Chính sách xe điện của California đang làm lợi cho Trung Quốc cộng sản

Chính sách xe điện của California đang làm lợi cho Trung Quốc cộng sản

Khách tham quan ngắm nhìn mẫu xe điện BYD Seal U tại triển lãm xe quốc tế IAA Mobility 2023 ở Munich, Đức, hôm 06/09/2023. (Ảnh: Leonhard Simon/Getty Images)

John Seiler

Thứ tư, 10/01/2024

Giống như những chiếc xe điện bị va quệt trên Xa lộ số 5, các chính sách của Hoa Kỳ và California đang xung đột với nhau — dọn đường cho các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Yêu cầu bắt buộc của California về 100% doanh số xe mới bán ra vào năm 2035 phải là xe điện đòi hỏi sản xuất tối đa xe điện ở mức giá thấp nhất để những chiếc xe này được lăn bánh.

Ngoài ra, để thúc đẩy doanh số bán hàng, chính phủ liên bang đang cung cấp một khoản tín thuế trị giá 7,500 USD. Nhưng năm ngoái (2023), theo các quy định mới về thu nhập được đăng trên trang web của Sở Thuế vụ (IRS) vào hôm 28/11, thu nhập của người nhận không được vượt quá:

  • 300,000 USD cho các cặp vợ chồng khai thuế chung
  • 225,000 USD cho các chủ gia đình
  • 150,000 USD cho tất cả những người khai thuế khác

Nhưng những người mua những chiếc xe này lại chủ yếu là người giàu. Và ở California, mức lương 150,000 USD thậm chí còn không cho phép quý vị có khả năng mua một căn nhà để lắp đặt trạm sạc tại nhà. Bởi vì thu nhập trung vị cần có để một gia đình mua được nhà ở tiểu bang này là 208,000 USD.

Và kể từ ngày 01/01, chính phủ liên bang đã chấm dứt chương trình giảm giá cho xe điện sản xuất tại Trung Quốc. Vì vậy, BYD Yangwang U8 có giá 160,000 USD mà Thống đốc Gavin Newsom đã nhiệt tình đề cập đến trong chuyến đi đến Trung Quốc năm ngoái sẽ không đủ điều kiện để được nhận 7,500 USD. Nhưng dù sao đi chăng nữa, thì cũng cần nhắc lại rằng những người giàu đang mua những chiếc xe như vậy cũng không đủ tiêu chuẩn để nhận khoản tín thuế này ngay từ đầu. Và họ vẫn có thể mua được mẫu xe này ngay cả khi không được trả tín thuế — đặc biệt là những mẫu rẻ hơn đã khiến BYD nổi tiếng.

Tôi đã viết trên tờ The Epoch Times: “Một bài báo trên Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) hôm 24/10 đã xác nhận quan điểm của tôi rằng chuyến thăm của ông Newsom tới một nhà máy BYD đã khiến ông trở thành ‘nhân viên bán hàng tốt nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc’. … Sau khi tìm hiểu về điện khí hóa xe buýt ở Thâm Quyến và lái thử một chiếc xe thể thao đa dụng do nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD sản xuất, thống đốc cho biết ‘ông ấy muốn có hai chiếc trong số đó,’ theo truyền thông địa phương.”

BYD của Trung Quốc vượt qua Tesla

Trong khi đó, hãy xem dòng tiêu đề này trên trang nhất của tờ Financial Times (FT) số ra ngày 03/01: “BYD của Trung Quốc đã chiếm ngôi vị của Tesla với tư cách là nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới: Tập đoàn của Hoa Kỳ công bố doanh số hàng quý thấp hơn; Việc giảm giá kích thích đối thủ; Người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại xe rẻ hơn.”

Chuyện là như sau: “Tập đoàn Mỹ này đã giao 484,000 xe trong quý 4, nhiều hơn con số 473,000 mà các nhà phân tích dự đoán nhưng không đủ để giữ vững danh hiệu của mình sau khi BYD báo cáo doanh số kỷ lục 526,000 chiếc xe chỉ sử dụng pin trong cùng thời kỳ.”

“Việc Tesla bị BYD soán ngôi phản ánh sự trỗi dậy của một tập đoàn Trung Quốc ít người biết đến chỉ một thập niên trước, điều mà chính ông Musk đã công khai bác bỏ. Trong khi sự tăng trưởng của công ty Trung Quốc được Warren Buffett hậu thuẫn này chủ yếu đạt được trên sân nhà, BYD đang tăng cường tập trung vào việc tìm kiếm các thị trường ngoại quốc mới, bao gồm cả châu Âu.”

“Ông Danni Hewson, người đứng đầu bộ phận phân tích tài chính tại AJ Bell, cho biết xe điện của BYD đang ‘ngày càng trở nên phổ biến trên đường phố Âu Châu nhờ mức giá hấp dẫn.’”

Hãy để ý người chiến thắng lớn ở đây là siêu nhà đầu tư Warren Buffett: “Thành công ban đầu của tập đoàn Trung Quốc đã thúc đẩy Berkshire Hathaway của ông Buffett đầu tư vào công ty này vào năm 2008. Mặc dù dựa vào công nghệ hiện có của ngành trong nhiều năm, BYD đã tập trung vào việc cắt giảm chi phí trong quy trình sản xuất.”

Ví dụ này cho thấy ông Buffett đã trở thành nhà đầu tư thành công nhất thế giới như thế nào nhờ giám sát chặt chẽ các chính sách của chính phủ, cả ở trong và ngoài nước. Chứng kiến ​​California và các tiểu bang khác đang thúc đẩy các quy định về xe điện, ông đã đầu tư vào một công ty Trung Quốc sản xuất các mẫu xe rẻ hơn.

Ông chẳng hề lo ngại rằng BYD, giống như tất cả các công ty lớn của Trung Quốc, có mối liên kết chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). FT đưa tin, “Sau nhiều năm được nhà nước trợ cấp và được Bắc Kinh lập kế hoạch công nghiệp cẩn thận” — tức là được ĐCSTQ đề ra hướng đi — “các nhà sản xuất xe hơi của Trung Quốc giờ đây đang tận dụng quyền kiểm soát của quốc gia họ đối với quy trình sản xuất hầu hết mọi tài nguyên, vật liệu, và linh kiện được sử dụng để sản xuất xe điện.”

Tháng Năm vừa qua (05/2023), tôi đã đăng một bài viết trên The Epoch Times rằng: “Các quy định bắt buộc về Không phát thải Carbon của California Thúc đẩy Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Cobalt.” Tôi viết bài báo đó dựa trên một cuốn sách mới của ông Siddharth Kara, có nhan đề “Cobalt Đỏ: Máu của Congo đang Mang lại Năng lượng cho Cuộc sống của Chúng ta Như thế nào.” Và tôi đã lưu ý rằng cuốn sách này đã nêu chi tiết nhiều hành vi vi phạm nhân quyền đối với những người thợ mỏ.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản nhà nước

Những gì đang diễn ra đã được mô tả trong cuốn sách năm 2016, “Chủ nghĩa Tư bản Nhà nước: Sự trở lại của Chủ nghĩa Nhà nước đang Biến đổi Thế giới Như thế nào” của ông Joshua Kurlantzick. Chủ nghĩa tư bản nhà nước kết hợp các yếu tố sở hữu và kiểm soát của chính phủ với sự cạnh tranh trên các thị trường toàn cầu. Ví dụ, BYD và các công ty khác do ĐCSTQ kiểm soát bán sản phẩm của họ trên thị trường thế giới; do đó, họ phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng toàn cầu. Điều đó có nghĩa là có lợi nhuận — lợi nhuận sẽ thuộc về ĐCSTQ và các thành viên hàng đầu của đảng này.

Theo ông Kurlantzick, chủ nghĩa tư bản nhà nước “bảo hộ nhiều hơn, nguy hiểm hơn đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu, đồng thời đe dọa nhiều hơn đến tự do chính trị” so với các nền kinh tế thị trường tự do.

“Mối đe dọa nghiêm trọng nhất từ ​​chủ nghĩa tư bản nhà nước là hai cường quốc chuyên chế tư bản nhà nước lớn, Trung Quốc và Nga, sẽ sử dụng các công ty nhà nước của họ làm vũ khí trong các cuộc xung đột với các quốc gia khác, làm phương tiện để kiểm soát một số loại tài nguyên thiên nhiên, làm phương tiện để đạt được và đánh cắp công nghệ nhạy cảm từ các quốc gia khác, hoặc làm công cụ phá hoại các tiêu chuẩn lao động và môi trường ở các quốc gia nơi các công ty nhà nước của họ đầu tư vào.”

Chính sách của Hoa Kỳ, California thúc đẩy chủ nghĩa tư bản nhà nước

Thật không may, chính sách của Hoa Kỳ và California đang thúc đẩy chủ nghĩa tư bản nhà nước, cả ở trong và ngoài nước. Chúng ta có ít ngành thuộc sở hữu trực tiếp của chính phủ, chẳng hạn như Bưu điện Hoa Kỳ hoặc Cơ quan Đường sắt Cao tốc California. Nhưng chúng ta có sự thao túng trực tiếp của chính phủ đối với các thị trường, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp xe hơi quy mô lớn.

Nếu không có các quy định bắt buộc và trợ cấp, ngành công nghiệp xe điện ở Mỹ, đặc biệt là ở California, sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với hiện nay. Tình huống đó sẽ tạo ra ít động lực hơn cho sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện, bao gồm cả BYD và các công ty khác ở Trung Quốc cộng sản.

Một khía cạnh khác của chủ nghĩa tư bản nhà nước là việc sử dụng ngành công nghiệp để mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư có quan hệ chính trị. Berkshire Hathaway từ lâu đã là nhà đóng góp lớn cho cả hai đảng chính trị. Theo OpenSecrets.org, Berkshire Hathaway đã đóng góp 3.9 triệu USD trong kỳ bầu cử năm 2022. Và vào năm 2021, chi tiêu cho việc vận động hành lang là 5.8 triệu USD. Những người nhận đóng góp nhiều nhất là các thành viên Đảng Cộng Hòa:

  • 224,762 USD cho Ủy ban Quốc hội Đảng Cộng Hòa Quốc gia (NRCC)
  • 207,500 USD vào GOPAC
  • 159,024 USD cho Ủy ban Thượng viện Đảng Cộng Hòa Quốc gia (NRSC)
  • 87,897 USD cho Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa (RNC)

Tuy nhiên, những đóng góp chính của cá nhân ông Buffett lại dành cho Đảng Dân Chủ:

  • 248,500 USD cho Ủy ban Quốc hội Đảng Dân Chủ (DCCC) vào năm 2019
  • 33,900 USD cho Ủy ban Vận động tranh cử vào Thượng viện của Đảng Dân Chủ (DSCC) năm 2018
  • 5,600 USD cho Thượng nghị sĩ Mark Kelly của Arizona vào năm 2018
  • 2,700 USD cho Dân biểu Donna Shalala của Florida vào năm 2018

Chủ nghĩa xã hội Trung Quốc

Sau khi Chủ tịch Mao qua đời vào năm 1976, dưới thời ông Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã chuyển từ kế hoạch hóa tập trung hoàn toàn cứng nhắc theo chủ nghĩa Mao sang cái mà ông Đặng gọi là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.” Tuyên bố này có vẻ mâu thuẫn vì các thị trường đã được mở ra và Trung Quốc dường như đang hướng tới thị trường tự do kiểu Hoa Kỳ. Nhưng giờ đây chúng ta đã biết ý nghĩa của tuyên bố này: chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Thời Xô Viết, những người phản đối cộng sản như tôi thường trích dẫn một câu châm ngôn của Lenin, nhà độc tài đầu tiên của Liên Xô: “Khi đến lúc cần treo cổ bọn tư sản, thì chúng sẽ tranh giành lẫn nhau để có được hợp đồng mua dây.”

Ngày nay, với các chính sách xe điện xung đột giữa Hoa Kỳ và California đang giúp ích cho Trung Quốc cộng sản, sợi dây đó sẽ được giao hàng trên chiếc BYD Yangwang U8 mà ông Gavin Newsom lái.

Nhật Thăng biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment