- Tác giả,Wyre Davies
- Vai trò,Phóng viên theo dõi vùng Trung Đông, BBC
- 15 tháng 1 2024
Một trăm ngày trước, điều trước đó không ai nghĩ là có thể xảy ra đã xảy ra ở Israel. Một quốc gia, ra đời từ nghịch cảnh và chiến tranh chỉ cách đây 75 năm, đã tỉnh dậy trước điều mà một số người mô tả là mối đe dọa đối với chính sự tồn tại của quốc gia đó.
Vào tối thứ Bảy, tại Tel Aviv, sự kiện ngày 7 tháng 10 đã được hàng nghìn người kỷ niệm. Điều quan trọng nhất hằn sâu trong tâm trí mọi người là khoảng 130 con tin bị Hamas bắt cóc và vẫn đang bị giam giữ ở Gaza, một số người trong số họ có thể không còn sống nữa.
100 hôm trước, khi bình minh vừa ló rạng, hàng nghìn chiến binh Hamas được trang bị vũ khí đầy đủ đã xông qua hàng rào biên giới Gaza ở nhiều điểm khác nhau.
Họ tấn công các kibbutzim (các nhóm cộng đồng định cư của người Do Thái), các căn cứ quân sự và các thị trấn biên giới, những nơi vốn đã quen với các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Gaza nhưng vẫn bị choáng ngợp trước quy mô của cuộc tấn công của Hamas.
Ít nhất 1.200 người thiệt mạng dọc theo chiều dài biên giới khi lực lượng phòng thủ của Israel hoàn toàn bị bất ngờ.
Hình ảnh hàng trăm thanh niên yêu âm nhạc chạy trốn để giành lấy mạng sống tại lễ hội Nova đã khiến Israel chấn động đến tận xương tủy. Hơn 360 người đã thiệt mạng tại địa điểm tổ chức lễ hội và hàng chục người khác bị bắt cóc đến Gaza.
Số thường dân thiệt mạng trong vụ pháo kích của Israel sau khi Hamas tiến hành các cuộc tấn công đó là rất lớn. Theo Bộ Y tế do Hamas điều hành, hơn 23.000 người đã thiệt mạng, nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em. Hàng ngàn người khác được cho là đã chết dưới đống đổ nát.
Tại Israel hôm thứ Bảy, trong số những người tham dự sự kiện kỷ niệm lớn ở Tel Aviv có gia đình của những người mất tích, mang theo áp phích và mặc áo phông in hình gương mặt người thân yêu của họ.
Tôi đã nói chuyện với Yossi Schneider – em họ của Shiri Bibas, người bị bắt cóc cùng với hai đứa con nhỏ và chồng của cô ấy.
“Có 130 người, chủ yếu là thường dân bị giam giữ mà không có thuốc men và Hội Chữ thập đỏ thậm chí không được phép đến thăm họ”, Yossi nói, tức giận vì đại gia đình nhận được rất ít thông tin về tình hình sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của họ.
“Có ba thế hệ trong gia đình tôi đã biến mất. Ba thế hệ trong gia đình tôi! Và thế giới đang giữ im lặng và yêu cầu chúng tôi giữ bình tĩnh. Tôi không thể chịu đựng được nữa,” anh nói thêm, mệt mỏi nhưng rõ ràng thất vọng.
Hầu hết mọi người ở đây sẽ nói rằng ngày 7 tháng 10 là mối đe dọa lớn nhất mà Israel từng phải đối mặt, và người Israel chưa bao giờ cảm thấy dễ bị tổn thương như vậy. Trong khi việc đưa các con tin trở về an toàn là ưu tiên tuyệt đối của họ, nhiều người cũng đồng ý với mục tiêu chiến tranh của chính phủ ở Gaza và rất ít người kêu gọi khoan dung và cùng tồn tại.
Khi phòng tuyến phòng thủ đang bị lung lay của Israel cuối cùng đã phản ứng với những gì đang xảy ra ở miền nam khi ngày thứ Bảy ngày 7 tháng 10, quân đội Israel đã bắt tay vào một chiến dịch ném bom chưa từng có ở Gaza – mục tiêu là nhằm tiêu diệt hoàn toàn Hamas và những gì hỗ trợ cho tổ chức này.
Phần lớn lãnh thổ, từ thành phố Gaza ở phía bắc đến Khan Younis ở phía nam, đã bị phá hủy.
Israel cho biết Hamas đã bị suy yếu nghiêm trọng và theo quân đội Israel, lực lượng này gần như không thể hoạt động được với tư cách là một lực lượng có tổ chức ở miền bắc Gaza.
Nhưng số thường dân thiệt mạng trong vụ oanh tạc của Israel là rất lớn.
Các quan chức Palestine cho biết 85% dân số Gaza đã phải sơ tán. Trong khi nhiều viện trợ đang được chuyển tới Gaza, người đứng đầu cơ quan nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đã mô tả tình hình là “không thể chấp nhận được”.
Faten Abu Shahada cần phải chạy thận thường xuyên, đó là một lý do khiến chị và gia đình buộc phải chuyển về phía Nam. Ngôi nhà của Faten và những đứa trẻ giờ là một chiếc lều nhựa ở Khan Younis – họ thường xuyên nghe thấy âm thanh của chiếc máy bay không người lái của Israel lượn phía trên .
“Gaza đã bị phá hủy. Không còn Gaza – không bệnh viện, không giáo dục,” Faten nói. “Con cái chúng tôi mất đi năm học, Gaza không còn tồn tại nữa.”
Israel đang chịu áp lực quốc tế ngày càng tăng trong việc cân nhắc lệnh ngừng bắn hoặc tạm dừng tấn công ở Gaza, do dân thường đang phải chịu đựng quá nhiều.
Ngay cả đồng minh thân cận nhất của họ là Hoa Kỳ, quốc gia luôn bảo vệ quyền tự vệ của Israel và ngăn chặn sự lặp lại của ngày 7 tháng 10, cũng đã nhiều lần nói với Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng số dân thường thiệt mạng là “quá cao”.
Tổng thống Biden đã nói về “vụ ném bom bừa bãi” của Israel, điều mà ông nói có nghĩa là nước này đang mất đi sự ủng hộ trên toàn thế giới.
Gideon Levy là người phụ trách chuyên mục của tờ báo Haaretz của Israel và là người thường xuyên chỉ trích ông Netanyahu. Tôi hỏi ông liệu cuộc chiến này – vốn đã là cuộc chiến dài nhất ở Israel kể từ năm 1948 – liệu có sớm kết thúc hay không.
Levy nói: “Cuộc chiến trong tình trạng hiện tại sẽ kéo dài chừng nào người Mỹ còn cho phép Israel (làm điều đó)”.
Ông nói thêm: “Tôi không nghĩ sẽ còn nhiều tuần nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là chiến tranh đã kết thúc vì không ai nghĩ đến ngày hôm sau.
“Nếu Israel không rút khỏi Gaza thì sẽ có sự phản kháng. Và nếu có sự phản kháng thì sẽ có sự trả đũa.”
Khi quân đội Israel tiếp tục tấn công các vị trí của Hamas ở miền trung và miền nam Gaza, có vẻ như ông Netanyahu còn lâu mới có ý định kết thúc chiến tranh.
Israel tuyên bố giao tranh sẽ không kết thúc cho đến khi Hamas bị đánh bại hoàn toàn. Tương lai trước mắt trên toàn khu vực, đặc biệt là đối với hàng nghìn thường dân sống trong điều kiện kinh khủng ở Gaza, là đặc biệt ảm đạm.