Hong Kong treo thưởng 1 triệu đô la nhằm bắt giữ năm nhà hoạt động

Simon Cheng, một cựu nhân viên lãnh sự Anh tại Hong Kong, nằm trong số năm nhà hoạt động mà Hong Kong treo thưởng để bắt giữ
Chụp lại hình ảnh,Simon Cheng, một cựu nhân viên lãnh sự Anh tại Hong Kong, nằm trong số năm nhà hoạt động mà Hong Kong treo thưởng để bắt giữ

  • Tác giả,Kelly Ng
  • Vai trò,BBC News, Singapore
  • Singapore

Cảnh sát Hong Kong vừa treo thưởng 1 triệu đô la Hong Kong (HKD), tương đương 3,1 tỉ VND, cho những ai cung cấp thông tin dẫn tới việc bắt giữ năm nhà hoạt động dân chủ.

Trong số các mục tiêu lần này có Simon Cheng (Trịnh Văn Kiệt), một cựu nhân viên lãnh sự Anh từng bị câu lưu hồi năm 2019 trong một vụ việc gây chú ý.

Những người còn lại bao gồm Frances Hui (Hứa Dĩnh Đình), Joey Siu (Thiệu Lam), Johnny Fok (Hoắc Gia Chí) và Tony Choi (Sái Minh Đạt). Tất cả đều bị cáo buộc vi phạm một luật rất hà khắc mang tên Luật An ninh Quốc gia do Trung Quốc áp dụng ở Hong Kong.

Mỹ và Anh, những quốc gia nơi có một số nhà hoạt động nói trên nương náu, đã lên tiếng chỉ trích động thái của chính quyền Hong Kong.

Năm người này bị cáo buộc một loạt tội danh, bao gồm “xúi giục ly khai” và “câu kết với ngoại bang” nhằm đe dọa an ninh quốc gia.

“Họ đã bán rẻ đất nước và bán rẻ Hong Kong, phớt lờ lợi ích của người Hong Kong,” ông Li Kwai-wah (Lý Quế Hoa), người đứng đầu Vụ An ninh Quốc gia thuộc Cảnh sát Hong Kong, nói trong một cuộc họp báo. “Vụ An ninh Quốc gia sẽ truy đuổi chúng tới cùng.”

Ông Lý nói thêm rằng các nhà hoạt động này tiếp tục “tham gia vào các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia” sau khi đã đào vong ra nước ngoài.

Ông Trịnh Văn Kiệt từng bị câu lưu trong hai tuần tại Đại lục trong khi đang đi công tác hồi năm 2019. Cựu nhân viên lãnh sự Anh tại Hong Kong bị cáo buộc đã xúi giục mọi người gây loạn tại Hong Kong.

Sau đó cùng năm, ông Trịnh nói với BBC rằng ông đã bị “còng tay, bịt mắt và trùm đầu” trong thời gian bị bắt giữ.

Người đàn ông 33 tuổi này sau đó đã được cấp quy chế tị nạn tại Anh và về sau đã sáng lập tổ chức Người Hong Kong ở Anh, một mạng lưới phi lợi nhuận hoạt động khắp nước Anh với mục tiêu trợ giúp người Hong Kong di cư tới Anh.

Đáp lại thông báo treo thưởng của chính quyền Hong Kong, ông Trịnh nói: “Bị công an mật (Hong Kong) Trung Quốc treo thưởng cả triệu đô là một vinh dự trọn đời.”

“Nếu chính quyền cứ coi hoạt động đấu tranh vì tự do và dân chủ là tội phạm, thì chúng tôi đón nhận các tội danh ấy như một cách để thể hiện gương mặt chân thực của công lý xã hội, thể hiện sự bất phục trước bạo quyền,” ông viết trên mạng xã hội X, nền tảng trước đây có tên là Twitter.

Cô Thiệu Lam cũng viết trên mạng xã hội X: “Tôi sẽ không bao giờ chịu bị bịt miệng, không bao giờ thoái lui.” Cô gái 24 tuổi này đã đóng một vai trò chủ chốt trong các cuộc biểu tình tại Hong Kong hồi năm 2019 trước khi đào thoát tới Mỹ.

Ngoại trưởng Anh David Cameron đã gọi động thái của cảnh sát Hong Kong là “một sự đe dọa đối với nền dân chủ và các quyền con người cơ bản của chúng ta”.

“Chúng ta sẽ không dung thứ cho bất kỳ nỗ lực nào của bất kỳ quyền lực nước ngoài nào nhằm đe dọa, quấy nhiễu hoặc làm hại các cá nhân hay các cộng đồng tại Anh,” ông phát biểu trong một thông cáo vào hôm thứ Năm.

Ông Cameron cũng bổ sung rằng ông đã chỉ đạo các quan chức (Anh) tại Hong Kong, Bắc Kinh và London “khẩn trương nêu vấn đề này lên với chính quyền tại Hong Kong và Trung Quốc”.

Đáp lại, Đại Sứ quán Trung Quốc tại Anh đã lên tiếng “phản đối mạnh mẽ việc Anh bôi nhọ nền pháp quyền” tại Hong Kong và việc Anh “chứa chấp những kẻ trong danh sách truy nã và can thiệp vào chuyện nội bộ liên quan đến Hong Kong”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng động thái của cảnh sát Hong Kong cho thấy sự “thiếu tôn trọng trắng trợn” các thông lệ quốc tế.

“Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào trong việc áp dụng luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và tái khẳng định rằng nhà chức trách Hong Kong không có bất kỳ quyền tài phán nào bên trong biên giới Hoa Kỳ,” ông nói.

Nhà chức trách Hong Kong từng treo thưởng để bắt giữ Nathan Law
Chụp lại hình ảnh,Trong năm nay, nhà chức trách Hong Kong cũng đã treo thưởng để bắt giữ Nathan Law

Hồi tháng 7, Hong Kong cũng đã thông báo những khoản thưởng tương tự nhằm bắt giữ tám nhà hoạt động khác, một động thái làm dấy lên sự chỉ trích trên bình diện quốc tế.

Đến nay thì chưa có người nào trong số đó bị bắt giữ, dù chính quyền đã bắt vài người khác với cáo buộc tiếp tay cho những người này.

Trong số các nhà hoạt động bị tróc nã đợt trước có Nathan Law (La Quán Thông), người từng là nhà lập pháp trẻ nhất ở Hong Kong trước khi bị bỏ tù do tham gia vào các cuộc biểu tình của Phong trào Dù vàng hồi năm 2014.

Nhóm nhân quyền Ân xá Quốc tế vào hôm thứ Năm đã lên tiếng kêu gọi Hong Kong rút lại việc treo thưởng truy bắt nói trên và trả tự do cho những người bị bắt với cáo buộc tiếp tay cho các nhà hoạt động lưu vong.

“Việc treo tiền thưởng cho việc truy bắt không chỉ đe dọa tự do và an toàn của các nhà hoạt động bị đưa vào tầm ngắm, nó còn gây ra những hệ quả xa hơn tới các nhà hoạt động khác, những người hiện nay đang cảm thấy ngày càng bất an, dù họ ở Hong Kong hay nước ngoài,” Sarah Brooks, giám đốc khu vực Trung Quốc của Ân xá Quốc tế, lên tiếng.

Bà kêu gọi chính quyền tại các quốc gia nơi những nhà hoạt động này đang trú ẩn “bảo vệ họ trước sự khủng bố dài tay của nhà chức trách Hong Kong khi mà họ chỉ thực thi quyền con người chính đáng của mình”.

Đến nay đã có gần 300 người bị bắt theo Luật An ninh Quốc gia đầy tranh cãi của Hong Kong. Trong số bị bắt có ông trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai (Lê Trí Anh).

Nhà sáng lập 76 tuổi của Apple Daily, tờ báo nay đã phá sản, có thể lãnh án chung thân nếu bị kết tội.

Ngoài ra, 47 người khác, trong đó có các nhà hoạt động nổi bật nhất của Hong Kong như Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) và Benny Tai (Đới Diệu Đình), hiện cũng đang bị xét xử.

Bài Liên Quan

Leave a Comment