Một chuyên gia về chuỗi cung ứng cảnh báo sự gián đoạn có thể khiến giá cả tăng vọt, gây tổn thất cho nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.
Một bức ảnh được chụp trong một chuyến tham quan được kiểm soát của phiến quân Houthi ở Yemen hôm 22/11/2023. Trong ảnh là một nhân viên an ninh trên tàu chở hàng Galaxy Leader. Tàu có gắn cờ Palestine và Yemen này bị các chiến binh Houthi bắt giữ hai ngày trước đó, tại một cảng trên Hồng Hải ở tỉnh Hodeida của Yemen. (Ảnh: -/AFP qua Getty Images)
Emel Akan
Thứ năm, 21/12/2023
Trong lúc các chuỗi cung ứng toàn cầu dường như đang phục hồi sau sự gián đoạn của đại dịch COVID-19 thì một cuộc khủng hoảng mới lại xuất hiện, có khả năng gây ra những tác động đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu.
Trong những tuần gần đây, sự gia tăng các cuộc tấn công vào các tàu thương mại ở Hồng Hải, do phiến quân Houthi mà Iran hậu thuẫn ở Yemen dàn dựng, đã khiến Hoa Thịnh Đốn tăng cường cảnh báo vì các vụ tấn công gây ra mối đe dọa đáng kể và ngay lập tức đối với thương mại toàn cầu.
Mặc dù thời gian đi biển phải kéo dài hơn nhưng các chủ hàng hiện đang ngày càng tránh đi qua Hồng Hải.
Hàng năm có khoảng 19,000 tàu đi qua kênh đào Suez. Kể từ khi hoàn thành vào năm 1869, tuyến đường thủy này đã trở thành một trong những tuyến đường dẫn quan trọng nhất thế giới, nối liền châu Á và châu Âu. Hồng Hải là điểm vào phía nam duy nhất của Kênh đào Suez.
Nhiều người tin rằng hành động của phiến quân Houthi nhằm làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển quốc tế không chỉ là hành động chiến tranh mà còn là cuộc tấn công vào nền kinh tế toàn cầu.
Sự gián đoạn của việc quá cảnh Hồng Hải sẽ đòi hỏi các tuyến đường dài hơn quanh châu Phi, chủ yếu qua Mũi Hảo Vọng. Để tránh các cuộc tấn công, một số công ty vận tải và dầu mỏ hàng đầu thế giới, trong đó có Maersk, Hapag-Lloyd, MSC, và hãng dầu lớn BP đã công bố kế hoạch bỏ qua tuyến đường Hồng Hải.
Theo nhà cung cấp dữ liệu thị trường năng lượng Vortexa, chẳng hạn, các tuyến đường từ Ấn Độ đến Bắc Âu giờ đây sẽ mất 38 ngày thay vì 24 ngày, tăng 58% thời gian và vận chuyển từ tuyến Địa Trung Hải đến Đông Nam Á sẽ mất 40 ngày thay vì 23 ngày, tăng khoảng 74% thời gian.
Khoảng cách tăng thêm sẽ dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa và bảo hiểm cao hơn, cũng như sự chậm trễ trong vận chuyển và tắc nghẽn cảng.
Theo các chuyên gia chuỗi cung ứng, sự thay đổi tuyến đường sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến hoạt động của chuỗi cung ứng trong suốt kỳ nghỉ lễ, gây ra sự gián đoạn lớn cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Ông Christopher Tang, giáo sư tại Trường Quản lý UCLA Anderson, tin rằng những cuộc tấn công này sẽ có tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ.
Ông nói với The Epoch Times, “Khi Hoa Kỳ đang chuyển nguồn cung ứng ra khỏi Trung Quốc, hầu hết hàng xuất cảng từ Ấn Độ và Việt Nam đều được vận chuyển qua Hồng Hải qua kênh đào Suez. Tình trạng này gây ra một sự gián đoạn chuỗi cung ứng khác.”
“Hoa Kỳ cần định tuyến lại các chuyến hàng từ Ấn Độ và tất cả các nước Đông Nam Á khác qua Mũi Hảo Vọng hoặc qua Thái Bình Dương. Chi phí sẽ tăng lên và sự chậm trễ cũng vậy. Sự gián đoạn này sẽ khiến giá cả tăng cao, gây tổn hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong thời gian tới.”
Các cuộc tấn công có thể tiếp tục “cho đến khi xung đột ở Israel được giải quyết, một điều khó có thể xảy ra sớm.”
Tác động đến lạm phát
Kênh đào Suez là vị trí án ngữ quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và bất kỳ sự gián đoạn đáng kể nào cũng có thể tác động lớn đến giá dầu và các mặt hàng khác, có khả năng cản trở nỗ lực kiềm chế lạm phát của Tổng thống Joe Biden.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên hôm 19/12, “Những cuộc tấn công này phải dừng lại. Họ cần phải dừng làm như thế. Những cuộc tấn công này là không thể chấp nhận được.”
“Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi phải làm để chống lại những mối đe dọa này và bảo vệ những con tàu này.”
Do nguy cơ ngày càng tăng đối với nền kinh tế toàn cầu, Hoa Kỳ đã thành lập liên minh để đứng lên chống lại các cuộc tấn công này. Hôm 18/12, Ngũ Giác Đài đã công bố một sáng kiến an ninh đa quốc gia mới nhằm bảo đảm quá trình vận chuyển hàng hải an toàn ở Hồng Hải.
Theo đó, một phần của sáng kiến này là các tàu và phi cơ từ nhiều quốc gia sẽ cùng Hoa Kỳ thực hiện giám sát hàng hải và thực hiện các biện pháp phòng thủ để bảo vệ tàu thương mại khỏi các cuộc tấn công.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã công bố sáng kiến an ninh mang tên “Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng.”
Ông Austin cho biết trong một tuyên bố: “Sự leo thang gần đây trong các cuộc tấn công liều lĩnh của Houthi có nguồn gốc từ Yemen đã đe dọa dòng chảy thương mại tự do, gây nguy hiểm cho những thủy thủ vô tội và vi phạm luật pháp quốc tế.”
Các quốc gia tham gia nỗ lực này bao gồm Vương quốc Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Seychelles, Tây Ban Nha, và các quốc gia khác.
Ông Kirby nói rằng “còn quá sớm để biết các vụ tấn công thực sự sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu.”
Ông giải thích rằng đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đang cố gắng chuẩn bị trước bằng cách xây dựng một liên minh và tăng cường sức mạnh để đương đầu với những mối đe dọa này.
Chính phủ Tổng thống Biden đang tiến hành đánh giá để xác định xem liệu Houthi có nên được chỉ định là một nhóm khủng bố hay không. Phiến quân Houthi tuyên bố rằng các cuộc tấn công hiện tại là nhằm trợ giúp cho người Palestine.
Giá dầu tăng vào đầu tuần này sau khi BP thông báo sẽ ngừng hoạt động vận chuyển trên Hồng Hải. Tuy nhiên, với nguồn cung toàn cầu đầy đủ, tác động tức thời của sự gián đoạn đối với giá dầu dự kiến sẽ ở mức khiêm tốn.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích năng lượng cao cấp tại PRICE Futures Group, cho biết: “Phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn đang chơi một trò chơi nguy hiểm có thể kéo thế giới đến gần chiến tranh hơn.”
Ông viết trong một lưu ý gửi khách hàng, “Ấn Độ và châu Âu phụ thuộc vào tuyến đường đó, và đó là lý do tại sao chúng tôi chứng kiến sự tăng đột biến không chỉ về giá dầu mà cả giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu.”
Ông cũng chỉ ra rằng các tàu chở dầu của Iran không bao giờ bị chặn lại hoặc quấy rối ở Hồng Hải.
Ông Flynn viết, “Đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Iran đứng sau hành vi quấy rối thương mại thế giới, đây có thể hiểu là một hành động chiến tranh.”
Có sáu quốc gia giáp Hồng Hải. Theo Tòa Bạch Ốc, có gần 10 đến 15% thương mại toàn cầu, 8% thương mại ngũ cốc toàn cầu, và 12% thương mại dầu mỏ bằng đường biển toàn cầu đi qua Hồng Hải và kênh đào Suez.
Các tàu thuộc sở hữu của các công ty Hy Lạp, Trung Quốc, Nhật Bản, và Đức chiếm 40 đến 50% tổng số chuyến hàng vận chuyển thương mại qua Hồng Hải.
Vân Du biên dịch