Ít nhất là ở thời điểm hiện tại, Wall Street đã kết luận rằng các khoản đầu tư danh mục vào Trung Quốc là một sự đánh đổi tồi.
Mặt trời chiếu qua những lá quốc kỳ Mỹ đang tung bay trước Sở Giao dịch Chứng khoán New York ở chỗ giao giữa Wall Street và Broad Street ở Thành phố New York hôm 14/11/2023. (Ảnh: J. David Ake/AP Photo)
Milton Ezrati
Thứ bảy, 06/01/2024
Wall Street dường như đã tán thành thái độ đối nghịch của Hoa Thịnh Đốn đối với các hoạt động thương mại và kinh tế với Trung Quốc. Dòng đầu tư từ các nguồn của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã bắt đầu suy giảm.
Các nhà đầu tư đã quay lưng lại với Trung Quốc vì những lý do riêng của họ chứ không phải là vì để thuận theo Hoa Thịnh Đốn. Họ lo lắng về gánh nặng mà khoản nợ lớn đáng ngờ đang ngày càng phình to gây ra đối với nền tài chính Trung Quốc. Họ đã trở nên cảnh giác với tình trạng suy thoái kinh tế chung của Trung Quốc cũng như sự kém hiệu quả gần đây trong chi tiêu cơ sở hạ tầng. Họ đang không thắc mắc một cách vô lý về việc liệu bức tranh này có đang báo hiệu những vấn đề kinh tế thậm chí còn có cội rễ sâu xa hơn và triển vọng lợi nhuận mờ nhạt ở Trung Quốc, hay không.
Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia của Bắc Kinh báo cáo sự sụt giảm đáng kể dòng tiền Hoa Kỳ đổ vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc. Cách đây không lâu, cơ quan quản lý nhà nước này đã báo cáo các mốc cao trong các khoản đầu tư danh mục như vậy từ Hoa Kỳ. Năm 2018, ngay cả khi Tổng thống đương thời Donald Trump bắt đầu áp dụng các mức thuế quan trừng phạt đối với hàng nhập cảng từ Trung Quốc, các nhà đầu tư Mỹ đã mua ròng khoảng 17 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc. Dòng vốn ròng đã tăng lên 36 tỷ USD vào năm 2020 bất chấp đại dịch. Dòng chảy này được duy trì vào năm 2021, chứng kiến dòng vốn ròng chảy vào gần như đạt tới 20 tỷ USD. Nhưng vào năm 2022, đầu tư ròng của danh mục đầu tư gần như đã dừng lại và tính đến tháng Mười năm nay, khoảng thời gian gần đây nhất có dữ liệu, Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn chảy ra ròng lên tới khoảng 31 tỷ USD.
Mô hình tương tự đã xuất hiện trong số liệu thống kê về đầu tư tư nhân. Trong những năm qua, sự nhiệt tình của các nhà đầu tư Mỹ đối với Trung Quốc đã thúc đẩy sự phát triển của một số quỹ đầu tư tư nhân chuyên đầu tư vào Trung Quốc. Theo Prequin, một công ty tư vấn tư nhân chuyên theo dõi dòng tiền vào các khoản đầu tư rủi ro, các quỹ cổ phần tư nhân định hướng Trung Quốc đã thu hút tới 140 tỷ USD tính đến năm 2019, với hầu hết nguồn vốn đến từ các cá nhân và quỹ hưu trí. Đến năm 2021, con số đó đã giảm xuống còn 93 tỷ USD; và từ năm 2023 đến tháng Mười, các dòng vốn đó đã giảm xuống chỉ còn 4 tỷ USD.
Không nghi ngờ gì nữa, thái độ của Hoa Thịnh Đốn chắc chắn đã góp phần khiến các nhà đầu tư này phải suy nghĩ lại. Kể từ năm 2022, chính phủ Tổng thống Biden đã tiến hành những gì chỉ có thể được mô tả là một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Bất chấp những lời hùng biện trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên các mức thuế có hiệu lực từ năm 2018 và 2019 mà cựu Tổng thống Trump đã áp đặt cho hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, Tổng thống Biden còn cấm bán vi mạch bán dẫn tân tiến cho Trung Quốc và hạn chế khả năng người Mỹ đầu tư vào công nghệ Trung Quốc.
Gần đây nhất, Hoa Thịnh Đốn đã nói rõ rằng các khoản tín thuế dành cho xe điện sẽ không áp dụng cho các sản phẩm do các công ty Trung Quốc sản xuất hoặc sản phẩm có tỷ lệ đáng kể các bộ phận từ Trung Quốc, bao gồm cả pin. Những nỗ lực vất vả như vậy của chính phủ không thể không ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ có những lý do khác ngoài Hoa Thịnh Đốn để mất hứng thú với Trung Quốc.
Đứng đầu danh sách của họ là khoản nợ đáng ngờ ngày càng lớn và ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhiều nhà đầu tư sống tại Hoa Kỳ đang phải chịu rủi ro từ các khoản nợ của các nhà phát triển địa ốc địa ốc Trung Quốc, vốn hầu hết đều có nguy cơ vỡ nợ. Theo cách hiển nhiên, những tổn thất đã xảy ra và tổn thất tiềm năng liên quan [đến nguy cơ vỡ nợ] đã khiến tất cả các nhà đầu tư cảnh giác với việc gửi thêm tiền vào Trung Quốc. Hơn thế nữa là gánh nặng mà khoản nợ xấu này đặt lên toàn bộ nền tài chính Trung Quốc. Có những lo ngại rằng ngay cả những công ty không có rủi ro trực tiếp với các khoản nợ của các nhà phát triển địa ốc cũng sẽ bị suy yếu về mặt tài chính vì họ có quan hệ với các công ty có rủi ro liên quan như thế.
Sau đó là nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc. Rất ít người Mỹ, nếu có, phải chịu rủi ro trực tiếp từ khoản nợ này. Tuy nhiên, họ lo ngại rằng bất kỳ khoản đầu tư nào vào Trung Quốc đều có thể bị ảnh hưởng nếu việc thanh toán khoản nợ này bị đình chỉ hoặc trì hoãn hoặc nếu gánh nặng do khoản nợ đó tạo ra làm chậm chi tiêu của chính quyền địa phương. Ở mức độ tổng quát hơn, các nhà đầu tư Mỹ lo ngại rằng gánh nặng nợ xấu, bất kể nguồn gốc là gì, sẽ hạn chế khả năng tài chính của Trung Quốc trong việc tài trợ cho các dự án mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và do đó ảnh hưởng đến lợi nhuận từ các khoản đầu tư ở Trung Quốc.
Bên cạnh nguy cơ vỡ nợ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung đang chậm lại. Ngay cả những người lạc quan cũng ngần ngại trước những tin tức như thế này. Suy cho cùng, sức hấp dẫn ban đầu của việc đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc là do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đáng tin cậy từng hứa hẹn mang lại lợi nhuận hấp dẫn. Điều đặc biệt đáng lo ngại là những nỗ lực gần đây nhằm kích thích kinh tế thông qua chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã không còn mang lại những tác động tích cực mạnh mẽ như trước đây. Mặc dù rất ít người trong cộng đồng đầu tư đã cung cấp lời giải thích cho những thất bại này, nhưng các nhà đầu tư lo ngại rằng những nỗ lực bất thành đó có thể là dấu hiệu báo trước cho một bước ngoặt căn bản và kém hấp dẫn hơn trong bản chất của nền kinh tế Trung Quốc. Chỉ riêng mối lo ngại đó, kể cả khi không có thông tin cụ thể, cũng đủ thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm đích đến khác.
Với tất cả những cân nhắc này — chưa kể đến việc mối quan tâm gần như ám ảnh của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về an ninh quốc gia đang khiến việc thu thập dữ liệu cần thiết cho các quyết định đầu tư gần như không thể thực hiện được — thật dễ hiểu tại sao Wall Street lại mất đi lòng nhiệt tình lớn từng có một thời đối với việc đầu tư vào Trung Quốc.
Từ quan điểm của Bắc Kinh, sự thay đổi của các nhà đầu tư Mỹ là đáng lo ngại. Trung Quốc cần đầu tư bên ngoài để giúp củng cố tình hình tài chính yếu kém và đưa chuyên môn về công nghệ và kinh doanh vào trong nước. Bởi vì những lo ngại của Wall Street đang khiến Trung Quốc không nhận được đầu vào cần thiết đó, nên Bắc Kinh có nguy cơ để xảy ra lời tiên tri tự ứng nghiệm về tình trạng kinh tế trì trệ và thậm chí là suy thoái.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Nhật Thăng biên dịch