MỘT ĐỜI THƯƠNG TIẾC – Nguyễn Đức Thu Khóa 16
Trận chiến kinh hoàng Điện Biên Phủ giữa Quân Đội Pháp và Việt Minh trong suốt 2 tháng đã chấm dứt ngày 7 tháng 4 năm 1954.
Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Hiệp ước Genève được ký kết. Theo đó, Việt Nam bị chia làm hai , ranh giới là vĩ tuyến 17, thường được gọi là sông Bến Hải. Bắc Vĩ tuyến 17 thuộc Miền Bắc, Nam vĩ tuyến 17 thuộc Miền Nam. Một khu phi quân sự, rộng khoảng 5 cây số dài theo hai bờ sông Bến Hải, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14 tháng 8 năm 1954.
Hiệp định Genève công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Miền Nam Việt Nam trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vào ngày 20 tháng 8 năm 1955 bằng một nghị định chính thức, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm bổ nhiệm Hải quân Thiếu Tá Lê Quang Mỹ ( khóa 2 Trường Võ Bị & khóa 1 Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang ) vào chức vụ Phụ Tá Hải Quân cạnh Tổng Tham Mưu Trưởng QĐQGVN (thay Tướng Đôn) để chỉ huy Hải quân và đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
Đầu tháng 4 năm 1956, khi Hải quân VNCH ra bàn giao quần đảo Hoàng Sa thì phát hiện một vài đảo phía đông trong đó lớn nhất là đảo Phú Lâm (Woody) đã bị quân lính Trung Quốc bí mật chiếm đóng. Chính quyền VNCH trên thực tế chỉ kiểm soát được các đảo phía Tây.Tuy nhiên, về mặt pháp lý, VNCH vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các đảo mà Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng bất hợp pháp phía đông quần đảo Hoàng Sa. Lúc này, trên đảo Hoàng Sa đã có nhà cửa, căn cứ quân sự, đài khí tượng, hải đăng trong hệ thống quốc tế, miếu Bà, và bia chủ quyền của Việt Nam. Cùng thời gian này, quân lính Đài Loan đã chiếm đóng đảo Ba Bình (Itu Aba) trong quần đảo.
Cũng cùng trong thời gian này, HQ Thiếu tá Lê Quang Mỹ được Tổng Thống Ngô Đình Diệm thăng cấp HQ Trung tá để lãnh nhiệm chức vụ Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (HQVNCH) .
Trong khi hai Chính phủ Việt Nam và Pháp đang đối đầu về chính trị, HQVNCH ý thức ngay trách vụ bảo vệ các hải đảo ngoài khơi Biển Đông. Với tư cách Tư lệnh Hải quân của một Quốc gia độc lập, HQ Trung tá Lê Quang Mỹ thừa lệnh TT Ngô Đình Diệm ký lệnh bổ nhiệm các Sĩ Quan HQVN nắm lấy hết quyền chỉ huy của Sĩ quan Pháp trên chiến hạm cũng như tại tất cả đơn vị khác, kể cả Thủy Quân Lục Chiến (TQLC).
Giữa năm 1956, sau khi quân Pháp rút khỏi miền Nam Việt Nam, quân đội của chính quyền miền Nam Việt Nam (sau này là Việt Nam Cộng Hòa ) dưới quyền Tổng tư lệnh của Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, một lần nữa khẳng định pháp lý và chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về chính quyền VNCH . Ông đã truyền lệnh gởi thêm một đơn vị TQLC và các chuyên viên khí tượng ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để trấn thủ, xây dựng lại các cột mốc, để chứng tỏ cho Thế giới, một lần nữa chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam và do Nước Việt Nam Cộng Hòa làm chủ.
Ngay khi có quyền điều động Chiến hạm, Tư lệnh Lê Quang Mỹ đãchỉ thị Hộ tống hạm Tụy Động HQ 04, trên đường hồi hương (sau chuyến sửa chửa đại kỳ ở Subic Bay về), tuần tiễu quần đảo Trường Sa để chứng minh chủ quyền lãnh hải của VNCH. Một số hải đảo quan trọng khác trên Biển Đông cũng đã được thủy thủ đoàn HQVNCH cắm bia để xác nhận chủ quyền.
Mặt khác, HQVNCH đồng thời vừa trợ giúp phát triển kế hoạch kinh tế vừa cung cấp phương tiện chuyển vận khai thác phân chim trên quần đảo. Một kế hoạch tương tự cũng đã được dự trù cho quần đảo Trường Sa.
Để tuần dương hữu hiệu, HQVNCH đã trang bị 3 Hộ tống hạm, chiến hạm Chi Lăng HQ 01, Vạn Kiếp HQ 02, Đống Đa HQ 03. Không lâu sau đó, Hải quân Pháp cũng đã bàn giao thêm hai chiếc hạm, chiến hạm Tụy Động HQ 04 và Tây Kết HQ 05.
Những ngày đầu của Hải lực đã thực sự xảy ra nhiều biến cố dồn dập, nhận lãnh tàu bè vội vàng trong khi HQVN còn thiếu kinh nghiệm, không đủ nhân lực và dụng cụ, lại thiếu thốn yểm trợ, sửa chữa. Các thủy thủ đoàn thì chưa quen đơn vị, đã phải hoạt động hành quân, thăm viếng, thao diễn, tác chiến liên tục…
Tuy vậy, khi nghe tin có một vài chiến hạm của Hải quân Trung cộng đang lảng vảng ở vùng biển Hoàng Sa, Tư Lệnh Hải Quân đã đích thân chỉ huy một Hải đội gồm các hộ tống hạm và vài loại chiến hạm khác nhau ra quần đảo Hoàng Sa để biểu dương lực lượng. Đó cũng là dịp để các Thủ thủ đoàn HQVNCH thám sát quần đảo này lần đầu tiên.
Để đánh dấu những diễn biến trưởng thành quan trọng của Quân chủng Hải quân, HQVNCH cũng đã tổ chức một cuộc diễn hành trên sông Sài Gòn để trong ngày Quốc Khánh 26/10/1956. Chủ tọa bởi Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Hải-Quân Hoa Kỳ (HQHK) cũng đã gởi Tuần Dương Hạm USS Los Angeles (CA-135), có gắn Hoả tiễn Talos đến thăm viếng thiện chí và tham dự Ngày Quốc Khánh đầu tiên của VNCH.
Hơn 2 năm sau, sáng ngày 21-2-1959, Hải quân VNCH phát hiện nhiều ngư dân Trung cộng tập hợp lên một số đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa. Tất cả đều bị bắt giữ sau đó và được hoàn trả lại cho Trung quốc. Đây như là một tín hiệu cho thấy Trung quốc đang có kế hoạch lần chiếm Hoàng Sa.
Trong kế hoạch hiện đại hóa Quân Lực VNCH, tháng 7 năm 1959, Tổng thống ký nghị định cải tổ Trường Võ Bị Liên quân Đà Lạt thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN) song song với sự trưởng thành của QLVNCH trong một Quốc Gia độc lập.
Ngày 23 tháng 11 năm 1959, khóa 16 nhập học với chương trình 4 năm , đào tạo các Sĩ quan Hải lục Không quân hiện dịch cho QLVNCH.
Ngày 22 tháng 12 năm 1962, khóa 16 là khóa đầu tiên được mãn khóa tại Vũ Đình Trường Lê Lợi trên đồi 1515 của Quân trường mới, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. 226 Tân Sĩ quan Hải Lục Không quân đã hạ sơn, quyết tâm bảo vệ giang sơn, không gian và đại dương.
Ngày 23 tháng 12 năm 1962, trong quân phục tiểu lễ trắng truyền thống của Thiếu úy Hải quân, tôi đứng nghiêm chào Quốc kỳ trên Trường Võ Bị một lần chót trước khi ra phi trường Liên Khương bay về trình diện Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Tôi đã khóc thật sự khi phi cơ cất cánh và khi thành phố ngàn thông bắt đầu xa dần xa dần trong tầm mắt. Tôi thật sự đã giã từ Trường Mẹ, ngôi trường cao qúy sau bao năm nuôi dưỡng, huấn luyện tôi thành người. Thật sự đã giã từ Đà lạt và đồi 1515 thân yêu sau trên 3 năm tu luyện.
Ngày 2 tháng 1 năm 1963, nhận được sứ vụ lệnh phải trình diện Hộ tống hạm HQ 07 để tiếp tục chương trình huấn luyện Sĩ quan hải quân hiện dịch gồm 6 tháng thực tập hải nghiệp trên các chiến hạm trước khi nhập học Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang, tôi lên chiến hạm ngày 3 tháng 1 năm 1963.
Ngay ngày hôm sau, Hộ tống hạm Đống Đa II trực chỉ Hoàng Sa có nhiệm vụ tuần dương, bảo vệ quần đảo vì có tin vài chiến hạm Trung quốc lại đang lai vãng trong vùng. Hạm trưởng là một Trung uý thâm niên. Ông không có vẻ bảo thủ như tin đồn về các vị hạm trưởng HQ, đặc biệt là các hạm trưởng có gốc Hải quân Pháp . Ngược lại, ông lại xem tôi như là một Sĩ quan vãng lai và được thủy thủ đoàn chào đón rất thân thiện. Nhưng chỉ vài giờ sau, tôi đã trực diện một cuộc hải hành đầy sóng gió dữ dội đầu đời hải nghiệp khi chiến hạm vừa ra khỏi Vũng Tàu trên hải trình đến Hoàng Sa.
Một cơn bão cuối mùa từ biển Đông kéo đến. Khi chiến hạm càng ra xa Vũng Tàu, trực chỉ về Đông Bắc thì càng thấy mây mù bao phủ, biển động càng dâng cao, càng nghe tiếng gào thét của sức gió cực mạnh. Với vận tốc của chiến hạm trong trường hợp này, ít nhất phải mất 15 giờ mới đến được vùng Hoàng Sa. Chiến hạm phải vượt sóng ngang trong suốt khoảng thời gian trên. Nhiều lúc, con tàu chông chênh, ngất ngư trèo lên những ngọn sóng cao như núi, rồi chúc xuống như thác đổ. Cứ từng đợt, từng đợt, toàn thân chiến hạm nhiều lúc rung chuyển tưởng như đang gãy đổ trên đại dương.
Tưởng cũng cần nói qua về quần đảo Hoàng Sa, vùng biển đảo cách miền Trung Việt Nam khoảng một phần ba khoảng cách đến những đảo phía bắc của Phi Luật Tân, cách Cù Lao Ré của Việt Nam khoảng 200 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý.
Nhờ nằm giữa biển Đông nên quần đảo Hoàng Sa có khí hậu điều hòa, không quá lạnh về mùa đông, không quá nóng về mùa hè nếu so với những vùng đất cùng vĩ độ trong lục địa. Mưa ngoài biển qua nhanh. Hoàng Sa không có mùa nào ảm đạm kéo dài, buổi sáng cũng ít khi có sương mù. Tháng 10 là tháng mưa nhiều nhất. Không khí biển Đông tương đối ẩm thấp hơn những vùng biển khác trên thế giới.
Bão biển Đông là bão nhiệt đới theo mùa, thường xảy ra những lúc giao mùa, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8. Gió mạnh có lúc đến 90 dặm. Bão giảm đi từ tháng 9 nhưng cũng vẫn còn đến cuối tháng 1. Tuy vậy, vào giữa mùa gió Đông Bắc, bão làm biển trở nên động dữ dội hơn và kéo dài trong nhiều ngày. Chúng tôi đang ở vào đầu tháng giêng, tháng vẫn còn biển động.
Quần đảo Hoàng Sa được chia làm hai nhóm đảo là nhóm đảo An Vĩnh và nhóm đảo Lưỡi Liềm.
Tên quốc tế của nhóm đảo An Vĩnh là Amphitrite. Tên này là đặt theo tên một chiếc tàu Pháp trên đường đưa các giáo sĩ châu Âu sang Viễn Đông, gặp nạn rồi đắm ở vùng Hoàng Sa vào cuối thế kỷ 17.
Nhóm đảo Lưỡi Liềm (Crescent Group) bao gồm các đảo nhỏ ở phía tây nam của quần đảo. Nhóm này còn được gọi là nhóm Trăng Khuyết hay nhóm Nguyệt Thiềm. Đảo Hoàng Sa là đảo lớn nhất nằm trong nhóm này.
Sau trên 15 giờ vượt qua cơn bão biển, Hoàng Sa ló dạng với những đàn hải âu bay đến, che kín cả một góc trời, như muốn chào đón, như mừng rỡ khi nhìn thấy chúng tôi đến. Biển bắt đầu dịu xuống, trời bắt đầu có màu xanh không còn mây đen bao phủ . Hoàng Sa của Việt Nam xuất hiện rõ như là một vùng san hô trắng xóa bao la nhiệm mầu.
Bia chủ quyền của VNCH vẫn còn đó. Thật là vô cùng xúc động để nhìn thấy một vùng biển đảo rất thấp của Quốc Gia, xa đất liền trên 200 hải lý nhưng hàng trăm năm vẫn phơi mình trên Thái Bình Dương qua bao cơn bão táp phong ba. Điều này đã chứng tỏ cho thế giới biết Hoàng Sa là của chúng ta từ xa xưa.
Ở tất cả mọi góc cạnh, hang hốc, bãi đá nào trên đảo cũng đầy trứng hải âu. Chúng tôi đặt chân lên đảo thật rón rén, nhẹ nhàng như một đàn chim lạ đang hạ cánh vì nơi đâu cũng đầy trứng chim, sợ rằng sẽ dẫm nát chúng và làm kinh sợ những hải âu đang nằm ấp trứng hay đẻ trứng mới.
Đoàn thủy thủ vui mừng, tha hồ nhặt trứng cho vào bao. Những khoảng đất vừa được ‘ khai quang ‘, chỉ trong vài giây phút là trên trời hàng trăm con hải âu dành nhau đáp xuống, tranh nhau chỗ đẻ trứng và rồi cả một vùng san hô rộng lớn lại đầy trứng trắng và hải âu. Thật là một thiên đường hiểm thấy của loài chim đại dương.
Sau một tuần lễ tuần tiễu quanh quần đảo, chúng tôi chẳng nhìn thấy chiến hạm nào của Trung cộng, nên được lệnh về tuần dương ngoài hải phận Đà Nẵng . Giã từ Hoàng Sa mà mọi người đều cảm thấy hãnh diện đã được thấy biển đảo thân yêu của Miền Nam. Chúng tôi bùi ngùi lẫn cảm kích khi đưa tay chào các huynh đệ Địa phương quân, TQLC và các chuyên viên khí tượng phải ở lại để trấn thủ một quần đảo thật xa xôi ít có người biết đến trên Thái Bình Dương bao la. Biết đến bao giờ mới gặp lại .
Trong tận đáy lòng, chúng tôi nguyện cầu cho họ sẽ được an bình, sẽ không bị áp đảo bởi những con cọp biển TC từ đảo Hải Nam đang rình mò ngày đêm để vồ lấy quân ta, nguyện cầu cho họ sẽ được sống còn qua những trận bão táp cuồng phong.
Thời gian 6 tháng thực tập hải hành trên Biển Đông của 15 tân Thiếu úy khóa 16/TVBQGVN thuộc Quân chủng Hải quân cũng qua nhanh. Chúng tôi trở về Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang để hoàn tất chương trình 2 năm Sĩ quan hải quân hiện dịch. Tại đây tôi đã gặp Ngụy Văn Thà đang học năm thứ hai.
Thà tướng trông rất thư sinh, luôn mỉm cười và ít nói. Lúc nào gặp nhau, anh cũng chào tôi trước, có lẽ anh tôn trọng chúng tôi là Thiếu úy sinh viên, còn anh là sinh viên chuẩn uý ( năm thứ hai ). Nào ai có ngờ sau này anh trở thành hạm trưởng Hộ tống hạm HQ 10 và đã chết rất anh dũng theo chiến hạm trong trận hải chiến kinh hoàng với Hải quân Trung cộng, ngày 19 tháng một năm 1974. Hạm phó của anh là HQ Đại Uý Nguyễn Thành Trí K17 Trường SQHQ. Năm 1967, tôi được BTL Hải quân chỉ định ra chỉ huy khóa 18 SVSQ/HQ và đã có cơ hội góp phần huấn luyện cho cả hai khóa SVSQHQ này. Nguyễn Thành Trí rất quắc thước, nhiệt tình khi học trong trường, nên tôi không ngạc nhiên khi anh làm hạm phó cho Thà, anh đã can đảm trực chiến chỉ huy dàn đại pháo, bắn cháy ngay một chiếc hạm Hải quân Trung cộng trong những phút đầu tiên. Sau đó Trí đã bị thương trầm trọng, đứt một chân. Anh tắt thở trên chiếc bè nhỏ trong đêm cùng ngày. Ngoài ra tôi cũng đã có cơ hội làm việc với nhiều HSQ và Đoàn viên tại TTHLHQ Nha Trang , sau này một số cũng đã tử trận trên Hộ tống hạm HQ 10, HQ 16, HQ 4 và HQ 5.
Tất cả 74 các anh đã liều chết để bảo vệ lãnh hải, thân xác các anh đã chìm trong lòng biển mẹ. Thật vô cùng thương tiếc !
Nói đến trận hải chiến Hoàng Sa là bất cứ người nào cũng muốn nói đến chiến hạm HQ 10 .
Để tưởng niệm 50 năm mất Hoàng Sa sau cuộc hải chiến kinh hoàng này, giữa Hải quân VNCH và Hải quân Trung cộng, tưởng không có ký ức lịch sử nào trong trận hải chiến thực tế hơn bằng trích đoạn dưới đây. Thân mời qúy Huynh Đệ và thân hữu lắng nghe một phần chuyện kể đầy đau thương bởi một sĩ quan hải quân VNCH, HQ Thiếu úy Tất Ngưu, người về từ cõi chết hải chiến Hoàng Sa. Ông đã chứng kiến những giây phút sau cùng của Hộ tống hạm HQ 10 trước khi chiến hạm này chìm xuống đáy đại dương như sau:
…” Tôi đã sống lại một kiếp sống thứ hai. Phải, tôi đã thoát chết, đã kinh nghiệm một cái sống khi tôi không còn một tia hy vọng trong trí não. Nhưng thật sự tôi đang còn đây, và tôi sẽ thuật lại một trận chiến hãi hùng đầy cam go, và những ngày sống lênh đênh trên mặt biển liên tục bốn ngày ba đêm trên một chiếc bè nhỏ trong vùng biển Hoàng Sa.”
Sài Gòn ngày 30 tháng 5 năm 1974…
“…Hạm trưởng Ngụy Văn Thà hiên ngang đứng trên đài chỉ huy ra lệnh tháo giây. Một số anh em khấp khiểng chạy về chiến hạm. Họ vừa đi nhậu về, hôm nay mới lãnh lương mà. Nhân viên trên tầu chỉ có thế, lãnh lương ra thì lại đi uống rượu.
“Nhanh lên, tầu rời bến, nhanh lên !”
Anh HS1TP ( ha sĩ nhất trọng pháo ) Tám chếnh choáng rơi tùm xuống nước. Tôi thấy hạm kiều náo động, nghe tiếng hối thúc:
“Thả phao”, “Vớt người”, …
Đó phải chăng là một điềm chẳng lành.
Chúng tôi, thủy thủ đoàn của chiến hạm HQ 10, sau một đêm lình bình tuần tiễu tại cửa Đà Nẵng, nhận lệnh theo HQ 5 trực chỉ quần đảo Hoàng Sa. Nhiệm vụ của chúng tôi là yêu cầu các thuyền đánh cá của Trung Cộng rời khỏi thềm lục địa của đảo Quang Hòa (Duncan).
Mắt nhắm mắt mở tôi nhìn đồng hồ. Đã 2345H (11 giờ 45 đêm) rồi, nhanh nhỉ. Thời tiết tháng Giêng còn hanh lạnh, tôi khoác thêm một chiếc áo choàng mầu navy blue. Nhận ca, tôi được biết chiến hạm đang thả trôi tại quần đảo Hoàng Sa. Có sự hiện diện của cả khu trục hạm HQ 4, hai tuần dương hạm HQ 5, và HQ 16.
Trong suốt ca trực từ 2400H đến 0400H, tôi cùng HSTP Lợi nói chuyện vui với nhau. Anh này vừa mới tân đáo và đây là chuyến công tác đầu.Tôi nghe anh ta kể lại những ngày huy hoàng sống ở giang đoàn. Nào là bắt những con tôm càng, thịt cá ê hề, bánh mì gà sandwich thịt nguội, v.v… nghĩ mà thú nhỉ !
Vào khoảng 0100H, tôi nhận được chỉ thị – không đúng – một công điện khẩn thì đúng hơn: “0600H GIỜ THI HÀNH”.Tôi trình công điện lên hạm trưởng. Đêm đó hạm trưởng ngủ tại phòng vô tuyến phụ, cạnh đài chỉ huy. Thời gian đi như chợp mắt, mới đó mà đã đến gần 0400H sáng rồi. Tôi gọi:
“Anh Lợi ơi, xuống mời Thiếu uý Mai lên đổi ca giùm đi!”( ca là phiên trực hải hành 4 giờ trên đải chi huy).
Thế rồi hạm trưởng thức giấc. Đứng trên đài chỉ huy, ông ngó nhìn xung quanh để quan sát vị thế, rồi ra lệnh kéo còi nhiệm sở tác chiến. Một hồi còi rợn người nổi lên: “ Tít … Tít … Tít … Tít … Tít … Tít…” Tiếng của hạm trưởng vang trên hệ thống nội thông :
“Đây là Hạm Trưởng”
“Nhiệm sở tác chiến, nhiệm sở tác chiến”
“Tất cả vào nhiệm sở tác chiến”
“Nhiệm sở tác chiến”
“Tất cả vào nhiệm sở tác chiến”. “Tít … Tít … Tít … Tít … ……”
Tất cả anh em thủy thủ đoàn vội vã thức giấc. Ai nấy vào nhiệm sở của mình. Riêng tôi, vừa đi xong ca cách mạng (phiên trực hải hành từ nửa đêm đến tờ mờ sáng) lại vướng vào nhiệm sở tác chiến, cảm thấy mệt đừ. Ngay sau đó:
“Nhiệm sở phòng không”… “Nhiệm sở phòng không”
Tôi thấy ngay lập tức những nòng súng rợp rợp hướng lên trời góc 45 độ, nào là các đại bác 76 ly 2, bô-pho 40 ly, 20 ly, đại liên 30, súng cối 81 ly.
“Đài chỉ huy, đây sân mũi, 76 ly, 2 cò điện bất khiển dụng”
“Thôi được, cho dùng cò chân”
“Đài chỉ huy, đây 41, 42 tôi phát hiện một phi cơ bay từ ánh trăng hướng về phía ta, hướng 3 giờ.”
“Đài chỉ huy nghe rõ, tất cả các khẩu hướng về hướng 3 giờ”
“Đài chỉ huy, phi cơ bay vào mây và mất dạng”
Toàn thể nhân viên chiến hạm cứ luôn ở vào một tình trạng căng thẳng. Chắc hẳn mọi người, ai cũng đang linh cảm rằng một cuộc hải chiến sẽ xảy ra. Có lẽ cũng giống như các bạn đồng đội, đầu óc tôi đang nghĩ đến một chiến thắng huy hoàng, một ngày về với bộ tiểu lễ trắng tinh, hiên ngang đứng giữa hàng quân, trên ngực đầy những huy chương. Tất nhiên, không ai nghĩ đến hậu qủa của một cuộc chiến, đó là thương vong.
Khoảng thời gian từ 4 giờ sáng đến 6 giờ sáng ngày 19 tháng Giêng, chiến hạm vẫn tiến, và nhân viên vẫn cảnh giác trước phi cơ của địch. Trời lờ mờ, chưa tỏ hẳn ánh dương, hải đội của ta lập thành một đội hình. Bên địch (Trung Cộng) cũng gồm hai chiến đỉnh 389, 396 và hai chiến hạm 271, và 274, vẫn chạy đan qua đan lại có vẻ như muốn khiêu khích. Lắm lúc như muốn đâm thẳng cả tầu vào chiến hạm của ta. Sau một thời gian kèm sát bên nhau, địch và ta dường như đang tìm những vị thế thích hợp để công kích nhau.
Sau một loạt đèn hiệu được choé sáng, từ một hòn đảo kế cận, bốn chiếc tầu đánh cá chạy nhanh về phía Bắc, theo sau là bốn chiến hạm và chiến đỉnh của họ vận chuyển song song để bảo vệ. Anh em trên chiến hạm thoáng nét vui mừng.
” Ồ! họ đã chịu lui bước, trả lại các hải đảo cho chúng ta rồi “. Nào ngờ sau khi bốn tầu đánh cá đi khá xa, bốn tàu địch quay đầu trở lại với lối vận chuyển đầy khiêu khích. Chiến hạm lại nhận được lệnh chuẩn bị tác chiến. Tất cả nòng súng hướng vào phiá đảo để tránh sự khiêu khích với tàu địch. Trên tầu anh em xôn xao căng thẳng, chỉ chờ một hiệu lệnh tác xạ ban ra là những viên đạn vô tri này có thể phá tan các tàu của Trung cộng.
Trông chờ mãi, khẩu lệnh vẫn chưa được ban hành, thủy thủ đoàn có phần nản chí, không còn vẻ hăng say của thoạt đầu, anh em xem những cuộc quần thảo giữa địch và ta tưởng như một trò đùa. Anh em trở nên bình thản, quên hẳn sự căng thẳng giữa địch và ta, hầu như không cần việc sẵn sàng của nhiệm sở tác chiến. Một số nhỏ hớ hênh còn để súng cá nhân xuống sàn tầu rồi cùng trò chuyện vui đùa với nhau. Thức dậy từ lúc tờ mờ sáng đến giờ không có gì lót dạ, anh em chúng tôi cảm thấy đói, riêng tôi như thấy kiến bò trong bụng, may quá chúng tôi được lệnh luân phiên nhau vào nhà ăn để dùng cháo.
“Th/úy Mai. Anh vào dùng trước, tôi sẽ ăn sau.”
Khi Th/úy Mai vừa dùng điểm tâm xong, chúng tôi được lệnh tác xạ ngay vào các chiến hạm địch. Bất kể nơi nào, thấy chiếc nào trong tầm thì cứ bắn, mục tiêu chính yếu là chiếc dương tốc đỉnh 396.
Và rồi những nòng súng nay đã được hướng vào chiến hạm địch. Rồi những chiến hạm của địch và ta lại tiếp tục quần thảo nhau.
Vào khoảng sau 0900H, một lệnh “BẮN” được ban hành mà tôi nghe được qua chiếc headphone. Riêng tôi, trong nhiệm sở tác chiến là sĩ quan đảm trách 2 khẩu 20 ly và súng cối 81 ly ở sân sau. Tôi vội vã hô to:
“Bắn, bắn nhanh lên”.
Những tiếng súng ầm ầm vang dội, những tia sáng thi nhau bay về phía địch, những đóm lửa lần lượt bao chụp lên chiến hạm địch.
Thượng sĩ trọng pháo Xuân hiên ngang đưa khẩu 20 ly qua lại, bắn liên hồi.
“Tạch … Tạch … Tạch …”
“Ối ! sao khẩu 20 ly không bắn nữa ?”
“Thưa Ch/úy, súng trở ngại tác xạ”
“Trở ngại thế nào ?”
“Kẹt đạn”
“Bắn một nòng”
“Tạch … Tạch … Tạch …”
“Hết đạn”
“Nằm xuống, để tao”, Hạ sĩ nhất vận chuyển Tây thét lên, gạt Xuân ra, dựt lấy khẩu 20 ly.
“Tạch … Tạch …Tạch ..”
Trong khi đó Hạ sĩ vận chuyển Sáu lom khom chạy qua chạy lại lấy đạn 81 ly nạp vào khẩu súng cối.
“Ầm!” “Ầm!”
Tầu địch bốc cháy.Tôi thấy những viên đạn trọng pháo lớn nhỏ đua nhau bám vào tầu địch.
“Rầm !!!”
Có giọng nói giữa đám anh em đang hỗn loạn:
“Tàu Trung Cộng đang đổ bộ qua chiến hạm của chúng ta, anh em cẩn thận”.
Một loạt đạn M16 túa bay ra từ đài chỉ huy. Nhìn phía trước, tôi thấy mũi tầu của ta đâm vào tầu địch. Thế rồi hai tàu từ từ dang ra. Tàu ta bất khiển dụng cả hai máy chánh, cứ vậy mà trôi lênh đênh.
Sau khi hai chiếc tàu đụng nhau, tiếng súng lớn dường như im bặt, chỉ còn nghe những tiếng súng nhỏ. Giai đoạn hải chiến hình như chấm dứt. Anh em đồng đội chuẩn bị cứu thương lẫn nhau. Hầm máy đang cháy, nhân viên phòng tai lo cứu hỏa. Một số nhân viên cơ khí chết thui dưới hầm máy. Những anh còn tỉnh thì được kéo lên boong chánh. Trung úy Huỳnh Duy Thạch (cùng là đàn anh của tôi xuất thân từ trường Việt Nam Hàng Hải Thương Thuyền, cũng là Cơ Khí Trưởng của chiến hạm HQ10, chẳng may đã tử trận trong hầm máy. Ôi ! tiếng rên la áo não ngần nào. Đài chỉ huy hoàn toàn tê liệt, cả cầu thang từ trung tâm chiến báo (CIC) lên đài chỉ huy cũng bay mất một góc.
Phòng y tá hoàn toàn thiêu trụi. Trong phòng ăn sĩ quan (được sử dụng làm trung tâm phòng tai), sĩ quan phòng tai HQ Trung Úy Nguyễn Ngọc Bửu (Khóa 25/Võ Bị Đà Lạt) đang đau đớn với một chân trái bị bay mất, máu ướt đẫm người. Vừa được đưa ra đến sân sau, anh đã trút hơi thở cuối cùng. Các anh em bị thương khác không có thuốc men cấp cứu gì hơn, chỉ dùng vạt áo để băng bó.
“Ồ ! HQ16 , anh Thương hãy đánh SOS cho họ đến tiếp cứu!”
Chúng tôi đánh hiệu bằng cờ, nhưng HQ16 như không nhìn thấy, chiến hạm chạy nghiêng nghiêng như bị trúng đạn trong sự thất vọng hoàn toàn của chúng tôi. Những tiếng súng lại bắn vang, cùng với những tiếng nổ trên tàu. Chính lúc này Thiếu Tá Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà đã anh dũng hy sinh trên đài chỉ huy. Tôi còn nhớ là đài chỉ huy trước khi bị tê liệt hoàn toàn đã ra lệnh cho chúng tôi đào thoát. Những giòng tư tưởng quay cuồng trong tôi. Thế còn tàu của chúng ta ? và nếu có đào thoát, chắc hẳn có sống không?
Những tiếng súng lại vang lên, tiếng nổ trên tàu lại tiếp diễn. Nhìn ra phía sau, hai chiến hạm địch lù lù tiến đến, hướng về phía mình. HQ 16 khập khểnh càng ngày càng xa. Trên boong HQ 10, thây xác ngổn ngang, chiến hạm trơ trơ mặc sóng gió đẩy đưa. Trên mặt biển, đồng đội lô nhô trên những bè cấp cứu. Ôi thay! tôi tự hỏi mình có nên đào thoát hay không.
Hạ sĩ nhất cơ khí Nữ chạy đến với giọng rung rung:
“Ch/úy. Ch/úy biết bơi có gì Ch/úy kéo hộ tôi nhé!”
“Rồi cứ nhẩy đi, tôi sẽ kéo ra bè cho.”
“Ch/úy, phao này cho hơi vào cách nào ?”
Tôi bèn kéo chốt cho hơi vào phao và nói anh ấy nhẩy đi. Một chốc sau ngó xuống nước tôi lại không thấy anh ta đâu nữa. Tôi đoán có lẽ vì sóng to quá nên anh ta dạt vào thành tàu. Ngay lúc đó, anh trung sĩ vận chuyển Đa và Hạ sĩ có khí Hòa hấp tấp chạy đến:
“Ch/úy nhẩy nhanh lên, kho đạn 20 ly và 40 ly đang nổ, nhẩy nhanh lên!”
TSVC Đa, HSCK Hòa, và tôi cùng nhảy xuống. Tôi hoảng khi thấy bè thì quá xa, sóng lại to, ngẩm không biết mình có thể bơi ra đến nơi không.
Xin mở ngoặc nơi đây là: Trước khi đào thoát, tôi có gọi luôn cả HS1VC Tây cùng nhẩy, nhưng anh ta trả lời rằng: “Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với Trung Cộng. Ch/úy cứ nhẩy đi.”
Thật đúng y như câu nói của người xưa: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”. Chẳng biết HS1VC Tây có được đến trường để học và thấu hiểu câu nói thâm thúy này không? Anh có nghe ai bàn về câu nói ấy không? !! Thế mà anh đã thực hiện được sự việc đó mới là hay chứ. Việc mà chỉ có những đại anh hùng, các bậc trượng phu không biết “tham sinh úy tử” là gì họa may mới làm được. Thật là anh hùng. Tôi xin ngã mũ.
Lớp ngớp trên mặt biển, bơi mãi vẫn không đến bè được, tôi mới tiếc rẻ: “Ối ! phải biết ở lại tàu còn hơn!” Chất thuốc mầu vàng của bao thuốc trị cá mập trong phao cá nhân của tôi đã được bật ra,. Thuốc hòa lẫn với nước biển biến thành một vũng mầu xanh lá cây. Tôi cứ bơi, bơi mãi, bè cứ dạt xa. Mỗi lần sóng đánh đến, nước biển lại tràn vào miệng cùng với thuốc trị cá mập, có vị đắng đắng cay cay, Ôi ! hơi sức nào để ý đến nữa, mục đích là sự sống. Chỉ làm cách nào bám vào được bè, mạng sống mới có thể vãn hồi. Nhưng mệt nhừ rồi, còn sức đâu nữa mà bơi ra bè. Không, ta phải sống, bản năng sinh tồn lúc đó không cho phép tôi ngừng, cứ bơi, bơi mãi, đến khi bám được bè, nhìn thấy mặt anh em, tôi ngất đi trong giây lát. Phải chăng lực tiềm tàng trong cơ thể đã cạn, hay là ta đã tìm thấy sự sống nên lực đó không cần thiết nữa. Khi được kéo lên bè, người tôi lã đi vì đói khát mệt mỏi.
Thật là “họa bất đơn hành”, sau khi ngồi yên trên bè, kéo chung những bè lại, nhìn về hướng tàu, trong khi hai chiếc khinh tốc đỉnh của Trung Cộng sân sân tiến tới, khẩu 20 ly trên HQ10 tiếp tục nổ vang. Hai chiến hạm của TC cũng không vừa, cứ vừa tiến vừa tác xạ, thế rồi khẩu 20 ly đành im bặt. Những tiếng súng sau cùng đó… Hỡi ơi ! anh Tây, anh Sáu, các anh đã hy sinh đền nợ nước cùng một số đông các chiến sĩ bất tử của HQ10. Các anh ngã mình một cách anh dũng, nhưng có ai biết đến, chỉ có những đồng đội cùng tàu với hai anh mới thấu hiểu.
Hai chiến hạm của dòng khát máu Cộng Sản Trung Cộng vẫn không buông tha một chiến thuyền đã đang bốc cháy và bất khả vận chuyển. Chúng cứ luân phiên nhau vây đánh chiếc HQ10, sau đó quay đầu tiến đến bè của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ là nếu họ tác xạ mình thì anh em lại đào thoát lần thứ hai. Mắt Thượng Đế vẫn còn đây, bầu trời xanh lồng lộng còn đó, mọi sự đã an bài sẵn. Tôi tự nhủ hãy phó thác mạng sống mình cho Trời Phật. Số đã sống thì không thể chết, số chết thì không sao cứu vãn được. May thay chúng lại bỏ đi. Tôi nghĩ rằng không phải chúng vì nhân đạo. Cộng sản làm gì có nhân đạo. Lý do chính là chung quanh đây chỉ có những đảo mà chúng chiếm và cả một mặt biển rộng mênh mông. Họ chẳng cần vớt người làm chi cho nhọc công, để chúng tôi chết dần mòn khỏi phải mang tiếng với quốc tế !
Qua mặt được Thần chết đầu tiên, tôi phải đương đầu với đại dương trùng sóng và đói khát. Người đã mệt lã đi, lại cứ nôn mửa suốt hơn cả tiếng đồng hồ. Tôi say sóng cũng thường rồi, nhưng lần này uống nhằm mấy ngụm nước có thuốc trị cá mập, tôi ói ra hết mật xanh, mật vàng. Vừa ói vừa rên, tôi cảm thấy người không còn chút sức lực nào.
Nhìn lại xung quanh, tôi thấy tất cả có năm chiếc bè, bốn lớn và một nhỏ, hầu hết đã bị bắn thủng. Chúng tôi cột chung các bè lại với nhau. Nhưng vì sóng to gió lớn, một cái bè bị tản mác. Mặc dù chúng tôi đã tìm mọi cách nhưng không thể lại gần nó được. Bè đông người và được cột chum nhau, chìm xuống mặt nước. Chúng tôi không có một dụng cụ nào khác để chèo ngoài những bàn tay hết sinh lực.Trôi đến chiều hôm ngày 19 tháng giêng, chúng tôi thấy một hoang đảo có nhiều cây cối. Mắt trông thật rõ nhưng lấy tay khoát nước mãi vẫn không sao lại gần đảo được,vì hôm đó sóng quả rất to.
Bầu trời đã tối mịt, sóng lại to hơn. Anh em mệt lã người phần vì đói khát, phần vì mệt nhọc. Chúng tôi cứ mặc cho bè trôi quanh đây với hy vọng sáng sẽ bơi vào đảo được. Đêm hôm đó Hạm Phó Trí đã trút hơi thở cuối cùng. Thân xác Hạm Phó Nguyễn Thành Trí cũng đành giao cho thủy thần định liệu.
Suốt đêm cơn lạnh đã hành hạ cơ thể của tôi, với bộ quân phục ướt như chuột lột. Anh em cứ ôm gồng lấy nhau mà rung rẩy chờ đêm qua. Đêm sao qua chậm thế! Giờ này mới ba giờ đêm, bốn giờ, năm giờ, trời bắt đầu sáng. Thật là quái dị. Đêm vừa qua lại không trăng sao, sáng nay mặt trời lại không mọc. Phải chăng ông Trời cũng không dám diện kiến một cảnh tượng thê lương trên biển của thủy thủ đoàn HQ10 !
Thân mệt nhừ, tôi quay qua quay lại nhìn dáo dác, rồi lẩm bẩm:
“Ủa ! đảo hôm qua đâu ?! Thôi rồi anh em ơi, chúng ta không biết đã trôi về đâu ?!”
Ai nấy đều lộ vẻ thất vọng. Khi Thượng sĩ nhất giám lộ Thương mang ra được một la bàn cầm tay thì chúng tôi mới hỡi ơi là hiện tại luồng nước xoáy đang đưa bè theo hướng Đông Bắc, nếu muốn vào đảo anh em phải chèo ngược lại theo hướng Tây Nam.
Cơn đói khát lại hành hạ. Sau khi kiểm điểm thì thấy bè số 1 không có bao thực phẩm nào cả dù rằng dây buộc vẫn còn đó. Bè số 2, 3 mỗi bè gồm một bao thực phẩm chứa 20 lon nước (cỡ chai coca-cola) và 12 bao kẹo, mỗi bao gồm 8 miếng kẹo. Thế rồi phải lấy ra gom lại chia đều ra. Trong đó có 6 bao kẹo không thể sử dụng được, nhưng cũng để dành lại đó. Chúng tôi khui những lon nước, mỗi người hớp một ít, và ăn một miếng kẹo.
Những người bị thương nặng như TS1GL Thương, TSQK Tuấn, có lẽ bị mất quá nhiều máu nên họ cứ đòi nước mãi. Ngày đầu tiên trôi dạt trên biển chúng tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ lên được một đảo nào đó gần đây, hay có thể được chiến hạm của ta ra cứu vớt, nên vấn đề uống nước ngọt chưa bị hạn chế. Nhất là nghe các anh bị mất nhiều máu rên rỉ gọi khát chúng tôi chúng tôi không đành nên cho họ uống cả lon. Khoảng 9 giờ sáng ngày 20 tháng Giêng, TSQK Tuấn đã ra đi một cách âm thầm không một lời trối trăn, mà cách đó ba bốn giờ đồng hồ miệng cứ kêu la khát, khát quá…. Ý thức được rằng sẽ còn nhiều ngày lênh đênh trên biển nữa, nước ngọt rất cấp thiết, chúng tôi tự hạn chế trong việc sử dụng nước ngọt và kẹo. Bè cứ mặc cho dòng nước đưa trôi. Sáng hôm nay lại nghe những tiếng súng nổ vang. Chúng tôi thắc mắc phải chăng chiến hạm tăng phái của ta đã đến và một cuộc hải chiến lại tiếp diễn?
“Anh em hãy gắng sức chèo về hướng Tây Nam, đúng hướng đó rồi, hướng của những hòn đảo hôm qua ta tranh giành.”…
“Cố lên anh em, chúng ta sẽ sống nếu gặp lại tầu bạn.”…
Khoát nước, chèo mãi vẫn không đi tới đâu.
“Thôi chúng ta tháo hai miếng ván của bè nhỏ để chèo đi, chèo mãi theo hướng Tây Nam sẽ đến đảo ngay.”
“Anh em cứ cố gắng lên, đừng nghỉ tay, nếu không công trình khoát chèo, bơi từ sáng đến gìờ coi như hoang phí. Đêm nay chúng ta luân phiên chèo nhé!”…
Khoảng sáu bảy giờ sáng ngày 21 tháng Giêng, thình lình tôi thấy hướng Tây Bắc có hỏa châu lóe lên rồi mất hẳn. Tôi mới hô to:“Có hỏa châu, một là chiến hạm tìm kiếm ta, hai là lính địa phương quân trên đảo. Anh em hãy chèo về hướng đó nhanh lên!”
Nhưng trời chưa tha bọn người đang chết từ từ như chúng tôi. Sáng hôm đó sóng quá to, hơn nữa lại phải chèo ngược sóng, cho nên cứ chèo mãi mà hình như bè vẫn ở tại chỗ. Buồn thay, buổi sáng nay thêm một bạn đồng nghiệp nữa lẳng lặng ra đi không một lời từ biệt, đó là Thượng sĩ nhất giám lộ Thương. Buổi chiều, thêm Trung sĩ điện tử Thọ từ giã anh em. Xin được chua xót ghi là “Sáng, thủy thần gọi, chiều, thêm người theo hạm trưởng xuống đại dương”.
Có lẽ trước vài tiếng đồng hồ mà thủy thần gõ cửa kêu tên, mọi người đều nghe văng vẳng bên tai một cách yếu ớt “Khát quá … khát quá …” Tinh thần của anh em lúc này có vẻ giao động, nghĩ đến giây phút thần chết sắp gọi tên mình, nghĩ đến những bạn đồng đội đã đi “công tác trên tầu lặn với hạm trưởng.” Nếu không muốn nói là mọi người như sắp điên loạn. Thật vậy, đêm đó thêm Thượng Sĩ Châu đã mất trí !!
Ngày hôm sau, nhìn thấy chim hải âu bay qua lượn lại, chúng tôi cứ hy vọng gần đây sẽ có đảo. Nhưng nhìn dáo dác, biển cả vẫn hoàn toàn biển cả. Kẹo và nước ngọt đều dùng cạn. Anh em bắt buộc phải dùng những lon không đã hết nước, pha nước tiểu với nước biển để uống. Lúc bấy gìờ không ai để ý đến đói, nhưng cơn khát hoành hành cảm thấy thấm thía. Đêm đó ai nấy đều mệt nhừ, đến nỗi các giây cột các bè lại với nhau đứt hồi nào không hay.
Sáng hôm nay, ngày 22 tháng Giêng, tỉnh dậy tôi không còn thấy một bè nào cột bên cạnh bè mình. Nhìn về trước, một bè trôi khá xa. Ngó về phía phải cũng thấy một bè, nhưng cố gắng chèo mãi mà không sao tới nổi. Dần dần những bè đó khuất dần ngoài tầm mắt của tôi Trưa rồi lại chiều. Chân tôi giờ này sưng thủng, không sao cử động được, miệng cứ tự động thều thào hai tiếng “khát quá … khát quá”. Mắt, miệng đã sưng vù lên. Th/úy Mai đã nói lâm râm:
“Ch/úy Ngưu chắc không qua khỏi đêm nay.”
Tai tôi vẫn nghe thấy những tiếng đó, đầu óc tôi cũng biết rằng mình không thể nào thoát khỏi tử thần trong đêm nay . Có lẽ giờ này hạm trưởng Ngụy Văn Thà đang cứu xét liệu xem tôi có đủ điều kiện để đi theo ông chăng?
Chiều hôm đó, khoảng sáu giờ, anh em chuẩn bị ôm lấy nhau để qua đêm rét buốt. Thình lình Hạ sĩ cơ khí Hòa thét lên: “ Có tàu! ”
“ Đâu đâu ? tàu đâu, tàu đâu?”
Một cứu tinh hiện trước mặt. Lúc đó tự dưng tôi bật đứng lên trên bè , tay gỡ áo phao đỏ mà phất. Tôi hy vọng họ sẽ phát giác ra mình, dù rằng chiếc tàu cứu tinh còn cách bè mấy hải lý.
“Phải rồi ! Chúng ta đã sống lại rồi, tàu đang ngừng đó, thấy không ?”
“Có lẽ họ đã phát hiện chúng ta, anh em cố chèo về hướng tàu nhanh lên, nếu đêm tối họ sẽ không nhìn thấy để cứt vớt chúng ta đâu, la lớn lên anh em.”
“ Một hai ba… Ô!” “ Một hai ba… Ô!” “123…Ah!” “123… Ah!”, một mặt lo chèo, mặt khác la to lên.
“Hình như bè không tiến tới chút nào cả, và tàu họ cũng không vận chuyển!”
“Anh em ơi, nhẩy xuống bơi!”
Nhưng còn sức đâu mà bơi nữa. nhất là vùng này đầy cá mập, mà thuốc chống cá mập lại không còn.
“Ô kìa! tàu quay đi đâu? thôi chết rồi, hết hy vọng rồi, cố lên anh em!”
Hy vọng bây giờ là thất vọng. Màn đêm đang dần dà bao phủ thì … bỗng xa xa kia, bất chợt như một phép lạ, đèn pha của con tàu cứu tinh sáng rực lên và con tàu cứu rỗi kia đang quay trở lại…”Phải rồi, đúng là họ đang quay trở lại…”
Tất Ngưu và một số rất ít được cứu thoát. 74 đã hy sinh trong đó có Hạm trưởng HQ 10, HQ Trung tá Ngụy Văn Thà, bạn tôi , có hạm phó HQ Đại úy Nguyễn Thành Trí, đàn em tôi, có HQ Trung Úy Nguyễn Ngọc Bữu, HQ Trung Úy Nguyễn Văn Đồng, cả hai đều là những hiền đệ của tôi thuộc khóa 25 TVBQGVN ( Đồng là Sĩ quan Hải pháo của Tuần dương hạm HQ 5)
và nhiều huynh đệ HQ khác đã từng vui buồn với nhau trong cuộc sống hải hồ. Tất cả đã hy sinh thật anh dũng, trong trận hải chiến Hoàng Sa chống lại Hải Quân Trung cộng ngày 19 tháng 1 năm 1974 , dầu chúng ta đành phải để mất Hoàng Sa !
Sự thắng bại của biết bao chiến trận là chuyện thường tình, cũng đã từng xảy ra thường xuyên trong hải sử thế giới, nhưng quyết định của Đồng minh đứng ngoài trận Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974 để Hoàng Sa mất
vào tay Trung Cộng là một sai lầm lớn trong chính sách về biển Đông, đưa đến sự lấn áp của Trung cộng đối với các nước nhỏ quanh vùng, dẫn đến những căng thẳng tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại biển Đông ngày nay. Đây là một bài học chính trị đầy cay đắng nhưng vô cùng quý giá cho những nhà lãnh đạo nhân danh bảo vệ tự do, cho những nhà hải sử để viết lên những trang sử cho thế giới thấy kế hoạch bành trướng biển Đông của Trung Cộng là hiện thực, cho các bình luận gia khuynh tả hiểu rõ sự thật của trận hải chiến này, sự can trường của các chiến sĩ Hải Quân VNCH và sự hy sinh tuyệt đối của 74 huynh đệ Hải Quân đã nằm xuống trong lòng đại dương của Mẹ Việt Nam.
Dù đã trên 50 năm bị quân Trung cộng cưỡng chiếm, Hoàng Sa vẫn là hải đảo của ta, quần đảo Hoàng Sa vẫn là biển của ta. Nhất định chúng ta phải nhớ như vậy.
Nguyễn Đức Thu K16
(Hoa Thịnh Đốn, 2024-tháng Giêng buồn)