Xe hơi và xe tải chạy ngang qua quốc kỳ Hoa Kỳ trên Xa lộ 91 ở Anaheim Hills, California, hôm 08/02/2023. (Ảnh: Patrick T. Fallon/AFP qua Getty Images)
Gregory Copley
Thứ tư, 10/01/2024
Rất có thể năm 2024 sẽ tạo nên sự hội tụ của các xu hướng chiến lược lớn, có thể làm tăng khả năng xảy ra các cuộc xung đột hỏa lực chính thức, và kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái.
Mỗi năm trong ba thập niên qua dường như đều đóng một vai trò quyết định trong sự phát triển của cấu trúc chiến lược toàn cầu thời hậu Chiến tranh Lạnh, và quả thực đúng là như vậy. Nhưng năm 2024 hứa hẹn sẽ mang đến một số biến động vô cùng quan trọng trong sự tiến triển của khuôn khổ toàn cầu mới đó.
Chúng ta nên xem xét những điều quan trọng theo thứ tự ưu tiên, về những sự kiện được biết là có thể xảy ra và hậu quả của chúng, lưu ý rằng một số yếu tố “không chắc chắn” sẽ chuyển sang trạng thái “chắc chắn” trong năm nay. Ở một mức độ nào đó, sự tác động qua lại giữa các sự kiện sẽ diễn biến tùy theo sự trùng hợp của các sự kiện. Lưu ý rằng tất cả các sự kiện quan trọng đều có ảnh hưởng lẫn nhau; không có thứ gì phát triển một cách độc lập.
Tuy nhiên, điều quan trọng là có những xu hướng kinh tế xã hội lan rộng trên toàn cầu đóng vai trò bồi đắp thêm các lớp hay bối cảnh. Đây là kết quả của sự tích tụ các xu hướng sự kiện đã và đang diễn ra trong nhiều thập niên. Những điều này nên được coi là một phần trong khuôn khổ cho các vấn đề trọng điểm của địa chính trị toàn cầu. Bao gồm những vấn đề sau đây:
Vào đầu thế kỷ 21 hoặc thậm chí ngay từ cuối thế kỷ 20, đã bắt đầu xuất hiện sự suy yếu của các cuộc cải cách cộng hòa đô thị-công nghiệp vốn khởi đầu từ thế kỷ 17 và đã tạo ra vài trăm năm phát triển, thịnh vượng, và hình thức nền dân chủ hiện đại. Sự trưởng thành và sự suy yếu của những xã hội này giờ đang bắt đầu nhường chỗ cho sự quản lý ngày càng mang tính độc tài và năng suất quốc gia suy giảm.
Mô hình suy giảm dân số toàn cầu, vốn đã diễn ra ở mọi nơi ngoại trừ Ấn Độ và châu Phi (và có thể thấy trước là sẽ xảy ra ở những nơi này trong những thập niên tới) đang gây ra sự sụt giảm lớn về tài sản và sức khỏe dân số, đồng thời đòi hỏi phải xem xét các mô hình kinh tế mới phù hợp với quy mô thị trường đang suy giảm và sự giảm sút mức độ đổi mới công nghệ.
“Sự đạt đỉnh và sau đó suy giảm về sức hấp dẫn và hiệu quả của các trung tâm đô thị lớn đang ảnh hưởng đến quá trình tập trung quyền lực chính trị.”
Sự giảm sút nghiêm trọng về uy tín – từ đó là khả năng cưỡng chế – của tất cả các cường quốc lớn trên thế giới đã mở ra một kỷ nguyên của sự bất tín, làm suy giảm hiệu quả của các liên minh quân sự, và các chính phủ sẵn sàng “làm theo ý mình.” Tất cả những điều này làm tăng khả năng xuất hiện của “các hậu quả không mong muốn,” bao gồm cả các cuộc xung đột bất ngờ.
Xu hướng suy giảm về tốc độ của các đột phá khoa học và công nghệ hoặc các sự kiện đột phá vẫn tiếp tục, mà chưa có dấu hiệu đảo chiều ở hiện tại và tương lai. Đồng thời, cũng tồn tại sự sụt giảm về khối lượng và hiệu quả của nguồn tài trợ cho nghiên cứu và phát triển cũng như suy giảm niềm tin của thị trường vào “các vị cứu tinh khoa học.”
Trong bối cảnh đó, người ta phải xem xét những hậu quả tức thời hơn có thể xảy ra vào năm 2024, chẳng hạn như những hậu quả sau (dòng thời gian cũng như thứ tự xảy ra chúng có thể thay đổi khi có các tình huống kích hoạt phản ứng):
Trung Cộng
Sự sụp đổ kinh tế sâu rộng và đang diễn ra của ĐCSTQ sẽ dẫn đến những hậu quả chiến lược ở cả quy mô bên trong [Trung Quốc], khu vực, và toàn cầu. Điều này có thể bao gồm phản ứng bằng hành động quân sự có nguy cơ cao của Trung Quốc đối với các quốc gia khác, đặc biệt là Đài Loan và Việt Nam, vào năm 2024, nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục nắm giữ quyền lực. Điều đó có thể dẫn đến sự leo thang lớn và mở rộng các xung đột như vậy, khiến cho chính quyền Trung Quốc tiếp tục suy yếu và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị hạ bệ.
Một khả năng khác, việc ông Tập Cận Bình bị cho hạ đài vào năm 2024 có thể dẫn đến một xã hội Hoa lục ổn định nhưng bị kiềm chế và nghèo đói, trong đó ĐCSTQ có thể duy trì sự kiểm soát cân bằng một cách thận trọng. Cũng có khả năng ông Tập Cận Bình khởi xướng một hành động quân sự không kiểm soát mà sau đó có thể kích hoạt việc loại bỏ ông ra khỏi Đảng. Viễn cảnh là, vào đầu năm 2024, sự chia rẽ sẽ ngày càng gia tăng giữa ông Tập và quân đội PLA, cũng như sự đối đầu ngày càng tăng giữa ông Tập Cận Bình và Đảng, điều này có thể cản trở hành động của ông Tập.
Cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11/2024 sẽ tác động rõ ràng đến sự hòa hợp ở trong nước và các hành động quốc tế của Hoa Kỳ, cũng như xu hướng sức mạnh của đồng dollar Mỹ trên toàn cầu. Với việc uy tín lẫn năng lực khai triển sức mạnh của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có khả năng bị suy giảm, câu hỏi đặt ra là cường quốc nào sẽ cố gắng lấp đầy khoảng trống quyền lực trong quá trình chuyển đổi loại bỏ dần hoặc xuống dốc của giai đoạn “Hoà bình của Hoa Kỳ” (Pax Americana) của một “trật tự thế giới dựa trên luật lệ.”
Liệu Hoa Kỳ sẽ đẩy nhanh hay làm chậm tốc độ dễ bị tổn thương về kinh tế do cuộc khủng hoảng nợ của mình? Và điều gì có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu?
Cán cân quyền lực ở Trung Đông, Bắc Phi
Sự lan rộng của cuộc nội chiến ở Ethiopia, nội chiến ở Sudan, và cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội của Ai Cập vào trong nền chính trị toàn cầu vốn đang tác động đến tuyến đường biển Hồng Hải/Suez là có mối liên hệ mật thiết với việc tái cơ cấu cán cân quyền lực ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (đặc biệt là vùng Sừng châu Phi). Điều này sẽ đi kèm với sự ổn định ở Levant thông qua kết quả cuối cùng đối với cuộc chiến ở Gaza (mặc dù chưa chấm dứt xung đột lẻ tẻ giữa Israel và các nước lân bang).
Trong khi đó, sự thay đổi quyền lực ở Ethiopia có thể làm thay đổi đáng kể tuyến đường thương mại Hồng Hải/Kênh Suez theo hướng tích cực. Điều này có thể dẫn đến một hiệp định khu vực với Ai Cập để có sự thay đổi lớn trong khu vực.
Cuộc chiến Israel – Hamas
Hậu quả của cuộc chiến Israel-Hamas là một hiện tượng có ảnh hưởng rộng hơn, đặc biệt ảnh hưởng đến hành động của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, và sau đó là mối quan hệ của họ với Nga, có tác động tiềm ẩn đến Hành lang Vận tải Bắc-Nam Quốc tế do Nga kiểm soát (INSTC) và sự nổi lên của Ấn Độ với tư cách là một đối thủ chiến lược đáng gờm.
Sự tham gia của Iran vào cuộc xung đột Hamas có thể đã đẩy giới lãnh đạo giáo sĩ Iran vào thế những người chịu áp lực cuối cùng cho dù liên minh INSTC đã hứa hẹn sẽ bảo đảm an ninh cho các giáo sĩ dưới sự che chở của Nga.
Cuộc chiến Nga – Ukraine
Khả năng chấm dứt cuộc chiến Ukraine – Nga thông qua một cuộc thương lượng có thể xảy ra vào mùa xuân năm 2024, nhưng chắc chắn vào cuối năm 2024. Điều này có thể dẫn đến việc thu hẹp quy mô của các vũ khí trừng phạt dựa trên đồng dollar Mỹ để lấy lại phần đất đã mất vào tay khối BRICS+ (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, và các thành viên mới) và các khối khác thấy bị đe dọa bởi chủ nghĩa đơn phương của Hoa Kỳ trong việc can thiệp chủ quyền thông qua đồng dollar. Điều đó có thể còn phụ thuộc vào kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
Tranh chấp Venezuela-Guyana
Tác động của việc Venezuela leo thang xung đột với Guyana có khả năng khiến Hoa Kỳ tái tập trung vào châu Mỹ, cùng với khả năng làm chậm lại xu hướng chống đồng dollar giữa các quốc gia thành viên khối BRICS+.
Câu hỏi đặt ra là liệu điều này có xảy ra quá muộn để Hoa Kỳ tận dụng được cơ hội có thể có được này hay không, phần lớn là do khoản nợ kếch xù bằng đồng dollar của chính phủ Hoa Kỳ, và do chính phủ Hoa Kỳ thích sử dụng các biện pháp trừng phạt được vũ khí hóa dựa vào sử dụng đồng dollar như một công cụ để trừng phạt địch thủ, bất chấp mối lo ngại từ lâu giữa các đồng minh và đối tác thương mại của Hoa Kỳ rằng vũ khí này có thể được sử dụng để chống lại chính họ.
Châu Phi
Đang có một hành động hướng tới việc bác bỏ toàn diện sự thống trị của các thế lực ngoại quốc ở châu Phi. Điều đó xảy ra do sự suy giảm nguồn lực và ngân sách của các cường quốc, và đặc biệt là do uy tín và ảnh hưởng của các cường quốc ngoại quốc đó đang suy giảm.
Đồng thời, sự thất vọng của châu Phi đối với các mô hình địa chính trị du nhập, bao gồm cả biên giới nhân tạo, đang được đáp ứng bởi sự phát triển hoặc quay trở lại của các phương pháp tiếp cận triết học và văn hóa của châu Phi đối với quản trị. Tất cả những điều này, cùng với các vấn đề quản trị ở châu Âu và Bắc Mỹ, sẽ ảnh hưởng tới cuộc khủng hoảng di dân toàn cầu.
Năng lượng xanh
Vì thấy rõ sự thịnh vượng giảm sút nên xu hướng chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy các công nghệ xanh giả tạo đã chậm lại và thị trường quay lại vị trí điều độ về nguồn năng lượng.
Những sáng kiến quan trọng của chính phủ phương Tây nhằm tự tạo ra một thị trường xanh và công nghệ năng lượng xanh giả tạo vì các mục đích chính trị, vào năm 2024 sẽ phải đối mặt với sự phản kháng ngày càng tăng của xã hội do kinh tế suy thoái và sự khó khăn ngày càng lớn trong việc duy trì sự phồn thịnh, bất chấp các sáng kiến của chính phủ nhằm kiểm soát thị trường.
Sự phát triển của công nghệ
Tốc độ của tiến bộ khoa học công nghệ tiếp tục suy giảm, việc này đã được đề cập đến trong xu hướng bối cảnh như đã thấy kể từ đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, sẽ vẫn có những tiến bộ trong các lĩnh vực quan trọng, nhưng công nghệ sẽ có ít đột phá hơn, và chi phí cho mỗi sự vụ sẽ cao hơn.
Điều này sẽ có thể dẫn đến việc các xã hội—và các lực lượng quân sự—sẽ lựa chọn sự kết hợp giữa công nghệ cũ kỹ hơn và thực tiễn, cho dù các chính phủ thường thông qua luật lệ để khiến các công nghệ hiện đang có giá trị trở nên lỗi thời.
Trong lĩnh vực quân sự, những nỗ lực phát triển các hệ thống vũ khí cũ hơn (như chiến đấu cơ F-15 của Mỹ, oanh tạc cơ B-52, dòng xe tăng M1 Abrams, công nghệ siêu thanh từ những năm 1960, và những vũ khí chống vệ tinh) chính là biểu hiện của quá trình này.
Sự phân cực của xã hội
Sự phân cực hơn nữa của nhiều xã hội “hiện đại” dưới các hình thức dân chủ hiện đại có thể là điều hiển nhiên, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, Canada, Tây Âu, Úc, và có thể cả Ấn Độ. Điều đáng chú ý là không xã hội nào trong số này có sẵn cơ chế pháp lý để ứng phó với sự phân cực xã hội như vậy cũng như tình trạng tê liệt và kiệt quệ ngày càng tăng của các bộ máy nhà nước.
Điều này có nghĩa là cần phải có những yếu tố kích thích xã hội chưa từng có trước đây- có thể nằm ngoài Hiến Pháp – để mỗi loại hình xã hội này phải thay đổi nhằm ứng phó với các nhu cầu tạo ra các mô hình xã hội mới, loại bỏ các chức trách cũ, nếu không tình trạng tê liệt và phân cực của các quốc gia sẽ vẫn tiếp tục.
Tất cả những xu hướng này là một phần trong chu kỳ tự nhiên của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta thấy chúng dưới sự dẫn dắt của các công nghệ truyền thông hiện đại và chúng ta đang thấy chúng hoà quyện ở cấp độ toàn cầu. Những phản ứng ban đầu là cố gắng ngăn chặn tốc độ của sự sụp đổ hơn là xem xét các chiến lược cho kỷ nguyên mới nổi để vượt qua những bất ổn ngắn hạn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Thuần Thanh biên dịch