- Tác giả,Thục-Quyên
- Vai trò,Gửi tới BBC từ Munich, Đức
Hòa thượng Tuệ Sỹ đã viên tịch ngày 24/11/2023, trụ thế 79 năm, với 41 hạ lạp.
Gần hai năm trước, Hoà thượng Nhất Hạnh an nhiên thị tịch ngày 22/01/2022, trụ thế 96 năm với 70 hạ lạp.
Nhị vị Hoà thượng cách nhau 17 năm tuổi đời, và theo lời kể của ni sư Chân Không thì “Thầy Tuệ Sỹ là vị tu sĩ hiểu kinh rất là nhanh, hiểu thấu, giỏi và giảng dạy thật hay về Duy Thức học. Học ở Đại Học Van Hạnh năm 1964/1965 sư chú cùng là học trò được học với Thầy Nhất Hạnh về Pháp Tướng Duy Thức Học và Pháp Tánh Không Tuệ Học.
Sư cô Chân Không hồi đó được học cùng lớp, cùng thầy và cùng thi một bài luận. Tuy là chủ tịch sinh viên Đại Đọc Vạn Hạnh năm 1964 mà chỉ có được 12/20 điểm trong khi chú em Tuệ Sỹ giỏi quá chừng, chú được 16/20 điểm.”
Những vị cao tăng uyên bác
Nhị vị Hòa thượng là hai trong số nhiều đỉnh núi của Phật giáo Việt Nam.
Đỉnh càng cao để càng nhiều người xa gần có thể ngẩng đầu chiêm ngưỡng và định hướng, thì con số những hòn đá to nhỏ, những hạt cát bụi nằm bên dưới, càng hằng hà sa số, và nương dựa, quyện vào nhau để tạo nên chân và thân núi vững vàng.
Thành thử cái này có thì cái kia có, có hạt sỏi dưới chân núi để tảng đá trên kia có thể sừng sững trước bão giông.
Bàn đến những thăng trầm của Phật giáo Việt Nam trong thời cận đại thì chẳng nên mắc vào sai lầm ấu trĩ, chỉ nhìn các đỉnh núi rồi so sánh có không, cao thấp, lớn nhỏ, mà phải học hiểu những tính tương tức và tùy duyên trong cách hành đạo của tứ chúng Phật tử, từ các vị tôn túc đến hàng tăng ni, cư sĩ.
“Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan” (thơ Tuệ Sỹ)
Suốt gần 50 năm pháp nạn, Thầy Tuệ Sỹ thường được coi là người tu sĩ tiêu biểu cho biết bao người Việt Nam mất tự do ngay trên quê hương của mình
Trách Lung
Trách lung do tự tạo
Tản bộ nhược nhàn du
Tiếu độc thoại ảnh hưởng
Không tiêu vĩnh nhật tù
(Thơ Tuệ Sỹ)
Lồng Hẹp
Nhà tù chật, khó giam lòng tự tại
Khách nhàn du, ta thả bộ thong dong
Ta cười nói, mình ta nghe thanh thản
Ngày tù dài, trôi nhẹ tựa như không.
(Huệ Trân-Hạnh Chi tạm dịch)
trong khi Thầy Nhất Hạnh là một trong số những nhà tu khoác nâu sòng bôn ba nơi quê người, cặm cụi xây dựng, xiển dương đạo pháp, với tấm lòng lúc nào cũng trĩu nặng vận mệnh nước nhà:
vai gánh lấy trọn vẹn giang sơn
đòn gánh trĩu hai đầu văn hóa
Đông Tây tiếng gà bồn chồn tấc dạ
nghiêng gối hỏi thầm: trời bên ấy sáng chưa?
(Thơ Nhất Hạnh)
Nhìn lại lịch sử
Cũng vì vậy, tang lễ nhị vị Hoà thượng dù được giữ trang nghiêm thanh tịnh đúng theo nghi thức truyền thống thiền môn, và dù không gặp nhiều khó khăn quấy nhiễu lộ liễu từ phía chính phủ, nhưng lại vẫn gây lên những đợt sóng ý thức và đàm luận mạnh mẽ, trong nước cũng như tại hải ngoại, liên quan đến tự do tôn giáo và vận mệnh Phật giáo Việt Nam.
Đây là những dịp để dừng lại, nhìn sâu vào sự việc, nhớ lại những giai đoạn đau thương của Phật giáo Việt độc lập truyền thống, khi những minh sư hiền giả bị tù đày, hãm hại, bức tử, rồi đến những năm tháng dài họ bị cô lập bằng nhiều cách khác nhau, với mục đích dùng tình trạng thiếu truyền thông để gây sự rạn nứt hàng ngũ và tan rã nội bộ.
Thảm trạng chia rẽ và suy yếu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tuy đã thực sự xảy ra nhưng mức trầm trọng cho tới nay không được đánh giá chính xác, vì tùy thuộc quá nhiều những trách móc lệch lạc, vô căn cứ, và phân tích hời hợt, hoặc vô tình do những người không am hiểu đạo Phật, hoặc cố ý bởi những kẻ đang rắp tâm đánh phá.
Suy yếu ra sao, thật ra chỉ cần thoát khỏi khuynh hướng bị kẹt vào khái niệm, thì sẽ thấy bất bạo động trong Phật giáo chẳng phải là bất động, không biểu hiện không phải là không có.
Tang lễ của nhị vị Hoà thượng là những dịp để nội lực của Phật giáo được biểu hiện rõ ràng.
Sự kiên quyết giữ vững những giá trị sống theo chánh pháp, trong mắt người đời có lúc bị xem như những thái độ chính trị của quý thầy rồi để tôn sùng hay dè bỉu. Nhưng nếu biết dùng sự nhận thức bất nhị của Phật giáo thì sẽ thấy quý thầy là những người đã từng tháo tung những biên giới nhận thức do lề thói khái-niệm và phân-biệt chằng chịt giăng mắc, thì đâu còn bị sai sử bởi những biên giới giữa sinh/diệt, có/không, dơ/sạch, còn/mất, phải/trái…
Năm xưa tôi nghe Thầy Nhất Hạnh dặn dò, mình là người tu thì có bổn phận là một người tu giỏi, những việc khác, người khác sẽ làm giỏi hơn mình. Nay lại nghe thầy Hạnh Viên kể lại, Ôn Tuệ Sỹ nói là một người đi tu, điều đáng nói là sự giác ngộ và giá trị tu tập của mình, còn những chuyện khác đó là sự đối phó với đời thường, không có gì đáng nói.
Thầy Tuệ Sỹ cũng nhắn nhủ các tăng sinh Huế “nhẫn nhịn đời nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai xử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong dòng xoáy ô trược của thế gian” và “Nếu có tài, gặp cơ duyên thích hợp thì đem ra phụ giúp cho đời, đem khả năng của mình ra để phục vụ nhân sinh. Hợp thời thế thì làm, bằng không thì cũng chẳng buồn bã chi. “Bất đắc chí, độc hành kỳ đạo”, có bạn đồng hành để xây dựng xã hội thì mình đi vào, không thì sống với triết lý riêng của mình. Sống với thiên nhiên, với vũ trụ của mình.”
Nhân duyên đã đầy đủ và thuận lợi để từ cuối thế kỷ thứ 20, Phật giáo Việt Nam đã vang danh thế giới với triết lý bất bạo động, dẫn đầu Phong trào Gìn giữ Hòa bình, Bảo vệ Môi sinh cùng những thông điệp sống tích cực. Nhờ đó mà Phật giáo Việt Nam trong mắt thế giới không khệ nệ chùa to, Phật vàng, mà thấp thoáng những vị cao tăng, uyên bác.
Và cứ như thế, gần nửa thế kỷ qua, quý thầy đã tương tức với nhau dẫn dắt Phật giáo gìn giữ giá trị truyền thống, đồng thời tùy duyên nhập thế và sinh động.
Thầy Nhất Hạnh từ Cốc Ngồi Yên, Thầy Tuệ Sỹ từ Thị Ngạn Am, đã gửi lại cho hậu thế một gia tài đồ sộ kinh điển, một kho tàng trước tác văn chương học thuật…
Trong khi Thầy Tuệ Sỹ
“Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”
và nhắn với huynh đệ phương xa
“Quảng mạc thiên hoang cố lý, nhi phế hưng cạnh tẩu kinh đào, phiến diệp phù nang, quải nạp đằng la thử ngạn”
Dịch nôm:
Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy sóng cồn, chiếc lá thuyền
nang, vá áo chép kinh đất khách. (Huệ Trân-Hạnh Chi tạm dịch)
Thì Thầy Nhất Hạnh vẫn cần mẫn bên trời Tây
Quét lá chốn bản môn
Ta cùng người thị hiện
Đi về phía mặt trời
Hẹn nhau cùng lên tiếng.
Nhổ cỏ chốn bản môn
Ta nhớ chú điệu xưa
Bụt che chở ngàn đời
Cho muôn ngàn cậu bé
Khâu áo chốn tích môn
Cho đời lành lặn lại
Mũi kim sợi chỉ này
Là công phu gặt hái.
Nay nhị vị Hòa thượng đã là những Áng Mây Trắng Thong Dong.
Vận mệnh Phật giáo Việt Nam phải do tứ chúng Phật tử, từ các vị tôn túc đến hàng tăng ni, cư sĩ, đồng gánh vác. Nhưng gia tài để lại, liệu huynh đệ và hàng hậu học có tiếp xúc và tiếp nhận được nguồn suối của nhận thức, của hiểu biết và của lòng yêu thương để thể hiện và tiếp nối hay không?
Chắc chắn là được nếu tất cả lưu tâm nuôi dưỡng để sự truyền thông với nhau không bị gián đoạn bởi thế quyền mà cũng chẳng vì tâm phân biệt trong chính mỗi người.
Bài thể hiện quan điểm riêng của bà Thục-Quyên, hiện sống tại Munich, Đức.