Nhiều thập niên không có cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân lâu dài đã tiêu tốn hàng tỷ USD tiền thuế của người Mỹ

Năm 1982, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ được cho thời hạn đến hết năm 1998 để có kế hoạch xử lý lâu dài chất thải phóng xạ. Kế hoạch này vẫn chưa thành hiện thực.

Nhiều thập niên không có cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân lâu dài đã tiêu tốn hàng tỷ USD tiền thuế của người Mỹ

Địa điểm xử lý chất thải hạt nhân: Núi Yucca là kho lưu trữ địa chất tiềm năng của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, được thiết kế để lưu trữ và xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ cấp độ cao. (Ảnh: Maxim Kniazkov/Getty Images)

Beth Brelje

Thứ tư, 10/01/2024

Năm 1957, nhà máy sản xuất điện hạt nhân thương mại đầu tiên ở Hoa Kỳ đã đi vào hoạt động tại Shippingport, Pennsylvania. Nhưng 66 năm sau, Hoa Kỳ vẫn chưa có cơ sở cố định nào để lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng có tính phóng xạ cao mà nhà máy này và các nhà máy điện hạt nhân khác sản xuất, khiến chất thải được lưu trữ rải rác trên khắp đất nước và khiến người đóng thuế phải trả hàng tỷ USD.

Tháng 11/2023, Ủy ban Điều tiết Hạt nhân (NRC) đã bỏ niêm phong phần lớn khu đất nơi nhà máy điện hạt nhân Zion ở Zion, Illinois từng tọa lạc. Nhà máy điện này đã vận hành hai lò phản ứng hạt nhân nước áp lực (PWR) từ năm 1973 đến năm 1997. Zion đã ngừng hoạt động vào năm 1998 và trải qua quá trình cho ngừng hoạt động dần dần, và hiện nay NRC cho biết hầu hết đất đai tại địa điểm nhà máy cũ này tọa lạc có thể được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào.

Tuy nhiên, cơ sở lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng của nhà máy, có diện tích khoảng 5 mẫu Anh, sẽ vẫn nằm dưới sự giám sát của NRC với giấy phép cơ sở lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng do Constellation Energy Generation nắm giữ. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh và bảo vệ cơ sở nhiên liệu đã qua sử dụng của Zion cho đến khi có cơ sở lưu trữ xa nhà máy này hoặc nơi xử lý chất thải lâu dài.

Từ nay đến đó có thể là một thời gian dài.

Mặc dù ngày nay lẽ ra đã phải có một cơ sở lưu trữ đang hoạt động, nhưng chính phủ Hoa Kỳ không có một kế hoạch dài hạn nào để lưu trữ chất thải có tính phóng xạ cao do các nhà máy điện hạt nhân tạo ra.

Đạo luật Chính sách Chất thải Hạt nhân năm 1982 đã định ra một thời gian biểu cho các mốc quan trọng trong việc kiểm soát chất thải có tính phóng xạ cao mà ba cơ quan liên bang phải đáp ứng.

Luật giao cho Bộ Năng lượng (DOE) trách nhiệm tìm địa điểm, xây dựng và vận hành một kho lưu trữ địa chất sâu để xử lý chất thải, đồng thời yêu cầu Cục Bảo vệ Môi trường (EPA) xây dựng các tiêu chuẩn để bảo vệ môi trường khỏi việc phát thải ra bên ngoài chất phóng xạ trong kho, cũng như yêu cầu NRC chịu trách nhiệm cấp phép cho DOE vận hành kho chỉ khi nào bộ này đáp ứng được các tiêu chuẩn của EPA.

Đó là ba cơ quan liên bang — một cơ quan tìm kiếm và xây dựng cơ sở lưu trữ chất thải, một cơ quan xác định các thông số an toàn, và một cơ quan cấp phép cho cơ sở này.

Đáng lẽ DOE phải xây dựng một cơ sở và tiếp nhận chất thải từ tháng Một năm 1998. Nhưng 26 năm sau thời hạn đó, vẫn chưa có hành động nào để thực hiện mục tiêu này. DOE đã không phúc đáp yêu cầu bình luận, nhưng có nhiều tài liệu giải thích chiến lược hiện tại của họ, đó là giữ nguyên tại chỗ nhiên liệu đã qua sử dụng và tiến hành một quy trình lập kế hoạch lâu dài và phức tạp mà họ đã phát triển — xây dựng địa điểm dựa trên sự đồng ý — một quy trình liên quan đến việc lấy ý kiến công chúng đầy đủ hơn.

“Bộ Năng lượng Hoa Kỳ hiện đang khám phá khả năng hợp nhất nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng này tại một hoặc nhiều cơ sở lưu trữ tạm thời của liên bang bằng cách sử dụng quy trình xác định địa điểm dựa trên sự đồng ý,” trang web của DOE cho biết. “Trong tương lai gần, nhiên liệu đã qua sử dụng có thể được lưu giữ an toàn tại các cơ sở lò phản ứng hoặc cơ sở lưu trữ tạm thời hợp nhất trong tương lai cho đến khi chính phủ liên bang xác định được giải pháp giải quyết lâu dài.”

Hàng tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại

Giống như Zion, các nhà máy điện hạt nhân trên khắp Hoa Kỳ đang để nhiên liệu đã qua sử dụng kẹt trong các cơ sở lò phản ứng trong khi chờ đợi một cơ sở lưu trữ lâu dài. Đây là chi phí không được tính trong giai đoạn lập kế hoạch khởi công xây dựng nhà máy.

Nhiều công ty đã kiện DOE vì không đáp ứng nghĩa vụ giải quyết chất thải của mình. Tính đến báo cáo tài chính năm 2022 của DOE, 114 vụ kiện trong số đó đã được giải quyết hoặc bồi thường dàn xếp, trong đó bộ phải trả hơn 10 tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại cho các chủ sở hữu lò phản ứng hạt nhân. Một khoản bồi thường thiệt hại trị giá 31 tỷ USD khác dự kiến ​​sẽ được chi trả cho các công ty tiện ích có hợp đồng với DOE về việc lưu trữ.

Các chi phí này sẽ tiếp tục tăng cho đến khi chính phủ liên bang phát triển và phê chuẩn cho một cơ sở Lưu trữ Tạm thời Hợp nhất (CIS) hoặc một kho xử lý lâu dài và thu về nhiên liệu đã qua sử dụng, một báo cáo năm 2021 từ Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ cho biết.

Lưu trữ tạm thời

Kể từ báo cáo đó, đã có hai cơ sở được khai triển.

Ông David McIntyre, Viên chức Thông tin Công cộng tại Ủy ban Điều tiết Hạt nhân, nói với The Epoch Times: “Chúng tôi đã cấp giấy phép trong vòng hai năm qua cho hai công ty ghi danh xây dựng các cơ sở CIS. Kế hoạch của họ là lấy một số nhiên liệu từ các nhà máy, bắt đầu từ những nhà máy đã ngừng hoạt động, mang đến cơ sở của họ và bảo quản trong thùng khô cho đến khi có phương án giải quyết.”

Các giấy phép CIS tạm thời này thuộc về Interim Storage Partners, LLC ở quận Andrews, Texas, vốn bắt đầu quá trình yêu cầu cấp phép vào năm 2016 và được NRC cấp giấy phép vào năm 2021, và Holtec International ở quận Lea, New Mexico, vốn bắt đầu quá trình yêu cầu cấp phép vào năm 2017 và được cấp giấy phép vào tháng 05/2023.

Nhưng cả hai dự án đều bị đình trệ do phản ứng chính trị.

Một tòa phúc thẩm liên bang đã hủy bỏ giấy phép đối với công ty Interim Storage Partners hồi tháng 08/2023, nói rằng NRC thiếu thẩm quyền theo luật liên bang để cấp giấy phép cho các địa điểm lưu trữ chất thải hạt nhân tư nhân tạm thời.

Ở New Mexico, một đạo luật được thông qua gần đây do Thượng nghị sĩ tiểu bang Jeff Steinborn, một thành viên Đảng Dân Chủ, giới thiệu, đã cố gắng ngăn chặn dự án bằng cách yêu cầu một kho lưu trữ cố định của liên bang phải hoạt động trước khi chất thải hạt nhân có thể được lưu trữ ở New Mexico. NRC đã cấp giấy phép bất chấp đạo luật tiểu bang này.

Thượng nghị sĩ Martin Heinrich (Dân Chủ-New Mexico), người phục vụ trong Ủy ban Tài nguyên và Năng lượng Thượng viện, cũng đang phản đối chiến lược lưu trữ chất thải tạm thời.

“Cho dù NRC và Holtec có sử dụng từ ‘tạm thời’ bao nhiêu lần đi chăng nữa, thì tình hình thực tế cũng sẽ không có nghĩa là như vậy. Và những người còn lại để gánh chịu hậu quả sẽ là người dân New Mexico,” ông Heinrich nói trong một tuyên bố hồi tháng Năm. “Cho đến khi có một kho lưu trữ lâu dài cho nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của quốc gia chúng ta, không có ủy ban quản lý nào được sử dụng các tiêu chuẩn ‘tạm thời’ để cho phép việc lưu trữ ‘vô thời hạn.’ Người dân Mexico đã không ghi danh để chịu đựng việc này.”

Núi Yucca

Sâu trong sa mạc Nevada, người dân quận Nye từ hàng chục năm nay đã được nghe về đề nghị lưu trữ chất thải phóng xạ nồng độ cao ở núi Yucca. Các phiên điều trần công khai đã bắt đầu kể từ năm 1983.

Năm 1994, các công nhân bắt đầu đào một đường hầm vào núi và một số cơ sở hạ tầng cho kho chứa được xây dựng trong những năm tiếp theo. Năm 2008, DOE đã nộp đơn xin cấp phép cho NRC để xây dựng một đường hầm lưu trữ cố định sâu trong đá, nơi lưu trữ các chất phóng xạ được đóng gói cẩn thận.

Cựu Tổng thống Barack Obama đã hủy bỏ dự án núi Yucca vào năm 2009, khi không dành ra bất kỳ khoản nào trong ngân sách năm 2010 cho việc xử lý chất thải từ các nhà máy điện hạt nhân.

Năm 2017, chính phủ cựu Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi khởi động lại việc cấp phép cho Dự án Núi Yucca. Thống đốc tiểu bang Nevada lúc bấy giờ là ông Brian Sandoval đã thề rằng ông sẽ phản đối mọi nỗ lực tiếp tục xây dựng tại núi Yucca.

Ông Darrell Lacy, cựu giám đốc Văn phòng Dự án Lưu trữ Chất thải Hạt nhân Quận Nye, nói với The Epoch Times: “Quận cảm thấy việc này có thể được thực hiện một cách an toàn.” “Quận cởi mở với việc phát triển kinh tế ở một quận nông thôn không có nhiều lựa chọn khác.”

Dự án hứa hẹn sẽ tạo ra 3,000 việc làm.

“Nếu quý vị nhìn vào các cơ sở hạt nhân khác trên thế giới xung quanh chúng ta, thì cộng đồng địa phương sẽ ủng hộ vì họ nhận ra sự phát triển kinh tế và nguồn thu từ thuế,” ông Lacy nói. “Và họ quen thuộc hơn với các dự án và không dễ bị gieo rắc nỗi sợ hãi vì họ làm việc ở đó hoặc có bạn bè làm việc ở đó.”

Sau khi hàng tỷ USD đã được chi cho dự án này, không rõ cơ sở tại núi Yucca sẽ có được hồi sinh hay không.

“Nếu quý vị nói chuyện với những người trong Bộ Năng lượng và Quốc hội, họ sẽ nói rằng dự án này đã chết. Nhưng không có sự đồng thuận về bước tiếp theo sẽ là gì cho đến khi Quốc hội thông qua một số luật mới.”

Ông Lacy cho biết, bất kỳ kho lưu trữ cố định mới nào cũng sẽ phải mất từ ​​60 đến 100 năm trước khi một dự án bắt đầu tiếp nhận chất thải. Bất kỳ địa điểm nào cũng sẽ phải trải qua quá trình đánh giá khoa học, phê chuẩn giấy phép, quy trình lấy ý kiến công chúng về địa điểm, và quy trình xây dựng.

“Vì thế, quá trình đó không chỉ là làm thế nào để có được sự đồng ý ngày hôm nay? Mà còn là làm thế nào để quý vị giữ được sự đồng ý trong toàn bộ quá trình này?” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng khi các nhà lãnh đạo chính trị thay đổi, thì tình trạng của dự án cũng thay đổi theo họ.

Vào cuối những năm 1970, các chính trị gia Nevada đã mời chính phủ liên bang cân nhắc tiểu bang Nevada làm địa điểm cho một cơ sở lưu trữ. Ngày nay, nhiều nhà lãnh đạo chính trị đang phản đối ý tưởng này.

Ông Lacy nói: “Người dân trong cộng đồng địa phương rất ủng hộ vì chúng tôi đã có Vùng Thử nghiệm [Hạt nhân] Nevada — các chương trình thử nghiệm vũ khí — diễn ra trong suốt những năm 60, 70 và 80.”

Những cuộc thử nghiệm đó đã dừng lại vào năm 1993, nhưng trước đó, các cuộc thử nghiệm đôi khi chỉ là một hình thức giải trí đối với người dân địa phương.

“Ngày xưa người ta thường xếp hàng trên Mount Charleston, một ngọn núi nhìn ra Vùng Thử nghiệm Nevada. Một vị trí đẹp, bằng phẳng ở độ cao 8,000 feet (khoảng 2,438 mét), có khu vực chờ và lối rẽ trên đường, nơi mọi người sẽ đỗ xe và xem các cuộc thử nghiệm hạt nhân trên mặt đất đã được công bố,” ông Michael DeLee, luật sư và nhà môi giới địa ốc ở Amargosa, nói với The Epoch Times. Amargosa là thị trấn gần cơ sở núi Yucca nhất, cách đó khoảng 28 dặm.

Năm 2022, DOE cho biết kể từ năm 1999, họ đã tiến hành vận chuyển hơn 32,000 chuyến hàng vật liệu phóng xạ từ một bãi chứa cũ tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Idaho đến Vùng Thử nghiệm Nevada, hiện được gọi là Vùng An ninh Quốc gia Nevada. Núi Yucca tiếp giáp với Vùng Thử nghiệm Nevada.

Ông Lacy cho biết chương trình quốc phòng của chính phủ liên bang, bắt đầu từ Dự án Manhattan, đã tạo ra một lượng chất thải hạt nhân rất lớn. Nhiên liệu đã qua sử dụng còn sót lại từ quá trình sản xuất điện thương mại chiếm khoảng 80% lượng rác thải sẽ được đưa vào núi Yucca.

DOE có một lượng chất thải đáng kể, một số có từ những năm 1940 và Dự án Manhattan, và hiện đang cố gắng dọn sạch chỗ chất thải này. Số chất thải này đa dạng hơn về chủng loại, hình thức, và mức độ phóng xạ.

“Chúng ta đang chi vài tỷ USD mỗi năm cho chương trình dọn dẹp này và chương trình đang tiến triển chậm chạp,” ông Lacy nói. “Nhưng đó là một mảnh ghép khác cần có lời giải.”

Ông nói, quy trình dựa trên sự đồng ý đang được xem xét sẽ tập trung cụ thể vào chất thải điện thương mại chứ không phải là chất thải hạt nhân cho mục đích quốc phòng và cần phải có giải pháp cho vấn đề đó.

Chất thải được tạo ra như thế nào

Nhiên liệu trong các lò phản ứng hạt nhân là uranium đã được làm giàu và chế tạo thành các viên giống như gốm, được đặt vào các thanh kim loại làm bằng hợp kim zirconium có thể chịu được nhiệt độ cao. Các thanh được bó lại với nhau để tạo thành các cụm nhiên liệu. Nhiên liệu hạt nhân thường được sử dụng trong lò phản ứng từ 3 đến 6 năm. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), cứ mỗi 12–24 tháng một lần, một phần ba nhiên liệu trong lò phản ứng sẽ được dỡ ra và thay thế bằng nhiên liệu mới.

Sau khi được sử dụng trong lò phản ứng, các cụm nhiên liệu trở nên có tính phóng xạ cao và phải ngâm trong bể nước vài năm tại khu vực lò phản ứng. Nhiên liệu đã qua sử dụng tiếp tục tỏa nhiệt do sự phân rã của các nguyên tố phóng xạ được tạo ra khi các nguyên tử uranium bị tách ra trong quá trình phân hạch. Nước trong bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng có tác dụng làm mát nhiên liệu và ngăn chặn bức xạ phát ra.

Trong vài năm, nhiên liệu đã qua sử dụng trở nên nguội dần trong bể và có thể được chuyển đến một thùng chứa dạng thùng khô được lưu trữ tại nhà máy điện trong kho lưu trữ “tạm thời” kể trên.

Bước cuối cùng là thu thập các cụm nhiên liệu đã qua sử dụng từ các cơ sở lưu trữ tạm thời và chuyển nó đến kho lưu trữ cố định dưới lòng đất.

Theo EIA, Hoa Kỳ hiện không có kho lưu trữ ngầm cố định dành cho chất thải hạt nhân cấp độ cao.

Theo EIA, từ năm 1968 đến ngày 31/12/2017, tổng cộng 276,879 cụm nhiên liệu đã được thải ra và lưu trữ tại các cơ sở của 119 lò phản ứng hạt nhân thương mại đã đóng cửa cũng như đang vận hành ở Hoa Kỳ.

Báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ cho biết, có hơn 86,000 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được lưu trữ tại chỗ tại 75 nhà máy điện hạt nhân thương mại đang hoạt động hoặc ngừng hoạt động ở 33 tiểu bang vào cuối năm 2019, với lượng nhiên liệu qua sử dụng tích lũy hàng năm ước tính đạt 2000 tấn.

Ông Lacy nói: “Hiện tại, chúng ta có đủ lượng chất thải để lấp đầy núi Yucca nếu cơ sở núi Yucca được mở cửa. Chúng ta nên xây dựng cơ sở núi Yucca và làm việc để có cơ sở tiếp theo. Bởi vì chúng ta đã có đủ lượng chất thải để lấp đầy núi Yucca.”

EPA đã giới hạn núi Yucca chỉ được phép chứa 70,000 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và chất thải cấp độ cao trừ khi kho lưu trữ thứ hai được mở trong suốt thời gian hoạt động của cơ sở này.

Nhật Thăng biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment