh thổ lớn với phía Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam có mối quan hệ rất phức tạp với Trung Quốc. Nhìn từ phía VN thì mối đe dọa lớn nhất với họ lại đến từ phía TQ cho nên tôi nghĩ chính quyền VN sẽ muốn lèo lái quan hệ này hết sức thận trọng.”
Theo GS Tsang, một chuyên gia hàng đầu tại Anh về Trung Quốc thì “yếu tố quan trọng là Việt Nam giữ quan hệ ổn định và tốt với Trung Quốc để không làm nổ ra tình trạng Trung Quốc có hành động đe dọa an ninh của Việt Nam. Cách giao tiếp tích cực còn đem lại lợi ích kinh tế. Tôi nghĩ đây là hướng Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đi tới.”