2024.01.11
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9/2023
Nhân quyền Việt Nam năm 2023 tiếp tục tồi tệ đi. Tình trạng đó không chỉ do Chính phủ Hà Nội gia tăng đàn áp, mà còn là hậu quả của “ngoại giao đổi chác”. Tức chính phủ các nước phát triển, vì lợi ích chiến lược của họ mà bỏ qua tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam.
Tối ngày 11/1 (giờ Hà Nội), Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human rights watch – HRW) đã công bố bản báo cáo nhân quyền thường niên năm 2024 để đánh giá việc thực hành nhân quyền của hơn 100 quốc gia trong năm qua.
Ngoại giao “đổi chác”
Trong buổi công bố bản báo cáo, Giám đốc Điều hành HRW, bà Tirana Hassan đánh giá 2023 là một năm để lại nhiều hậu quả, không chỉ bởi sự đàn áp nhân quyền và thảm họa chiến tranh, mà còn cả với việc các chính phủ lựa chọn ngoại giao kiểu đổi chác (transactional diplomacy). Điều này đã gây tổn hại nặng nề cho quyền lợi của những ai không trong tầm thỏa thuận của họ.
Ngay cả các nước xưa nay vốn tôn trọng nhân quyền đôi khi cũng coi các nguyên tắc nhân quyền cơ bản như là một sự “lựa chọn”, để đổi lại các lợi ích về an ninh, thương mại, chiến lược.
Tiến hành ngoại giao đổi chác với sự che đậy là nguy hiểm. Cố gắng tách biệt nhân quyền và pháp quyền khỏi những quyết định mang tính thực dụng sẽ lãng phí đòn bẩy có thể gây ảnh hưởng đến chính sách và thực thi của các chính phủ vi phạm nhân quyền. Nó cũng có thể góp thêm phần gia tăng vi phạm nhân quyền, bao gồm cả đàn áp xuyên quốc gia – Bà Tirana Hassan đánh giá.
Một trong những ví dụ cho ngoại giao kiểu đổi chác này là Việt Nam.
Báo cáo nhận định chính quyền tổng thống Joe Biden vì muốn tăng cường hợp tác với các nước như Việt Nam, Philippines hay Ấn Độ để đối trọng với Trung Quốc mà bỏ qua các hành vi vi phạm nhân quyền của các quốc gia này.
Tháng 9/2023, hai nước Việt Nam và Mỹ nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện nhưng Mỹ lại rất ít đề cập đến tình trạng vi phạm nhân quyền tồi tệ với Việt Nam. Cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ hồi tháng 11, Việt Nam cũng không đưa ra bất kỳ cam kết hay thay đổi đáng kể nào về chính sách.
Các chính phủ dân chủ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, vẫn đạt được các thỏa thuận thương mại với rất ít cam kết về nhân quyền ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Việt Nam và Indonesia.
Năm 2023, Úc và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau chuyến thăm của Thủ tướng Úc vào tháng 6, Ông Châu Văn Khảm, một người Úc gốc Việt, đã được trả tự do sau bốn năm bị giam giữ với cáo buộc “khủng bố nhằm chống chính quyền”. Tuy nhiên, những người bị bắt cùng vụ án với ông Khảm, mang quốc tịch Việt Nam, bao gồm Nguyễn Văn Viễn, Trần Văn Quyền vẫn còn bị nhốt sau song sắt. Úc và Việt Nam nhiều khả năng sẽ nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” trong năm 2024 này.
Nhật Bản, năm 2023, vẫn là nhà tài trợ, viện trợ song phương quan trọng nhất của Việt Nam. Vào tháng 11/2023, trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hai nước đã nâng cấp mối quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Tuy nhiên, như thường lệ, Nhật Bản vẫn hạn chế bình luận công khai về thành tích nhân quyền kém cỏi của Việt Nam.
Ngay sau khi bản báo cáo được công bố, ông Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu trong một bài viết được đăng trên trang web của tổ chức này, nói rằng “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần chấm dứt thái độ phủi tay cho qua với một hệ tiêu chuẩn kép công nhiên đã vô hiệu hóa các sức ép đối với Hà Nội về nghĩa vụ hoàn tất các cam kết nhân quyền.”
Một năm nhân quyền ảm đạm
Nhân quyền Việt Nam năm 2023 bị đánh giá là ảm đạm bởi một loạt các quyền quyền cơ bản như tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, đi lại và tôn giáo tiếp tục bị đàn áp một cách có hệ thống. Đảng Cộng sản trừng phạt hà khắc đối với bất kỳ cá nhân, lực lượng nào mà đảng cho là thách thức sự độc tôn cầm quyền của mình.
Theo báo cáo, năm 2023 chứng kiến một loạt các vụ đại án tham nhũng liên quan đến COVID -19 có sự dính líu của các quan chức cấp cao trong đảng, đã khiến ông cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai phó thủ tướng phải mất chức. Tuy nhiên, các sự kiện chấn động hệ thống chính trị này cũng không giúp cải thiện hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Các cách thức đàn áp nhân quyền của chính phủ Việt Nam vẫn tương tự như năm 2022, nhưng với một mức độ nặng nề hơn.
Về quyền tự do ngôn luận, những người chỉ trích chính phủ, những nhà hoạt động vẫn phải đối mặt với sự đe dọa, quấy rối, bắt giữ và bỏ tù một cách tuỳ tiện qua những phiên tòa bất công.
Theo HRW, Việt Nam hiện đang giam giữ khoảng 160 người thực hiện các quyền tự do cơ bản một cách ôn hoà. Trong 10 tháng đầu năm 2023, có ít nhất 28 nhà hoạt động nhân quyền bị bỏ tù với những bản án dài hạn liên quan đến “an ninh quốc gia”.
Việt Nam cũng tiếp tục gia tăng đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự trong năm qua. Tháng Năm, công an bắt giữ nhà bảo vệ môi trường hàng đầu Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc ngụy tạo về tội trốn thuế.
Về quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, chính phủ vẫn kiểm soát chặt chẽ các tờ báo, đài truyền hình… Báo chí độc lập vẫn bị cấm; yêu cầu các công ty mạng xã hội đóng cửa hoặc xóa bài đăng các trang blog hay tài khoản bị cho là đăng tải các thông tin bất lợi cho nhà nước.
Theo HRW, Chính quyền Việt Nam liên tục yêu cầu các công ty truyền thông xã hội, bao gồm Meta (Facebook và Instagram), Google và TikTok xóa nội dung chỉ trích chính phủ hoặc lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong ba tháng đầu năm 2023, Meta tuân thủ 93% yêu cầu xóa gỡ nội dung của chính phủ. Tỷ lệ này đối với YouTube là 93% và Tiktok là 91%.
Tờ Washington Post, hồi tháng 6, đưa tin Meta hợp tác với chính phủ Việt Nam để ngăn chặn quyền tự do ngôn luận. Hai cựu nhân viên của Meta nói với báo chí rằng Meta “đã thông qua một danh sách nội bộ các quan chức Đảng Cộng sản Việt Nam không được chỉ trích trên Facebook” và danh sách này “được giữ kín ngay cả trong nội bộ công ty và chưa được đưa tin công khai trước đây”.
Về quyền Tự do tôn giáo, tín ngưỡng, chỉ những tổ chức tôn giáo dưới sự kiểm soát và chấp thuận của nhà nước mới được phép hoạt động. Các tổ chức tôn giáo độc lập bị cấm với lý do có hại cho “lợi ích quốc gia, trật tự công cộng hoặc mối đại đoàn kết dân tộc”.
Các nhóm tôn giáo không được công nhận bao gồm Phật giáo Hoà hảo thuần tuý, Cao Đài chơn truyền, các nhóm tin lãnh ở Tây Nguyên… bị công an theo dõi, sách nhiễu và đàn áp thô bạo. Tín đồ của các tôn giáo này phải chịu sự chỉ trích công khai, buộc phải từ bỏ đức tin, câu lưu, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù. Theo HRW, tính đến tháng 9/ 2021, Việt Nam thừa nhận chưa chính thức công nhận khoảng 140 tôn giáo với xấp xỉ một triệu tín đồ.