Chiến tranh Gaza giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas đã kéo theo những vụ tấn công của lực lượng vũ trang Houthi Yemen vào các tàu chở hàng tại Hồng Hải, gần eo biển chiến lược Bab-el-Mandeb, khiến giao thương tại vùng biển nối từ Ấn Độ Dương đến Địa Trung Hải bị xáo trộn, làm dấy lên nhiều lo ngại cho thương mại thế giới, khiến Mỹ phải thành lập một liên minh quốc tế để bảo vệ tuyến hàng hải huyết mạch này.
Đăng ngày: 22/12/2023
Từ ngày 07/10/2023, sau khi lực lượng Palestine Hamas tấn công khủng bố trên lãnh thổ Israel khiến quân đội Israel ngay lập tức đáp trả bằng một chiến dịch quân sự khốc liệt và đẫm máu tại Gaza, lực lượng vũ trang Houthi Yemen, dưới sự yểm trợ của Iran, vốn ủng hộ Palestine và từ lâu nay tham gia « trục kháng chiến » chống Mỹ, đã tiến hành nhiều vụ tấn công bằng drone và thậm chí bằng tên lửa đạn đạo nhắm vào các tàu thuyền lưu thông ở Hồng Hải mà Houthi cho là có « mối liên hệ với Israel », kể cả các tàu dân sự chở hàng, bất kể quốc tịch của chủ tàu hay hãng tàu khai thác …
Thế nhưng, trên thực tế, Houthi không chỉ nhắm tới các tàu hướng đến Israel hay có liên quan đến Tel Aviv. Trang mạng báo La Tribune ngày 18/12 dẫn thông cáo của hãng tàu Na Uy Inventor Chemical Tankers cho biết tàu M/V Swan Atlantic của nước này đã bị tấn công cho dù không có dính líu gì đến Israel : Với thủy thủ đoàn là người Ấn Độ, con tàu khi đó đang trên đường đi từ Pháp lục địa đến đảo Réunion, một vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Thủy thủ đoàn không có ai bị thương, nhưng họ cho biết tàu bị hư hỏng nhẹ. Tàu M/V Swan Atlantic sau đó đã được đặt dưới sự bảo vệ của hải quân Mỹ.
Số vụ Houthi Yemen tấn công các tàu ngày càng tăng, nhất là hồi cuối tuần trước. Quân đội Mỹ hôm thứ Bảy 16/12 cho biết một tàu khu trục Mỹ đã bắn hạ khoảng 12 drone được phóng đi từ vùng lãnh thổ Yemen do Houthi kiểm soát, còn chính phủ Anh thông báo một tàu khu trục của họ cũng hạ được 1 drone trong vùng này. Tình hình an ninh tại khu vực ngày càng xuống cấp đến mức sự hiện diện quân sự thường xuyên và khá hùng hậu của nhiều nước phương Tây trong khu vực cũng không làm cho các hãng vận tải biển quốc tế an tâm.
Từ một tuần nay, liên tiếp nhiều hãng vận tải hàng hải hàng đầu thế giới, như công ty Maersk của Đan Mạch, Hapag-Lloyd của Đức, hãng CMA CGM của Pháp, MSC của Ý-Thụy Sĩ và Evergreen của Đài Loan … quyết định ngay lập tức tạm ngưng cho tàu thuyền đi qua Bab-el-Mandeb cho đến khi điều kiện an ninh được khôi phục trở lại tại vùng biển chiến lược Hồng Hải. Không chỉ các hãng vận tải biển, mà tập đoàn dầu lửa BP của Anh cũng thông báo đình chỉ mọi chuyến tàu quá cảnh Hồng Hải.
Tại sao Hồng Hải và eo biển Bab el-Mandeb là vùng chiến lược ?
Bab el-Mandeb là eo biển rộng 27 km, nằm giữa một bên là Djibouti và Erithrea ở châu Phi, và phía bờ biển bên kia là Yemen trên bán đảo Ả Rập. Đảo Perim nằm giữa eo biển Bab el-Mandeb chia vùng này thành hai hành lang biển, mỗi hành lang rộng 3km để bảo đảm an toàn hàng hải.
Eo biển Bab el-Mandeb cũng là điểm nối Hồng Hải với Vịnh Aden ở Ấn Độ Dương. Với vị trí địa lý như vậy, lại nằm gần kênh đào Suez, nối Hồng Hải với Địa Trung Hải, eo biển Bab el-Mandeb dĩ nhiên có có tầm quan trọng chiến lược trong giao thương quốc tế. Bab el-Mandeb hiện là một trong những hành lang hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới, kết nối châu Á với châu Âu. Hàng năm, 40% giao thương hàng hải thế giới được trung chuyển qua vùng biển này, chiếm khoảng 12% tổng lượng hàng hóa giao thương trên toàn cầu.
Nếu như hàng từ châu Á sang châu Âu chủ yếu là hàng tiêu dùng, may mặc …, thì các loại chất đốt lại được vận chuyển đến châu Âu, châu Á và Mỹ từ các nước Vùng Vịnh, như Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hay Qatar …
RFI Pháp ngữ ngày 12/12 cho biết 10% chế phẩm từ dầu, 5% dầu thô và 8% ga tự nhiên hóa lỏng được trung chuyển qua hành lang Hồng Hải. TV5 Monde ngày 16/12 nhắc lại là trong năm 2018, mỗi ngày, lượng dầu tương đương 6,5 triệu thùng được vận chuyển qua tuyến hàng hải này từ Vùng Vịnh đến châu Âu, Hoa Kỳ hoặc châu Á (3,5 triệu thùng cho thị trường Âu – Mỹ, phần còn lại được chuyển đến châu Á). Theo AFP, những xung đột trong vùng Trung Đông và lo ngại về tuyến đường vận chuyển chất đốt qua tuyến Hồng Hải đã đẩy giá dầu tăng hôm thứ Hai 18/12. Hồng Hải cũng là tuyến trung chuyển 7% ngũ cốc giao thương toàn cầu.
Là vùng biển tấp nập với 20.000 tàu qua lại mỗi năm, Hồng Hải, được mệnh danh là « tuyến cao tốc trên biển », cũng là khu vực được quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới. Vẫn theo TV5 Monde, quân đội Pháp hiện diện ở Djibouti với 1.300 người. Quân đội Mỹ cũng mở căn cứ quân sự ở Djibouti vào năm 2002 với 2.000 quân. Ý, Tây Ban Nha và Nhật Bản cũng có đội quân trú đóng tại đây. Năm 2017, Trung Quốc cũng thành lập căn cứ hải quân ở cảng Djibouti. Căn cứ mới của Trung Quốc có chỗ cho gần 10.000 quân.
Giao thương quốc tế bị ảnh hưởng ở mức độ nào ?
Nạn nhân trực tiếp đầu tiên dĩ nhiên là Israel và các đối tác thương mại của Israel, bởi 99% hàng hóa nhập khẩu của Israel là qua đường biển. Theo trang mạng The Times of Israel, gần 49% hàng Israel nhập là từ châu Âu và 25% là từ châu Á, chủ yếu là từ Trung Quốc, như trang thiết bị cơ sở hạ tầng và xây dựng, hàng hóa tiêu dùng và các sản phẩm mua bán trực tuyến qua trang Ali Express, cũng như hàng điện tử và xe hơi. Ngay từ khi chiến tranh Gaza nổ ra, các hãng bảo hiểm hàng hải đã áp một khoản phí bảo hiểm đối với các tàu hàng đến hay đi từ Israel.
Tình hình mất an ninh hàng hải ở Hồng Hải khiến các tàu chở hàng khó cập cảng Israerl đúng hạn, nhiều tàu từ châu Á muốn đến Israel phải đi đường vòng qua mũi Bonne-Espérance ở cực nam châu Phi, xa hơn 40% đoạn đường so với đi theo tuyến Hồng Hải, vừa kéo dài thời gian vận chuyển thêm 2-4 tuần, vừa đẩy các chi phí lên cao thêm 1 triệu euro/tàu (theo trang mạng The Times of Israel). Hôm thứ Bảy tuần trước, Orient Overseas Container Line (OOCL), một hãng vận tải có trụ sở tại Hồng Kông, đã từ chối vận chuyển hàng đến và đi từ Israel.
Một nạn nhân khác chịu hệ lụy gần như ngay tức khắc là láng giềng Ai Cập của Israel : Mỗi năm Ai Cập thu được 12 tỉ euro phí tàu thuyền trung chuyển qua kênh đào Suez. Nay nếu các tàu không dám đi qua eo biển Bab el-Mandeb thì kênh đào Suez cũng thất thu, trong khi Ai Cập đang gặp khủng hoảng tiền tệ và lạm phát.
Nhìn rộng ra quốc tế, dù các vụ tấn công của Houthi tại Hồng Hải chưa gây ra tác hại nặng nề và ngay lập tức đối với giao thương toàn cầu, các nhà quan sát ghi nhận những nguy cơ xáo trộn sẽ là không nhỏ, nếu tình hình an ninh không sớm được khôi phục. Trên thực tế, theo Le Figaro, giao thương hàng hải chiếm 90% thương mại toàn cầu.
Một điều đáng nói khác là hiện nay, một tuyến vận tải biển quan trọng khác là tuyến qua kênh đào Panama, đang hoạt động cầm chừng do hạn hán từ nhiều tháng qua khiến mực nước giảm, ảnh hưởng đến khả năng lưu thông của tàu thuyền. Nhiều khi các tàu phải đợi đến 2 tuần mới qua được kênh đào Panama. Nhiều hãng vận tải vì không muốn tàu chờ lâu, nên đã cho tàu chuyển hướng để đi qua kênh đào Suez, chấp nhận một hải trình dài hơn 5 ngày so với qua kênh đào Panama, và rồi lâm cảnh « tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa », vướng phải nguy cơ bị Houthi Yemen tấn công, phải đi vòng qua mũi Bonne-Espérance cực nam châu Phi xa xôi.
Trước mắt, Paul Tourret, giám đốc ISEMAR, Đài quan sát các ngành công nghiệp đường biển, được AFP trích dẫn, dự báo các loại hàng hóa bị ảnh hưởng có thể là hàng tiêu dùng vào khoảng mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Những sản phẩm tiêu thụ trong mùa Giáng Sinh, lễ tết cuối năm 2023 không bị ảnh hưởng, bởi trên thực tế đã được chuyên chở đến đích từ trước khi tình hình an ninh ở Hồng Hải xuống cấp. Andreas Krieg, giáo sư tại King’s College of London, dự báo việc tàu thuyền phải đi đường vòng qua mũi Bonne-Espérance ở cực nam châu Phi trung bình sẽ kéo dài hải trình châu Á – châu Âu thêm 6 ngày, khiến riêng chi phí nhiên liệu cũng tăng 300.000-400.000 euro/tàu. Le Figaro trích dẫn cơ quan thẩm định tài chính S&P cho biết phí bảo hiểm chiến tranh cho các tàu hàng cũng ngày càng tăng, chẳng hạn đối với một chuyến tàu chở hàng kéo dài 7 ngày, phí bảo hiểm chiến tranh sẽ tăng thêm nhiều ngàn đô la.