Trung Đông 2024
- Mạnh Kim – 31 tháng 12, 2023
Cuộc pháo kích phản công của Israel vào Gaza ngày 7 Tháng Mười 2023 ngay sau khi Hamas thực hiện cuộc đột kích vào Israel cùng ngày (ảnh: Mustafa Hassona/Anadolu Agency via Getty Images
Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel ngày 7 Tháng Mười 2023 đã đẩy hòa bình mong manh Trung Đông vào hỏa ngục và trong tích tắc mọi hy vọng le lói từ các cuộc đàm phán biến thành tro bụi. Hận thù lại ngút ngàn. “Ngày mai” của Trung Đông như thế nào không ai có thể hình dung.
Tổng thống Joe Biden nói: “Khi cuộc khủng hoảng này kết thúc, cần phải có tầm nhìn cho bối cảnh tiếp theo. Và theo quan điểm của chúng tôi, đó phải là giải pháp hai nhà nước.” Vấn đề ở chỗ làm thế nào có thể khai thông tình trạng bế tắc của giải pháp hai nhà nước vốn dây dưa nhiều thập niên…
Miền đất của hận thù
Giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột gay gắt bao trùm khu vực gần một thế kỷ – được chia cắt giữa sông Jordan và Địa Trung Hải, với việc hình thành hai quốc gia Israel và Palestine độc lập, có chủ quyền tồn tại cạnh nhau – đã nhiều lần được tán thành bởi các nhà lãnh đạo thế giới.
Xung đột Israel-Palestine kéo dài và phức tạp nhưng chủ yếu bắt nguồn từ tranh chấp đất đai với những yếu tố lịch sử và tôn giáo đan xen. Cuối thế kỷ 19, nhằm tránh chủ nghĩa bài Do Thái ở châu Âu, những người Do Thái ủng hộ phong trào Phục quốc Do Thái bắt đầu lũ lượt kéo nhau về Palestine thuộc Ottoman, vốn được xem là quê hương cổ xưa của họ và sau này chủ yếu là nơi sinh sống của người Ả Rập. Ngay từ thời điểm đó, căng thẳng đã hình thành. Anh – quốc gia cai trị Palestine từ năm 1922 – đưa vấn đề lên Liên Hiệp Quốc. Năm 1947, Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu chia Palestine thành hai quốc gia, một cho người Do Thái và một cho người Ả Rập (gốc Palestine).
Tháng Năm 1948, Israel tuyên bố độc lập. Năm quốc gia Ả Rập lập tức kéo quân đánh Israel. Một bước ngoặt lớn xảy ra vào năm 1967, với chiến thắng quyết định của Israel trong Cuộc chiến Sáu ngày chống lại Ai Cập, Syria và Jordan. Trong cuộc chiến 1967, Israel mở rộng phạm vi Vạch biên Xanh (Green Line), giành được lãnh thổ gấp bốn lần diện tích ban đầu, nắm quyền kiểm soát Bán đảo Sinai, Cao nguyên Golan, Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem.
Những khu vực này hiện tại gồm hơn 5 triệu người Palestine sống dưới sự cai trị trực tiếp hoặc gián tiếp của Israel trong hơn 50 năm. Không như khoảng 1.6 triệu người Palestine sinh sống ở lãnh thổ Israel trong phạm vi biên giới (Green Line) trước năm 1967, người Palestine ngoài Vạch biên Xanh không phải là công dân Israel và không được phép bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc gia. Họ không có những quyền căn bản như hàng trăm nghìn người định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem – thành phần dù sống trên đất Palestine nhưng vẫn được xem là công dân Israel.
Năm 1993, Tổng thống Bill Clinton trung gian cuộc đàm phán giữa lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin về những thỏa thuận trong Hiệp ước Oslo; qua đó, Israel chính thức công nhận PLO là đại diện của người dân Palestine và là đối tác trong các cuộc đàm phán tương lai, đồng thời PLO từ bỏ chủ nghĩa khủng bố và công nhận quyền tồn tại của Israel.
Thỏa thuận Oslo mang lại kỳ vọng về giải pháp hai nhà nước. Tuy nhiên, hòa bình tưởng chừng trong tầm tay nhanh chóng sụp đổ bởi loạt sự kiện, trong đó có vụ tấn công một nhà thờ Hồi giáo ở Hebron bởi một người định cư Mỹ gốc Do Thái năm 1994; và vụ ám sát Rabin năm 1995 bởi một người định cư Israel phản đối thỏa thuận.
Gần như ngay lập tức sau khi Hiệp ước Oslo được ký kết, Israel tăng cường chính sách chia cắt Gaza khỏi Bờ Tây và Đông Jerusalem. Các khu định cư của Israel ào ạt mọc lên ở Bờ Tây – trên vùng đất chiếm đóng của người Palestine mà Palestine luôn hy vọng sẽ là một phần của nhà nước họ.
Theo Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, dân số những người định cư Israel ở Bờ Tây, trong đó có Đông Jerusalem, đã tăng từ 520,000 lên hơn 700,000 từ năm 2012 đến năm 2022. Nói cách khác, việc hình thành các khu định cư của người Do Thái (trên đất Palestine) đã ngăn chặn khả năng thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền liền kề trong khuôn khổ giải pháp hai nhà nước.
Hai bên muốn gì?
Đến đây có thể thấy giải pháp hai nhà nước bắt đầu gặp bế tắc. Muốn giải pháp này được tiến hành, một số vấn đề lớn cần được thảo luận. Thứ nhất, đường ranh giới phải được vẽ lại như thế nào. Hầu hết giới ngoại giao quốc tế đều ủng hộ Israel quay trở lại phiên bản biên giới trước năm 1967, nhưng như vậy thì tính như thế nào đối với những người Palestine sống trong phạm vi biên giới đó hoặc người Do Thái sống bên ngoài phạm vi biên giới đó. Israel đã sáp nhập toàn bộ thành phố Jerusalem làm thủ đô của họ, trong khi người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước họ. Điều này lại dẫn đến một vấn đề nhức đầu khác.
Ngoài ra, còn có câu hỏi lớn về người tị nạn Palestine trong các cuộc chiến năm 1948 và 1967. Những người sống sót và con cháu của họ hiện sống chủ yếu ở Jordan, Lebanon và Syria. Họ nói rằng họ có tư cách (the right to return) trở về Israel, dựa trên một nghị quyết của Đại hội đồng LHQ năm 1948. Tuy nhiên, Israel coi quyền trở về của họ là mối đe dọa đối với sự tồn tại của mình với tư cách là một nhà nước Do Thái, và cho rằng những người ấy phải về đất của Palestine nằm dưới sự cai quản của chính quyền Palestine.
Vấn đề an ninh cũng là yếu tố quan trọng đặc biệt. Trước sự đe dọa luôn hiện hữu đòi “thanh toán” Israel của các nhóm chiến binh Palestine, trong đó có Hamas, Israel nói rằng điều kiện tiên quyết để bàn việc hiện thực hóa ý tưởng hai nhà nước thì các nhóm vũ trang Hồi giáo Palestine phải giải giáp. Trước khi vũ khí Hồi giáo Palestine thật sự được khóa nòng, Israel phải duy trì khả năng bảo vệ họ tại các khu vực của người Palestine. Trong khi đó, người Palestine lại đòi Israel phải chấm dứt chiếm đóng quân sự và họ phải toàn quyền được tự kiểm soát an ninh.
Chưa hết, cả hai bên đều muốn phía bên kia lẫn cộng đồng quốc tế phải công nhận thực thể nhà nước (quốc gia) của mình. Palestine còn muốn được đền bù “cho sự bất công lịch sử mà họ đã trải qua”. Theo những kế hoạch chi tiết đàm phán, một nhà nước Palestine sẽ có cảnh sát nhưng không có quân đội hay không quân. Với phố cổ Jerusalem, nơi có các thánh địa quan trọng của người Hồi giáo, Do Thái và Thiên chúa giáo, nơi này sẽ trở thành “thành phố mở”, do cả hai quốc gia (Israel và Palestine) cùng cai quản. Thành phố mở sau này sẽ được mở rộng để bao gồm tất cả các khu dân cư Do Thái và Hồi giáo ở Jerusalem.
Tuyệt vọng với giải pháp hai nhà nước
Sau nhiều năm nhùng nhằng, sự ủng hộ giải pháp hai nhà nước ngày càng giảm, đối với người Israel lẫn Palestine. Cuộc thăm dò Gallup công bố ngày 18 Tháng Mười 2023 – được tiến hành trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel (7 Tháng Mười 2023) – cho thấy chỉ 24% người Palestine sống ở Bờ Tây, Gaza và Đông Jerusalem ủng hộ giải pháp hai nhà nước, giảm từ 59% vào năm 2012. Và cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố ngày 26 Tháng Chín 2023 cho thấy chỉ 35% người Israel nghĩ rằng “có thể tìm ra cách để Israel và một quốc gia Palestine độc lập cùng tồn tại trong hòa bình”, giảm 15 điểm phần trăm kể từ năm 2013.
Kể từ khi các cuộc đàm phán do John Kerry làm trung gian (khi đó là Ngoại trưởng Hoa Kỳ) sụp đổ năm 2014, và khi các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem ngày càng bành trướng lấn đất Palestine, người ta tin rằng giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine đã thật sự chết.
Aaron David Miller, cố vấn về Trung Đông cho chính quyền Dân chủ lẫn Cộng hòa của Mỹ, nhận xét: “Chúng ta phải phân biệt giữa khát vọng và thực tế. Tỷ lệ thành công là rất, rất thấp. Về cơ bản, đó là nhiệm vụ bất khả thi.”
Chính phủ cực hữu đương nhiệm của Israel hoàn toàn phản đối ý tưởng một nhà nước Palestine độc lập. Trong nhiều năm, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã ngăn cản tiến trình này. Chính quyền Palestine, do Mahmoud Abbas (87 tuổi) lãnh đạo, ngày càng là cái bóng mờ trên sân khấu quyền lực khu vực và gần như chẳng có một chút uy tín nào đối với chính người dân Palestine. Nhân vật duy nhất có khả năng kế nhiệm Mahmoud Abbas – Marwan Barghouti, lãnh đạo cấp cao của cánh chính trị Fatah – lại ngồi trong nhà tù Israel suốt 21 năm qua, với năm bản án chung thân vì tội giết người.
Theo Cơ quan thống kê Israel năm 2022, người Do Thái chiếm 74% dân số Israel, với 7 triệu người. Dân số Ả Rập (Palestine) sinh sống trên đất Israel chiếm 21%, tương đương gần 2 triệu. Năm 2023, Cơ quan Thống kê Trung ương Palestine ước tính dân số Bờ Tây và Gaza là gần 5.5 triệu người. Khi cộng vào 2 triệu người Palestine sống ở Israel, tổng dân số Palestine ở khu vực là gần 7,5 triệu – nhiều hơn dân số Do Thái của Israel.
Do vậy, nếu hai nhà nước hình thành, Palestine sẽ có lợi thế về dân số. Đó là điều mà các nhóm cực hữu Israel không bao giờ cảm thấy thoải mái. Rõ ràng người Do Thái ở Israel khó có thể từ bỏ lợi thế áp đảo về nhân khẩu học của họ trong phạm vi Vạch biên Xanh để chia sẻ đất đai và trở thành phe thiểu số.
Bất luận thế nào, với giới quan sát, thậm chí với nhiều chính phủ phương Tây, xung đột Israel-Palestine hoàn toàn không thể tháo gỡ nếu hai bên không chấp nhận giải pháp hai nhà nước. Yossi Mekelberg thuộc tổ chức nghiên cứu Chatham House nói: “Không có lựa chọn thay thế khả thi nào khác”; và Yossi Beilin, từng là nhà đàm phán hòa bình của Israel, nhận định: “Đó là giải pháp duy nhất”. “Hòa bình không tự đến; nó phải được kiến tạo,” phát biểu của Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, rằng “hai nhà nước vẫn là giải pháp khả thi duy nhất, và nếu chỉ có một giải pháp thì chúng ta phải dồn toàn bộ sức lực chính trị để đạt được.”
Dĩ nhiên nói dễ hơn làm. Trung Đông là câu chuyện rất cũ, đang được xử lý bởi những gương mặt rất cũ. Để có thể khai thông bế tắc, Trung Đông cần những nhân vật lãnh đạo mới và can đảm, ở cả hai bên. Nếu Israel và Palestine muốn có một tương lai khác, họ cần một thế hệ chính trị đại diện cho tương lai.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, tất cả là một giấc mơ xa vời. Máu đã nhuộm đỏ Trung Đông 2023. Những nấm mồ mới ở Gaza và Israel tiếp tục chôn những khát vọng hòa bình. Trung Đông của ngày mai sẽ là chuỗi tiếp nối những đau thương trên một vùng đất triền miên bất hạnh chưa bao giờ có thể kịp lau khô những giọt nước mắt.