Đợt tài trợ thứ hai của Đạo luật Khoa học và Vi mạch Bán dẫn cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ.
Vi mạch bán dẫn trên bảng mạch in, vào ngày 17/02/2023. (Ảnh: Florence Lo/Illustration/Reuters)
Andrew Moran
Thứ bảy, 06/01/2024
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố khoản trợ cấp liên bang trị giá 162 triệu USD như một phần của thỏa thuận sơ bộ với một nhà sản xuất vi mạch bán dẫn máy điện toán có trụ sở tại Arizona, nhằm tăng cường nguồn cung cấp chất bán dẫn trong nước và tạo thêm nhiều việc làm mới.
Các khoản tài trợ của chính phủ sẽ giúp công ty Microchip Technology mở rộng sản xuất các loại chất bán dẫn và bộ vi điều khiển có vai trò quan trọng sống còn cho ngành hàng không vũ trụ, xe hơi, quốc phòng, và các ngành công nghiệp khác.
Khoảng 90 triệu USD tài trợ từ Đạo luật Khoa học và Vi mạch Bán dẫn sẽ được sử dụng để nâng cấp một nhà máy của Microchip ở Colorado Springs, Colorado. 72 triệu USD còn lại từ đạo luật mang tính bước ngoặt này sẽ được phân bổ để mở rộng nhà máy của công ty này ở Gresham, Oregon. Bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố rằng các dự án này sẽ thúc đẩy sản lượng chất bán dẫn của công ty này lên gần gấp ba [sản lượng hiện tại], đồng thời giúp Mỹ quốc giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp từ ngoại quốc.
“Một trong những mục tiêu của Đạo luật Khoa học và Vi mạch Bán dẫn là để giải quyết tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trong chuỗi cung ứng mà chúng ta đã chứng kiến trong đại dịch, vốn đã khiến an ninh quốc gia của chúng ta gặp rủi ro và dẫn đến việc công nhân sản xuất xe hơi phải nghỉ việc tạm thời, và người tiêu dùng phải chịu mức giá cao hơn,” bà nói trong một tuyên bố. “Tuyên bố hôm nay với Microchip là một bước đi có ý nghĩa trong nỗ lực của chúng tôi nhằm củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn truyền thống, vốn là một phần không thể thiếu trong mọi thứ từ xe hơi, máy giặt, đến phi đạn.”
Ông Ganesh Moorthy, Giám đốc điều hành Microchip, gọi khoản tài trợ này của Hoa Kỳ là “một khoản đầu tư trực tiếp để tăng cường an ninh kinh tế và quốc gia của chúng ta.”
Bà Lael Brainard, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tòa Bạch Ốc, lưu ý rằng khoản đầu tư vào sản xuất này có thể ngăn giá cả leo thang và gián đoạn nguồn cung ứng trong tương lai đối với các sản phẩm tiêu dùng khác nhau, hơn là những gì mà chúng ta đã chứng kiến trong đại dịch virus corona.
Các quan chức chính phủ ước tính rằng thỏa thuận này, là thỏa thuận thứ hai trong sáng kiến “Vi mạch Bán dẫn cho Mỹ quốc” trị giá gần 53 tỷ USD, sẽ tạo ra hơn 700 việc làm trực tiếp trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất.
Phần tài trợ của chính phủ liên bang vẫn chưa được quyết định.
Sẽ có nhiều nguồn tài trợ hơn nữa
Các quan chức Tòa Bạch Ốc đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của Đạo luật Khoa học và Vi mạch Bán dẫn vì mức độ phổ biến của vi mạch trong nhiều sản phẩm, chẳng hạn như thiết bị gia dụng, và điện thoại thông minh. Tổng thống Joe Biden thường xuyên tuyên bố rằng Hoa Kỳ chỉ sản xuất 10% vi mạch bán dẫn máy điện toán của thế giới, nghĩa là nền kinh tế lớn nhất này phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bán dẫn của ngoại quốc.
Hồi tháng 12/2023, chính phủ đã công bố khoản trợ cấp liên bang trị giá 35 triệu USD cho công ty BAE Systems và các dự án quốc phòng của họ nhằm “hiện đại hóa một cơ sở cũ kỹ để tăng gấp bốn lần năng lực sản xuất các vi mạch bán dẫn cần thiết cho an ninh quốc gia của chúng ta.”
Tổng thống Biden cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước (12/2023), “Trong năm tới, Bộ Thương mại sẽ cấp thêm hàng tỷ USD để sản xuất thêm chất bán dẫn ở Mỹ, đầu tư vào khả năng nghiên cứu và phát triển để giúp Mỹ luôn dẫn đầu về công nghệ mới, tăng cường an ninh quốc gia, và tạo ra nhiều việc làm được trả lương cao.”
Cũng cùng tháng đó, bà Raimondo nói rằng bà dự kiến sẽ phê chuẩn hàng chục dự án tài trợ cho vi mạch bán dẫn trong năm tới.
“Năm tới, chúng tôi sẽ quan tâm đến một số công ty lớn hơn có các nhà máy sản xuất vi mạch tân tiến,” bà nói với các phóng viên. “Thời điểm này năm tới, tôi nghĩ chúng tôi sẽ đưa ra 10 hoặc 12 thông báo tương tự, một số trong số đó là những thông báo trị giá hàng tỷ USD.”
Vấn đề với Trung Quốc
Năm 2022, Trung Quốc đã khoe khoang về khoản trợ cấp vi mạch bán dẫn trị giá ít nhất 150 tỷ USD của mình. Mùa thu vừa qua (2023), chính quyền Trung Quốc đã tăng tín dụng thuế cho đầu tư nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn lên 20%.
Bà Raimondo giải thích rằng chính quyền ở Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường sản xuất vi mạch bán dẫn truyền thống “và khiến các công ty Hoa Kỳ khó cạnh tranh hơn.”
Mặc dù ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt công nghệ cứng rắn hơn của Hoa Kỳ, trong đó hạn chế quyền truy cập vào các công cụ sản xuất vi mạch tân tiến và bộ xử lý trí tuệ nhân tạo, nhưng nước này vẫn đạt được những bước đột phá quan trọng.
Hồi tháng 10/2023, tập đoàn công nghệ đa quốc gia Trung Quốc Huawei Technologies vẫn tiết lộ một bước đột phá về chất bán dẫn 7 nanomet mà các chuyên gia cho rằng đã né tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Vi mạch này được sản xuất bởi Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế của Trung Quốc, một công ty được thêm vào danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ có tên là Danh sách Thực thể (Entity List) vào năm 2020.
Bà Raimondo nói: “Chúng ta cần các công cụ khác nhau. Chúng ta cần các nguồn lực bổ sung cho việc thực thi. Chúng ta cứng rắn khi cần phải cứng rắn, nhưng chúng tôi cần nhiều nguồn lực hơn nữa.”
Vân Sa lược dịch