Một ngày sau nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, yêu cầu hưu chiến nhân đạo tại Gaza, hôm qua, 13/12/2023, quân đội Israel tiếp tục cuộc tấn công tiêu diệt tổ chức Hamas tại vùng đất của người Palestine.
Đăng ngày: 14/12/2023
AFP dẫn lời bộ Y Tế của chính quyền Hamas tại Gaza cho hay, ít nhất 47 người chết trong đêm hôm qua rạng sáng nay do các oanh kích. Đụng độ dữ dội diễn xung quanh trại tị nạn Khan Younes ở miền nam và nhiều nơi khác. Tổng cộng hơn 18.000 người chết và hơn 50.000 người bị thương tại Gaza kể từ đầu xung đột, theo giới chức địa phương. Con số được Liên Hiệp Quốc coi là đáng tin cậy.
Hôm qua, nhiều lãnh đạo Israel trong đó có thủ tướng Benjamin Netanyahu nhắc lại rằng Israel sẽ tiếp tục ‘‘theo đuổi đến cùng’’ cuộc chiến nhằm tiêu diệt hoàn toàn tổ chức Hamas, bị Hoa Kỳ, Liên Âu, Anh Quốc xem là ‘‘tổ chức khủng bố’’. Về phần mình, lãnh đạo Hamas, Ismaïl Haniyeh, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Qatar, khẳng định là sẵn sàng mở cửa cho các thảo luận ‘‘về một giải pháp chính trị’’ nhằm bảo đảm quyền của người Palestine có một nhà nước độc lập, đồng thời cảnh báo kế hoạch điều hành Gaza, không có sự tham gia của Hamas và ‘‘các phong trào kháng chiến’’ Palestine, là một ‘‘ảo tưởng’’.
Mỹ gây áp lực trên Israel
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan có vòng công du Cận Đông. Hôm qua, ông Sullivan tới Ả Rập Xê Út với mục tiêu chính là để ngăn ngừa xung đột tại Gaza ‘‘lan rộng ra khu vực’’. Ông Sullivan có mặt tại Israel hôm nay và ngày mai 15/12. Theo Reuters, cố vấn an ninh Mỹ sẽ phải nhấn mạnh với đồng minh Israel về việc chiến dịch quân sự tại Gaza cần giảm thiệt hại cho thường dân.
Reuters hôm nay dẫn lại báo cáo mới của tình báo Hoa Kỳ, được CNN loan tải, cho biết khoảng 40 đến 45% trong số 29.000 số phương tiện tấn công được sử dụng trong các cuộc oanh kích của Israel tại Gaza, không có hệ thống dẫn đường. Hay nói cách khác, rất nhiều thường dân thương vong do các cuộc oanh kích bừa bãi của quân đội Israel, chưa kể đến việc vùng đất chật hẹp của người Palestine đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với sự sụp đổ của hệ thống y tế, năng lượng và thực phẩm cạn kiệt.
Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 85% dân Palestine đã phải tha hương kể từ đầu chiến tranh. Giới chức Liên Hiệp Quốc cảnh báo làn sóng tị nạn của người Palestine sang Ai Cập.