Đăng ngày: 19/12/2023
Việc cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody’s hạ điểm tín nhiệm « nợ dài hạn » của Trung Quốc để lộ rõ hai vấn đề : Trung ương không đủ khả năng giải quyết núi nợ 12.000 tỷ euro của các tỉnh thành, tương đương với 76 % GDP của cả nước và Bắc Kinh đang « mất khả năng đài thọ cho mô hình tăng trưởng » như từ trước tới nay.
Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia Isabelle Feng, trung tâm nghiên cứu Perelman, Đại Học Bruxelles, Bỉ, đã đưa ra những kết luận như trên sau khi trình bày toàn cảnh tài chính không mấy sáng sủa của Trung Quốc hiện tại.
Trong công việc, bà nghi nhận : càng lúc càng khó tiếp cận với những thông tin về kinh tế và tài chính Trung Quốc mà không sợ bị khép vào tội « làm gián điệp » hay « vi phạm luật an ninh » của nước này. Theo nhà nghiên cứu Isabelle Feng, cấm « để lộ thông tin mật » không chỉ là tấm bình phong nhằm che dấu những thông tin bất lợi cho kinh tế Trung Quốc, mà còn là dấu hiệu báo trước Bắc Kinh chấm dứt chính sách « minh bạch hóa các thông tin về thực trạng kinh tế và tài chính » nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Hoa Lục.
Quả bom nổ chậm 12.000 tỷ euro
Hôm 05/12/2023, cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody’s hạ điểm tín nhiệm « nợ dài hạn » của Trung Quốc đang từ A1, tức là « ổn định », xuống thành A1 , có nghĩa là triển vọng xấu ». Lý do : Moody’s đánh giá kinh tế Trung Quốc có nguy cơ « tăng trưởng thấp về trung hạn » và « những hậu quả từ khủng hoảng bất động sản sẽ kéo dài ». Nhưng nghiêm trọng hơn cả là mức nợ đáng báo động của các chính quyền địa phương.
Cơ quan thẩm định tài chính này dự báo GDP Trung Quốc sẽ chỉ tăng khoảng 3,8 %/ năm trong giai đoạn 2026-2030. Từ 2017, Trung Quốc mới lại bị hạ điểm tín nhiệm, vào lúc mà Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF trong tài liệu được cập nhật gần đây báo động : Ngoài những khoản nợ « chính thức » từ phía các chính quyền địa phương, còn phải chú ý đến khối nợ « không chính thức » đã vay dưới dạng « thành đầu trái », tức là những trái phiếu do các chính quyền địa phương phát hành mà không được Trung Ương đứng ra bảo lãnh, gọi tắt theo tiếng Anh là LGFV.
Chỉ riêng khoản LGFV này hiện đã lên tới gần 9.000 tỷ euro, tương đương với 50 % GDP của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Một điểm đáng chú ý khác đó là món nợ này đã « tăng rất nhanh trong hai năm trở lại đây ».
Như mỗi lần bị các cơ quan thẩm định tài chính quốc tế – chủ yếu là « ba ông lớn Big Three » Fitch, Moody’s và S&P của Mỹ hạ điểm tín nhiệm, Trung Quốc luôn phản bác những kết luận bất lợi cho mình. Lần này cũng vậy. Bộ Tài Chính giải thích là nhờ những « nền tảng vững chắc », « kinh tế tiếp tục phục hồi » từ khi Trung Quốc mở cửa lại các hoạt động kinh tế sau 3 năm áp dụng chính sách Zero Covid để chống dịch và Trung Quốc là « một động cơ tăng trưởng quan trọng của toàn cầu ».
Nợ cấp địa phương tương đương với 76 % GDP
Trả lời đài RFI Việt ngữ, chuyên gia về kinh tế và luật trung tâm nghiên cứu Perelman, Đại Học Bruxelles – Bỉ trước hết giải thích vì sao Trung Quốc bị Moody’s hạ điểm tín nhiệm và điểm qua mức nợ báo động ở cấp địa phương tại quốc gia rộng lớn này.
Isabelle Feng : « Trước hết là do mức nợ của Trung Quốc và từ lâu nay đây chính là đề tài gây bất đồng sâu rộng giữa chính quyền Bắc Kinh với các cơ quan thẩm định tài chính quốc tế. Nói một cách chính xác hơn là Trung Quốc bị hạ điểm tín nhiệm vì mức nợ của các chính quyền ở cấp địa phương, bao gồm cả những khoản nợ đã được chính thức công nhận và những khoản nợ không chính thức (mà các chính quyền địa phương đã đi vay dưới dạng LGFV). Bất đồng ở chỗ là Bắc Kinh không xem nợ của các tỉnh và các chính quyền địa phương là nợ chung của Trung Quốc. Trái lại, khối nợ khổng lồ này là một rủi ro rất lớn đe dọa kinh tế của Trung Quốc. Năm 2022, tổng nợ của các chính quyền địa phương tại Hoa Lục lên tới 12.000 tỷ euro. GDP của Trung Quốc là 18.000 tỷ euro. Như vậy là nợ của các chính quyền địa phương tương đương với 3/4 GDP của cả nước ».
Trong con số 12.000 tỷ euro nợ mà Isabelle Feng vừa nêu bao gồm nợ chính thức và không chính thức của các chính quyền 30 tỉnh và 4 thành phố lớn nhất Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh).
Trong một nghiên cứu gần đây cho trung tâm Asia Centre, bà Isabelle Feng nhắc lại : Giữa tháng 4/2023, chính quyền tỉnh Quý Châu thông báo « mất khả năng thanh toán ». Tổng nợ của Quý Châu năm 2022 lên tới 150 tỷ euro. Quý Châu, được mệnh danh là « Big data Valley » của Trung Quốc, là nơi mà hơn 9.000 công ty ký gửi các dữ liệu và mảng « công nghệ số » chiếm 1/3 thu nhập của cả tỉnh.
Bắc Kinh đã cạn tiền
Nguy hiểm đối với Trung Quốc nằm ở chỗ Quý Châu không là một trường hợp riêng lẻ. Cũng mùa xuân vừa qua, Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, bị 259 chủ nợ « vây bủa » đòi được thanh toán 150 triệu euro. Số tiền này tuy nhỏ, nhưng cũng đủ cho thấy nguy cơ « mất khả năng thanh toán » là có thực. Vấn đề lại càng đáng quan ngại hơn, bởi « Quý Châu không là tỉnh mang nợ nhiều nhất » và « không là một trường hợp cá biệt ».
Song theo bà, việc Trung Quốc bị Moody’s hạ điểm còn để lộ một mối lo ngại nghiêm trọng hơn.
Isabelle Feng : « Việc hạ điểm tín nhiệm này cho thấy khả năng tài chính của Trung Quốc có giới hạn. Bắc Kinh không thể tiếp tục tài trợ cho tăng trưởng và thực ra thì các phương tiện của chính quyền trung ương để can thiệp cũng có giới hạn. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa Lục trong 9 tháng đầu năm nay giảm 92 % so với cùng thời kỳ năm trước, đang từ 140 -150 tỷ đô la đã rơi xuống còn có 15 tỷ. Đây là dấu hiệu cho thấy giới đầu tư không còn tin tưởng vào thị trường Trung Quốc nữa và việc Moody’s hạ điểm tín nhiệm vừa qua càng gây thêm khó khăn ».
Tháng 1/2023, Bắc Kinh một lần nữa khẳng định « trung ương không can thiệp » trả nợ thay cho các chính quyền địa phương. Dù vậy, một toán chuyên gia tài chính ngân hàng từ Bắc Kinh đã được điều đến Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu, để « dàn xếp » mọi việc và chỉ vài ngày sau, thông tin Quý Châu mất khả năng thanh toán đã « biến mất » khỏi các mạng truyền thông thông tin chính thức.
Trung ương và chiến thuật « chim đà điểu »
Isabelle Feng không ngạc nhiên thấy nợ Trung Quốc bị « giáng điểm » bởi năm 2013 Moody’s và một cơ quan thẩm định khác của Mỹ là Fitch từng « hạ điểm an toàn » của Trung Quốc do nợ công của các chính quyền địa phương « tăng quá mạnh và quá nhanh ».
Năm 2017, đến lượt Standard&Poor’s cũng đưa ra quyết định tương tự. Mỗi lần bị giáng điểm như vậy, Bắc Kinh đều tố các các công ty Mỹ này muốn « bôi nhọ » thanh danh của Trung Quốc. Standard&Poor’s 6 năm trước đây đã bị khiển trách là « hồ đồ », « không hiểu biết về tình hình của Trung Quốc » bởi nợ của Trung Quốc « không bao gồm luôn cả khoản nợ của các chính quyền ở cấp tỉnh và địa phương » và nhất là Trung Quốc phủ nhận toàn bộ thông tin liên quan đến các khoản nợ « không chính thức dưới dạng LGFV. Nhưng theo chuyên gia kinh tế trung tâm Perelman, Đại Học Bruxelles thì lập luận của Bắc Kinh không có cơ sở.
Isabelle Feng : « Vấn đề đặt ra là đâu phải vì không đưa số nợ này vào sổ sách kế toán, mà có thể coi như là các chính quyền địa phương Trung Quốc không mang nợ. Trái lại, từ 10 năm nay nợ của các tỉnh thành ở Hoa Lục đã được thổi phồng lên mãi để đến nỗi khoản nợ đó tương đương với 75 % GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Khác biệt quan trọng ở đây là vào thời điểm 2013, kinh tế Trung Quốc đang lên, đang trong tiến trình hội nhập với kinh tế thế giới. Ai cũng muốn mở cửa đón các doanh nghiệp Trung Quốc. Giờ đây, ở vào thời điểm 2023, tình hình đã đổi thay. Thế giới đã trải qua đại dịch Covid với những tác động tai hại kèm theo. Thế giới đang hướng tới việc giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc, để xây dựng lại một mô hình kinh tế, công nghiệp độc lập hơn ».
Phép lạ tăng trưởng của Trung Quốc từ hơn bốn thập niên qua dựa vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài. Hiện tại Âu Mỹ đồng loạt chủ trương de-coupling hay ít ra là de-risking tức giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào đối tác châu Á quá lớn này. Về xuất khẩu, Trung Quốc đang bị một số nước láng giềng từ Ấn Độ đến Việt Nam hay Malaysia … cạnh tranh. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài thì như vừa nói, FDI vào Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay giảm 92 %. Cùng lúc, tiêu thụ nội địa và công nghệ mới chưa đủ vững để trở thành những « đầu tàu tăng trưởng mới » cho cỗ máy kinh tế đồ sộ với gần 1,4 tỷ dân này.
Thời kỳ « minh bạch » sổ sách đã qua ?
Câu hỏi còn lại là làm thế nào để « giải quyết » núi nợ đã lên tới 12.000 tỷ euro ở cấp địa phương ? Nhà nghiên cứu Isabelle Feng không mấy lạc quan.
Isabelle Feng : « Cá nhân tôi không nghĩ là Bắc Kinh còn nhiều khả năng để can thiệp, hay giải quyết vấn đề nợ cho các cấp địa phương. Đành rằng trung ương có thể cấm các quan chức địa phương đi vay thêm, hay là bắt họ phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ đó. Riêng với những món nợ đã có thì theo chỗ tôi được biết, thí dụ như khi tỉnh Quý Châu tuyên bố mất khả năng thanh toán, Bắc Kinh lập tức điều một số cán bộ tài chính đến tận nơi để “giải quyết vấn đề”. Nhưng đó là biện pháp chữa cháy, và người ta chỉ có thể dập được một vài đám cháy. Nhưng nếu cùng lúc có quá nhiều tỉnh tuyên bố vỡ nợ thì làm sao Bắc Kinh cáng đáng được hết tất cả ? Khó để có thể trang trải được hết mười mấy ngàn tỷ euro nợ cho các chính quyền địa phương, nhất là như vừa trình bày, túi tiền của Bắc Kinh thì có hạn ».
Điểm cuối cùng Isabelle Feng nêu bật là Bắc Kinh lần lượt « cấm cửa » những người từ nước ngoài truy cập vào các trang mạng của Trung Quốc tìm kiếm thông tin về kinh tế, tài chính nước này. Các công ty thẩm định tài chính quốc tế hoạt động tại Hoa Lục rồi đây cũng sẽ khó mà chuyển các thông tin thu thập được tại chỗ về các công ty mẹ ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Quy định mới này có hiệu lực từ tháng 7/2022. Trước đó, « luật an ninh và bảo vệ các dữ liệu » được ban hành năm 2021 đã hạn chế đáng kể các quyền tự do thông tin tại quốc gia Cộng sản này.