Lần đầu tiên trong lịch sử các hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc, COP28 sáng nay 13/12/2023 đã đạt được thỏa thuận kêu gọi các nước từ bỏ dần dần các loại nhiên liệu hóa thạch để tránh những hậu quả khủng khiếp nhất do biến đổi khí hậu.
Đăng ngày: 13/12/2023
Theo Reuters, thỏa thuận được đúc kết tại Dubai sau 2 tuần hội nghị là nhằm gửi tín hiệu mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và giới lãnh đạo về mong muốn giã từ nhiên liệu hóa thạch, vốn là nguồn chính thải khí gây hiệu ứng nhà kính hâm nóng Trái đất.
Do bị chỉ trích về dự thảo thỏa thuận không có nội dung « từ bỏ năng lượng hóa thạch » mà chỉ có mục tiêu giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, hội nghị COP28 Dubai đã phải kéo dài thêm 1 ngày so với lịch trình. Đàm phán đã diễn ra suốt đêm qua, hơn 100 nước đã gây sức ép với nhóm các nước sản xuất dầu lửa trong khối OPEC, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, để văn bản thỏa thuận phải ghi rõ ràng việc từ bỏ « dần dần » sử dụng dầu lửa, khí đốt và than đá. Đến sáng nay 13/12, mới có thông báo chính thức là các nước đạt được thỏa thuận.
Từ Dubai, đặc phái viên Jeanne Richard gửi về bài tường trình về phiên họp toàn thể hôm nay :
« Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber thông báo việc hội nghị đã thông qua bản tổng kết thế giới đầu tiên về hành động khí hậu và sau đó là một tràng pháo tay, không một ai phản đối. Rõ ràng đối với nhiều người, đây là một bước ngoặt quan trọng, một thời khắc lịch sử, bởi vì thỏa thuận vừa được thông qua mở đường cho việc chấm dứt các loại năng lượng hóa thạch – than đá, khí đốt và dầu lửa. Các loại năng lượng này từ hai thế kỷ nay đã định hình các xã hội và các nền kinh tế của chúng ta.
Thế nhưng, văn bản này không phải là đã đầy đủ, tuyệt vời, vẫn còn những điểm thiếu hụt, nhất là về việc hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng vẫn bị xem là chưa đủ. Đây sẽ là nội dung quan trọng sống còn của COP năm tới, còn hiện nay thì chúng ta vẫn chưa đạt được điều này.
Những căng thẳng giữa các nhà đàm phán trong hai tuần qua là rất lớn bởi cần đạt thỏa thuận giữa khoảng 200 nước có những lợi ích trái ngược nhau. Cũng có thể nói rằng chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber đã thành công trong việc tổng hợp các quan điểm và vận động ngoại giao.
Nhưng hiện giờ đây cũng mới chỉ là một văn bản, cần phải triển khai hành động. Chúng ta sẽ xem các nước nắm bắt, diễn giải nội dung thế nào và biến thành hành động cụ thể ra sao để có thể hạn chế thực sự tình trạng Trái đất nóng lên ».
Về phản ứng của quốc tế, dù hoàn toàn chưa hài lòng về nội dung thỏa thuận, đa phần các nhà lãnh đạo đều khen ngợi việc COP28 ra được thỏa thuận cuối cùng, đồng thời nhấn mạnh cần phải thúc đẩy hơn nữa. Chẳng hạn, tổng thư ký Liên hiệp Quốc hy vọng việc giã từ nhiên liệu hóa thạch sẽ không phải chờ đợi quá lâu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu hoan nghênh « bước khởi đầu của kỷ nguyên hậu nhiêu liệu hóa thạch ». Trung Quốc nhận định các nước phát triển cần đầu tư nhiều hơn vào chuyển đổi năng lượng trên thế giới, hỗ trợ các nước đang phát triển cả về kỹ thuật và tài chính…