Hoạt động gián điệp ngày càng tăng của Bắc Kinh dẫn đến sự mất lòng tin lâu dài từ phương Tây

PHÂN TÍCH: Hoạt động gián điệp ngày càng tăng của Bắc Kinh dẫn đến sự mất lòng tin lâu dài từ phương Tây

Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ giám sát. (Ảnh: “Cuộc Chiến Cuối Cùng: m Mưu 100 Năm Đánh Bại Hoa Kỳ”/Epoch Original Production)

Jessica Mao

Olivia Li

Thứ tư, 20/12/2023

Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, được tổ chức tại Bắc Kinh từ hôm 07 đến 08/12, là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Âu Châu trong hơn 4 năm. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel đã trở về Brussels sớm hơn dự định, một phần vì ông không có đường dây điện thoại an toàn để nói chuyện với các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu (EU) mà không bị Trung Quốc nghe lén.

Từ lâu, ai cũng đều biết rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nghe lén các chính trị gia và khách doanh nhân ngoại quốc.

Hôm 06/12, một cư dân mạng Trung Quốc cho biết trong một bài đăng trên X: “Một người biết rõ nội tình đã nói với tôi rằng ĐCSTQ có các đội chuyên trách thu thập thông tin tình báo về mọi quan chức ngoại quốc. Việc này bao gồm thu thập những vật phẩm thay thế giống hệt với các vật dụng cá nhân của họ, chẳng hạn như y phục và đồ dùng hàng ngày, rồi hoán đổi chúng để lấy được bí mật khi có thể.”

Dấu hiệu cắt đứt quan hệ với ĐCSTQ

Ông Lâm Tông Nam (Tsungnan Lin), giáo sư khoa kỹ thuật điện, Đại học Quốc gia Đài Loan, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times: “ĐCSTQ bây giờ dám trắng trợn nghe lén các sự kiện chính thức. Sự ra về sớm của ông Michel báo hiệu sự rạn nứt của mối quan hệ giữa EU với ĐCSTQ.”

Ông nói thêm rằng dưới thời chính phủ ông Trump, chính phủ Hoa Kỳ đã xem Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia, nhưng nhiều nước Âu Châu lại cho rằng ông Trump và chính phủ Hoa Kỳ đang phản ứng thái quá.

Ông nói: “Tuy nhiên, theo thời gian, các nước Âu Châu đã nhận ra mối đe dọa mà Huawei đặt ra đối với an ninh quốc gia của họ, và ngày càng có nhiều quốc gia yêu cầu cấm thiết bị Huawei khỏi mạng 5G của họ.”

Theo ông Lâm, vụ nghe lén trong hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc đã khiến các quốc gia này nhận ra rằng việc sử dụng công nghệ hiện đại của ĐCSTQ không chỉ dừng lại ở việc sản xuất hàng tiêu dùng đơn thuần, mà còn ẩn chứa ý định phá hoại an ninh của các quốc gia khác. Ngược lại, điều này đã dẫn đến sự mất lòng tin sâu sắc và lâu dài từ các nước phương Tây đối với ĐCSTQ.

“Phương Tây sẽ cảnh giác hơn về ý định của ĐCSTQ nhằm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của họ đằng sau các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, trong đó có điện thoại di động hoặc các ứng dụng như TikTok, vốn là những sản phẩm có hại nhất,” ông Lâm cho hay. “Vậy tại sao các nước phương Tây lại chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc? Đó thực sự là một dấu hiệu cho thấy các chính phủ, các ngành công nghiệp và cộng đồng ở phương Tây đã mất kiên nhẫn với ĐCSTQ.”

Ngang nhiên giám sát người ngoại quốc

Hồi giữa tháng Sáu, trước khi diễn ra chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, một phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã viết một bài báo nói rằng cô sẽ đi cùng một nhóm đến Bắc Kinh để đưa tin về chuyến thăm của ông Blinken. Vì lý do bảo mật, cô đã được hướng dẫn mang theo một chiếc iPhone thay thế và một chiếc máy điện toán xách tay dự phòng để sử dụng khi đưa tin về câu chuyện bên trong Trung Quốc.

Bài báo cho biết: “Các ký giả cũng được cảnh báo không nên để máy điện toán xách tay trong phòng khách sạn. Trong những chuyến thăm trước đây, các thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ đã báo cáo rằng các thiết bị điện tử của họ đã bị lục soát sau khi họ rời phòng khách sạn ở Bắc Kinh.”

Vào tháng 01/2022, đêm trước thềm Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, Ủy ban Olympic Hà Lan đã khuyến cáo các vận động viên và đoàn đại biểu tham dự Thế vận hội Olympic của họ không nên mang điện thoại di động cá nhân và máy điện toán đến Trung Quốc để tránh hoạt động gián điệp của ĐCSTQ. Theo tờ De Volkskrant của Hà Lan, ủy ban này đã cung cấp cho các thành viên của phái đoàn những thiết bị chưa qua sử dụng trong thời gian họ ở Trung Quốc để bảo vệ dữ liệu cá nhân của họ khỏi sự giám sát của Trung Quốc.

Hà Lan không phải là quốc gia duy nhất. Các vận động viên Olympic đến từ Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, và Úc đều đã nhận được cảnh báo từ chính phủ các quốc gia tương ứng, khuyên họ không nên mang theo điện thoại di động cá nhân và máy điện toán xách tay khi tới Bắc Kinh tham gia Thế vận hội Mùa Đông.

Trong khuyến cáo du lịch đến Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo rằng “nhân viên an ninh [Trung Quốc] theo dõi sát sao du khách ngoại quốc.”

Khuyến cáo này cho biết: “Phòng khách sạn (kể cả phòng họp), văn phòng, xe hơi, taxi, điện thoại, việc sử dụng Internet, thanh toán kỹ thuật số, và máy fax đều có thể bị giám sát tại chỗ hoặc từ xa, và tài sản cá nhân trong phòng khách sạn, bao gồm cả máy điện toán, có thể bị khám xét mà không có sự đồng ý hoặc hay biết của quý vị.”

Cố vấn công nghệ của đội tuyển Hoa Kỳ đề nghị những người tham gia Olympic nên sử dụng máy điện toán xách tay và điện thoại thuê tạm khi ở Trung Quốc, hoặc xóa tất cả dữ liệu cá nhân khỏi thiết bị của họ trước khi đến nơi và ngay khi khởi hành. Khuyến cáo này cũng khuyến nghị sử dụng các mạng riêng ảo (VPN).

Xe điện là công cụ gián điệp

Ngoài việc nghe lén, các chính phủ phương Tây còn lo ngại rằng ĐCSTQ có ý định sử dụng công nghệ được tích hợp trong xe hơi điện để thu thập thông tin tình báo quy mô lớn.

LiDAR là một công nghệ lập bản đồ nổi bật nhờ khả năng lập bản đồ môi trường đô thị, nhìn xuyên qua cơ sở hạ tầng thiết yếu, và tạo ra một thực tế giống như trong trò chơi điện tử.

Ứng dụng rộng rãi của LiDAR khiến nó trở thành công nghệ lưỡng dụng. Trong quân đội, LIDAR được sử dụng để tự động điều hướng các phương tiện không người lái và thiết bị bay không người lái, đồng thời tạo ra bản đồ chiến trường 3D có độ chính xác cao.

Với nhu cầu ngày càng tăng về xe điện và xe tự động, LiDAR đang nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn của ngành công nghệ này. Ngày càng nhiều hãng xe sử dụng LiDAR làm “cặp mắt” cho xe tự lái.

ĐCSTQ ngày càng chú trọng đến công nghệ mới nổi này trong những năm gần đây. Năm 2020, ĐCSTQ đã liệt kê LiDAR là một ngành công nghiệp mới nổi mang tính chiến lược và tăng cường đầu tư của chính phủ vào hoạt động nghiên cứu và phát triển ngành này hơn nữa.

Hành động này của ĐCSTQ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong giới lập pháp Hoa Kỳ. Vào cuối tháng Mười Một, Ủy ban Cạnh tranh Chiến lược Hoa Kỳ-Trung Quốc của Hạ viện Hoa Kỳ đã gửi thư tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, yêu cầu kiểm tra tất cả các công ty LiDAR của Trung Quốc và cân nhắc đưa họ vào danh sách trừng phạt.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ nói rằng bởi vì chính phủ Hoa Kỳ hiện chưa áp đặt bất cứ yêu cầu an ninh nào đối với việc mua sắm công nghệ LiDAR, nên có một nguy cơ đáng kể đó là các thiết bị LiDAR do Trung Quốc sản xuất hiện đã có mặt trong các hệ thống và nền tảng được quân đội Hoa Kỳ và các nhà thầu của họ sử dụng.

Theo luật an ninh quốc gia của ĐCSTQ, tất cả các công ty LiDAR của Trung Quốc đều phải cung cấp mọi dữ liệu mà họ thu thập được, điều đó có nghĩa là chính quyền Trung Quốc sẽ có quyền truy cập không chỉ vào bản đồ và dữ liệu cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ, mà còn vào cả các hệ thống quân sự của Hoa Kỳ.

Chính phủ Anh cũng lo ngại rằng với làn sóng xe điện do Trung Quốc sản xuất tràn vào Vương quốc Anh, chính quyền Trung Quốc có thể theo dõi công dân Anh và thu thập lượng lớn dữ liệu.

Một nguồn tin chính phủ cao cấp đã nói với The Telegraph hồi tháng Tám năm nay: “Nếu [một chiếc xe hơi điện] được sản xuất ở một quốc gia như Trung Quốc, quý vị có thể chắc chắn đến mức nào rằng đó sẽ không phải là một phương tiện đi lại dùng để thu thập thông tin và dữ liệu?… Nếu quý vị có xe điện được các quốc gia đã sử dụng công nghệ do thám sản xuất, tại sao họ lại không thực hiện điều tương tự ở đây?”

Vào đầu tháng Mười Hai, chính phủ ông Biden đã đề xướng các quy định mà theo đó sẽ cắt giảm trợ cấp cho những phương tiện nào có chứa linh kiện pin do Trung Quốc sản xuất, hoặc được phát hiện là do một công ty có mối quan hệ mật thiết với ĐCSTQ sản xuất.

Ông Lâm giải thích: “Một chiếc xe hơi điện về căn bản là một chiếc máy điện toán có bốn bánh chạy trên đường, vì vậy tất nhiên nó có thể được sử dụng như một công cụ cho hoạt động gián điệp, nơi mà ĐCSTQ thu thập thông tin tình báo thông qua công nghệ.”

Ông tiếp tục bình luận rằng chính phủ Hoa Kỳ và thế giới phương Tây đang dần nhận ra rằng nếu ĐCSTQ nắm trong tay công nghệ xe điện, điều này sẽ rất nguy hiểm đối với an ninh quốc gia của thế giới tự do phương Tây.

Ông nói: “Trên thực tế, chính phủ ông Biden quyết định ban hành các quy định mới về việc trợ cấp cho xe điện và tách rời chúng khỏi chuỗi cung ứng xe điện của Trung Quốc là do những lo ngại rằng xe điện của Trung Quốc có thể trở thành công cụ để ĐCSTQ thâm nhập vào phương Tây.”

Bản tin có sự đóng góp của Tân Ninh.

Tuệ Minh biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment