Ngày 13/01/2024, cử tri Đài Loan bầu tổng thống và Quốc Hội mới. Không ít người lo ngại căng thẳng gia tăng gấp bội, nếu người đắc cử là phó tổng thống Lại Thanh Đức, Đảng Dân Tiến, chủ trương tiếp nối chính sách của bà Thái Anh Văn. Tuy nhiên, trong giới chuyên gia, chính trị gia, phổ biến quan điểm cho rằng nền công nghiệp bán dẫn tối tân mà Đài Loan đang sở hữu tạm thời giúp hòn đảo tránh được nguy cơ bị Trung Quốc tấn công.
Đăng ngày: 12/01/2024
‘‘Thần hộ mệnh’’ của đất nước
Tập đoàn bán dẫn TSMC của Đài Loan, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, được giới quan sát đánh giá là một doanh nghiệp ‘‘kín đáo’’. Tuy nhiên, có thể nói chính công ty này đang nắm một phần yết hầu của nền kinh tế thế giới. TSMC kiểm soát hơn 60% thị trường vi mạch của thế giới, tức các linh kiện thiết yếu cho việc sản xuất xe hơi, vệ tinh, tên lửa, cho đến các đồ dùng như điện thoại di động, hay các dụng cụ điện tử có mặt rộng khắp trong đời sống hàng ngày khác. Với lĩnh vực chip điện tử có kích thước nhỏ hơn 7 nanômét, tập đoàn Đài Loan gần như độc quyền.
Với nền công nghiệp vi mạch đứng đầu thế giới và gần như độc quyền trong lĩnh vực vi mạch siêu nhỏ, TSMC giúp cho xã hội Đài Loan chỉ với 24 triệu dân trở thành một trong các nền kinh tế hùng mạnh nhất của châu Á. Theo một diễn đạt của phóng viên Mỹ Craig Addison, đưa ra những năm 2000, thế độc quyền về chip điện tử giúp cho TSMC trở thành một ‘‘chiếc lá chắn silicium’’ bảo vệ hòn đảo tự trị trước nguy cơ bị Trung Quốc xâm lăng (silicium là vật liệu chủ yếu của các chip điện tử). Một cuộc can thiệp quân sự của Trung Quốc sẽ mang lại các tổn hại vô cùng lớn cho toàn thế giới, và vì vậy Trung Quốc sẽ nhanh chóng bị cô lập.
Bản thân giới chính trị gia Đài Loan, nhất là Đảng Dân Tiến, ngay trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của TSMC. Ứng cử viên phó tổng thống Đài Loan, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-Khim), liên danh với ông Lại Thanh Đức, mới đây nhấn mạnh : TSMC là ‘‘vị thần hộ mệnh’’ của đất nước.
”Sự suy yếu” của TSMC, tâm điểm của cuộc tranh cử tổng thống
Tuần báo Pháp L’Express chú ý đến vai trò lớn của TSMC trong cuộc tranh cử tổng thống Đài Loan (bài ‘‘TSMC, ‘lá chắn’ của Đài Loan : Tương lai của hòn đảo phải chăng phụ thuộc vào ngành công nghệ mũi nhọn này?’’). Trong một cuộc tranh luận hồi đầu tháng, ứng cử viên phó tổng thống Đài Loan Triệu Thiểu Khang (Quốc Dân Đảng), đảng đối lập lớn nhất Đài Loan, đã chủ ý tấn công vào vấn đề nhạy cảm này. Ứng cử viên Quốc Dân Đảng chỉ trích việc đảng cầm quyền Dân Tiến làm căng thẳng gia tăng với Trung Quốc, khiến TSMC – trong ba năm trở lại đây – đã phải đầu tư xây dựng nhiều xí nghiệp ở nước ngoài, như Mỹ, Nhật hay Đức. Điều chưa từng xảy ra trong lịch sử công ty. Việc TSMC đầu tư ra ngoài được coi là một yếu tố làm suy yếu vai trò vị ‘‘Thần hộ mệnh’’ của đất nước.
Sự mong manh của ‘‘chiếc lá chắn silucium’’ đang ngày càng trở thành chủ đề tranh luận giữa các chuyên gia. Những người phản bác lại quan điểm của phe Quốc Dân Đảng cho rằng TSMC trên thực tế đầu tư mạnh tại các quốc gia đồng minh, nhưng phần công nghệ tối tân sản xuất các chip điện tử nhỏ nhất (dưới 3 nm vẫn được giữ lại trong nước). Doanh nghiệp lớn nhất bên ngoài tại bang Arizona, Hoa Kỳ, với khoảng đầu tư 40 tỉ đô la, dự kiến sẽ cho ra lò các sản phẩm thuộc hàng tối tân nhất từ sau năm 2025 – 2026, cũng không đảm nhiệm việc sản xuất các chip nhỏ dưới 3 nm, theo ghi nhận của chuyên gia Mathieu Duchâtel.
Lãnh đạo TSMC Mark Liu, trước khi về nghỉ hưu, trong một cuộc trả lời phỏng vấn New York Times hồi hè năm ngoái, cũng nhấn mạnh là toàn bộ các khâu then chốt trong hoạt động đổi mới công nghệ của công ty được triển khai từ ba thập niên qua sẽ vẫn không rời khỏi đất nước. Tóm lại, những gì tinh túy của tập đoàn công nghệ số một, ‘‘thần hộ mệnh’’ của hòn đảo tự trị và dân chủ vẫn ở lại Đài Loan.
An ninh Đài Loan phụ thuộc vào ‘‘khả năng tự vệ’’ Mỹ – Đài…
Vai trò ‘‘thần hộ mệnh’’ của TSMC với Đài Loan có ý nghĩa thực sự đến mức nào ? Nhà sử học Chris Miller, tác giả cuốn tiểu luận nổi tiếng Chip War (2022), về cuộc chiến chất bán dẫn toàn cầu, trong một cuộc trả lời phỏng vấn l’Express khẳng định : sức mạnh thực sự để bảo vệ Đài Loan không phải là ngành công nghiệp bán dẫn hùng mạnh, mà là sức mạnh quân sự của Mỹ và Đài Loan. Tình hình càng trở nên đáng lo ngại vào lúc ‘‘quân đội Trung Quốc đang trở nên hùng mạnh chưa từng có’’.
Về phần mình, lãnh đạo TSMC Mark Liu khẳng định là ‘‘Mọi thứ nằm trong tay của Hoa Kỳ và Trung Quốc, và cách thức hai bên duy trì mức độ nguyên trạng, và ý đồ của hai bên’’. Dù sao tập đoàn TSMC vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giữa Đài Loan và Trung Quốc. 11% thị phần của TSMC nằm tại Trung Quốc, hay nói cách khác, nền kinh tế Trung Quốc vẫn rất cần đến các sản phẩm của tập đoàn sản xuất chip điện tử số một thế giới này.
… và quan hệ Mỹ – Trung
Nhiều nhà quan sát đặc biệt chú ý đến chính sách ngăn chặn TSMC xuất khẩu các mặt hàng điện tử tân tiến sang Trung Quốc. Bởi Bắc Kinh được coi là sẽ được hưởng lợi khi vừa hy vọng ‘‘giành lại’’ được Đài Loan cùng lúc với bảo tồn được ngành sản xuất chip điện tử. Nếu người dân Đài Loan bầu một tổng thống tìm kiếm mối quan hệ thân thiện hơn với Bắc Kinh, TSMC có thể sẽ khó tuân theo mệnh lệnh của Mỹ trong cuộc chiến chip với Trung Quốc.
Chuyên gia về chiến lược địa chính trị của BCA Research, ông Matt Gertken, cho rằng viễn cảnh xâm lược lùi xa, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ Đài Loan. Còn theo giáo sư Hal Brands (Đại học Johns Hopkins), nếu Washington gia tăng áp lực với Trung Quốc trên mặt trận này, phối hợp với một chính quyền cứng rắn hơn tại Đài Bắc, thì khả năng Bắc Kinh sử dụng vũ lực sẽ cao hơn.
TSMC có hóa giải được các thách thức mới ?
Trong nhiều năm, tập đoàn sản xuất chip bán dẫn thế giới TSMC có thể đã từng đóng vai trò là ‘‘lá chắn silicium’’, ‘‘thần hộ mệnh’’ của hòn đảo, trước tham vọng thôn tính Đài Loan bằng vũ lực của Trung Quốc. Nhưng giờ đây các thay đổi lớn của cục diện địa chính trị toàn cầu, của nền kinh tế toàn cầu đang đặt hòn đảo tự trị và dân chủ Đông Á trước thách thức vô cùng lớn về mặt an ninh. TSMC ắt hẳn vẫn còn một vai trò nhất định trong việc điều hòa quan hệ chính trị căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc, nhưng vai trò được hy vọng này có nguy cơ trở nên suy yếu với xu thế tái công nghiệp hóa của các nước phát triển, đặt cơ sở sản xuất các mặt hàng chiến lược (trong đó có chip điện tử) ngay trong nước, cũng như sự trỗi dậy của các đối thủ mới của TSMC.
Sự phụ thuộc ngày càng nặng nề của Đài Loan vào ngành công nghiệp bán dẫn, với khoảng hơn 40% giá trị hàng hóa xuất khẩu, và khoảng một phần tư GDP hồi năm ngoái, hay nói cách khác nền kinh tế ‘‘độc canh’’ này cũng mang lại những thách thức nội bộ cho xã hội Đài Loan, đặc biệt với việc ngành kinh tế này thu hút đại bộ phận người tài, khoảng cách đãi ngộ chênh lệch rất lớn với bộ phận đa số còn lại của xã hội. Đây là vấn đề được ứng viên tổng thống đảng đối lập Nhân Dân nêu bật trong cuộc tranh cử. Chưa kể đến các thách thức về môi trường to lớn của ngành công nghiệp bán dẫn, mà về nhiều mặt được coi là có khả năng vượt quá điều kiện của hòn đảo. Liệu tập đoàn ra đời năm 1987 của nhà sáng lập Morris Trương Trung Mưu (Chang Chung-Mou), 92 tuổi, tinh hoa của nền kinh tế Đài Loan, của hệ thống chính trị Đài Loan, có đủ sức vươn dậy để vượt qua các thách thức mới ?