17 tháng 1 2024
Trung Quốc đã chuẩn bị gì cho Hải chiến Hoàng Sa 1974 mà họ gọi là “Tự vệ Phản kích Tây Sa”? Báo nhà nước Trung Quốc tiết lộ hành động của các lãnh đạo Bắc Kinh quanh thời điểm quan trọng này.
Lúc 10 giờ sáng ngày 18/1/1974, khi Mao Trạch Đông còn chưa thức giấc, một văn bản đã được đặt ngay ngắn trên bàn làm việc của ông. Đó là bản báo cáo do Thủ tướng Chu Ân Lai và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh ký, tường trình tình hình Hoàng Sa và kế hoạch “bảo vệ” quần đảo này.
Liên tục trong một tuần trước đó, căng thẳng Hoàng Sa leo thang không chỉ trên bình diện ngoại giao mà cả trên thực địa.
Thức dậy, Mao vừa xem báo cáo, vừa “chìm sâu vào suy nghĩ”, trong đó là cả một đoạn sử về giằng co chủ quyền Hoàng Sa từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lập quốc cho tới những diễn biến vừa qua. Với Mao, quyết định lần này không chỉ có ý nghĩa với riêng Trung Quốc mà còn vì “ổn định thế cục thế giới”.
Nghĩ đến đấy, Mao bèn cầm bút phê lên hai chữ: “Đồng ý”, đoạn nói: “Xem ra không đánh một trận thì không bảo vệ được quyền và lợi ích của Trung Quốc trên biển”.
Đó là cách tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc mô tả quá trình phê duyệt đề xuất đánh Hoàng Sa của Mao.
Hải chiến Hoàng Sa là trận chiến với nước ngoài đầu tiên trong lịch sử hiện đại của hải quân Trung Quốc. Đó cũng là trận đánh cuối cùng do Mao Trạch Đông quyết định.
Khi ấy Mao giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và đã 81 tuổi, độ tuổi mà ông tự trào là sắp phải “đi gặp Marx”.
Sau khi được Mao đồng ý, Chu Ân Lai cùng bộ sậu Quân ủy Trung ương lên phương án tác chiến.
Sáng sớm ngày 19/1, tiểu tổ lãnh đạo được thành lập gồm 5 thành viên: Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Trần Tích Liên. Tô Chấn Hoa được bổ sung sau đó, thành ra 6 người.
Theo đề xuất của Chu Ân Lai thì Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình đại diện đảng phụ trách chính, lập tức sang Bộ Tác chiến Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo.
Chu Ân Lai gọi điện cho Diệp Kiếm Anh, nói ngắn gọn: “Anh giữ quyền phụ trách. Hãy đến Bộ Tổng tham mưu để chỉ huy tác chiến.”
Đặng Tiểu Bình lúc bấy giờ vừa trở lại chính trường sau khi bị ép lao động cải tạo ở Giang Tây. Đặng là một trong những nạn nhân của Đại Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng.
Trưa cùng ngày, trận chiến chính thức nổ ra.
Theo tờ Nhân Dân nhật báo, trong lúc chiến sự diễn ra, không khí tại Bộ Tác chiến Bộ Tổng tham mưu “có phần căng thẳng”: trong khi Diệp Kiếm Anh không ngớt hỏi tình hình tiền tuyến thì Đặng Tiểu Bình hút thuốc “hết điếu này sang điếu khác”.
Đến 2 giờ chiều, tin thắng trận báo về, Diệp được mô tả là đã phấn khích hô lên liên tiếp “đánh hay lắm”, còn Đặng hít sâu một hơi thuốc trước khi dập điếu rồi nói với Diệp: “Ta đi ăn cơm thôi”.
Sau thắng lợi ban đầu, Đặng và Diệp, với sự ủng hộ của Mao, lệnh Quân khu Quảng Châu đánh chiếm tiếp ba đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là San Hô), Hữu Nhật (Trung Quốc gọi là Cam Tuyền) và Quang Ảnh (Trung Quốc gọi là Kim Ngân). Lý do, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, là để “dạy cho quân xâm lược Nam Việt một bài học”.
Khoảng nửa năm sau Hải chiến Hoàng Sa, tháng 7/1974, Mao Trạch Đông được chẩn đoán mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS), khiến cơ thể mất từ từ khả năng điều khiển vận động. Đó chỉ là một trong số nhiều bệnh mà Mao đã mang sẵn từ trước.
Sau khi Mao chết năm 1976, Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, dẫn dắt công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế của nước này.
Tuy lập trường chính thức của Trung Quốc trong giai đoạn đó là “gác lại vấn đề chủ quyền, cùng nhau phát triển”, nhưng dưới thời Đặng, quân Trung Quốc và Việt Nam còn một lần nữa chạm trán trong Hải chiến Gạc Ma 1988.
Hải chiến Hoàng Sa 1974 đánh dấu một trong những bước quan trọng để từ đó Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược bành trướng trên Biển Đông.
Đây cũng là thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển hải quân của Trung Quốc thời hiện đại, từ chỗ “hầu như không có khả năng chiến đấu trên biển” trở thành một trong những lực lượng hải quân hàng đầu thế giới.