Tỉ phú Peter Thiel và hàng ngàn người đăng ký đông lạnh sau khi chết, liệu họ có được hồi sinh?

Thứ Bảy, 06 Tháng Giêng 2024

Tiến sĩ Jerry Lemler, cựu chủ tịch và giám đốc điều hành của Alcor Life Extension Foundation, đứng trong khu vực đông lạnh não và thi thể của 49 cá nhân tại trụ sở chính của công ty ở Scottsdale, Arizona (Mỹ) năm 2002 - Ảnh: REUTERS
Tiến sĩ Jerry Lemler, cựu chủ tịch và giám đốc điều hành của Alcor Life Extension Foundation, đứng trong khu vực đông lạnh não và thi thể của 49 cá nhân tại trụ sở chính của công ty ở Scottsdale, Arizona (Mỹ) năm 2002 – Ảnh: REUTERS

Được đông lạnh sau khi chết để sống lại một ngày nào đó nghe như phim khoa học viễn tưởng. Nhưng một số công ty trên thế giới đang bán cho mọi người giấc mơ “chết không phải là hết”.

Người đầu tiên được đông lạnh là giáo sư tâm lý học James Bedford, thực hiện vào năm 1966. Từ đó về sau có thêm nhiều người khác, trong đó có một bé gái Thái Lan 2 tuổi chết vì ung thư não, là người trẻ nhất được đông lạnh.

Giấc mộng hồi sinh

Max More đã dành 12 năm làm việc tại Alcor Life Extension Foundation – công ty đông lạnh lâu đời và uy tín nhất trên thế giới. Đầu tiên ông là giám đốc điều hành, sau đó là đại sứ và chủ tịch danh dự, trước khi rời đi vào đầu năm nay.

“Đối với tôi đó là điều hiển nhiên, là sự mở rộng của ý tưởng không muốn chết”, ông nói với tạp chí Business Insider.

Trong khi công nghệ đông lạnh hay bảo quản lạnh thi thể sau khi chết được cải tiến rất nhiều qua nhiều thập kỷ, thì hiện tại vẫn chưa có cách nào để hồi sinh con người đã chết.

Việc bảo quản toàn bộ cơ thể hiện có giá 220.000 USD. Nếu lựa chọn chỉ bảo quản bộ não, mức giá là 80.000 USD.

Hầu hết các khách hàng thanh toán bằng bảo hiểm nhân thọ. Một số người thậm chí còn lựa chọn đông lạnh vật nuôi của mình.

“Về phần tôi, tôi vẫn cho đó là một ảo ảnh, một lời hứa”, Arthur Caplan, giáo sư sinh học tại Trường Y Grossman thuộc Đại học New York, nói.

Những người tin vào ảo ảnh

Tỉ phú Peter Thiel trong một hội nghị về tiền điện tử - Ảnh: BUSINESS INSIDER
Tỉ phú Peter Thiel trong một hội nghị về tiền điện tử – Ảnh: BUSINESS INSIDER

Nhiều tỉ phú công nghệ ngày càng quan tâm đến các biện pháp kéo dài tuổi thọ. Tỉ phú Peter Thiel cho biết ông đã đăng ký đông lạnh sau khi chết, mặc dù ông nói không mong đợi nó sẽ thành công.

Alcor hiện có 224 khách hàng đang được bảo quản lạnh tại cơ sở hiện đại ở Scottsdale, Arizona và 1.418 người khác đã đăng ký bảo quản lạnh sau khi họ chết.

Một công ty lớn khác, The Cryonics Institute, có 2.180 khách hàng trên toàn thế giới. Và còn có các công ty nhỏ hơn ở châu Âu, Trung Quốc và Nga.

Quy trình đông lạnh diễn ra như sau: khi một khách hàng qua đời, đội ngũ Alcor sẽ có mặt ở nhà xác nơi thi thể được chuyển đến. Máu của người chết được thay thế bằng chất bảo quản lạnh, giúp giảm nguy cơ hình thành tinh thể băng sau khi chết, một quá trình gọi là thủy tinh hóa.

Thi thể sau đó được làm lạnh dần và bảo quản ở -196°C trong các thùng chuyên dụng chứa đầy nitơ lỏng, ngăn không cho thi thể bị phân hủy.

Các thi thể sau đó sẽ được bảo quản vô thời hạn, cho đến một thời điểm nào đó khoa học tiến bộ đến mức có thể hồi sinh chúng.

Nhiều câu hỏi chưa thể trả lời

Khái niệm đưa con người trở lại cuộc sống đặt ra đủ loại câu hỏi về pháp lý, đạo đức và triết học.

Ở mức độ thực tế, khi một người sống lại, liệu họ có giữ nguyên danh tính và số an sinh xã hội không? Ví dụ, nếu Nữ hoàng Elizabeth II được bảo quản đông lạnh và sống lại, liệu bà có trở thành quốc vương lần nữa không?

Tiếp theo, liệu những người sống lại có quyền yêu cầu đối với tài sản đã truyền lại cho người thừa kế của họ không?

Trong khi đó, những người khác cho rằng sẽ vô cùng khó để con người thức dậy sau hàng trăm hoặc hàng nghìn năm hòa nhập vào một thế giới mới mà họ không hiểu và trở thành “kẻ lập dị”.

Một câu hỏi quan trọng khác: liệu các công ty đông lạnh sẽ vẫn tồn tại hàng trăm năm nữa trong tương lai?

Bài Liên Quan

Leave a Comment