Tình hình Trung Cận Đông thêm căng thẳng sau vụ nhân vật lãnh đạo số 2 của Hamas bị sát hại ở Liban và hai vụ nổ khiến 84 người chết ở Iran. Để tránh xung đột lan rộng trong vùng, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rời Washington tối 04/01/2024, mở chuyến công du thứ tư ở Trung Đông kể từ khi xảy ra chiến tranh Israel-Hamas.
Đăng ngày: 04/01/2024
Trước đó, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller khẳng định không một nước nào « muốn leo thang căng thẳng », trong khi Hoa Kỳ vẫn bị các nước Trung Cận Đông chỉ trích là không ngừng ủng hộ Israel ngay từ khi oanh kích Gaza.
Theo AFP, hiện vẫn chưa có bên nào nhận trách nhiệm vụ tấn công ở ngoại ô phía nam Beyrouth, Liban, khiến Saleh al-Arouri, nhân vật lãnh đạo số 2 của Hamas, thiệt mạng. Phát biểu trên truyền hình tối 03/01, Hassan Nasrallah, lãnh đạo của Hezbollah, cảnh cáo Israel về mọi ý đồ khiến căng thẳng leo thang, khẳng định «sẽ chiến đấu hết mình, bất chấp biên giới » trong trường hợp « kẻ thù gây chiến với Liban ».
Nhiều lãnh đạo Iran cáo buộc Israel là thủ phạm « vụ ám sát » nhân vật số 2 của Hamas, cũng như « vụ khủng bố » gần mộ của tướng Qassem Soleimani ngày 03/01, đúng lễ tưởng niệm 4 năm ngày mất của cố chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Iran Al Qods. Một quan chức Mỹ ẩn danh cho biết vụ tấn công nhắm vào Saleh al-Arouri là « do Israel » tiến hành, nhưng nhà nước Do Thái vẫn chưa bình luận về những cáo buộc trên.
Tình hình biên giới Israel-Liban vẫn rất căng thẳng, thường xuyên xảy ra đấu súng hàng ngày. Quân đội Israel « được đặt trong tình trạng báo động tối đa ở miền bắc », theo tư lệnh quân đội Herzi Halevi. Sáng 04/01, Hezbollah cho biết thêm 4 chiến binh của lực lượng này đã thiệt mạng ở miền nam Liban, nâng tổng số người chết lên thành 129 trong ba tháng giao tranh với Israel.
Dải Gaza tiếp tục bị quân đội Israel oanh kích trong đêm 03 rạng sáng 04/01, đặc biệt vào thành phố miền nam Khan Younes, khiến vài chục người thiệt mạng, theo Hamas. Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ John Kirby cho biết « Hamas vẫn còn tiềm lực lớn ở Gaza ». Ngoài việc bị oanh kích thường xuyên, người dân dải Gaza phải sống trong cảnh thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, nước uống, chất đốt, dược phẩm, trong khi hàng viện trợ chỉ được chuyển nhỏ giọt vào dải Gaza.