Cận cảnh bảng mạch được trưng bày tại Macronix International Co. Ltd ở Tân Trúc, Đài Loan vào ngày 16/09/2022. Năng lực sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó các công ty có vốn hóa lớn như Apple, Nvidia và Qualcomm phụ thuộc nhiều vào xuất cảng của hòn đảo này. Đài Loan chiếm khoảng 60% doanh thu của ngành bán dẫn toàn cầu. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)
Jon Sun
Kane Zhang
Thứ bảy, 16/12/2023
Khi Hoa Kỳ tăng cường phong tỏa công nghệ đối với Trung Quốc, Đài Loan cũng đưa ra các quy định mới nhằm ngăn chặn việc xuất cảng các công nghệ quan trọng cho chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Hôm 05/12, Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan (NSTC) đã ban hành danh sách 22 công nghệ trọng yếu cần được bảo vệ.
Điều này diễn ra sau những lo ngại lâu nay của chính phủ Đài Loan về các nỗ lực gián điệp của Trung Quốc nhằm sao chép thành tựu của Đài Loan trong lĩnh vực bán dẫn và các công nghệ cốt lõi khác.
Danh sách công nghệ trọng yếu này bao gồm công nghệ quốc phòng, không gian, nông nghiệp, chất bán dẫn, và an ninh truyền thông.
NSTC nêu ra rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan duy trì thị phần lớn nhất thế giới và rất quan trọng trong việc phát triển các công nghệ mới khác.
Ngành công nghiệp này cũng thúc đẩy đáng kể sự phát triển và khả năng cạnh tranh kinh tế của Đài Loan.
Thông báo của họ cho biết những hạn chế này chỉ là bộ chính sách đầu tiên nhằm giải quyết các công nghệ cốt lõi cần được bảo vệ khẩn cấp.
Các quy định mới của Đài Loan phù hợp với chính sách của Hoa Kỳ về việc hạn chế xuất cảng vi mạch bán dẫn và các công nghệ liên quan vào Trung Quốc.
Năm 2021, hơn một triệu doanh nhân Đài Loan đã đến Trung Quốc và làm việc tại đó. Một ví dụ như thế về mối liên kết thương mại rộng rãi giữa Đài Loan và Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại từ Hoa Kỳ rằng chất bán dẫn và các công nghệ khác của Đài Loan có thể gặp nguy cơ bị chính quyền Trung Quốc đánh cắp.
Hôm 02/12, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan rằng để ngăn Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ trong các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và vi mạch bán dẫn, Hoa Kỳ cần tăng cường kiểm soát xuất cảng và thực thi các biện pháp kiểm soát đó.
Bà nói rằng Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta từng gặp phải” và “Trung Quốc không phải là bằng hữu của chúng ta.”
Hôm 30/11, bà Raimondo đã nhấn mạnh rằng an ninh quốc gia sẽ được ưu tiên hơn các liên minh kinh tế và chính trị với Trung Quốc.
Bà bày tỏ thêm mối lo ngại về việc chính quyền Trung Quốc tiếp tục xây dựng quân đội.
“Có lẽ điều đáng lo ngại nhất là họ đang tăng tốc nỗ lực kết hợp các chính sách kinh tế và công nghệ với tham vọng quân sự của mình,” bà nói.
Hồi tháng Mười năm nay, Hoa Kỳ đã cập nhật các quy định liên quan đến việc xuất cảng chất bán dẫn tân tiến mà có thể trợ giúp cho quân đội Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát triển trí tuệ nhân tạo.
Đáp lại, Trung Quốc chỉ trích việc kiểm soát xuất cảng vì chế độ cầm quyền này coi chất bán dẫn cao cấp là điều cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế.
Trì hoãn Trung Quốc trong vài năm
The Epoch Times đã nói chuyện với nhà bình luận thời sự Trung Quốc Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) về việc Đài Loan áp đặt các hạn chế xuất cảng đối với chất bán dẫn và công nghệ cao cấp sang Hoa lục.
Ông Đường tin rằng việc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ áp đặt các hạn chế xuất cảng chất bán dẫn đối với Trung Quốc đã có tác động đáng kể.
“Nếu Đài Loan tham gia áp đặt các hạn chế, điều đó có nghĩa là TSMC của Đài Loan, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, sẽ giảm đáng kể xuất cảng sang Trung Quốc,” ông nói.
Ông cho biết, điều này có thể sẽ làm trì hoãn tham vọng về vi mạch bán dẫn của Trung Quốc trong vài năm.
“Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển các công nghệ chủ chốt của Trung Quốc như 5G, siêu máy điện toán, và trí tuệ nhân tạo, mà điều này sẽ làm giảm sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tân tiến, đồng thời làm gia tăng thêm khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ,” ông Đường nói.
“Các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, chẳng hạn như nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi, sẽ phải tăng giá vi mạch bán dẫn của họ, và chính quyền Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đạt được mục tiêu độc lập về chất bán dẫn,” ông cho biết thêm.
“Việc hạn chế về vi mạch bán dẫn của TSMC cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến việc nâng cấp ngành sản xuất của Trung Quốc, đến khả năng cạnh tranh của lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc trên thế giới, cũng như số lượng đơn hàng xuất cảng của Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thất GDP rất lớn.”
Ông Đường cho rằng các hạn chế về chất bán dẫn cũng sẽ cản trở quân đội Trung Quốc, vì nước này sẽ không thể đạt được các công nghệ trọng yếu trong điện toán tân tiến và trí tuệ nhân tạo.
“Từ góc độ địa chính trị, những hạn chế của Đài Loan có thể gây ra sự trả đũa và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực,” ông nói. “Đài Loan và Hoa Kỳ đang xây dựng ‘Bức tường Berlin công nghệ’ bằng cách cùng nhau thực hiện việc tách rời công nghệ khỏi chế độ cầm quyền Trung Quốc.”
Bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ
Khi chính quyền Trung Quốc đe dọa xâm chiếm Đài Loan và “thống nhất” quốc gia độc lập trên thực tế này với Hoa lục, số phận của TSMC đã trở thành tâm điểm đối với phương Tây vì Trung Quốc sẽ có quyền kiểm soát hiệu quả hầu hết các chất bán dẫn của thế giới nếu Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan, mà Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa sẽ làm như vậy.
Ông Kharis Templeman, thành viên nghiên cứu của Viện Hoover, và bà Oriana Skylar Mastro, thành viên Trung tâm FSI, đã công bố một báo cáo vào tháng Bảy rằng Hoa Kỳ nên tăng cường mối bang giao với Đài Loan để bảo vệ chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Báo cáo này cho rằng việc ngăn chặn một cuộc xâm lược từ chế độ cầm quyền Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho Hoa Kỳ vì nguồn cung cấp chất bán dẫn ổn định là mấu chốt cho mọi thứ, từ trí tuệ nhân tạo đến điện thoại thông minh, thiết bị y tế, xe hơi, và chiến đấu cơ.
Tuệ Minh biên dịch