Trong vòng 5 ngày, Nga bắn gần 300 tên lửa và hơn 200 drone Shahed mang chất nổ vào Ukraina. Chiến dịch tấn công mùa đông được phát động sáng 29/12/2023 với khoảng 120 tên lửa ồ ạt nhắm vào các thành phố lớn Ukraina khiến hơn 30 người thiệt mạng. Ukraina đón hai ngày đầu năm 2024 dưới làn tên lửa và drone, trong đó có 99 tên lửa nhắm vào hai thành phố Kiev và Kharkiv sáng 02/01.
Đăng ngày: 03/01/2024
Căn cứ vào tuyên bố của tổng thống Vladimir Putin, Nga sẽ « tăng cường độ » tấn công. Chiến tranh sẽ còn kéo dài chừng nào chính quyền Zelensky chưa bị « hạ bệ » vì theo ông Putin, « Ukraina không phải là kẻ thù » theo đúng nghĩa, chính quyền Kiev bị phương Tây sử dụng để « giải quyết vấn đề của họ » với Nga.
Nga tìm cách bào mòn hệ thống phòng không Ukraina
Giới chuyên gia, được nhật báo Pháp Le Monde trích dẫn, nhận định Ukraina khó đối phó được chiến dịch oanh kích mùa đông lần này của Matxcơva do quân đội Nga đã điều chỉnh chiến thuật để thích ứng với năng lực phòng thủ địa đối không của Ukraina, đặc biệt là với các hệ thống phòng không tối tân được phương Tây viện trợ.
Trả lời RFI tiếng Pháp ngày 02/01, Ulrich Bounat, nhà nghiên cứu cộng tác viên tại Open Diplomacy, phân tích :
« Dường như Nga đã quyết định thay đổi cách đánh, cùng lúc tấn công ồ ạt bằng tên lửa và drone với mục đích là làm bão hòa hệ thống phòng không Ukraina và như vậy tăng thêm cơ hội đạt được mục tiêu cho phía Nga. Song song đó là ý đồ phóng drone hàng đêm sang Ukraina vì chi phí không qua đắt và buộc hệ thống phòng không Ukraina luôn trong tình trạng căng thẳng ».
Ngoài ra, theo François Heisbourg, cố vấn tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, chiến thuật phối hợp « drone đi trước mở đường cho tên lửa » còn « buộc quân đội Ukraina bắn những vật thể ít có lợi hơn và bỏ qua những vật thể nguy hiểm nhất ».
Ngoài chiến thuật tấn công mới, Nga đã chuẩn bị tốt hơn các cuộc tấn công, « huy động các loại vũ khí có trong kho của họ », theo cáo buộc ngày 30/12/2023 của tổng thống Ukraina và từ mọi phía. Trong loạt oanh kích Ukraina đêm 01 rạng sáng 02/01, Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo Kinjal phóng từ trên không, tên lửa hành trình Kalibr bắn từ ngoài khơi, tên lửa Iskander bắn từ mặt đất… Bốn tên lửa hành trình X-31P, được thiết kế chủ yếu phá hủy các loại radar của hệ thống phòng không đối phương, cũng được phát hiện, trong đó có nhiều tên lửa « tự điều chỉnh » với lộ trình ngẫu nhiên để trúng mục tiêu nên rất khó bắn chặn.
Oanh kích ồ ạt Ukraina : « Cung » đáp ứng được « cầu » ?
Liệu Matxcơva có đủ tiềm lực để tiếp tục tấn công quy mô lớn như vậy không ? Chính quyền Nga đã tăng khả năng công nghiệp, chuyển sang nền kinh tế chiến tranh để sản xuất thêm tên lửa và vũ khí, dù bị thiếu nhân lực có tay nghề, thiếu nguyên liệu và bị phương Tây trừng phạt. Theo chính quyền Kiev, Matxcơva có lẽ còn khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình và có thể sản xuất khoảng 100 quả mỗi tháng, trong đó có tên lửa Kalibr và Kh-101.
Tuy nhiên, chuyên gia Ulrich Bounat nghi ngờ về khả năng Nga duy trì cường độ tấn công cao : « Nga không đủ khả năng tiếp tục bắn hàng trăm tên lửa hàng đêm dù đã tích lũy trong những tuần và những tháng gần đây. Đúng là « xu hướng trong mùa đông này » là có những cao điểm Nga ồ ạt phóng tên lửa cùng lúc với drone Shahed trong vài đêm để tiếp tục bào mòn hệ thống phòng không. Nhưng ngược lại, kiểu tấn công với vài trăm tên lửa này là việc mà Nga khó có thể duy trì ở cường độ cực cao ».
Tấn công ồ ạt trong thời gian dài có lẽ cũng không phải là kế hoạch của tổng thống Putin, mà mục đích chính, theo chuyên gia Heisbourg, là « Nga cố làm cạn kiệt nhanh chóng khí tài phòng không mà Ukraina đã được viện trợ, vào lúc Mỹ không thể giao thêm vũ khí do Quốc Hội chặn mọi khoản viện trợ quân sự mới cho Kiev ». Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu cũng bế tắc về khoản viện trợ mới do Hungary phản đối.
Có lẽ vì vậy, chính phủ Ukraina khẩn thiết đề nghị phương Tây cung cấp vũ khí bởi vì cạn kiệt tên lửa phòng không sẽ là thảm kịch cho Ukraina. Tổng thống Zelensky sẽ phải rút quân khỏi nhiều vùng chiến tuyến để ưu tiên bảo vệ thủ đô Kiev và như vậy sẽ để cho chiến đấu cơ Nga có cơ hội oanh kích hoặc yểm trợ các đợt tiến quân, trong khi Ukraina vẫn chưa sử dụng được F-16 do phương Tây viện trợ.