Bắc Kinh tìm cách thao túng các cuộc bầu cử tại Đài Loan như thế nào?

Ngày 13/01/2024, cử tri Đài Loan sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống và Quốc Hội. Càng gần đến ngày bầu cử, Bắc Kinh càng tăng cường các biện pháp nâng đỡ các ứng cử viên ủng hộ việc sáp nhập đảo này vào Trung Quốc. Nhật báo Pháp Libération ngày 22/12/2023 đã nêu bật những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mua chuộc đủ thành phần tại Đài Loan, từ chính khách, doanh nhân, cho đến các thanh niên, đại diện tôn giáo. Thậm chí cả Mafia Đài Loan cũng được chiêu dụ.

Đăng ngày: 26/12/2023

Ảnh minh họa: Cờ Đài Loan trên phủ tổng thống ở Đài Bắc nhân ngày Quốc Khánh Đài Loan 10/10/2023.
Ảnh minh họa: Cờ Đài Loan trên phủ tổng thống ở Đài Bắc nhân ngày Quốc Khánh Đài Loan 10/10/2023. REUTERS – CARLOS GARCIA RAWLINS

Trọng Nghĩa

Mua chuộc giới trẻ

“Tìm kiếm những người có ảnh hưởng tại Đài Loan từ 20 đến 40 tuổi cho một chuyến đi hai tuần tới Phúc Kiến. 250 euro mỗi người.” Trên trang Facebook được hàng nghìn người theo dõi này, những quảng cáo về các kỳ nghỉ hấp dẫn ở Trung Quốc đã nở rộ trong những tháng gần đây. Ngoài mức giá rẻ như bèo và cơ hội tìm được việc làm, những “giải thưởng” và “học bổng” bí ẩn còn được hứa hẹn cho những ai tham gia. Khi đến nơi, những người này mới phát hiện ra rằng đứng sau các lời chào mời hấp dẫn đó chính là các đơn vị đặc trách chiến lược gây ảnh hưởng đối với Đài Loan.

Một sinh viên được phương tiện truyền thông Đài Loan The Reporter phỏng vấn cho biết: “Có những phát biểu khuyến khích chúng tôi theo đuổi sự nghiệp ở Trung Quốc, chống lại xu hướng đòi độc lập cho Đài Loan và phát huy “sự phục hưng của nước Trung Hoa”.

Thanh niên không phải là những người duy nhất được quan tâm. Theo truyền thông Đài Loan, trong những tháng gần đây, hàng chục phái đoàn Đài Loan đã được mời đến Trung Quốc, đôi khi một cách hết sức bí mật. Họ bao gồm các vị dân cử địa phương, những người đứng đầu các viện thăm dò dư luận, bình luận gia của các tờ báo, các cố vấn chính trị…

Trong bối cảnh sắp diễn ra bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp Đài Loan, các sự kiện trên đã khiến chính quyền Đài Bắc lo ngại trước nguy cơ Bắc Kinh tìm cách thao túng cử tri Đài Loan. Đảng Dân Tiến đương quyền, bị Bắc Kinh chỉ trích vì từ chối thống nhất, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước hai phong trào thân thiện hơn với Trung Quốc.

Dân biểu Vương Định Vũ (Wang Ting-Yu), thuộc Đảng Dân Tiến đang cầm quyền và là thành viên ủy ban quốc phòng thuộc Quốc Hội Đài Loan, cho biết “một số phái đoàn” đã gặp ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), một quan chức cấp cao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, người đã đưa ra cho họ “các chỉ thị trước cuộc bầu cử”.

Áp lực trên giới “đài thương”

Các động thái chiêu dụ kể trên chỉ là một khía cạnh trong chính sách “Mặt Trận Thống Nhất” chống lại Đài Loan được Bắc Kinh tiến hành từ hàng chục năm nay, với mục đích sáp nhập vùng lãnh thổ 24 triệu dân mà không cần nổ súng.

Thông qua áp lực, các biện pháp ưu đãi và tài trợ trực tiếp, “Mặt Trận Thống Nhất” đã dệt nên một mạng lưới của giới truyền thông, chính trị gia, doanh nghiệp và tổ chức dân sự ở Đài Loan hoạt động vì lợi ích của Trung Quốc. Đặc biệt là kể từ những năm 1990, Bắc Kinh đã có thể trông cậy vào hàng trăm nghìn nhà công nghiệp Đài Loan có mặt ở Trung Quốc, được gọi là “đài thương (taishang)”.

Thông tín viên Libération đã có dịp tiếp xúc với một trong những đài thương đã đồng ý làm việc phục vụ Bắc Kinh, tại văn phòng của ông gần Đài Bắc. Kiếm sống bằng việc tổ chức các chuyến đi cho các nhà đầu tư, quan chức địa phương và các giáo sư Đài Loan tới Trung Quốc, dưới sự bảo trợ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, doanh nhân xin giấu tên này xác nhận: “Chúng tôi chọn các nhóm không đồng nhất để không thu hút sự chú ý”.

Doanh nhân này nằm trong số từ 5% đến 10% dân Đài Loan coi mình chủ yếu là người Trung Quốc. Ông giải thích: “Tôi không thích đường lối của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng tôi cho rằng thống nhất là điều không thể tránh khỏi (và) tốt hơn là chiến tranh.”

Ở Đài Loan, các hoạt động giao lưu với Trung Quốc không bị cấm, nhưng chính quyền lại lên án việc Bắc Kinh đòi có đi có lại. Giới điều tra Đài Loan thường xuyên nói đến các hành vi tài trợ chiến dịch tranh cử, phổ biến luận  điểm tuyên truyền, hoặc thông tin sai lệch, mua chuộc phiếu bầu… Nhân vật này công nhận: “Những người đối thoại với chúng tôi đã cho hiểu rằng chúng tôi không thể vừa lợi dụng thị trường Trung Quốc, vừa ủng hộ nền độc lập của Đài Loan. Và trong thời gian gần đây, thông điệp ngày càng rõ là chúng tôi phải hành động cụ thể cho việc thống nhất”.

Ve vãn quan chức địa phương và đại diện tôn giáo

Theo Libération, hành động can thiệp của Trung Quốc vào nội tình Đài Loan đăc biệt nổi bật trong hệ thống xã hội đặc thù của vùng lãnh thổ này, bao gồm các đền thờ Lão Giáo, lãnh đạo khu phố và mafia.

Những mạng lưới này, từng được sử dụng dưới thời chế độ độc tài Quốc Dân Đảng để khống chế xã hội, hiện vẫn còn ảnh hưởng đáng kể ở cấp địa phương, mà điển hình là trường hợp của ông Nhan Thanh Tiêu (Yen Ching-Piao), nguyên là một trùm mafia, một chính trị gia và là giám đốc một trong những đền thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (Mazu) quan trọng.

Từ hai chục năm nay, Trung Quốc đã trải thảm đỏ đón các đại diện tôn giáo, quan chức dân cử địa phương và thành viên của các tổ chức tội phạm Đài Loan. Theo báo chí địa phương, 30% trong số 456 lãnh đạo khu phố tại Đài Bắc đã tới Trung Quốc trong những tháng gần đây. Một số chuyến thăm được Đảng Cộng Sản Trung Quốc tài trợ hoàn toàn và các hướng dẫn bỏ phiếu đã được ban hành.

Chiêu mộ Mafia

Về phía các băng đảng mafia, trường hợp cựu bố già của Trúc Liên Bang, ông Trương An Nhạc (Chang An-Lo), biệt danh “Bạch Lang – Sói trắng”, là phần nổi của tảng băng. Sau khi đầu tư vào các nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm ở Trung Quốc, nhân vật ở độ tuổi bảy mươi này đã thành lập một đảng ủng hộ thống nhất, mà ông đã mỉm cười thừa nhận rằng bao gồm “nhiều thành viên là mafia”.

Đảng này không có đại biểu dân cử, nhưng các đảng viên của họ  thường xuyên quấy rối các nhà hoạt động dân chủ, chẳng hạn nhà đấu tranh Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) khi đến Đài Loan năm 2017.

Nguy cơ mafia Đài Loan phục vụ Trung Quốc là một vấn đề an ninh quốc gia đối với chính quyền Đài Bắc. Trong những năm gần đây, đã có một số trường hợp hoạt động gián điệp hoặc cam kết sẽ đầu hàng Trung Quốc liên quan đến những quân nhân đã đầu tư vào Trung Quốc. Một số đã bị buộc phải hợp tác sau khi bị phá sản. Ví dụ gần đây nhất là vụ một phi công Đài Loan bị bắt hồi đầu tháng 12 này, do bị cáo buộc đã mưu toan chạy trốn trên một chiếc trực thăng quân sự để hạ cánh xuống một tàu sân bay Trung Quốc. Trung Quốc được cho là đã hứa cho anh ta 15 triệu đô la và bảo vệ anh ta trọn đời trong một cuộc gặp ở nước ngoài.

Đối với dân biểu Vương Định Vũ: “Trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược, những người này có thể được huy động để thực hiện những vụ phá hoại, làm gián điệp hoặc gây hỗn loạn trong xã hội”. Theo ông, số người trong các băng đảng mafia Đài Loan sẵn sàng cầm vũ khí phục vụ Bắc Kinh lên đến vài nghìn người.

Chiến lược thất bại ?

Dẫu sao, theo Libération, chiến lược thao túng nội tình chính trị và xã hội Đài Loan như đã thất bại. Kể từ khi vùng lãnh thổ này dân chủ hóa vào những năm 1990, chỉ có 5% người dân Đài Loan ủng hộ thống nhất. Đảng Dân Tiến đã chiến thắng vẻ vang vào năm 2020 nhờ vận động cử tri trẻ chống lại một ứng cử viên đối lập được cho là quá thân Trung Quốc.

Kể từ đó, chính quyền Đài Loan đã tăng cường luật pháp chống lại sự can thiệp của nước ngoài, trong lúc xã hội dân sự Đài Loan cũng nỗ lực săn lùng các mưu toan thao túng của Trung Quốc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment