- Tác giả,Charlie Northcott, Helen Spooner & Tamasin Ford
- Vai trò,BBC Africa Eye
- 12 tháng 1 2024
BBC tiết lộ cách nhà lãnh đạo quá cố của Thánh đường Vạn quốc (SCOAN), TB Joshua, giam cầm con gái ruột và tra tấn cô trong nhiều năm trước khi bỏ rơi cô trên đường phố Lagos, Nigeria.
Cảnh báo: Bài viết chứa chi tiết có thể gây đau buồn cho một số độc giả.
“Cha tôi luôn sống trong một nỗi sợ hãi dai dẳng. Ông ấy rất sợ rằng ai đó sẽ lên tiếng,” Ajoke, một trong những con gái của Joshua, cho biết. Ajoke là một trong những người đầu tiên liên hệ với BBC để tố giác hành vi của cha mình mà cô đã chứng kiến tại SCOAN.
TB Joshua, đã qua đời năm 2021 ở tuổi 57, bị cáo buộc thực hiện hành vi xâm hại và tra tấn hàng loạt trong gần 20 năm.
Ajoke, 27 tuổi, sống ẩn dật và đã từ bỏ họ “Joshua” – BBC không công bố tên mới của cô.
Ít người biết về mẹ ruột của Ajoke, bà được cho là một thành viên giáo hội của TB Joshua. Ajoke cho biết cô được Evelyn, vợ của Joshua, nuôi dưỡng từ nhỏ.
Ajoke kể rằng cô từng có một tuổi thơ rất hạnh phúc cho đến năm bảy tuổi. Gia đình từng đi nghỉ ở những nơi như Dubai.
Nhưng rồi một ngày, mọi thứ đã thay đổi khi cô bị đình chỉ học do mắc lỗi. Một nhà báo địa phương, trong bài viết của mình, đã nhắc đến cô với tư cách là con ngoài giá thú của TB Joshua.
Ajoke sau đó bị cho nghỉ học và đưa đến khu phức hợp của SCOAN ở Lagos.
“Tôi bị ép chuyển đến phòng các môn đồ. Tôi không hề tự nguyện mà bị ép buộc trở thành môn đồ,” cô nói.
Môn đồ là một nhóm tín đồ tinh tuyển, tận tụy phục vụ TB Joshua và sống cùng ông ta bên trong khu nhà thờ như mê cung. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, nhiều người sống tại khuôn viên này trong nhiều thập kỷ.
Họ sinh hoạt theo nhiều điều luật chặt chẽ: cấm ngủ quá vài giờ mỗi lần, không được sử dụng điện thoại hay truy cập tài khoản email, và bị ép gọi TB Joshua là “Daddy” (cha).
“Môn đồ bị tẩy não và trở thành những người tiếp tay cho Joshua. Họ làm theo lệnh như xác sống. Không ai thắc mắc về bất cứ điều gì,” cô chia sẻ.
Là một đứa trẻ, Ajoke không chịu tuân theo quy tắc như các môn đồ khác: cô từ chối đứng dậy khi vị mục sư vào phòng và phản kháng lại những quy củ nghiêm ngặt về việc ngủ.
Việc ngược đãi đã bắt đầu ngay sau đó.
Không lâu sau khi đến đây, dù mới bảy tuổi, cô nhớ đã bị đánh đòn vì tiểu dầm và sau đó bị ép phải đi quanh khuôn viên với một biển hiệu treo trên cổ với dòng chữ “Tôi là người tiểu dầm”.
“Thông điệp về Ajoke là trong cô có một linh hồn ác quỷ kinh khủng cần phải bị trục xuất,” một cựu nữ môn đồ nói.
“Trong một cuộc họp môn đồ – ông ta [Joshua] nói mọi người có thể đánh cô ấy. Bất kỳ ai ở trong ký túc xá nữ cũng được phép đánh Ajoke. Tôi vẫn nhớ cảnh mọi người tát cô ấy khi họ đi qua,” cô kể.
Từ lúc Ajoke chuyển đến khu nhà thờ ở Ikotun, Lagos, cô bị đối xử như một kẻ ngoại lai.
“Cô ấy bị gán mác con ghẻ,” Rae, người Anh, cựu môn đồ đã sống 12 năm tại khu nhà thờ, thuật lại. Như hầu hết những cựu môn đồ được BBC phỏng vấn, Rae muốn che giấu họ của mình.
Rae nhớ có một lần khi Ajoke ngủ quá lâu, Joshua đã hét để đánh thức cô ấy dậy.
Một môn đồ khác sau đó đã đưa Ajoke vào nhà tắm, “đánh cô ấy bằng dây điện và sau đó xối nước nóng vào người cô,” Rae kể.
Ajoke nhớ lại: “Tôi hét to nhất có thể, nhưng họ cứ để nước xối vào tôi như vậy rất lâu.”
Cô nói rằng những hành vi ngược đãi như vậy dường như không bao giờ chấm dứt.
“Việc ngược đãi diễn ra một cách liên tục trong nhiều năm. Sự tồn tại của đứa con ngoài giá thú như tôi phá hỏng đi những giá trị mà ông ta [TB Joshua] tuyên bố ủng hộ.”
Việc bạo hành trở nên trầm trọng hơn khi Ajoke 17 tuổi và chất vấn về “hành vi xâm hại tình dục” của Joshua do chính cô chứng kiến.
“Tôi nhìn thấy các nữ môn đồ đi lên phòng ông ta. Họ ở trong đó vài giờ liền. Tôi nghe thấy nhiều điều như: ‘Chuyện đó đã xảy ra với tôi. Ông ta tìm cách ngủ với tôi.’ Rất nhiều người nói những điều tương tự nhau,” Ajoke kể lại.
Có hơn 25 “môn đồ” – đến từ Anh, Nigeria, Mỹ, Nam Phi, Ghana, Namibia và Đức – nói chuyện với BBC và đã cung cấp những lời chứng mạnh mẽ, ăn khớp về việc bản thân từng bị hoặc chứng kiến hành vi xâm hại tình dục.
“Tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi đi thẳng vào phòng làm việc của ông ta ngay ngày hôm đó. Tôi hét lên: ‘Tại sao ông lại làm điều đó? Tại sao ông lại làm tổn thương tất cả những người phụ nữ này?’
“Tôi không còn chút sợ hãi nào đối với người đàn ông này. Ông ta lườm tôi đầy giận dữ, nhưng tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta,” cô nhớ lại.
Emmanuel, là thành viên của nhà thờ trong 21 năm và đã sống trong khu phức hợp này hơn một thập kỷ với tư cách môn đồ, vẫn nhớ rất rõ ngày hôm đó.
“Ông ta [TB Joshua] là người đánh cô ấy đầu tiên… sau đó những người khác cũng tham gia,” anh kể.
“Ông ta nói: ‘Anh có thể tưởng tượng cô ta đang nói gì về tôi không?’ Ngay cả khi bị đánh đập, cô ta vẫn cứ nói điều tương tự.”
Ajoke kể rằng cô bị kéo lê ra khỏi văn phòng của ông ta và đưa vào một căn phòng cách xa những thành viên khác của nhà thờ, nơi cô sống biệt lập trong hơn một năm.
Hình phạt này của SCOAN được gọi là “adaba”, thứ mà Rae cũng đã phải chịu đựng trong suốt hai năm.
Trong khoảng thời gian này, Ajoke nói cô bị đánh bằng thắt lưng và dây xích gần như hằng ngày.
“Tôi không biết bằng cách nào mình có thể sống qua nổi quãng thời gian đó. Tôi thậm chí không thể đứng lên nổi nhiều ngày sau khi bị đòn. Đến tắm cũng không làm được. Ông ta làm mọi điều để ngăn cản mọi người lắng nghe tôi.”
Một ngày khi Ajoke 19 tuổi, cô kể mình bị dẫn ra trước cổng nhà thờ và bỏ lại tại đó. Các vệ sĩ được trang bị vũ khí nhận lệnh không bao giờ cho cô trở lại. Đấy là sáu năm trước khi cha cô [TB Joshua] qua đời.
“Tôi trở thành người vô gia cư. Không có ai để tin tưởng và xin giúp đỡ, tôi chưa hề sẵn sàng để sống như thế.”
Là một phụ nữ trẻ không tiền bạc, Ajoke phải làm mọi thứ để tồn tại và sống lang thang trên đường phố trong nhiều năm.
Năm 2019, sau khi xem một phóng sự của Africa Eye (bộ phận điều tra của BBC) về nhà thờ SCOAN, cô lần đầu tiên liên lạc cho BBC.
Nhưng chỉ đến khi những người khác xác nhận câu chuyện của Ajoke thì một cuộc điều tra dài hơi của BBC về hành vi ngược đãi ở SCOAN mới bắt đầu.
BBC đã liên hệ SCOAN để hỏi về các cáo buộc trong cuộc điều tra. Dù không phản hồi các cáo buộc này, SCOAN phủ nhận những tố cáo được đưa ra trước đó nhằm vào TB Joshua.
Họ viết: “Những lời buộc tội vô căn cứ nhằm vào Nhà tiên tri TB Joshua không phải là chuyện mới… Nhưng chưa hề có lời buộc tội nào được chứng minh.”
Với sự giúp đỡ của các cựu tín đồ và một vài người bạn thân, Ajoke cuối cùng đã thoát khỏi cảnh phải lang thang trên đường phố. Tuy nhiên, cuộc sống ấy đã gây ra cho cô nhiều thương tổn tâm lý.
Dù phải trải qua nhiều đau khổ, cô vẫn kiên quyết nói lên sự thật về cha mình.
“Mỗi lần bị đánh đập, sỉ nhục là tôi lại suy nghĩ về những sai trái của hệ thống này,” cô nói.
Những cựu tín đồ khác nói với BBC rằng việc chứng kiến Ajoke chống lại TB Joshua là một trong những lý do chính khiến họ bắt đầu nghi ngờ niềm tin của mình.
“Ông ta biến chúng tôi thành những nô lệ phục tùng tuyệt đối,” Emmanuel, một cựu tín đồ khác, nói.
“Ajoke có đủ dũng cảm để đối đầu với ông ta. Với tôi, cô ấy là một anh hùng.”
Ajoke nói sự thật là điều quan trọng nhất đối với cô: “Tôi đã mất tất cả, nhà cửa, gia đình, nhưng sự thật vẫn là điều tôi quan tâm hơn cả.”
“Miễn là tôi còn sống, tôi sẽ bảo vệ điều đó bằng bất cứ giá nào.”
Giấc mơ của Ajoke là một ngày nào đó có thể quay lại trường và hoàn tất việc học còn dang dở.
Cuộc điều tra của Africa Eye được thực hiện bởi Charlie Northcott, Helen Spooner, Maggie Andresen, Yemisi Adegoke và Ines Ward.