Chống tham nhũng quyết liệt; nhưng hủy hoại dân chủ- nhân quyền nghiêm trọng

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
08-01-2024

sharethis sharing button

Chống tham nhũng quyết liệt; nhưng hủy hoại dân chủ- nhân quyền nghiêm trọng

Ba cựu quan chức lãnh đạo trở thành bị cáo trong Đại án Việt Á: Phạm Thanh Long- Bộ trưởng Y tế (trái), Chu Ngọc Anh- Bộ trưởng Khoa học- Công nghệ (giữa), Phạm Công Tạc- Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ (phải)

RFA edited

Đảng cộng sản Việt Nam chừng như quyết liệt chống tham nhũng; trong khi hủy hoại nghiêm trọng dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam. 

Đây là những động thái mang tính chính trị trong năm 2023 và tạo ra xu hướng ngày càng mạnh lên trong năm 2024 cùng tiếp theo. Nó vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của quá trình tập trung quyền lực Đảng cộng sản. Củng cố Đảng – Nhà nước “trong sạch vững mạnh” đang gây những hiệu ứng ngược với cải cách thể chế bền vững theo hướng thị trường.

Đảng CS chỉ đạo các đại án tham nhũng thuộc diện trung ương quản ly cần phải khẩn trương đưa ra xét xử. Động thái này đã bắt đầu trong năm 2023. Chẳng hạn, từ cuối năm trong 3 ngày từ 27/12 đến 29/12/2023 Tòa án Quân sự Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 7 bị cáo, nhóm nguyên sĩ quan Học viện Quân y trong vụ án “Việt Á”. đã gian dối, đưa bộ kit do Việt Á cung cấp (không có sản xuất nào theo quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y!) đi thử nghiệm, xin cấp phép và đưa vào sử dụng để chiếm đoạt kinh phí đề tài, tiền hối lộ từ Việt Á nhiều tỷ đồng, trong đó tiền “lại quả”, phần trăm hoa hồng sau khi được thanh toán tiền bán kit xét nghiệm tại một số địa phương, là 7,1 tỷ đồng. Toà đã tuyên phạt cựu Tổng giám đốc Việt Á 25 năm tù và nhóm nguyên sĩ quan nêu trên từ 4 đến 15 năm tù.

Tiếp theo, ngày 3/1/2024 TAND Tp Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ án “Việt Á” nêu trên, trong đó có ba bị cáo, cựu Ủy viên Trung ương là các cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương cùng cùng 35 bị cáo khác từ các đơn vị, tổ chức có liên quan. Họ bị truy tố về các tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Phiên toà đang diễn ra dự kiến kéo dài 20 ngày…

Chống tham nhũng đang diễn ra căng thẳng trước thềm Đại hội Đảng CS 14 dự kiến tổ chức vào đầu năm 2026. Ngoài việc truy tố các cựu lãnh đạo địa phương như cựu Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá và cựu lãnh đạo các nhiệm kỳ trước Đại hội 13, mới đây hai ông Chủ tịch tỉnh đương nhiệm An Giang (ngày 26/12/2023), Lâm Đồng (ngày 2/1/24) bị bắt về tội nhận hối lộ, hai Thứ trưởng đương nhiệm của Bộ Công thương, Đỗ Thắng Hải (21/12/2023) và Hoàng Quốc Vượng (4/1/2024) đã bị khởi tố bị can… Những bị can nêu trên chưa phải là “cuối cùng” khi Đảng đặt vấn đề “chịu trách nhiệm chính trị” không vùng cấm. Như đã biết, ở tầm vĩ mô đối với trường hợp các ông cực Chủ tịch nước và hai cựu phó Thủ tướng hồi đầu năm 2023, nay áp dụng ‘dễ dàng’ với các quan chức ở cấp ‘trung gian’ như ở Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính… và các tỉnh thành phố.

xử việt á 3-1-2024.jpeg
Phiên xử đại án Việt Á hôm 3/1/2024. AFP

Đảng CS hiện giờ đã “mạnh” nhờ chống tham nhũng quyết liệt kết hợp với thanh trừng phe phái, tập trung ‘xử lý’ các quan chức “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong ‘phe’ Chính phủ qua các thời kỳ còn có ảnh hưởng. Tạm ‘yên tâm’ với những vấn đề nội bộ ở trong ‘cung đình’ và cấp trung gian, Đảng đang tăng cường trấn áp dân chủ, nhân quyền. Coi đây là nguy cơ từ ‘bên dưới’, mầm mống “cách mạng màu”…, giới lãnh đạo của chế độ toàn trị ‘cảnh giác’, như bản năng tự nhiên, đề phòng “từ xa, từ sớm” trước mọi nguy cơ. Theo trang web của đài truyền hình ANTV, Bộ Công an được yêu cầu phải “đấu tranh ngăn chặn hiệu quả âm mưu, hoạt động ly khai, tự trị, thành lập Nhà nước riêng… Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại manh động, hoạt động kích động tập trung đông người gây rối ANTT… Tấn công toàn diện, đấu tranh phá rã các hội, nhóm chống đối hiện hành, kiên quyết không để thành lập hội, nhóm chống đối mới.”

Tình hình dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo vẫn tiếp tục “xấu đi.” Ngoài các nhà bảo vệ nhân quyền và quyền con người bị bắt giam với những bản án nặng nề, mới đây các nhà báo độc lập đã “ngừng” lên tiếng trong nhiều năm cũng “được mời” lên làm việc với cơ quan an ninh và bị tạm giam. Nhất là, các nhà hoạt động môi trường bị kết án, bị cầm tù theo cáo buộc ‘trốn thuế” chỉ vì họ hoạt động bảo vệ môi trường và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam khiến công luận hoang mang…

hội đồng nhân quyền LHQ 9-9-2019 AFP.jpeg
Các đại biểu dự một cuộc họp tại Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2019 (minh hoạ). AFP

Thực trạng trên được nêu trong Báo cáo nhân quyền- dân chủ 2022 của Liên minh Châu Âu (EU) rằng Việt Nam tiếp tục giới hạn quyền chính trị, dân sự của người dân. Mỹ tiếp tục liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo (SWL) do các vi phạm “nghiêm trọng” về tự do tôn giáo, dù chính quyền Việt Nam trong hai năm qua cố gắng vận động để thoát khỏi danh sách này, đặc biệt sau khi hai nước đã nâng vượt cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Các tổ chức quốc tế như Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) lên án việc bắt bớ, giam giữ những người thực thi một cách ôn hòa các quyền con người được quốc tế công nhận đồng thời kêu gọi Việt Nam tôn trọng mọi cam kết và nghĩa vụ Thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Thậm chí Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi EU không cho Việt Nam hưởng các lợi ích từ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) do sự vi phạm nhân quyền trầm trọng trong nhiều năm gần đây…

Theo những cách của họ, tất cả những người đấu tranh cho nhân quyền, môi trường xanh… và những tổ chức quốc tế như nêu trên mong muốn cho Việt Nam trở thành quốc gia dân chủ và thịnh vượng, nhưng luôn bị Đảng CS coi như là “thế lực phản động, thù địch” với chế độ. Đối nghịch với chế độ dân chủ dựa trên chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa Mác – Lênin, nền tảng của chế độ Đảng CS toàn trị, dẫn lối cho triết lý và phương châm hành động của giới lãnh đạo rằng, mục đích biện minh cho phương tiện là nguyên tắc đạo đức tối cao để quản lý xã hội và kiểm soát người dân!

Ngoại giao “cây tre Việt Nam” mang tính thực dụng liệu có che giấu được sự khác biệt nêu trên? Một ‘điểm tựa’ quan trọng là ở Trung Quốc, thành viên “cộng đồng chung vận mệnh” hay “chia sẻ tương lai”, ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng CS cũng đang có những động thái quyết liệt chống tham nhũng đồng thời với thanh trừng phe phái. Trong năm 2023 có 45 quan chức cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị “khai trừ”, tức là mất tư cách đảng viên, trong đó 27 người đã về hưu trước khi bị kỷ luật. Cũng trong năm ngoái các cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Trung Quốc cùng nhiều tướng lĩnh quân đội đã bị mất chức trong cuộc chiến này… Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế trì trệ, suy giảm, xã hội ảm đạm, đời sống người dân khó khăn và căng thẳng cạnh tranh Mỹ – Trung khiến cho việc củng cố mô hình Đảng – Nhà nước “mạnh” đang gặp thách thức ngày càng lớn. Về lâu dài, chính sách chống tham nhũng nhờ tập trung quyền lực tuyệt đối nên chỉ được coi là phản ứng ‘tự vệ’ của chế độ toàn trị, như Thomas Hobbes (1588 – 1679) từng cảnh báo từ thế kỷ 17 trong tác phẩm “Leviathan” (năm 1651) về nỗi sợ “sự hỗn loạn” kiểu  ‘12 sứ quân’ (968 – 980) như lịch sử Việt Nam đã mô tả thời loạn lạc trong triều đại phong kiến nhà Đinh, thay vì một đường lối cải cách thể chế bền vững, thích ứng với kinh tế thị trường, hướng tới dân chủ và thịnh vượng.

*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do.

Bài Liên Quan

Leave a Comment