Tại Pháp, báo chí đã nhiều lần chỉ ra mối liên hệ giữa đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc với Nga, nhưng lần này lời cáo buộc đến từ phía bên kia Đại Tây Dương. Trong một cuộc điều tra đăng trên The Washington Post, hôm thứ Bảy, 30/12/2023, nhật báo Mỹ đã cáo buộc đảng của Marine Le Pen đóng vai trò quyết định trong chiến lược của Vladimir Putin “gây bất ổn châu Âu”, “làm suy yếu sự ủng hộ cho Ukraina”.
Đăng ngày: 04/01/2024
Điều tra của The Washington Post chỉ ra mối liên hệ mờ ám giữa Nga và Jean-Luc Schaffhauser, cựu nghị sĩ châu Âu, thuộc đảng Tập Hợp Dân Tộc. Ông là người đàm phán các khoản vay của đảng này tại một ngân hàng Nga – Séc vào năm 2014. Theo tờ báo Mỹ, ông Schaffhauser hiện đang cho Ilya Subbotin, nhân vật quyền lực thứ hai của Nga ở Pháp, thuê một tầng trong nhà của ông ở Strasbourg. Subbotin từng làm việc ở Hội đồng Châu Âu và buộc phải rời khỏi đây vào tháng 3/2022 do chiến tranh Ukraina. Theo The Washingron Post, cả hai nhân vật nói trên đã cùng làm việc về kế hoạch “thúc đẩy các chính khách thân Nga lên nắm quyền”. Giải trình về cáo buộc này, ông Jean-Luc Schauffhauser cho rằng đó chỉ là những thỏa thuận thương mại, vì ông cho thuê nhà qua một bên thứ ba.
Trả lời phỏng vấn Washington Post, ông Schaffhauser đã nêu ra đề xuất thành lập một tổ chức dưới sự hậu thuẫn của Matxcơva, ủng hộ lệnh hưu chiến ở Ukraina với việc Nga duy trì kiểm soát miền đông nước này. Thành viên của đảng cực hữu cũng cho biết muốn thúc đẩy các lãnh đạo cực hữu Tây Âu hợp tác thương mại với Nga, trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới. Ông khẳng định các hành động của mình « không phải là vì lợi ích của Nga » mà là của Pháp
Nga khiến nước Pháp bị chia rẽ qua mạng xã hội ?
Theo các tài liệu từ điện Kremlin và các cuộc phỏng vấn với các quan chức an ninh châu Âu, Washington Post cho thấy « Nga đang cố gắng làm suy yếu sự hỗ trợ của Pháp dành cho Kiev », qua một mặt trận tuyên truyền bí mật ở Tây Âu. Cụ thể, Sergei Kiriyenko, phó chánh văn phòng tổng thống Nga Vladimir Putin, đã lên kế hoạch thúc đẩy bất hòa, gây chia rẽ chính trị ở Pháp thông qua mạng xã hội. Theo tờ báo, mục tiêu của điện Kremlin là làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Ukraina và lập trường của NATO đối với Kiev. Họ cũng đã làm tương tự ở Đức hay ở Ý.
Các chiến lược gia của điện Kremlin muốn truyền tải rộng rãi lập luận cho thấy trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Pháp ra sao và khiến Pháp “có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội sâu sắc nhất trong những năm gần đây”, đồng thời khẳng định rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraina khiến Pháp không có đủ vũ khí để tự vệ.
Vào năm 2023, Sergei Kiriyenko đã yêu cầu đội ngũ của mình gieo rắc các tư tưởng vào công luận Pháp, nhằm làm tăng số người phản đối việc chi tiền cho “cuộc chiến của nước khác”, làm gia tăng “nỗi sợ đối đầu trực tiếp với Nga và nguy cơ Đệ Tam Thế Chiến nổ ra nếu châu Âu tham chiến”, điều hướng dư luận “muốn đối thoại với Nga về việc xây dựng kiến trúc an ninh chung của châu Âu”.
Các tài liệu do Cơ quan an ninh châu Âu thu được đề cập đến những troll farms – (các tổ chức chuyên đưa ra các bình luận khiêu khích để gây mâu thuẫn trên mạng xã hội). Các tổ chức này do các chiến lược gia về chính trị Nga điều hành, chuyên đăng tải trên mạng xã hội những nội dung chỉ trích phương Tây ủng hộ Ukraina. Ví dụ, vào tháng 06/2023, tổ chức này đã yêu cầu viết một đoạn bình luận dài 200 ký tự “của một người Pháp trung niên”, coi sự ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraina là “một cuộc phiêu lưu ngớ ngẩn”. Nhân vật giả tưởng này cũng sẽ đưa ra tranh cãi về việc ủng hộ Kiev gây ra lạm phát và làm giảm mức sống.
Trước những thông tin nói trên, người phát ngôn của điện Kremlin bác bỏ vai trò của Sergei Kiriyenko, nhưng lại khẳng định rằng “toàn châu Âu đang phải chịu hậu quả từ các trừng phạt nhắm vào Nga và không cần phải quảng bá rộng rãi thông tin này”.
Những người ủng hộ phe cực hữu ở Pháp gia tăng
Nhật báo Mỹ nhận định rằng các chiến lược của điện Kremlin hiện khó lay chuyển được lập trường của Pháp, do tổng thống Emmanuel Macron vẫn đi đầu trong việc viện trợ Ukraina và được người dân Pháp ủng hộ. Tuy nhiên, có thể thấy rằng những người ủng hộ đảng cực hữu ở Pháp gia tăng và các tài khoản thân Nga trên mạng xã hội đang tăng lên rõ rệt. Theo nghiên cứu của một tổ chức về an ninh mạng, các tài khoản thân Nga đã hoạt động rất tích cực ở Pháp trong các vụ bạo động nổ ra sau cái chết của Nahel, một thiếu niên Pháp gốc Bắc Phi. Chỉ 1,2 % các tài khoản hoạt động, nhưng số này lại chiếm hơn 30 % các bình luận trên mạng xã hội về cuộc bạo động. Nhiều tài khoản đưa thông điệp ủng hộ Nga vào các bình luận. Các tài khoản ảo này cũng được cho là có nhiệm vụ gây chia rẽ trên mạng xã hội Pháp qua cuộc xung đột giữa Israel-Palestine.
Vào năm 2023, Quốc Hội Pháp cũng đã điều tra về can thiệp của nước ngoài vào chính trị Pháp và đã đưa ra kết luận trong một báo cáo : “ Nga đang tiến hành chiến dịch thông tin sai lệch dài hạn ở Pháp” nhằm “bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của Nga, cũng như chia rẽ xã hội dân chủ”. Quốc Hội Pháp cũng nhấn mạnh đến vai trò của đảng Tập Hợp Dân Tộc : duy trì những mỗi liên hệ đặc quyền với điện Kremlin, truyền tải thông điệp của Nga.
Cuộc điều tra của Quốc Hội Pháp đã nêu tên thành viên của đảng cực hữu, Thierry Mariani, đồng thời là Nghị sĩ Châu Âu, về “sự gần gũi về mặt chính trị và tư tưởng với chính quyền Nga”. Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò hàng đầu của ông Mariani trong Hiệp hội Đối thoại Pháp-Nga, một tổ chức tư vấn ở Paris do chính phủ Nga thành lập, được coi là tổ chức quảng bá quan điểm của Điện Kremlin.
Trong vài tháng qua, Mariani ngày càng lên tiếng phản đối sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraina. Tại Nghị Viện Châu Âu vào tháng 10, ông cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga chỉ tạo thêm kẻ thù cho EU. Sau đó, vào tháng 12, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, ông gọi các chính sách của tổng thống Ukraina Zelensky là “khủng bố Nhà nước”. Trong một bài đăng trên mạng X, ông viết: “Châu Âu sẽ trả tiền trong nhiều năm để tái thiết Ukraina, trong khi Hoa Kỳ sẽ kiếm lời từ cuộc chiến để khởi động lại nền kinh tế của mình”.
Kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Marine Le Pen đã giảm bớt sự hiện diện của bà, đảng Tập Hợp Dân Tộc cũng thừa nhận Nga là kẻ xâm lược nhưng vẫn duy trì lập trường : phản đối việc ủng hộ Ukraina trong các cuộc biểu quyết tại Quốc Hội liên quan đến trừng phạt nhắm vào dầu khí của Nga. Đảng này cũng sử dụng lại những phát ngôn dựa theo chiến lược của điện Kremlin, gây hoài nghi về các trừng phạt của châu Âu. Báo cáo của Quốc Hội Pháp cũng cảnh báo về xu hướng của các cựu quan chức Pháp, “đặc biệt là các sĩ quan đã nghỉ hưu”, lặp lại quan điểm của Matxcơva, “phát biểu bằng ngôn ngữ của Điện Kremlin”.
Theo AFP, trước những cáo buộc của tờ báo Mỹ, phát ngôn viên của đảng Tập Hợp Dân Tộc đã bác bỏ và khẳng định đảng cực hữu không có bất cứ liên hệ nào với Nga, “ mục tiêu của đảng là hòa bình, muốn Ukraina giành lại độc lập, chủ quyền, thông qua con đường ngoại giao”. Về phần mình, đảng Tái Sinh (Renaissance) của tổng thống Macron đã thẳng thừng cáo buộc đảng Tập Hợp Dân Tộc là “phát ngôn viên của điện Kremlin ở Pháp và nắm giữ vai trò quan trọng trong chiến lược tuyên truyền của Putin”.