- Tác giả,Oliver Slow
- Vai trò,BBC News
Gần 100 người bị đưa ra xét xử ở Việt Nam với cáo buộc liên quan đến các vụ tấn công phối hợp bằng súng gây chết người nhắm vào các trụ sở chính quyền địa phương.
Các vụ tấn công ở Tây Nguyên năm ngoái khiến chín người thiệt mạng, trong đó có bốn nhân viên cảnh sát.
Các vụ tấn công diễn ra tại khu vực nơi người dân tộc thiểu số nói rằng họ bị chính quyền đàn áp.
Cơ quan công tố lập luận rằng những kẻ tấn công muốn thành lập một nhà nước độc lập.
Vào sáng hôm 11/6, một nhóm đi xe máy dùng súng và các loại vũ khí khác tấn công trụ sở ủy ban và đồn công an địa phương ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, cách TP.HCM khoảng 300 km về phía bắc.
Chín người thiệt mạng, trong đó có bốn nhân viên cảnh sát, hai cán bộ địa phương và ba dân thường.
Tại phiên tòa – bắt đầu vào thứ Ba và dự kiến kéo dài 10 ngày – 98 người bị buộc tội khủng bố, một người tội che giấu tội phạm và một người khác tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Hình phạt cho tội khủng bố ở Việt Nam có thể bao gồm hình phạt tử hình. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết họ tin rằng có “nhiều” vụ hành quyết được thực hiện ở nước này mỗi năm.
Có sáu bị cáo bị xét xử vắng mặt và đang bị lệnh bắt giữ quốc tế.
Tại Việt Nam, việc thường dân sở hữu súng bị coi là bất hợp pháp, và bạo lực súng đạn là điều rất hiếm xảy ra.
“Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng… những kẻ khủng bố muốn lật đổ nhà nước, thành lập cái gọi là nhà nước Dega,” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc H’Yim Kdoh được dẫn lời, nói.
Người Dega là một sắc tộc thiểu số theo Thiên chúa giáo, sống chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên; một số người muốn có quyền tự trị, tách khỏi nhà nước.
Bà H’Yim cho biết trong quá trình điều tra, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội nhưng nói họ bị ép phải tham gia vào cuộc tấn công.
Cảnh sát đã tịch thu 23 khẩu súng và súng trường, 2 lựu đạn, 1.199 viên đạn và các thiết bị nổ khác sau các vụ tấn công mà họ mô tả là “man rợ và vô nhân đạo”.
Nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số ở Việt Nam từ lâu đã phàn nàn về việc họ bị đàn áp bởi Đảng Cộng sản, vốn nắm quyền thống trị hệ thống chính trị độc đảng ở Việt Nam.