Những đột phá về hàng không của NASA trong năm 2023

Thứ Tư, 03 Tháng Giêng 2024

Năm 2023 đánh dấu nhiều bước tiến của NASA trong phát triển ngành hàng không, đặc biệt là phát triển máy bay chở khách siêu thanh không tiếng ồn.

Nhiệm vụ Quesst

Máy bay X-59 được kỳ vọng sẽ mở đường cho bay siêu thanh không tiếng ồn trên đất liền.
Máy bay X-59 được kỳ vọng sẽ mở đường cho bay siêu thanh không tiếng ồn trên đất liền. (Ảnh: NASA).

Đứng đầu những dự án hàng không của NASA là nhiệm vụ Quesst, hướng tới mở ra thời kỳ bay thương mại nhanh hơn âm thanh trên đất liền. Nhiệm vụ tham vọng này xoay quanh mẫu máy bay nghiên cứu X-59 của NASA, một máy bay siêu thanh tiên phong được thiết kế tỉ mỉ nhằm giảm độ ồn của tiếng nổ siêu thanh, biến chúng thành tiếng sập cửa nhẹ. X-59 sẽ bay qua một số cộng đồng dân cư ở Mỹ, thu thập dữ liệu về phản ứng của người dân trước tiếng ồn nghe được. Dữ liệu đó sẽ giúp phát triển quy định mới cho phép bay siêu thanh ở đất liền thành hiện thực.

Một cột mốc quan trọng khác trong nhiệm vụ Quesst là hoàn thành lắp ráp X-59 ở cơ sở Skunk Works của Lockheed Martin ở California. Mẫu máy bay trang bị công nghệ tiên tiến đã trải qua thử nghiệm nghiêm ngặt và được sơn phủ lớp cuối cùng. Theo dự kiến, chuyến bay đầu tiên của nó sẽ diễn ra trong năm 2024.

Dự án X-66

X-66, dự án hợp tác của NASA với Boeing, cất cánh trong năm 2023. Máy bay thử nghiệm kích thước thật này nhắm tới kiểm nghiệm thiết kế cách mạng giúp tiết kiệm nhiên liệu và công nghệ xanh nhằm giảm khí thải từ máy bay chở khách thân hẹp trong tương lai. Dự án đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ mục tiêu không thải khí nhà kính từ máy bay vào năm 2050 của Mỹ.

Nhiệm vụ AAM

Một sáng kiến nổi bật khác của NASA trong hàng không là nhiệm vụ Advanced Air Mobility (AAM), với mục tiêu định nghĩa lại giao thông công cộng thông qua tích hợp chở khách, vận chuyển hàng và dịch vụ công cộng ở độ cao thấp. Dự án này đặt nền móng cho ngành công nghiệp taxi bay điện và drone đang phát triển. NASA tích cực đóng góp dữ liệu để hỗ trợ Cục Hàng không Liên bang Mỹ đưa những phương tiện trên vào không phận quốc gia.

Drone cứu hộ

Ngoài máy bay, NASA cũng tăng cường đóng góp vào hoạt động cứu hộ khẩn cấp thông qua dự án Advanced Capabilities for Emergency Response Operations (ACERO). ACERO giúp cải thiện hoạt động quản lý cháy rừng bằng cách thúc đẩy công nghệ liên lạc hàng không và drone cao cấp. NASA cộng tác với nhiều tổ chức và đơn vị, bao gồm cơ quan chính phủ, cộng đồng khoa học và công ty thương mại để sử dụng an toàn drone trong xử lý các đám cháy rừng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment