15 tháng 12 2023
Năm 2023 đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của ngành ô tô điện với tổng số lượt đăng ký dự kiến đạt 20% tổng số xe hơi trên toàn cầu, cao hơn mức 16% của năm ngoái, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor.
Một trong những lý do chính là do các chính phủ ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng gắn liền với mục tiêu dài hạn là khử carbon của ô tô nói riêng và các phương tiện di chuyển nói chung.
Trong bối cảnh này, VinFast đã vận chuyển khoảng 2.100 chiếc ô tô điện đến Mỹ vào đầu năm nay, theo hồ sơ đầu tiên gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) sau khi niêm yết.
Hãng cũng có kế hoạch xuất xưởng những chiếc xe hơi điện đầu tiên sang châu Âu trong năm nay sau khi nhận được sự chấp thuận theo quy định của Liên minh châu Âu, Reuters đưa tin cuối tháng 9/2023.
Cho đến nay, VinFast đã đặt trụ sở ở Hoa Kỳ và Canada ở Bắc Mỹ, và ba nước Âu châu là Pháp, Đức và Hà Lan. Hãng cũng đã triển khai mạng lưới bán lẻ và dịch vụ, với một số trung tâm bán hàng tại các nước này.
Ngoài ra cũng có những thông tin cho rằng VinFast đang tiến hành mở văn phòng đại diện tại Anh. BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với bộ phận truyền thông của công ty và đang chờ bình luận.
Tuy nhiên, số xe ô tô điện mà VinFast tiêu thụ được ở thị trường nước ngoài cho đến nay vẫn ở mức rất khiêm tốn.
Từ Anh, nhà phân tích cấp cao Fransua Vytautas Razvadauskas của Euromonitor nói với BBC News Tiếng Việt rằng tham vọng của VinFast về ô tô điện là đáng chú ý nhưng việc tạo dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu thực sự là một thách thức đối với hãng xe Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn.
“VinFast là một công ty tương đối trẻ và thiếu kinh nghiệm, vẫn chưa sản xuất xe trên quy mô lớn,” chuyên gia ngành công nghiệp di chuyển từ hãng chuyên phân tích thị trường và tâm lý người tiêu dùng, nói
Theo ông, Mỹ vốn là một thị trường khá khó khăn để các nhà sản xuất ô tô điện thâm nhập, với tỷ lệ đăng ký xe điện mới chỉ ở mức 9% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 16%.
Tại châu Âu, nơi vốn là quê hương của nhiều nhà sản xuất ô tô lớn và danh tiếng, sự hiện diện của xe điện đã cao hơn và sẽ có nhiều cơ hội hơn cho VinFast. Vì vậy hãng xe Việt Nam sẽ cần tăng cường nỗ lực quảng cáo để có được sự tin tưởng của thị trường địa phương.
Ông cho rằng để thành công, VinFast cần giải quyết những thách thức khiến người tiêu dùng đắn đo, bao gồm giá thành cao và mạng lưới sạc không đủ đáp ứng. Ông đưa ra dẫn chứng rằng thương hiệu Tesla của tỷ phú Elon Musk đã thành công nhờ mạng lưới sạc rộng lớn và đáng tin cậy của họ.
‘Nên khai thác mảng xe máy điện trong nước’
Đánh giá cơ hội kinh doanh, ông Razvadauskas cho rằng hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nên ‘nhạy bén’ và tập trung vào thị trường nội địa, đặc biệt là mảng xe máy điện.
Tại Việt Nam, việc sử dụng xe máy vẫn áp đảo so với các loại phương tiện di chuyển khác. Vì vậy, xe máy điện có thể là thị trường lớn hơn để VinFast khai thác.
Năm 2022, Việt Nam là nước sử dụng xe máy nhiều thứ tư trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc.
Trung bình mỗi hộ gia đình có từ 2-3 chiếc xe máy, và trên cả nước có tổng số 70,9 triệu chiếc xe hai bánh, gấp 23 lần số lượng xe hơi trong cùng năm.
VinFast hiện đang dẫn đầu về doanh số xe máy điện tại Việt Nam từ năm 2020 theo báo cáo của Motorcycle Data, với 43,4% thị phần.
Một thông cáo của VinFast tiết lộ trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh số xe máy điện VinFast đạt trung bình khoảng 15.000 xe/tháng trong bối cảnh thị trường xe máy phục hồi chậm sau đại dịch, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, ông Razvadauskas cũng lưu ý những hạn chế lớn mà người dùng xe điện phải đối mặt tại Việt Nam.
Theo một khảo sát do công ty ông thực hiện, việc thiếu các trạm sạc, chi phí cao và phạm vi phủ sóng còn chưa rộng khắp là ba lý do hàng đầu khiến người tiêu dùng Việt Nam hạn chế mua xe điện nói chung. Và đây là những ‘vũ khí’ mà VinFast có thể dùng để chiếm ưu thế mạnh mẽ hơn nữa, ông nói.
“VinFast có thể tìm cách xây dựng quan hệ đối tác độc quyền với các công ty sạc xe điện để giúp khách hàng của họ được tiếp cận các trạm sạc với chi phí rẻ và chất lượng cao hơn. Điều này có thể tác động khiến người tiêu dùng ưu tiên thương hiệu VinFast khi mua hàng trong tương lai.”
Chuyên gia này gợi ý thêm một giải pháp khác là hãng có thể tìm cách xây dựng mạng lưới sạc của riêng họ, mà theo ông là “mặc dù có thể tốn kém nhưng sẽ mang lại niềm tin và lòng trung thành lớn hơn nhiều cho thương hiệu”.
Ngoài ra, riêng với dòng xe máy điện, ông cho rằng hãng có thể tìm cách phát triển quan hệ với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải khác để tăng doanh số bán hàng.
Ô tô điện và cuộc cạnh tranh trong nước từ các hãng Trung Quốc
Quay trở lại mảng ô tô điện, tính đến nửa đầu năm 2023, đã có 11.000 chiếc xe VinFast được bán ra. Thế nhưng hơn một nửa trong số đó là được mua bởi hãng taxi thuộc sở hữu của công ty mẹ, VinGroup.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia cũng đánh giá nhu cầu về xe hơi đang tăng lên ở Việt Nam.
Trong giai đoạn 2017-2022, số lượng đăng ký ô tô mới tăng 128%, trong khi số đăng ký xe máy mới giảm 8%. Điều này có thể được giải thích một phần là do điều kiện kinh tế và tài chính được cải thiện của người tiêu dùng trong nước, những người ngày càng thực hiện các giao dịch mua hàng có giá trị cao hơn.
Từ 2017-2022, thu nhập khả dụng của hộ gia đình Việt Nam tăng trung bình 35% trong giai đoạn 2017-2022, trong khi tính theo sức mua tương đương (PPP), tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập khả dụng kiếm được trên 25.000 USD (hơn 600 triệu đồng) mỗi năm tăng từ 22% lên 37% so với cùng kỳ 5 năm trước.
Theo dự báo của Euromonitor, đến năm 2030, 57% hộ gia đình dự kiến sẽ có thu nhập khả dụng trên 25.000 USD (tính theo PPP) tại Việt Nam, giúp người tiêu dùng có điều kiện mua ô tô điện tốt hơn.
Ông Razvadauskas cho rằng VinFast có thể sẽ gặp thách thức trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng tại thị trường nội địa, đặc biệt là từ các công ty Trung Quốc.
Trong số đó bao gồm nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới BYD, thương hiệu có ý định xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện tại tỉnh Phú Thọ và SAIC, hãng xe hơi đã lên kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam với mục tiêu đạt doanh số 100.000 chiếc mỗi năm vào cuối thập niên này.
“Chìa khóa thành công của VinFast sẽ là đảm bảo chuỗi cung ứng mạnh mẽ cho pin, loại tài nguyên vốn là trọng tâm của xe điện và là chìa khóa để duy trì giá thành cạnh tranh,” ông Razvadauskas nói với BBC.
Khả năng sinh lời cũng là một thách thức đối với VinFast. Công ty vào tháng 10/2023 đã công bố khoản lỗ hàng quý là 623 triệu USD. Doanh số bán hàng thấp đã khiến giá cổ phiếu VFS giảm 10 lần từ 68,77 USD vào ngày 25/8/2023 xuống còn 6,85 USD vào ngày 5/12/2023 trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq.
“VinFast cần củng cố cho tham vọng của mình bằng sự nhạy bén trong kinh doanh, chủ yếu xoay quanh việc xây dựng nhận thức về thương hiệu, tăng chất lượng và vấn đề an toàn của các dòng xe, đồng thời ưu tiên tốt hơn cho thị trường,” nhà phân tích của Euromonitor nhận định.
“Việc tập trung tạo dựng thương hiệu ở Tây Âu sẽ có ý nghĩa, nhưng VinFast trước tiên cần xây dựng niềm tin và nhận thức vì hãng vẫn là một nhà sản xuất ô tô bên lề. Ngoài ra, hãng cũng có thể cân nhắc các thị trường khác như Úc và Hàn Quốc cũng đang nhanh chóng nổi lên về doanh số bán xe điện,” ông nói thêm.
Ông đánh giá rằng VinFast sẽ khó có thể hòa vốn trong thời gian tới vì mức chi cần thiết để tăng cường năng lực sản xuất sẽ rất lớn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục có nguồn tài trợ về lâu dài, VinFast có thể thành công với tư cách là một thương hiệu xe ô tô điện thay thế cho các hãng lâu đời hiện tại.