Đăng ngày: 30/12/2023
Bầu cử tại Đài Loan, bầu cử tại Hoa Kỳ, chiến tranh thương mại : Ba chủ đề « nóng » trong quan hệ Mỹ-Trung năm 2024 ; Úc hạn chế gửi quân tham gia liên minh chống Houthi, tập trung lực lượng ở khu vực lân cận và Biển Đông ; Chiến đấu cơ Mỹ F-15 hộ tống ông già Noel chia quà ; Bánh quy Oreo gây scandal ở Mỹ vì giảm bớt kem đúng dịp Giáng Sinh. Trên đây là một số chủ đề trong số cuối cùng năm 2023 của Tạp Chí Thế Giới Đó Đây.
Ba chủ đề « nóng » trong quan hệ Mỹ – Trung năm 2024
Sau những tháng đầu năm 2023 « sóng gió » vì khủng hoảng khinh khí cầu do thám, chất bán dẫn và cạnh tranh quân sự, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã cố giảm căng thẳng trong những tháng cuối năm. Đỉnh điểm là cuộc họp thượng đỉnh Joe Biden-Tập Cận Bình ngày 15/11 tại San Francisco (Mỹ) bên lề Diễn đàn APEC. Hai nguyên thủ bày tỏ mong muốn chấm dứt tình trạng quan hệ song phương rơi tự do.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là thiện chí, chưa có tiến bộ. Reuters cho rằng tình hình không hẳn khả quan trong năm 2024 với ba hồ sơ lớn tác động đến quan hệ Mỹ-Trung : cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan và Hoa Kỳ, xung đột thương mại tiếp diễn.
Vấn đề eo biển Đài Loan
Ngay ngày 13/01/2024, cử tri Đài Loan đi bầu Quốc Hội và tổng thống. Ứng viên tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching Te) và ứng viên phó tổng thống Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi Khim) của đảng Dân Tiến cầm quyền (DPP), hiện đứng đầu các cuộc thăm dò, đều bị Bắc Kinh coi là « phần tử ly khai » và bác mọi đề xuất đàm phán của ông Lại. Song song với các biện pháp gây sức ép về thương mại và chính trị trước thềm bầu cử, Bắc Kinh cáo buộc đảng cầm quyền là « phần tử ly khai nguy hiểm » và kêu gọi cử tri Đài Loan đưa ra « lựa chọn đúng ».
Đối với Mỹ, Trung Quốc cảnh cáo mọi ý định can thiệp, đặc biệt là sau khi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2024 được tổng thống Joe Biden ký ban hành ngày 22/12. Trong buổi họp báo ngày 23/12, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) phát biểu :
« Chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ áp dụng nghiêm túc cam kết của nhà lãnh đạo Mỹ là « không ủng hộ Đài Loan độc lập », chấm dứt thao túng vấn đề Đài Loan và ngừng gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2024 (National Defense Authorization Act, NDAA) thổi phồng « mối đe dọa Trung Quốc », gạt bỏ các doanh nghiệp Trung Quốc và hạn chế trao đổi kinh tế và thương mại thông thường, cũng như trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Điều này không có lợi cho cả hai bên ».
Theo Reuters, mối quan hệ giữa hai đại cường có lẽ sẽ được xác định qua cách phản ứng của Bắc Kinh về kết quả bầu cử Đài Loan. Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Tập sẽ tiết chế biện pháp đáp trả quân sự trong trường hợp ông Lại Thanh Đức thắng cử, với hy vọng tránh xảy ra xung đột. Tuy nhiên, Đài Loan đã được đặt trong tình trạng báo động cao trước những đe dọa từ Trung Quốc trước thềm bầu cử.
Bầu cử tổng thống Mỹ
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 có thể sẽ có những hệ quả nghiêm trọng hơn đối với quan hệ song phương. Nếu không có bất ngờ vào phút chót, cuộc song đấu sẽ diễn ra giữa Joe Biden và Donald Trump.
Yun Sun, giám đốc trung tâm nghiên cứu Stimson Center ở Washington, cho rằng « khi Trung Quốc nghĩ tới cuộc bầu cử (Mỹ) năm tới, sự trở lại của ông Trump có lẽ sẽ là ác mộng kinh hoàng cho họ ». Trump đồng nghĩa với « khó lường ». « Dưới thời Trump, Mỹ và Trung Quốc không có đối thoại đáng kể về bất kỳ vấn đề gì ». Tuy nhiên, chủ trương cô lập của Trump đẩy Mỹ rút khỏi các liên minh có thể có lợi cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, hiện thấy bị bí bách vì cường quốc số 1.
Bắc Kinh cũng không hài lòng nếu Joe Biden thắng cử, theo nhà nghiên cứu Yun Sun. Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã khéo léo gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh, như duy trì các chính sách thuế khóa từ thời người tiền nhiệm, đồng thời bổ sung những biện pháp kiểm soát mới đối với xuất khẩu và thắt chặt quan hệ với các đồng minh.
Xung đột chip điện tử
Năm 2024, Washington sẽ gia tăng kiểm soát xuất khẩu để các sản phẩm bán dẫn tối tân nhất không rơi vào tay Trung Quốc. Để đáp trả, Bắc Kinh sử dụng ưu thế là nhà cung cấp kim loại và đất hiếm, cần cho sản xuất chip điện tử nhưng vẫn không thể xoay chuyển tình hình. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt nhắm vào các công ty Mỹ có thể sẽ khiến vốn đầu tư bị rút khỏi Trung Quốc trong khi Bắc Kinh đang rất cần để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một dấu hiệu khác là vào năm 2023, chính quyền Biden đã lập một tổ công tác chống tình trạng cố tình chiếm dụng trái phép những công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Nhiều cuộc điều tra về xuất khẩu công nghệ sang đang Trung Quốc được tiến hành. Trong thông cáo gửi đến Reuters, ông Matthew Axelrod, trợ lý bộ trưởng Thương Mại Mỹ phụ trách kiểm tra xuất khẩu, khẳng định « những nỗ lực này sẽ dẫn đến những biện pháp quan trọng về kiểm soát xuất khẩu trong năm 2024 ».
Úc hạn chế gửi quân tham gia liên minh chống Houthi, tập trung lực lượng ở Biển Đông
Khu vực Tây Thái Bình Dương là trọng tâm trong chiến lược an ninh của Úc. Điều này giải thích cho quyết định hạn chế lực lượng tham gia liên quân chống Houthi ở Hồng Hải do đồng minh Mỹ thành lập. Canberra sẽ không gửi chiến hạm hay chiến đấu cơ và chỉ có 11 quân nhân Úc sẽ đến sở chỉ huy Chiến dịch Prosperity Guardian ở Bahrein vào tháng 01/2024.
Trả lời đài truyền hình Sky News ngày 21/12/2023, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles khẳng định đồng minh Mỹ đánh giá cao đóng góp của Canberra và giải thích về quyết định trên :
« Không, chúng tôi sẽ không điều chiến đấu cơ hay tầu chiến. Thực ra, chúng tôi tăng gần gấp ba lần đóng góp vào Lực lượng hàng hải chung. Hiện giờ chúng tôi có 5 người tham gia hoạt động ở trụ sở của Lực lượng hàng hải chung và tháng tới, con số này sẽ tăng lên thành 16. Đó là sự đóng góp rất lớn, nhiều hơn cả phần của Canada.
Nhưng chúng tôi phải nói rõ về định hướng chiến lược của mình và mục tiêu chiến lược chính là khu vực của chúng ta, tức là vùng đông bắc Ấn Độ Dương, Biển Đông, biển Hoa Đông và Thái Bình Dương. Đây là điều xuất phát từ Đánh giá Chiến lược Quốc phòng, theo đó Úc cần khẩn cấp duy trì trọng tâm chiến lược vào khu vực sát sườn và đó là những gì chúng tôi sẽ làm ».
Chiến đấu cơ Mỹ F-15 hộ tống ông già Noel chia quà
Chỉ trong một ngày 24/12/2023, ông già Noel đã phát 5,5 tỉ món quà. Con số được Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (Norad) cho biết nhờ bám sát hành trình của ông già Noel. Truyền thống này vẫn được Norad duy trì từ 68 năm nay và là sự kiện không thể bỏ qua đối với nhiều người dân Mỹ. Nhà Trắng khẳng định « tổng thống và phu nhân cũng gọi điện để theo dõi ông già Noel của Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ cùng với nhiều trẻ em và gia đình trên cả nước ».
Theo Norad, ông già Noel xuất phát từ Cực Bắc, dừng chặng đầu tiên ở Trạm Vũ trụ Quốc tế – ISS. Sau khi vượt châu Á-Thái Bình Dương, « cỗ xe tuần lộc» của ông già Noel bay qua Israel, miền nam dải Gaza, đến châu Phi và trạm nghiên cứu Palmer của Mỹ ở Nam Cực. Rồi ông ngược lên Nam Mỹ, đi vào không phận Hoa Kỳ ở gần thành phố Fort Lauderdale, bang Florida.
Theo AFP, Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ duy trì truyền thống mà ban đầu xuất phát từ một « sự cố ». Chuyện bắt đầu vào năm 1955, đúng thời Chiến tranh lạnh, từ một quảng cáo của chuỗi cửa hàng Sears trên tờ báo địa phương mời mọi người gọi vào số của ông già Noel. Nhưng số điện thoại được đăng lại là « đường dây đỏ » của Norad.
Ban đầu, đại tá Harry Shoup, sĩ quan trực hôm đó, lúng túng khi cậu bé bên kia đầu dây hỏi có phải là « Santa Claus » không, nhưng lập tức hùa theo khi hiểu vấn đề. Ông ra lệnh cho cấp dưới công bố thông tin về vị trí của ông già Noel, thậm chí gọi điện cho đài phát thanh địa phương để thông báo là nhìn thấy một vật thể lạ trên trời.
Truyền thống đó được duy trì đến hiện nay nhưng với phương tiện theo dõi hiện đại hơn. Norad theo sát được cỗ xe của ông già Noel nhờ bộ cảm biến được gắn trong chiếc mũi đỏ của Rudolph, một trong 9 con tuần lộc kéo cỗ xe. Theo Norad, « ông già Noel phải giảm tốc độ để chúng tôi có thể hộ tống » vì xe tuần lộc của ông bay nhanh hơn cả chiến đấu cơ F-15 của Không Quân Mỹ. Nhờ đó mà mỗi giây ông phát 100.000 món quà !
Bánh quy Oreo gây scandal ở Mỹ vì giảm bớt kem đúng dịp Giáng Sinh
Một trong những truyền thống Giáng Sinh tại Mỹ là chia sẻ bánh quy, đặt ở dưới chân cây thông, cùng với những cốc sữa. Thế nhưng, nhà sản xuất bánh quy kem Oreo bị chỉ trích nặng nề vì bớt lượng kem giữa hai lớp bánh. Và điều này đã tạo ra một scandal quy mô toàn quốc chỉ vài ngày trước lễ Giáng Sinh, theo tường trình ngày 23/12 của thông tín viên Loubna Anaki tại New York :
« Mọi chuyện rối loạn ! Trên internet, nhiều diễn đàn dành hết các cuộc thảo luận về vụ « CookieGate ». Chuyện bắt đầu khi một người sử dụng internet tự nhận là người thường xuyên ăn nhiều bánh Oreo thấy giữa hai lớp bánh quy tròn có ít kem trắng hơn. Và lập tức scandal nổ ra !
Trên các mạng xã hội, người tiêu dùng quay phim cảnh so sánh những hộp bánh Oreo cũ với những hộp mới và chỉ vào lớp kem nhỏ hơn, mỏng hơn. Một phụ nữ nói : « Đời sống đắt đỏ ! Đồng ý là tôi không thể mua nhà ! Nhưng bớt kem trong bánh Oreo thì thật là quá đáng ! Thật ghê tởm ! »
Công thức làm bánh có bị thay đổi không ? Thật sự là có ít kem hơn không ? Nhà sản xuất Oreo khẳng định là tỉ lệ kem và bánh không thay đổi. Tuy nhiên, những phát biểu đó không đủ xoa dịu giận dữ của những người mê loại bánh quy được bán ít nhất là 20 triệu chiếc tại Mỹ.
Một số người cáo buộc tình trạng lạm phát đã khiến một số thương hiệu giảm số lượng sản phẩm của họ. Và chuyện diễn ra với quy mô lớn đến mức ngay cả một số thành viên đảng Cộng Hòa hùa theo, đổ toàn bộ trách nhiệm cho tổng thống Joe Biden. Có một điều chắc chắn là tại Mỹ, người không đùa với bánh quy Oreo ! »