12 tháng 1 2024
Thêm một máy bay tiêm kích bom Sukhoi Su-22 rơi ở tỉnh Quảng Nam hôm 9/1. Dù không có thiệt hại về nhân mạng nhưng nhiều câu hỏi đặt ra về năng lực phòng không của Không quân Việt Nam.
Theo thông tin do phi công cung cấp, nguyên nhân ban đầu của sự cố là do máy bay đang bay huấn luyện thì mất kiểm soát. Sau đó, đại úy Đỗ Tiến Đức là phi công điều khiển chiếc Su-22 đã nhảy dù xuống đất an toàn.
Theo UBND thị xã Điện Bàn, chiếc máy bay quân sự bị rơi có số hiệu 90, là một chiếc tiêm kích bom Su-22 của Trung đoàn 929 – Sư đoàn 372 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân.
Bình luận với BBC News Tiếng Việt, nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Thế Phương nói rằng toàn bộ đội máy bay Su-22 của Việt Nam đã rất cũ, đáng ra Quân đội Việt Nam đã phải loại biên các tiêm kích bom này từ lâu.
“Nhưng vì một số khó khăn trong mua sắm máy bay mới nên tới tận thời điểm hiện tại, Su-22 vẫn được tăng niên hạn và duy trì trong biên chế cả huấn luyện và chiến đấu của Không quân Việt Nam.”
Hồi tháng 1/2023, tại Yên Bái, một chiếc Su-22 thuộc Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, cũng đã rơi trong lúc tập luyện khiến một phi công hy sinh.
Trước đó, tháng 4/2019, máy bay Su-22M4 số hiệu 5858 do trung tá phi công Phan Thanh Hải, thuộc Trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371, điều khiển cũng gặp nạn. Phi công nhảy dù an toàn.
Vì sao Su-22 rơi nhiều?
Máy bay chiến đấu Su-22 là phiên bản xuất khẩu của máy bay cường kích Su-17 do Liên Xô phát triển từ những năm 1960. Su-22 được trang bị động cơ tuốc bin phản lực Lyuka AL-21F3 cho phép đạt tốc độ tối đa 1.860km/h, bán kính chiến đấu hơn 500 km, trần bay hơn 14 km, vận tốc leo cao 230 m/s.
Su-22 được bàn giao cho Việt Nam từ thập niên 1970 nhằm thay thế các chiến đấu cơ như MIG-19 vốn đã lạc hậu.
Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, theo nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, đội Su-22 cũng đã trở nên quá cũ và khi quân đội càng tìm cách gia tăng niên hạn sử dụng thì tỉ lệ bị lỗi và tỉ lệ máy bay gặp trục trặc càng cao.
“Việc này cũng nằm trong dự đoán, sai số. Chuyện rơi máy bay dù đáng tiếc thật nhưng vẫn nằm trong tính toán. Trong tương lai, nếu vẫn duy trì đội bay Su-22 thì vẫn sẽ có khả năng máy bay sẽ tiếp tục rơi.”
Về việc gia tăng niên hạn vũ khí, theo ông Phương, có sự khác nhau đối với vũ khí phức tạp như máy bay chiến đấu và luôn có một tỉ lệ phần trăm rủi ro nhất định nhưng chấp nhận được. Nhưng hiện nay, rõ ràng tỉ lệ phần trăm rủi ro đối với Su-22 là khá cao so với bình thường.
“Một máy bay bị rơi có nhiều nguyên nhân khác nhau, do thời tiết, do va phải chim, do lỗi phi công. Nhưng máy bay càng cũ thì khả năng xảy ra tai nạn càng cao.
“Quân đội hiện nay chấp nhận tỉ lệ máy bay có tai nạn và không phải quân đội muốn vậy mà vì hiện nay vấn đề mua máy bay mới cũng như là tìm kiếm ứng cử viên cho Su-22 hiện tại gặp khá nhiều khó khăn, dẫn tới quá trình thay thế đội bay Su-22 bị chậm. Đây là chuyện chẳng đặng đừng,” ông Nguyễn Thế Phương nói với BBC.
Theo báo cáo FlightGlobal về không quân năm 2023, Việt Nam hiện có tổng cộng 34 chiếc Su-22 và 41 Su 27/30 đang hoạt động. Nếu không cho đội Su-22 bay nữa thì sẽ dẫn đến lỗ hổng phòng không trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là rất lớn.
Đó là thế lưỡng nan mà Quân đội Nhân dân Việt Nam đang đối mặt vì nếu duy trì đội này thì phải chấp nhận rủi ro hàng không cao hơn bình thường. Theo ông Nguyễn Thế Phương, Việt Nam chọn cách cố gắng duy trì hoạt động của đội Su-22 cho tới khi nào có thể, ít nhất là đến năm 2030 vì quân đội đặt mục tiêu tới 2030 sẽ hiện đại hóa toàn bộ “tinh, gọn, mạnh”.
Tuy xét về an toàn bay hàng không, trung bình một năm có một vụ rơi máy bay là một tỉ lệ cao nhưng theo ông Phương, xét trên tần suất cất cánh của Su-22 để làm nhiệm vụ, tập huấn mỗi năm tầm 100 chuyến thì đó là tỉ lệ tạm chấp nhận được.
Khi có vụ rơi máy bay, thiệt hại lớn nhất theo nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương là về phi công.
“Ở Việt Nam, việc đào tạo được một phi công có khả năng lái máy bay tiêm kích, cường kích là rất tốn kém, mất đi một người là tổn thất rất lớn nên cái giá phải trả lớn nhất. Vụ rơi máy bay Quảng Nam thì trong cái rủi có cái may, là thiệt hại thấp nhất có thể rồi nhưng nó lại đặt ra câu hỏi về an toàn của đội Su-22.”
Lựa chọn nào thay thế Su-22?
Theo đánh giá của nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, ứng cử viên tiềm năng thay thế cho Su-22 là Su-34 của Nga vì những dòng tiêm kích bom hoặc đa nhiệm khác thuộc hệ phương Tây sẽ đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức lẫn rủi ro về mặt chính trị. Ngoài khâu bảo trì, bảo dưỡng và hậu mãi, Việt Nam sẽ phải tập huấn lại cho phi công để thích ứng với dòng máy bay mới.
“Chưa kể là mối quan hệ chính trị mang tính nhạy cảm. Khi mua vũ khí phương Tây phải kèm với quan hệ hai nước, nhân quyền, công nghệ vì khác với Nga, phương Tây có nhiều ràng buộc hơn khi mua máy bay vì thường sẽ mua vũ khí đi kèm máy bay.
“Phương Tây họ đặt nhiều điều kiện hơn, chưa kể là tiền – một vấn đề quan trọng, ngân sách quốc phòng dù lớn nhưng vẫn phải có nhiều thứ để chi, khi Quân đội Nhân dân Việt Nam đang cố gắng hiện đại hóa bên trong nước thì việc chi tiền để thay thế Su-22 ở thị trường khác ngoài Nga sẽ mang lại cho Việt Nam rủi ro về chính trị và an ninh tương đối lớn,” ông Phương giải thích.
Như vậy, để tìm được ứng cử viên thay thế mà phù hợp chiến lược, chiến thuật của Việt Nam, vừa phù hợp với mối quan hệ ngoại giao Việt Nam hiện tại, vừa phù hợp với túi tiền thì rất khó khăn. Chính vì một số lý do nêu trên, Việt Nam hiện tại vẫn phải duy trì đội Su-22 đã có tuổi đời gần nửa thế kỷ và phải chấp nhận rủi ro máy bay rơi.
Việc mua sắm khí tài ở Việt Nam có gốc rễ sâu từ lịch sử khi Liên Xô đã viện trợ lẫn bán vũ khí cho Việt Nam trong suốt Chiến tranh Việt Nam. Báo chí nhà nước luôn nhắc đến vai trò của Liên Xô trong thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga tiếp tục là đối tác truyền thống của Việt Nam trong việc mua bán vũ khí.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute, SIPRI), Nga chiếm tới 90% lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 1995-2014.
Nhưng tới giai đoạn 2015-2021, con số này giảm, chỉ còn khoảng 68,4%, trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình. Thời điểm Việt Nam nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất là năm 2014, chiếm 90% với tổng trị giá 1 tỷ USD.
Từ đó, số lượng nhập khẩu quốc phòng từ Nga liên tục sụt giảm. Với đại dịch Covid-19, vào năm 2020, Việt Nam nhập khẩu vũ khí của Nga giảm chỉ còn 9 triệu USD và chỉ ở mức 72 triệu USD vào năm 2021 và 2022.
Dù cố gắng giảm sự phụ thuộc về vũ khí từ Nga, Việt Nam cũng vấp phải muôn vàn khó khăn vì đã quen sử dụng khí tài từ Nga, đặc biệt là vũ khí lớn như máy bay quân sự.
“Nga bán vũ khí lâu năm cho Việt Nam nên từ khâu hậu cầu cho đến bảo dưỡng bảo trì, hậu mãi, thủ tục đàm phán đều quen thuộc. Nhưng Nga lại vướng vào cuộc chiến ở Ukraine, bất cứ hợp đồng mua bán nào của Hà Nội với Moscow ở thời điểm hiện tại sẽ bị soi rất kĩ.
“Ngay cả bản thân Nga cũng đang tập trung công nghiệp quốc phòng cho cuộc chiến Ukraine dẫn tới áp lực về nguồn cung. Với Việt Nam thì mua bán những lô khí tài lớn ở thời điểm hiện tại mang nhiều rủi ro, chẳng hạn có thể chất lượng không được tốt như trước chiến tranh, rủi ro việc giao hàng đúng hạn. Tất cả những yếu tố đó khiến cho Việt Nam lâm vào thế khó,” ông Phương phân tích với BBC.
Tính khả thi việc hiện đại hóa quân đội
Năm 2021, chương trình hiện đại hóa lớn nhất trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam được thông qua trong Đại hội đảng XIII với mục tiêu: “Xây dựng quân đội tinh gọn và vững mạnh vào năm 2025 và quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tiên tiến, hiện đại vào năm 2030.”
Theo định hướng này, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ được xem là dọn đường cho Việt Nam tiếp cận với nguồn cung vũ khí từ những quốc gia đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc,…
Từ việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ lên mức Đối tác Chiến lược toàn diện, Việt Nam sẽ có thêm một số lựa chọn trong việc tìm kiếm ứng cử viên thay thế cho một số khí tài không chỉ của không quân mà còn là hải quân và lục quân, bằng một số vũ khí phương Tây phù hợp.
“Việt Nam bắt đầu có suy tính mua khí tài của Mỹ và đó sẽ là những bước đi dò dẫm, để thử nghiệm xem quá trình mua sắm vũ khí phương Tây. Vì mua vũ khí đi kèm với nhiều thứ rất nhiêu khê, quy trình mua bán vũ khí của Mỹ minh bạch hơn với Nga, phải được Quốc hội, Bộ Ngoại giao thông qua. Việt Nam phải thử xem quá trình đó có trơn tru hay không.
“Thời điểm hiện tại, năng lực phòng không của Việt Nam chưa ổn vì lúc luyện tập máy bay còn rơi thì khó mà chiến đấu thực tế và khí tài còn nhiều lỗ hổng. Năm 2015, Việt Nam cho nghỉ hưu toàn bộ MIG-21 và đến giờ vẫn chưa có đội thay thế,” ông Nguyễn Thế Phương bình luận.
Nhiều quan sát cho rằng, từ đây tới năm 2030, Việt Nam sẽ có những chuyển động liên quan tới quá trình hiện đại hóa về không quân, hải quân – theo những gì QĐVN đã đề ra mục tiêu.
Theo đó, việc mua sắm vũ khí từ các đối tác phi truyền thống cũng nằm trong chiến lược đa phương, đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của Việt Nam.
Năm 2022, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt cho biết doanh nghiệp quân đội mỗi năm đóng góp khoảng 15-20 tỷ USD, tức 5% GDP Việt Nam. Đây là một tín hiệu khả quan để đi đến mục tiêu năm 2030.
Theo ông Thế Phương, việc thành công đạt được mục tiêu năm 2030 hay không tùy vào chiến lược và khả năng của Việt Nam trong việc xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng nội địa vì “không tự chế được vũ khí – tự chủ chiến lược thì thua”.
Với khả năng ngoại giao cây tre, đa phương của mình, vấn đề ở đây là Việt Nam liệu có tận dụng được để tăng cường trao đổi công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với các đối tác như Hàn Quốc, Nhật, đặc biệt là phương Tây hay không.
Một yếu tố khác mà nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương nhắc đến là bài toán kinh tế, Việt Nam cần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt để có tiền đầu tư cho quốc phòng. Ông Phương cho rằng, có nhiều tín hiệu “lạc quan” về việc hiện đại hóa quân đội dù hiện tại, không quân và hải quân là hai mảng đang gặp khá nhiều vấn đề.
Một điều dễ nhận thấy là những năm nay, Việt Nam tiến tới việc đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, đặc biệt là sau cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra, Việt Nam càng ráo riết mua vũ khí từ các nguồn khác như Israel, Belarus, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Hà Lan, trong giai đoạn 2015-2021.
Bên ngoài nguồn cung từ Nga và các nước cựu XHCN, Việt Nam gần đây đã mua các loại máy bay phục vụ cho tuần tra biển, vận tải từ Canada và châu Âu như thủy phi cơ DHC-6, CASA C-212, C-295.
Israel đã bán cho Việt Nam một số vũ khí như tên lửa bờ biển EXTRA và máy bay không người lái Orbiter 2, được trang bị cho Hải quân Việt Nam.
Hồi tháng 9, Reuters đưa tin chính quyền ông Joe Biden đang có các cuộc đàm phán với Việt Nam về một thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử, có thể là các chiến đấu cơ F-16.
Năm 2018, Việt Nam đã mua tàu săn ngầm lớp Pohang của Hàn Quốc với giá hữu nghị. Còn Ấn Độ đã tặng cho Việt Nam tàu hộ tống tên lửa INS Kirpan, do Ấn Độ tự đóng.