Sưu tầm tư liệu và biên soạn: Minh Doan Thi
Ảnh: sưu tầm
Theo một số tài liệu, 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao gồm:
-13 bia khắc các khoa thi Tiến sĩ triều đại nhà Lê Sơ
– 1 bia khắc khoa Tiến sĩ triều đại nhà Mạc
-68 bia khắc các khoa thi Tiến sĩ triều đại nhà Lê trung hưng.
Mỗi tấm bia đều khắc danh tính cùng thứ bậc và quê quán, gồm 1.304 lượt người (có người thi đỗ 2, 3 lần). Tất cả các văn bia được dựng từ năm 1484 đến năm 1780, trong vòng gần 300 năm, to nhỏ tùy theo từng triều đại.
Giá trị và nét độc đáo của 82 bia đá tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn ở các bài văn được khắc trên bia đá, ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài.
Một vài ví dụ:
*Bài văn khắc trên bia đá của khoa thi đầu tiên năm 1442, được dựng vào năm 1484 viết như sau:
“Hiền tài là nguyên khí Quốc gia. Nguyên khí hưng thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc Đế Vương Thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí Quốc gia làm công việc cần kíp”
*Trích Văn bia khoa thi năm 1478:
“Nếu kẻ nào nhờ vào việc thi đỗ để làm cái cầu ấm no, mượn con đường ẫy để làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước thì người ta sẽ chỉ tận tên mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước, làm gầy người béo mình, kẻ này hãm hại người thiện, bè đảng với lũ gian, nhơ nhuốc cho khoa mục…”
*Trích Văn bia khoa thi năm 1554:
“Những người có chức quan vẫn thường nghiền ngẫm trung nghĩa, dồi mài liêm cần, nguyện làm vị Trạng nguyên trung hiếu, làm bậc quân tử ngọc vàng, ngõ hầu không hổ thẹn với các bậc tu thân toàn mỹ đời trước. Thảng hoặc có kẻ ngoài ngọc trong đá, tiếng phượng hoàng mà lông diều hâu, làm kẻ gian tà hèn nhát, làm kẻ tầm thường a dua nịnh hót không biết hổ thẹn bởi sự chỉ trích chê bai của người đời sau.
Vậy tấm đá này dựng lên uy nghiêm suốt cả ngàn năm, công luận phải trái vẫn còn đó, há chẳng đáng sợ lắm thay…”
*Trích Văn bia khoa thi năm 1583:
“Một khi đã khắc tên lên tấm đá này, người đời sau đến xem sẽ chỉ tên và bảo nhau: người này được, người kia hỏng, người này hay, người kia dở. Nhờ đó mà kẻ thiện biết tự khuyến khích, kẻ ác biết tự răn đe.Thế thì tấm đá này dựng lên, há chỉ chuộng hư danh làm cho đẹp mắt mà thôi đâu. Ý nghĩa sâu xa của sự khuyến khích răn đe chính gửi ở trong đó…”
*Trích Văn bia khoa thi năm 1662:
“Đạo trị nước không gì quan trọng hơn nhân tài, mà nhân tài thì phải tiến thân do con đường khoa mục…”