Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai 2023
Andrew Hessel, một nhà tư tưởng công nghệ sinh học hàng đầu, nhận định công nghệ sinh học kỹ thuật số (digital biotechnology) sẽ phát triển mạnh mẽ.
Andrew Hessel, một nhà tư tưởng công nghệ sinh học hàng đầu, có những mối quan tâm trực tiếp đến kỹ thuật di truyền và những rào cản đang đặt ra cho việc tiếp cận công nghệ này. Ông tin rằng những đổi mới sáng tạo sắp đến rất giống những đổi mới sáng tạo của điện toán cá nhân những năm 1980, và ông đưa ra nhận định táo bạo rằng công nghệ sinh học sẽ còn lớn mạnh hơn cả Internet.
“Thứ duy nhất mà chúng ta cùng có chung, không chỉ con người mà tất cả các sinh vật, là sự sống – nền tảng của công nghệ sinh học” – Hessel nói – “Rất có ý nghĩa khi bạn dừng lại và nhìn vào những vật thể sống có liên quan đến cuộc sống của chúng ta, như các hợp chất từ thực vật trong các loại thuốc, tất cả loại thực phẩm, các vi sinh vật làm màu mỡ đất đai và làm sạch nước, gỗ để chúng ta xây nhà, và những thứ tương tự. Bạn sẽ cảm nhận được công nghệ sinh học sẽ tiến vào từng lĩnh vực này như thế nào, và nó sẽ quan trọng ra sao”.
Andrew Hessel dự đoán công nghệ sinh học sẽ phát triển mạnh mẽ. Ảnh: northeastern.edu. |
Những gì thay đổi trong mười năm qua là sự xuất hiện của công nghệ sinh học kỹ thuật số (digital biotechnology), cái được xây dựng dựa trên nền tảng của Dự án Bộ gen Người (Human Genome Project), dự án nghiên cứu khoa học quốc tế đã xác định chuỗi các cặp base hóa học tạo nên DNA.
Hessel nói: “Giờ đây, chúng ta có thể viết mã di truyền bằng cách sử dụng phần mềm và chúng ta có các máy in chuyên dụng cho DNA – giống một máy in 3D cho các phân tử”.
Điều này làm cho công nghệ di truyền dễ dàng hơn thêm vào đó, nó mở ra những lĩnh vực thiết kế và kỹ thuật mới, như xếp hình origami DNA.
Chỉ mới vài năm, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã gấp thành công DNA thành các hình dạng 2D như: Biểu tượng khuôn mặt cười (happy faces) và các chữ cái trong bảng chữ cái, cũng như những hình dạng 3D, tạo thành các chai và hộp có kích thước phân tử.
Đây không chỉ là một thử nghiệm thuần túy. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu cách làm cho các hình dạng này trở nên có khả năng hoạt động (functional) – ví dụ, biến chúng thành các robot thu nhỏ để tìm diệt tế bào ung thư. Tất cả điều đó đều được xây dựng trên nền tảng Internet.
Hessel không thể nhấn mạnh hết ý nghĩa lớn lao của sự chuyển dịch này.
“Trước đây, để thực hiện kỹ thuật di truyền (genetic engineering), người ta phải có bằng tiến sĩ. Ngày nay, dường như bất cứ ai cũng có thể làm nếu họ muốn học”.
Những tiến bộ trong công nghệ này cuối cùng sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu của nhân loại. Điều này làm cho vật chất có thể được lập trình” – Hessel nói tiếp – “Học cách lập trình sự sống là việc thú vị và quan trọng. Suy cho cùng, một trong những máy tính mạnh mẽ nhất là vật thể sống (living thing)”.
Một điều chắc chắn: Các công ty và các công ty mới khởi nghiệp sẽ phải tìm ra những phương cách đổi mới sáng tạo để châm ngòi cho chính bản thân đổi mới sáng tạo. Nhà tương lai học Frank Spencer nói rằng, trong thời đại thay đổi nhanh chóng và tăng trưởng theo hàm mũ của chúng ta, đổi mới sáng tạo chuyển hóa (transformative innovation) phụ thuộc vào việc phát triển kỹ năng then chốt của “tư duy tương lai” (futures thinking):
Chúng ta nhìn thấy đổi mới sáng tạo được áp dụng vào công nghệ máy tính mới, sự tiêu thụ năng lượng của chúng ta, quần áo chúng ta mặc, thực phẩm chúng ta ăn, những chiếc xe chúng ta lái, và hầu như mọi lĩnh vực của cuộc sống mà bạn có thể hình dung. Vì vậy, đâu phải quá viển vông khi tin rằng tầm nhìn xa trông rộng và tư duy tương lai (phát triển các góc nhìn dự đoán và linh hoạt trong bối cảnh tổ chức và toàn cầu) sẽ không chỉ có tác dụng khuếch đại mà còn là yếu tố bắt buộc trong các quá trình đổi mới sáng tạo thành công?
Thật ra, câu hỏi lớn hơn có thể là: Vì sao đến nay vẫn chưa có “cuộc hôn nhân” giữa tư duy tương lai và đổi mới sáng tạo?
Thật vậy, vì sao? Tại những nơi như Trung tâm Dự báo và Đổi mới sáng tạo (Center for Foresight and Innovation) của Đại học Stanford, các nhà giáo dục và các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng, đổi mới sáng tạo phải được kết hợp với tầm nhìn xa trông rộng (foresight) để tạo ra một mô hình bền vững cho bối cảnh đầy biến động ngày nay.
Thông qua các chương trình như vậy, các mô hình kinh doanh mới đang được thiết kế để giúp chúng ta định hình lại và định nghĩa lại đổi mới sáng tạo, vượt xa hơn sự tiến bộ gia tăng từng bước một, để trở thành “một cái gì đó hoàn toàn khác biệt”.
Như Spencer lưu ý: Nếu không tiếp thu được những kỹ năng và văn hóa để nuôi dưỡng tư duy dài hạn – như sự dự đoán trước, nhiều góc nhìn khác nhau, thấy được các kết quả mới để thay thế, có tư duy thích ứng và bền bỉ, thấy được các kết quả đáng khao khát vươn tới – thì các quá trình đổi mới sáng tạo sẽ thiếu đi năng lực sáng tạo cần thiết để bắt kịp nhịp thay đổi đang tăng tốc và độ phức tạp trong thế giới kinh doanh ngày nay, cũng như sự phát triển toàn cầu.
Nếu muốn giải quyết những vấn đề lớn của thế giới trong thế kỷ 21, chúng ta sẽ phải định dạng lại đổi mới sáng tạo trong bối cảnh của tư duy tương lai và tầm nhìn xa, khơi gợi lên một cách nhìn hoàn toàn mới về “những cái chưa tồn tại” và thổi lên ngọn lửa thám hiểm vượt khỏi những cái hiện hữu đã được thử nghiệm và được xem là đúng (the tried and true).
Các tổ chức kinh doanh phải chấp nhận các bối cảnh thích-hợp-với-tương-lai, và những cách nhìn xa, nếu muốn cho đổi mới sáng tạo tiếp tục thực sự trở nên… có tính đổi mới sáng tạo.
Deborah Perry Piscione / NXB Tổng hợp TP.HCM