Tác phẩm điêu khắc tôn vinh nạn nhân trong cuộc bức hại của ĐCSTQ được khánh thành vào Ngày Nhân quyền

Tác phẩm điêu khắc tôn vinh nạn nhân trong cuộc bức hại của ĐCSTQ được khánh thành vào Ngày Nhân quyền

Nhà điêu khắc gốc Hoa Trần Duy Minh (Chen Weiming) ra mắt tác phẩm nghệ thuật mới của mình tại Công viên Điêu khắc Tự do ở Yermo, California, hôm 10/12/2023. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của ông Trần Duy Minh)

Mary Hong

Thứ tư, 13/12/2023

Hôm 10/12, một bức tượng điêu khắc tưởng niệm một sự kiện quan trọng được gọi là “Đại Tháo Cảng” (Cuộc Đào Thoát Vĩ Đại Sang Hồng Kông) diễn ra vào những năm 1950 đến cuối những năm 1970, đã được khánh thành vào Ngày Nhân quyền. Nhà điêu khắc này muốn tôn vinh những người sống sót đã đào thoát khỏi Trung Quốc cộng sản trong Cách mạng Văn hóa và nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng tự do đích thực vẫn là một điều gì đó rất mơ hồ dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tượng đài Cuộc đào thoát Vĩ đại được nghệ sĩ kiêm nhà hoạt động nhân quyền Trần Duy Minh (Chen Weiming) bắt tay vào làm từ năm 2021 và mất hơn hai năm để hoàn thiện. Hôm Chủ Nhật, bức tượng đã được ra mắt tại Công viên Điêu khắc Tự do ở Yermo, California.

Hôm 09/12, ông Trần nói với ấn bản Hoa ngữ của tờ The Epoch Times rằng tác phẩm điêu khắc này được dựng lên để tưởng niệm vô số người được gọi là “những người vượt biển tìm tự do.” Họ đã đào thoát khỏi Hoa lục và sẵn sàng mạo hiểm tính mạng của mình để tìm kiếm tự do ở Hồng Kông trong phong trào chính trị áp bức của ĐCSTQ — Cách mạng Văn hóa — từ những năm 1950 đến cuối những năm 1970. Có thông tin cho rằng, trong thời gian đó, 2.5 triệu người bị chính quyền Trung Quốc xem là “kẻ thù giai cấp” đã đào thoát khỏi Hoa lục.

Tác phẩm điêu khắc này cũng đại diện cho những người rời khỏi Hồng Kông sau khi Bắc Kinh thực thi luật an ninh quốc gia vào năm 2020. Luật này trao cho ĐCSTQ quyền hình sự hóa bất kỳ hình thức bất đồng chính kiến nào và áp dụng các định nghĩa rộng rãi cho các tội như khủng bố, lật đổ, ly khai, và thông đồng với các thế lực ngoại quốc, cũng như cho phép chế độ thành lập một lực lượng an ninh ở Hồng Kông để trừng phạt những người chỉ trích và đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Ông Trần rất mãn nguyện khi thấy tác phẩm của mình được trưng bày trong Ngày Nhân quyền và giải thích rằng, do hoàn cảnh khốn khổ không tả xiết dưới sự cai trị của ĐCSTQ trong Đại Cách mạng Văn Hóa, Chiến dịch Chống Cánh hữu (1957–1959), Đại Nhảy vọt (1958–1962), hàng triệu người Trung Quốc không thể chịu đựng được và quyết định vượt biển đến Hồng Kông tìm nơi trú ngụ, dẫn đến một cuộc di cư lịch sử kéo dài hai mươi năm.

Ông Trần nói: “Câu chuyện đang được kể này phản ánh tình trạng nhân quyền tồi tệ của người dân Trung Quốc dưới sự cai trị độc tài của ĐCSTQ.”

Về công trình nghệ thuật, nghệ sĩ Trần giải thích: “Con sóng lớn ở phần trên của tác phẩm điêu khắc có thể trông đơn giản, nhưng cấu trúc của lớp sóng đó đặc biệt phức tạp. Để chống đỡ được cấu trúc này thì đòi hỏi các thanh thép phải được xếp theo các lớp đan chồng lên nhau khá dày và phức tạp, cho nên đó là cả một thách thức lớn.”

“Phần đế của tác phẩm điêu khắc truyền tải năm câu chuyện, mỗi câu chuyện mô tả những sự kiện có thật mà những người bắt đầu cuộc hành trình nguy hiểm này phải đối mặt. Có những trường hợp gặp phải cá mập khi vượt biển, hay bị chính quyền bắn khi đang bơi.”

Ông cho biết thêm rằng, với phiên bản Hồng Kông của luật an ninh quốc gia Trung Quốc có hiệu lực trong ba năm, thật chán nản khi thấy Hồng Kông cũng phải chịu quỳ phục.

“Sự cai quản bành trướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể vẫn chạm được đến họ. Nhân quyền thực sự cho người dân Trung Quốc chỉ có thể đạt được thông qua việc lật đổ ĐCSTQ.”

Trong hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco hồi tháng trước (11/2023), ông Trần đã lái xe từ Los Angeles đến San Francisco với tác phẩm “Tượng Nữ thần Dân chủ” của mình để tham gia cùng những người biểu tình ủng hộ dân chủ bên ngoài địa điểm tổ chức hội nghị khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm.

Với một chiếc loa, ông hét lên bằng cả Anh ngữ và Hoa ngữ rằng, “Chúng tôi muốn tự do! Chúng tôi muốn dân chủ! Ông Tập Cận Bình phải từ chức! Ông Tập Cận Bình là một nhà độc tài!”

Tại nơi này, ông Trần nhìn thấy một người biểu tình thuộc Đảng Dân Chủ Trung Quốc (CDP) nằm trên mặt đất với khuôn mặt bê bết máu. Tuy nhiên, cảnh sát đã không giúp gì cho đến khi ông Trần thông báo với họ rằng người đàn ông này bị thương nặng và cần gấp một xe cấp cứu.

Ông Trần nghi ngờ rằng ĐCSTQ đã cử người tới hội nghị thượng đỉnh này và chuyến đi của Thống đốc California Gavin Newsom tới Trung Quốc trước các cuộc họp APEC có liên quan đến “các biện pháp không thỏa đáng” mà cảnh sát thực hiện trong việc giải quyết bạo lực nhắm vào các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và nhân quyền.

Bản tin có sự đóng góp của Từ Mạn Nguyên và Du Nguyên

Thanh Nhã lược dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment