Tài chính: Thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu có hiệu lực

Thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia đã bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm qua, 01/01/2024. Mục tiêu của loại thuế này là nhằm chặn đứng việc các tập đoàn quốc tế dồn đầu tư vào những nước đánh thuế thấp, vào những “thiên đường thuế”, khiến những nước khác mất những nguồn thu nhập cần thiết.

Đăng ngày: 02/01/2024

Đảo Man, trực thuộc quyền quản lý của nữ hoàng Anh, từng được coi là một thiên đường "trốn" thuế.
Đảo Man, trực thuộc quyền quản lý của nữ hoàng Anh, từng được coi là một thiên đường “trốn” thuế. Paul ELLIS / AFP

Thanh Phương

Thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE cùng với nhóm G20 thiết lập. Vào tháng 10/2021, 140 nước đã ký kết thỏa thuận áp thuế này đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu trên 750 triệu euro. Riêng Việt Nam đã thông qua việc áp thuế này trong phiên họp của Quốc Hội vào tháng 11 năm ngoái.  

Kể từ hôm qua, thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu có hiệu lực, nhưng không phải đối với toàn bộ 140 nước ký kết bởi vì nhiều nước vẫn chưa phê chuẩn thỏa thuận, trong đó có hai cường quốc hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tại Mỹ, chính quyền của tổng thống Dân Chủ Joe Biden ủng hộ việc áp thuế này, nhưng đảng Cộng Hòa, chiếm đa số ở Hạ Viện, kiên quyết chống lại. 

Kể từ hôm qua, cho dù khai lợi nhuận ở nước nào, các công ty đa quốc gia đều phải đóng mức thuế tối thiểu 15%. Ví dụ, một công ty Pháp đóng thuế 9% ở một nước mà họ có chi nhánh, sẽ phải đóng mức thuế chênh lệch 6% cho Nhà nước Pháp. 

Tổ chức OCDE hy vọng là thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại một nguồn thu thuế bổ sung lên tới 220 tỷ đôla hàng năm cho các quốc gia. Trong khi một số nhà kinh tế hoan nghênh, thì những chuyên gia khác không mấy lạc quan về hiệu quả của thuế mới, vì họ cho là các nước sẽ cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư dưới những hình thức khác, chẳng hạn như trợ cấp cho các doanh nghiệp.

Bài Liên Quan

Leave a Comment