Còn chưa đầy một năm nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 và các cử tri Mỹ sẽ định đoạt về phương hướng điều hành của đất nước trong 4 năm tới. Đương kim tổng thống Joe Biden nhiều khả năng sẽ tái tranh cử đại diện cho đảng Dân Chủ, trong khi cựu tổng thống Donald Trump có thể sẽ đại diện cho đảng Cộng Hòa. Nói cách khác, cuộc đối đầu của năm 2020 có thể sẽ tái diễn.
Đăng ngày: 14/12/2023
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Biden đang xếp sau Donald Trump ở một số bang then chốt như Wisconsin hay Michigan, những bang mà Biden giành chiến thắng rất sít sao trong cuộc bầu cử lần trước, và điều này làm tình hình càng thêm phức tạp, theo nhận định của một think tank Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã biến thành mối quan hệ cạnh tranh trực tiếp và hai bên có những bất đồng về nhiều vấn đề. Từ chính quyền Trump cho đến chính quyền Biden, xu hướng này dường như không thay đổi. Với khả năng vẫn sẽ là một trong hai ứng cử viên này đắc cử tổng thống vào năm tới, ai sẽ gây nhiều tác động hơn đến mối quan hệ Mỹ – Trung đang căng thẳng ? Vấn đề này từ lâu đã là mối quan tâm của các học giả và nhà phân tích Trung Quốc, những người luôn theo dõi chặt chẽ cách tiếp cận của Washington.
Đường lối của Trump : Đơn phương và đối đầu
Donald Trump đã luôn chú trọng đến khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” khi đề cập đến chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng, liên quan trực tiếp đến lập trường của ông về chính sách áp dụng với Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ 4 năm của ông, rõ ràng là chiến lược của Mỹ đối với Bắc Kinh đã trở thành một cuộc đối đầu trực tiếp, ngoại trừ trong một số lĩnh vực mà cả hai bên có thể đạt được sự hợp tác hoặc đồng thuận ngắn hạn.
Theo Wu Xinbo, giám đốc và giáo sư của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại đại học Phúc Đán, cách tiếp cận của chính quyền Trump với Trung Quốc trải qua ba giai đoạn. Vào thời điểm chính quyền Trump mới lên cầm quyền, Mỹ tìm cách tạo ra bầu không khí tích cực để “thỏa thuận” với Bắc Kinh về các vấn đề an ninh khu vực, cũng như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, sự cân nhắc này đã được thay thế bằng những suy nghĩ cạnh tranh trong giai đoạn thứ hai. Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ, công bố vào cuối năm 2017, đã coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh” và “cường quốc theo chủ nghĩa xét lại”, khởi đầu cuộc cạnh tranh trực tiếp giữa Washington với Bắc Kinh, bao gồm cả cuộc chiến thương mại. Ở giai đoạn thứ ba, dưới áp lực của cuộc bầu cử năm 2020 và tác động của đại dịch Covid-19, chính quyền Trump quyết định chuyển sang thế đối đầu hoàn toàn, khiến tương tác giữa hai bên ngày càng xấu đi. Vào thời điểm đó, mối quan hệ Mỹ – Trung đã đạt đến mức căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ.
Đặc điểm rõ nhất trong cách tiếp cận Trung Quốc của Donald Trump là chủ nghĩa đơn phương, rất phù hợp với chiến lược chính sách đối ngoại tổng thể của ông. Một mặt, đặc điểm này khiến chính quyền Trump tập trung vào các cuộc đàm phán song phương trực tiếp với Trung Quốc, bao gồm cả hiệp định thương mại được ký kết đầu năm 2020. Chính quyền Trump theo đuổi chính sách trọng thương trong các vấn đề thương mại và kinh tế với Bắc Kinh.
Chính quyền Trump mang lại nhiều yếu tố bất ổn và là nguyên nhân gây ra xung đột trực tiếp trong quan hệ Mỹ – Trung, đặc biệt, trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ của ông. Việc Trump cố tình leo thang căng thẳng trong các vấn đề an ninh (bao gồm cả ở eo biển Đài Loan), áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc và ban hành các hạn chế toàn diện đối với các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, ZTE và TikTok, đã có tác động mạnh mẽ và khiến quan hệ song phương rạn nứt.
Wang Yizhou, giáo sư và hiệu phó trường Nghiên cứu Quốc tế tại đại học Bắc Kinh, chỉ ra rằng “di sản” quan trọng nhất của Trump là chính sách tổng thể của Washington áp dụng đối với Bắc Kinh, coi Trung Quốc là đối trọng và là đối thủ chính. Điều này chắc chắn sẽ được củng cố nếu ông tái đắc cử vào năm 2024.
Đường lối của Biden : Cạnh tranh và đa phương
Cách tiếp cận Trung Quốc của Biden đánh dấu sự tương phản đáng kể với phương pháp của Trump, với việc khẳng định lại tầm quan trọng của ngoại giao và hướng Hoa Kỳ trở lại chủ nghĩa đa phương. Mặc dù chính quyền Biden đã kế thừa ý tưởng cạnh tranh từ Trump và tiếp tục áp dụng một chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng vẫn có rất nhiều điểm khác biệt giữa hai chính quyền.
Điểm khác biệt đầu tiên của Biden so với Trump là tìm cách tiếp cận lại Bắc Kinh thông qua nhiều kênh ngoại giao. Trong cuộc đối thoại trực tuyến đầu tiên giữa Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh đến việc “phải thiết lập một số hàng rào an toàn hợp lý”. Trong hai cuộc gặp trực tiếp giữa Biden và Tập – tại Bali, Indonesia vào tháng 11/2022 và tại San Francisco, Hoa Kỳ vào tháng 11/2023 – Biden đã nhắc lại rằng cả hai nước cần “kiểm soát sự cạnh tranh một cách có trách nhiệm để tránh đi đến xung đột, đối đầu hoặc một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới”. Không giống như Trump, chính quyền Biden sẵn sàng duy trì sự liên lạc cần thiết về mặt chiến lược với Trung Quốc, tìm kiếm khả năng hợp tác trong một số lĩnh vực (như biến đổi khí hậu). Tuy nhiên, cách tiếp cận này chỉ có tác dụng ngăn không cho quan hệ giữa hai bên xấu đi thay vì là cải thiện quan hệ.
Điểm khác biệt thứ hai là Biden tập trung vào hợp tác với các đồng minh và xây dựng một cách có hệ thống chính sách áp dụng với Trung Quốc. Theo Ni Feng, giám đốc Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), chính quyền Biden đã nỗ lực tìm cách xây dựng một cách tiếp cận Trung Quốc có hệ thống, bao gồm việc sử dụng khuôn khổ pháp lý để điều phối cạnh tranh chiến lược, tăng cường liên kết với các đồng minh thông qua nhiều tổ chức đa phương như QUAD, AUKUS, B3W hoặc IPEF. Không giống như các chính sách đơn phương và cứng rắn của Trump, chính quyền Biden đang nỗ lực xây dựng một hệ thống hoặc cấu trúc lâu dài, bền vững để “đối mặt với thách thức Trung Quốc”.
Điểm khác biệt thứ ba của Biden so với Trump nằm ở việc phát triển công nghệ và kinh tế. Chính quyền Biden coi công nghệ là lĩnh vực quan trọng nhất trong cạnh tranh chiến lược, tập trung vào cuộc cạnh tranh công nghệ với Bắc Kinh. Biden đã tập hợp các quốc gia chủ chốt trong ngành công nghệ để tạo ra chiến lược “sân nhỏ, rào cao” đối với công nghệ cao cấp, mở rộng các biện pháp trừng phạt và hạn chế đối với các thực thể Trung Quốc nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận các sản phẩm công nghệ.
Zhao Minghao, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại đại học Phúc Đán, kết luận rằng cuộc cạnh tranh chiến lược của Biden với Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào các tính năng bền vững, lâu dài và kiểm soát chi phí, tìm kiếm những biện pháp hiệu quả để cạnh tranh, đồng thời giảm thiểu những tác hại trực tiếp đến lợi ích của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là cách tiếp cận dài hạn, có hệ thống của Biden cuối cùng có thể làm tổn hại đến nền tảng của mối quan hệ song phương. Vì vậy, Trung Quốc khó có thể “nhắm mắt” trước những tác động tiêu cực.
Những rủi ro đối với Trung Quốc
Vào lúc cử tri Mỹ đi bỏ phiếu vào tháng 11 năm sau, tương lai của quan hệ Mỹ – Trung theo đó cũng sẽ được định đoạt. Đối với các học giả hay nhà phân tích Trung Quốc, những bước ngoặt trong quan hệ song phương dưới thời hai chính quyền Mỹ trong 7 năm qua đã chứng minh rằng dù ai được bầu vào Nhà Trắng đi nữa, thì chiến lược tổng thể của Washington đối với Bắc Kinh sẽ không có nhiều biến động. Mỹ sẽ tiếp tục coi Trung Quốc là đối thủ số một và huy động các nguồn lực để cạnh tranh với Bắc Kinh.
Dường như cả hai chính quyền đều nhất quán về đường hướng trong dài hạn. Sự khác biệt rõ rệt nhất giữa Biden và Trump sẽ là những hành động và quyết định về chính sách ngắn hạn. Trong khi chính quyền Biden sẽ tiếp tục tạo ra xu hướng “phân tách” dễ dự đoán hơn, thì việc Trump trở lại nắm quyền sẽ mang lại những bất đồng trực tiếp, căng thẳng trong ngắn hạn.
Trong một số cuộc phỏng vấn truyền thông cuối cùng của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, một nhân vật am hiểu quan hệ Mỹ – Trung có tầm cỡ, đã lo ngại rằng số phận của nhân loại sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc có hòa hợp được hay không, và nhận định rằng hai bên chỉ có “từ 5 đến 10 năm để tìm ra một con đường”. Những tác động gần đây do chính quyền Trump và Biden tạo ra trong quan hệ Mỹ – Trung đã cho mọi người thấy về nguy cơ xung đột trực tiếp có thể xảy ra, nếu mọi chuyện không được kiểm soát đúng mực.
Do cả hai ông Trump và Biden cùng với chính quyền của họ đều có thể tạo ra những tác động tương tự đến quan hệ Mỹ – Trung, điều quan trọng là phải bảo đảm rằng Bắc Kinh và Washington duy trì các kênh liên lạc để giảm thiểu những bất đồng không thể tránh khỏi. Cần phải hết sức thận trọng khi Hoa Kỳ bước vào năm bầu cử 2024 với Trung Quốc là một trong những ẩn số đằng sau cuộc bỏ phiếu.
Nguồn : The Diplomat